Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 8 - Chân trời sáng tạo
Gồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
A. NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Phần đọc hiểu
a. Thơ sáu chữ, bảy chữ
- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ (sáu tiếng). Các dòng thơ trong bài thường ngắt nhịp 2/2/2 hoặc 4/2, có khi ngắt nhịp 3/3
- Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ. Các dòng trong bài thơ thường ngắt nhịp 4/3, cũng có khi ngắt nhịp 3/4. Cách ngắt nhịp còn phụ thuộc vào nghĩa của câu thơ, dòng thơ
- Bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ thường có nhiều vần. Vần thường và vần chân, có thể gieo vần liền hoặc vần cách
b. Văn bản thông tin
- Là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.
- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực. Người đọc hoặc người nghe có thể hiểu chính xác những gì được mô tả và giới thiệu trong văn bản này. Điều này đòi hỏi người viết phải sử dụng ngôn từ rõ ràng, logic và tránh sử dụng yếu tố hư cấu hay tưởng tượng.
- Thông tin trong văn bản có thể được tổ chức theo nhiều cách khác nhau. Một số cách tổ chức thông tin phổ biến bao gồm: theo nguyên nhân-kết quả, theo trật tự thời gian, theo so sánh và phân loại, và theo vấn đề và giải pháp. Cách tổ chức thông tin phụ thuộc vào mục đích và đối tượng của văn bản.
c. Văn bản nghị luận
- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng… Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất
- Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận
d. Truyện cười
- Truyện cười là một thể loại tự sự có dung lượng nhỏ, dùng tiếng cười vừa để chế giễu những thói hư tật xấu, những điều trái tự nhiên, trái thuần phong mĩ tục của con người vừa nhằm mục đích giải trí. Truyện cười thường ngắn, cốt truyện tập trung vào sự việc có yếu tố gây cười, tình huống trớ trêu, những nghịch lí trong đời sống,...
Bối cảnh được xây dựng trong truyện cười thường bị cường điệu so với thực tế, có yếu tố bất ngờ. Nhân vật chính trong truyện cười thường là đối tượng bị chế giễu. Ngôn ngữ truyện cười dân dã, nhiều ẩn ý.
- Truyện cười thường là truyện dân gian, tuy nhiên cũng có cả ở hình thức truyện kể của văn học viết.
e. Hài kịch
Hài kịch là một thể loại của kịch, hướng vào sự cười nhạo cái xấu xa, là bịch, lạc hậu,... đối lập với các chuẩn mực về cái tốt đẹp, tiến bộ. Trong hài kịch có nhiều hình thức xung đột, nhưng phổ biến nhất là sự không tương xứng giữa cái bên trong với cái bên ngoài. Xung đột kịch biểu hiện qua hành động kịch với các sự việc, tình huống gây cười. Nhân vật chính trong hài kịch là những kiểu người có tính cách tiêu biểu cho các thói xấu đáng phê phán: hà tiện, tham lam, kiêu căng, khoe mẽ,... Lời đối thoại trong hài kịch mang đậm tính khẩu ngữ; cấu trúc đối thoại dựa trên những nội dung đối nghịch. Hài kịch thường sử dụng các thủ pháp trào phúng như: tạo tình huống kịch tính cải trang; dùng điệu bộ gây cười; dùng thủ pháp phóng đại, chơi chữ, gây hiểu lầm, thoại bỏ lửng, nhại,...
2. Phần tiếng Việt
a. Từ tượng hình và từ tượng thanh
b. Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp
c. Từ Hán Việt
d. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
e. Trợ từ và thán từ
3. Phần làm văn
a. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do
b. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
c. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống
d. Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội
e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống
B. BÀI TẬP
1. Phần đọc hiểu
*Đề bài
Văn bản Trong lời mẹ hát
Câu 1: Bài thơ Trong lời mẹ hát được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ sáu chữ
B. Thơ bảy chữ
C. Thơ bốn chữ
D. Lục bát
Câu 2: Xác định nội dung chính của đoạn thơ sau:
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao
A. Gợi hình ảnh người mẹ vất vả
B. Tình yêu thương của người con đối với mẹ
C. Thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn của người con đối với mẹ
D. Tình thương của người mẹ đối với con
Câu 3: Lời thơ nào sau đây thể hiện rõ nét giá trị lời ru của mẹ?
A. Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao
B. Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa
C. Tuổi thơ chở đầy cổ tích/ Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
D. Con gặp trong lời mẹ hát/ Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Văn bản Nhớ đồng
Câu 4: Giá trị nội dung của bài thơ Nhớ động – Tố Hữu là?
A. Bức tranh phong cảnh, cũng là bức tranh tâm cảnh, thể hiện nỗi buồn cô đơn của tác giả trong một mối tình xa xăm, vô vọng
B. Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc sống bên ngoài. Thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình
C. Bộc lộ nỗi sầu của một “cái tôi” cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người
D. Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên giác ngộ lí tưởng cách mạng
Câu 5: Điệp cấu trúc câu “Đâu…” trong đoạn thơ dưới đây có tác dụng gì?
Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng tre mát thở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai sắn ngọt bùi?
A. Diễn tả tình yêu đời, yêu người tha thiết
B. Diễn tả tâm trạng cô đơn, trống trải trong lòng nhà thơ
C. Diễn tả tiếng khan khắc khoải, niềm thương nhớ trào dâng trong lòng nhà thơ
D. A và C đúng
Văn bản Những chiếc lá thơm tho
Câu 6: Văn bản Những chiếc lá thơm tho kể về những kỉ niệm của nhân vật “tôi
với ai?
A. Người bà của mình
B. Người cha của mình
C. Người chị của mình
D. Người mẹ của mình
Câu 7: Từ “thơm” trong đoạn văn sau có ý nghĩa gì?
“Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho cả những ngày mai.”
A. Những chiếc lá có mùi thơm thoang thoảng lan tỏa khắp không gian
B. Những chiếc lá của bà không chỉ có ý nghĩa về vật chất còn có giá trị về mặt tinh thần. Đó là những kỉ niệm ấm áp, êm đềm của tuổi thơ, là chỗ dựa cho nhân vật “tôi” trong hiện tại và tương lai
C. Những chiếc lá của bà có thể chữa được nhiều bệnh, có ích trong cuộc sống của nhân vật “tôi”
D. Những chiếc lá của bà có ý nghĩa như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn nhân vật “tôi” từ quá khứ đến hiện tại đến cả tương lai
Văn bản Bạn đã biết gì về sóng thần?
Câu 8: Theo văn bản, sóng thần là gì?
A. Là chuỗi sóng biển chu kì ngắn, lan truyền với vận tốc lớn
B. Là chuỗi sóng biển chu kì dài, lan truyền với vận tốc lớn
C. Là chuỗi sóng biển chu kì ngắn, lan truyền với vận tốc nhỏ
D. Là chuỗi sóng biển chu kì dài, lan truyền với vận tốc nhỏ
Câu 9: Văn bản đã sử dụng những phương tiện nào để hỗ trợ cho nội dung của toàn văn bản?
A. Số liệu, sơ đồ, bảng biểu
B. Số liệu, sơ đồ, hình ảnh
C. Sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh
D. Số liệu, bảng biểu, hình ảnh
Văn bản Sao băng là gì và những điều bạn cần biết về sao băng
Câu 10: Theo văn bản, sao băng là gì?
A. Là một ngôi sao di chuyển băng qua bầu trời
B. Là đường nhìn thấy của các thiên thạch khi chúng đi vào bầu khí quyển Trái Đất với vận tốc rất lớn
C. Là hàng ngàn, hàng vạn ngôi sao nhỏ di chuyển nối đuôi nhau với tốc độ lớn
D. Đáp án khác
Câu 11: Việc quan sát sao băng phụ thuộc vào những yếu tố nào?
A. Trời mây
B. Ánh sáng của Mặt Trăng
C. Độ ô nhiễm không khí
D. Tất cả đáp án trên
Văn bản Mưa xuân II
Câu 12: Khổ thơ sau gieo vần gì và đó là loại vần nào?
Núi lên gọn nét đá tươi màu
Xe lửa về Nam chạy chạy mau
Một toán cò bay là mặt ruộng
Thành hàng chữ nhất trắng phau phau
A. Vần “au” – vần lưng
B. Vần “au” – vần chân
C. Vần “ay” – vần lưng
D. Vần “ay” – vần chân
Câu 13: Xác định nhịp của bài thơ Mưa xuân II?
A. Nhịp 3/4
B. Nhịp 2/5
C. Nhịp 4/3
D. Nhịp 2/2/3
Văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
Câu 14: Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản?
A. Phép đối lập
B. Điệp ngữ
C. Tương phản
D. A và C đúng
Câu 15: Ý chính của đoạn thư yêu cầu Tổng thống Mỹ là gì?
A. Dạy người da trắng kính trọng đất đai
B. Dạy người da trắng coi đất là mẹ
C. Khuyên người da trắng bảo vệ đất đat là bảo vệ chính mình
D. Tất cả đáp án trên
Văn bản Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu
Câu 16: Đối tượng nghị luận của văn bản Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu là gì?
A. Bài thơ Đây mùa thu tới – Xuân Diệu
B. Bài thơ Tiếng thu – Lưu Trọng Lứ
C. Bài thơ Sang thu – Hữu Thỉnh
D. Bài thơ Thi điếu – Nguyễn Khuyến
Câu 17: Tác giả Vũ Nho đã nhận xét như thế nào về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh?
A. Mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh tiêu biểu, đặc trưng cho làng quê Bắc Bộ
B. Hữu Thỉnh làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới
C. Hữu Thỉnh đã cảm nhận mùa thu rất khác
D. Hữu Thỉnh đã góp phần làm phong phú cho kho tàng thơ ca Việt Nam về mùa thu
Văn bản Vắt cổ chày ra nước
Câu 18: Câu nói “Vận vào người khi khát vặn ra mà uống” thể hiện nét tính cách gì của người chủ nhà?
A. Tiết kiệm
B. Keo kiệt, bủn xỉn
C. Biết suy tính cho tương lai
D. Tất cả đáp án trên
Văn bản May không đi giày
Câu 19: Trong truyện “May không đi giày”, khi vấp phải hòn đá, ông hà tiện bị làm sao?
A. Ngón chân chảy máu ròng ròng
B. Đầu vỡ toác, suýt chết
C. Không bị làm sao
D. A và B đúng
Văn bản Khoe của
Câu 20: Trong truyện “Khoe của”, khi trả lời câu hỏi của anh đi tìm lợn, nếu không nói thừa thì anh ta chỉ cần trả lời như thế nào?
A. Tôi chỉ biết cái áo của tôi là mới và đẹp thôi
B. Tôi không biết con lợn hình thù như thế nào
C. Tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả
D. Tôi giết con lợn đó rồi
Văn bản Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục
Câu 21: Đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục nằm trong tác phẩm nào?
A. Trưởng giả học làm sang
B. Người bệnh tưởng
C. Tôi và chúng ta
D. Lão hà tiện
Câu 22: Đâu là nghệ thuật nổi bật nhất trong văn bản?
A. Khắc họa tính cách nhân vật
B. Tạo dựng mâu thuẫn
C. Nghệ thuật tăng cấp
D. A và C đúng
Văn bản Cái chúc thư
Câu 23: Dấu hiệu nào giúp em nhận biết văn bản “Cái chúc thư” là hài kịch?
A. Vì nó mang đậm phong cách của truyện cười hiện đại nhưng được thể hiện dưới dạng kịch
B. Vì nó đảm bảo được các yếu tố của kịch và màu sắc dân chủ
C. Vì trong văn bản có những hành động, chi tiết,… gây cười để chế giễu các tính cách và hành động xấu xa, lố bịch,…; ngoài ra còn có hình thức của kịch
D. Tất cả đáp án trên
2. Phần tiếng Việt
a. Từ tượng hình và từ tượng thanh
Câu 1: Từ tượng hình “lênh đênh” có tác dụng gì?
A. Chỉ trạng thái trôi nổi, không biết đi đâu về đâu
B. Chỉ trạng thái trôi nổi nhẹ nhàng, thuật theo chiều gió
C. Chỉ độ cao ngất ngưởng, không cân đối, dễ đổ ngã
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 2: Xác định từ tượng thanh trong đoạn trích sau:
“Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”
A. co rúm
B. móm mém
C. hu hu
D. Tất cả đáp án trên
b. Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp
Câu 3: Diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp là các kiểu đoạn văn gì?
A. Là những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong văn bản nghị luận
B. Là vấn đề được bàn luận trong văn bản nghị luận
C. Là các kiểu đoạn văn được phân biệt dựa vào cách thức tổ chức, triển khai nội dung
D. Là các kiểu đoạn văn triển khai những khía cạnh khác nhau của một luận đề trong văn bản nghị luận
Câu 4: Đoạn văn sau được triển khai theo hình thức nào?
Thế đấy, biển luôn luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu giận dữ…Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lung, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.
A. Diễn dịch
B. Quy nạp
C. Song song
D. Phối hợp
c. Từ Hán Việt
Câu 5: Đâu không phải là từ Hán Việt?
A. Xã tắc
B. Sơn thủy
C. Đất nước
D. Giang sơn
d. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
Câu 6: Xác định câu chứa nghĩa tường minh?
A. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
B. Lá lành đùm lá rách
C. Chị ngã em nâng
D. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Câu 7: Câu nào dưới đây chứa hàm ý?
A. Lão trông tẩm ngẩm thế nhưng cũng ra phết chứ chẳng vừa đâu, lão vừa cho tôi xin một ít bả chó
B. Lão làm khổ lão chứ ai làm khổ lão
C. Cuộc đời quả thực cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn
D. Chẳng hiểu lão chết vì gì mà bất thình lình như vậy
e. Trợ từ và thán từ
Câu 8: Đâu là đáp án chứa thán từ gọi đáp?
A. a, ái, ơ, ô hay, than ôi
B. này, ơi, vâng, dạ, ừ
C. đích, chính, những, có
D. a, ái, ơ, đích, chính
Câu 9: Trong những từ in đậm ở các câu sau, từ nào không phải là trợ từ?
A. Trời ơi! Chỉ còn có 5 phút
B. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học
C. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp
D. Lần này em được những 2 điểm 10
3. Phần làm văn
a. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do
Đề 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ mà em yêu thích
b. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
Đề 1: Viết văn bản giải thích hiện tượng núi lửa phun trào
Đề 2: Viết văn bản giải thích hiện tượng mưa đá
c. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường
Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vấn đề bạo lực học đường
Đề 3: Viết bài văn nghị luận về vấn đề xả rác bừa bãi
Đề 4: Viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Đề 5:Viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của giới trẻ trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt
d. Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội
Đề 1: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia
e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống
Đề 1: Có một bộ phim hay, liên quan tới tác phẩm văn học. Em thay mặt tập thể lớp viết một văn bản đề nghị cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm hoặc nhà trường tổ chức cho lớp (hoặc các lớp cùng khối 8) đi xem phim đó
Đề 2: Trong khu vực gia đình em ở, có một địa điểm kinh doanh karaoke không đảm bải tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ồn ào, thậm chí nhiều lần để xảy ra xô xát,… ảnh hướng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực. Em hãy giúp các gia đình trong khu vực viết một văn bản kiến nghị gửi công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương để nêu ý kiến và kiến nghị giải quyết tình trạng đó
Đề 3: Giả sử em được tập thể lớp giao nhiệm vụ kiến nghị với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh hoặc có giải pháp xây dựng môi trường học tập tốt hơn. Hãy thay mặt lớp viết bản kiến nghị đó
C. LỜI GIẢI CHI TIẾT
1. Phần đọc hiểu
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
23 |
A |
C |
B |
B |
D |
A |
B |
B |
B |
B |
D |
B |
C |
D |
D |
C |
C |
B |
A |
C |
A |
D |
C |
2. Phần tiếng Việt
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
A |
D |
C |
D |
C |
C |
A |
B |
A |
3. Phần làm văn
a. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do
Đề 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ mà em yêu thích
Cảm nghĩ của em về bài thơ Ông đồ:
Vũ Đình Liên là một nhà thơ đa tài đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm nổi bật. Thơ ông mang một giọng điệu hoài cổ rất đặc trưng. Ông đồ là một trong những tác phẩm tiêu biểu Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam. Bài thơ được sáng tác năm 1936 trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế do sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. “Ông đồ” là tác phẩm nói lên thực trạng đáng buồn của một loại hình nghệ thuật vốn là truyền thống đang ngày càng mai một và dần lùi sâu và dĩ vãng. Nó mang đến một sự tiếc nuối vô cùng của tác giả cho một sự đổi thay không đáng có.
Bài thơ ra đời khi nho học bị thất sủng, những tinh hoa nho giáo xưa nay chỉ còn là tàn tích, ông đồ và chữ nho cũng trở thành một tàn tích khi người ta vứt bút lông đi giắt bút chì
Hai khổ thơ đầu, Vũ Đình Liên gợi nhắc lại thời huy hoàng của ông đồ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc gợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Khổ thơ đầu gợi nên thời gian, địa điểm nơi ông đồ làm việc. Thời gian là vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm với hình ảnh hoán dụ là hoa đào nở đã cho ta biết ông đồ làm việc khi trời đất bắt đầu vào độ đẹp nhất của năm Không khí mùa xuân, hình ảnh hoa đào nở đã tươi thắm nay lại thêm “mực tàu giấy đỏ” làm mọi nét vẽ trong bức tranh tả cảnh ông đồ thời kỳ huy hoàng này đậm dần lên, rõ nét, tươi vui, tràn đầy sức sống. Đặc biệt là từ lặp lại về thời gian “lại” đã cho thấy sự gắn bó lâu dài giữa ông đồ với mùa xuân, công việc viết chữ của ông đồ không chỉ diễn ra trong một năm mà đã từ mùa xuân năm này qua mùa xuân năm khác. Địa điểm nơi ông đồ viết chữ là “Bên phố đông người qua” dòng người đông đúc nơi phố phường mỗi dịp xuân về, quan trọng hơn cả là dòng người đông đúc ấy đều quan tâm đến ông đồ “Bao nhiêu người thuê viết” và biết thưởng thức tài năng của ông đồ “Tấm tắc ngợi khen tài”. Tác giả tả nét chữ của ông đồ “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”. Nghệ thuật so sánh của 2 câu thơ này làm toát lên khí chất trong từng nét chữ của ông đồ, đó là nét chữ đẹp, phóng khoáng, cao quý, qua việc ngợi khen nét chữ, tác giả gửi gắm sự kính trọng, ngưỡng mộ, nâng niu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. trong 2 khổ thơ đầu, hình ảnh ông đồ xưa trong thời kì huy hoàng của mình được tác giả kính trọng ngưỡng mộ, qua hình ảnh ông đồ, vũ đình liên cũng thể hiện tình cảm chân quý đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Hai khổ thơ tiếp theo tác giả vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, một kẻ sĩ lạc lõng giữa dòng đời đã không còn phù hợp, dòng đời mà ở đó chữ nho đã trở thành một tàn tích
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
“Năm nay đào lại nở” khung cảnh mùa xuân vẫn diễn ra nhưng con người đã thay đổi, “Người thuê viết nay đâu” đây là một câu hỏi tu từ chứa đựng băn khoăn cũng như nỗi buồn của tác giả trước sự thay đổi của con người, mùa xuân vẫn đẹp như thế, nhưng con người nay đã không còn quan tâm đến nét đẹp văn hóa xưa. Đây là câu thơ vẽ lên cảnh lụi tàn của văn hóa chữ nho xưa. “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” trước sự hờ hững của con người, đồ vật cũng ám muội muộn phiền, hình ảnh nhân hóa khiến cho giấy đỏ, mực nghiên cũng có cảm xúc như con người, bị lãng quên, giấy đỏ cũng nhạt màu đi, mực đọng lại nơi nghiên hay đọng lại trong nỗi buồn, “nghiên sầu” nghe thật bi ai.
Hình ảnh ông đồ thời nay cũng đã thay đổi, “Ông đồ vẫn ngồi đó/ Qua đường không ai hay” nếu như trước đây là “Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài” thì nay hình ảnh ông đồ âm thầm lặng lẽ, mờ phai dần trong sự lãng quên của mọi người. Vốn dĩ nghề ông đồ là nghề của những nho gia xưa không đạt được ước mơ khoa bảng phải về bốc thuốc, dạy học, hay trải chiếu bán chữ, là việc bất đắc dĩ của một nho gia, chữ nghĩa chỉ để cho chứ ai lại bán, như huấn cao trong chữ người tử tù cả đời chỉ cho chữ 3 lần, vậy mà ở đây ông đồ phải bán chữ để kiếm sống đã đủ thấy bất hạnh của kiếp người nho sĩ. Trước đây, được mọi người đón nhận, ít ra còn kiếm sống được bằng nghề này, đến nay, nho học thất sủng, người ta không còn quan tâm đến ông đồ, đến chữ ông viết, tức là không kiếm sống được bằng chính khả năng của mình nữa, ở đây không chỉ là bất hạnh của tài năng mà còn là bất hạnh cơm áo gạo tiền. khung cảnh quanh ông đồ cũng chứa đựng nỗi buồn “Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay” nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cảnh vật mùa xuân cũng trở nên tàn tạ, buồn theo nỗi buồn của con người, quả là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du)
Khổ thơ cuối tác giả dùng để bày tỏ nỗi lòng thương xót đối với ông đồ cũng như đối với một nét đẹp văn hóa bị mai một của dân tộc
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Mở đầu bài thơ tác giả viết “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già” kết thúc bài thơ tác giả viết “Năm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ xưa” kết cấu đầu cuối tương ứng của bài thơ giúp cho bài thơ chặt chẽ, có tính liên kết thành một thể thống nhất song cũng khắc sâu nỗi buồn của tác giả trước sự biến mất ngày càng rõ ràng của nét đẹp truyền thống dân tộc. cảnh thiên nhiên vẫn tươi đẹp, hoa đào vẫn nở nhưng ông đồ không còn “Bày mực tàu giấy đỏ” ông đồ đã biến mất hoàn toàn trong bức tranh mùa xuân không thay đổi ấy, thời gian cảnh vật đã quên lãng đi người xưa, hay chính là nét đẹp truyền thống đã biến mất? câu hỏi tu từ “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” là sự tiếc thương của tác giả với ông đồ với giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Hình ảnh ông đồ là đại diện cho một lớp người đang tàn tạ cũng như những giá trị truyền thống đang bị lãng quên. Qua đó thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước sự tha hóa của xã hội và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa.
b. Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên
Đề 1: Viết văn bản giải thích hiện tượng núi lửa phun trào
Núi lửa phun trào vừa là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú vừa là một thảm họa vì gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cuộc sống của con người. Vậy núi lửa là gì? Nguyên nhân gây ra núi lửa như thế nào?
Núi lửa là ngọn núi có miệng ở đỉnh, qua đó, từng thời kỳ, các chất khoáng được nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao bị phun ra ngoài. Núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất hay các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, với các vỏ thạch quyển dịch chuyển trên lõi khoáng chất nóng chảy. Khi núi lửa phun trào, một phần năng lượng đã ẩn sâu trong lòng hành tinh sẽ được giải phóng. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh sẽ có cấu tạo gồm các bộ phận như sau: nguồn dung nham, đường dẫn nhanh, ngưỡng, lỗ thoát, ống dẫn, cổ họng núi lửa, miệng núi lửa. Các sản phẩm núi lửa phun trào ra bên ngoài bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói.
Núi lửa được chia thành nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chủ yếu được chia thành hai cách đó là dựa theo hình dáng bao gồm núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên và dựa vào dạng thức hoạt động chứa ba loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết.
Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.
Việc hiểu rõ núi lửa là gì, cách thức hoạt động của núi lửa cho ta thấy được những tác hại nghiêm trọng của núi lửa cũng như hậu quả nguy hại khi núi lửa phun trào lớn đến mức nào. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng đến các hoạt động địa chất, rõ nhất là động đất: Trong quá trình phun trào, trước khi các vật liệu núi lửa phun lên trên mặt, chúng di chuyển theo họng núi lửa từ dưới sâu lên, cọ sát tạo nên các chấn động có khi kèm theo tiếng nổ tạo thành động đất yếu, cục bộ. Từ động đất, liên tiếp gây ra các hiện tượng trượt lở đất, nứt đất, sụt lún. Ngoài ra, núi lửa phun trào làm biến đổi bề mặt địa hình: dung nham núi lửa quánh lại thường tạo thành các dạng địa hình thoải như vòm thoải cao nguyên hoặc lớp phủ dung nham. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của con người, gây cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái và gây nên thảm họa sóng thần.
Bên cạnh đó, núi lửa cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Bởi các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Đây được coi là nơi lý tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ quy mô lớn và các hoạt động khai mỏ nhỏ lẻ mang tính cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ dân địa phương chung tay khai thác.
Hàng năm vào các mùa khác nhau, các ngọn núi lửa cũng là nơi thu hút hàng triệu du khách tham quan. Đa phần du khách chờ đến thời khắc được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Những ngọn núi lửa ít hoạt động thì lại cuốn hút du khách bởi việc chiêm ngưỡng những màn hơi và khói thoát ra từ các lỗ thông khí thiên nhiên trên mặt đất.
Tóm lại, ta thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của núi lửa đến đời sống con người, đặc biệt là những người đang sống trong vùng gần núi lửa phun trào. Các tác động tự nhiên này vừa mang tới những hiểm nguy những vẫn tồn tại các mặt lợi ích đáng kể để mang lại nền kinh tế cho con người.
Đề 2: Viết văn bản giải thích hiện tượng mưa đá
Mưa đá là gì?
Nước mưa đông tụ thành những tảng đá, cục băng có đa dạng kích thước, hình dáng và rơi xuống được gọi là mưa đá. Hiện tượng này bị ảnh hưởng bởi các đám mây giông gây ra, các đợt Frông lạnh cực mạnh tràn về nhanh. Kích thước của mưa đá khoảng 5mm đến hàng chục cm
Mưa đá xảy ra trong khoảng 5 - 30 phút và thường rơi xuống cùng với mưa rào. Hiện tượng thường xuất hiện ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, kể cả mùa mưa hay mùa hè.
Tại sao lại có mưa đá?
Khi các dòng không khí đối lưu hay nói cách khác là dòng không khí lên suốt liên tục thì sẽ hình thành mưa đá. Điển hình như các tháng thay đổi giữa mùa lạnh sang mùa nóng hoặc ngược lại.
Nếu nhiệt độ trong những đám mây lạnh hơn - 20 độ C, thì hơi nước trong mây sẽ tạo thành những hạt băng nhỏ và rơi xuống. Hạt băng nhỏ rơi xuống gặp tầng mây thấp hơn biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C.
Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao, đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh lên tầng trên của đám mây. Chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống thấp.
Khi mưa đá rơi xuống tầng mây thấp sẽ được bao bọc thêm một lớp màng nước và chịu sự tác động của không khí bốc lên cao. Đến một lúc nào đó, các luồng khí không giữ được mưa đá nữa thì sẽ rơi xuống mặt đất và hình thành các cơn mưa đá.
Các dạng mưa đá
- Mưa dạng hạt băng: Còn gọi là mưa đá nhỏ, thường có hình cầu, hình nón với đường kính khoảng 5mm.
- Mưa dạng hạt nước đá: Hình dạng không đều, hình nón và hình cầu với đường kính dao động khoảng 5 - 50mm, rơi xuống từ đám mây, có thể rơi rời rạc, hoặc kết thành màn không đều.
Dấu hiệu nhận biết sắp xảy ra mưa đá
- Đám mây có dạng như hình bầu vú đen sẫm lại.
- Gió thổi và giông mạnh với các tiếng ù ù, ầm ầm liên tục.
- Nhiệt độ không khí giảm mạnh.
- Tiếng động mưa rơi rơi mái nhà phát ra lớn.
Ảnh hưởng của mưa đá đến đời sống
- Đối với con người: Nặng có thể dẫn đến tử vong bởi khối lượng của mưa đá lớn và rơi với tốc độ nhanh. Thậm chí, mưa đá còn gây thủng mái tôn, sập nhà cửa, hư hỏng xe cộ, các công trình thi công cũng bị ảnh hưởng.
- Đối với động vật: Động vật chết hàng loạt do không chịu nổi không khí lạnh lẽo và mưa đá rơi trúng.
- Đối với thực vật: Các loại cây trồng, hoa quả sẽ bị dập nát, gãy cây, gãy cành, không thể phát triển tốt. Đất bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh khiến cây khó sinh sôi, nảy nở, từ đó làm mất cân bằng thảm thực vật.
Cách phòng tránh, giảm thiểu tác hại của mưa đá
- Đối với cây trồng, hoa quả: dựng mái che chắc chắn để bảo vệ chúng, giúp hạn chế những tác động khi mưa đá rơi xuống.
- Mái nhà: Thường xuyên kiểm tra và gia cố lại mái. Ở những nơi thường xuyên xảy ra mưa đá, bạn nên sử dụng mái có chất liệu chịu được va đập tốt, cách âm,... và làm mái nhà dốc xuống hai bên.
- Kiểm tra nhà cửa: xem xét kết cấu khung mái, xà gồ có chắc chắn và được gia cố cẩn thận chưa. Nếu chưa chắc chắn hãy xây dựng lại để cải thiện và đảm bảo sự an toàn cho mái ấm của mình.
- Các biện pháp khác: nếu trận mưa đá lớn và kéo dài trong thời gian dài, ta có thể trú dưới gầm bàn, giường, tìm vật cứng để che đầu,... nhằm tránh thiệt hại về người.
- Kiểm tra chất lượng nước: trong mưa đá có chứa một lượng độc tố gây hại đến sức khỏe con người. Bạn nên kiểm trả chất lượng nước trước khi sử dụng hay sử dụng máy lọc nước để đảm bảo an toàn, tránh gây các bệnh dị ứng về da.
c. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống
Đề 1: Viết bài văn nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường
A. Mở bài
Gần đây, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đang rầm rộ đưa tin về hiện tượng cá chết hàng loạt ở các vùng biển duyên hải miền Trung. Điều này dẫn tới nhiều lo ngại trong dân chúng về cuộc sống ngày càng kém chất lượng hơn.
Cá chết hàng loạt không chỉ tạo nên cảnh cực khổ nhọc nhằn với miếng cơm manh áo của dân chài miền Trung quanh năm bám biển mà còn nữa là câu chuyện làm sao để giữ cảnh quan thiên nhiên dưới tay "tử thần" khi mà biển biến thành "biển đen", "biển chết" vì ô nhiễm ngày càng thêm nặng nề.
B. Thân bài
a. Giải thích vấn đề
- Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề toàn cầu nóng bỏng của nhân loại, cụ thể là hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến thay đổi nhanh chóng và gây tác hại xấu đến cuộc sống con người. Biển là một bộ phận của môi trường, ô nhiễm biển là việc tồn tại nhiều chất hại trong môi sinh biển khiến các sinh vật biển không thể sinh sống và tạo ra những vấn đề xấu với con người.
b. Thực trạng
- Hiện nay, việc cá chết hàng loạt ở khắp các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi ngày lại thêm những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân vẫn chưa được công khai chính thức trong dư luận vì vậy sự hoang mang của xã hội ngày càng tăng dần lên.
- Dẫn chứng
Cá chết bất thường được phát hiện từ đầu tháng 4 ở Hà Tĩnh, lan vào khu vực Hòn La (Quảng Bình, giáp Hà Tĩnh) rồi mở rộng xuống vùng biển Nhật Lệ, Hải Ninh và Lệ Thuỷ. Đến ngày 18 và 19/4, Quảng Trị và Huế cũng xuất hiện tình trạng này.
Riêng tại Quảng Trị, tổng khối lượng cá chết mà người dân vớt được từ 2 đến 4 tấn.
Hàng ngày có hàng tấn rác thải được đổ ra biển, các chất độc hại ngày càng tích lũy và ảnh hưởng xấu tới môi sinh và các sinh vật biển.
10 tấn rác thải "tấn công" vịnh Nha Trang mỗi ngày.
Chỉ trong mấy ngày qua bờ biển tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến hai sự cố mà tác nhân chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường ven bờ biển. Từ ngày 2 - 3, hơn 50ha nghêu thương phẩm vùng bờ biển bãi ngang hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên chết dạt đến gần 90% chưa có biện pháp khắc phục hậu quả thì ngay sau đó sò lông, ốc hương tự nhiên chết theo sóng biển tấp vào đầy nghẹt bờ cát ven bờ huyện Kỳ Anh, dọn không xuể.
c. Nguyên nhân
Do ý thức kém của con người.
Do hiện tượng cực đoan của xã hội.
Sự quản lí của nhà nước: hoạt động của các doanh nghiệp trong việc xử lí.
d. Hậu quả
Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Mất đi các nguồn lợi từ biển: các hải sản, du lịch biển.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo, mỗi năm, Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch.
Mất cân bằng đa dạng sinh học của môi trường sống.
e. Giải pháp
Nâng cao ý thức con người.
Tăng cường sự quản lí của nhà nước.
Tiến hành áp dụng công nghệ khoa học để giải quyết hiện trạng ô nhiễm nước thải ... hiện nay.
C. Kết bài
Hiện tượng cá chết vẫn đang đặt ra cho xã hội những bài toán khó để.
Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, du lịch biển cần sự tham chống ô nhiễm biển cần sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi thành phần của xã hội.
Đề 2: Viết bài văn nghị luận về vấn đề bạo lực học đường
a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Học sinh sinh viên là thời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.
- Thế nhưng hiện nay, sự trong sáng, tươi đẹp hồn nhiên của thế hệ học sinh không còn nữa. Thay vào đó là những lời nói và hành động thô bạo, bậy bạ, thậm chí những đứa trẻ này còn đánh nhau, chúng xé áo, đánh bạn giữa đường.
- Tình trạng bạo lực học đường diễn ra phổ biến, tràn lan được lan rộng trên Internet, chúng ta cùng đi tìm hiểu tình trạng này.
b) Thân bài
* Thế nào là bạo lực học đường ?
- Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức với bạn mình.
- Cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh.
- Xúc phạm đến tinh thần và thể xác người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
* Hiện trạng của bạo lực học đường hiện nay
- Hình thức:
Xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói.
Đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.
- Thực tế chứng minh:
Chỉ cần một thao tác rất nhanh trên Google ta có thể tìm thấy hàng loạt các clip bạo lực của nữ sinh: nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành, thêm một vụ bạo lực học đường vừa xảy ra ở Quảng Ninh...
Học sinh có thái độ không đúng mực với thầy cô giáo, dùng dao đâm bạn bè, thầy cô…
Lập nên các nhóm hội hoạt động đánh nhau có tổ chức.
Giáo viên đánh đập, xúc phạm tới nhân phẩm của học sinh…
* Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường
- Do ảnh hưởng của môi trường bạo lực, thiếu văn hóa.
- Chưa có sự quan tâm từ gia đình.
- Không có sự giáo dục đúng đắn của nhà trường.
- Xã hội dửng dưng trước những hành động bạo lực.
- Sự phát triển chưa toàn diện của học sinh.
* Hậu quả của bạo lực học đường
- Với người bị bạo lực:
Bị ảnh hưởng về tinh thần và thể chất.
Làm cho gia đình họ bị đau thương.
Làm cho xã hội nghị luận, tranh cãi.
- Với người gây ra bạo lực:
Phát triển không toàn diện.
Mọi người, xã hội chê trách.
Ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hiện tại và tương lai, sự nghiệp bị mất.
* Giải pháp khắc phục nạn bạo lực học đường
- Nhà trường cần nâng cao tầm quan trọng trong việc dạy bảo học sinh hiệu quả nhất, luôn quan sát, quan tâm về cả bên ngoài lẫn nhận thức của các em trong các vấn đề.
- Cha mẹ nên chăm lo và quan tâm đến con cái nhiều hơn.
- Tự bản thân có trách nhiệm xa lánh tình trạng này.
c) Kết bài
Nêu cảm nghĩ của em về nạn bạo lực học đường.
- Đây là một hành vi không tốt.
- Em sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Đề 3: Viết bài văn nghị luận về vấn đề xả rác bừa bãi
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng vứt rác thải ra nơi công cộng.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.
2. Thân bài
a. Thực trạng
Ở những nơi công cộng: bệnh viện, nhà trường, các danh lam thắng cảnh không khó để bắt gặp những rác thải được vứt ngổn ngang bao gồm các loại rác thải từ mềm đến cứng bốc mùi hôi thối và gây ảnh hưởng đến cảnh quan của nơi công cộng đó.
b. Nguyên nhân
Chủ quan: do ý thức của người dân chưa tốt, tiện tay là vứt rác vì nghĩ nơi công cộng không phải là trách nhiệm của bản thân mình.
Khách quan: do lượng thùng rác ở nơi công cộng Việt Nam chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu xả rác vô cùng lớn của người dân khiến cho rác thải vứt bừa bãi.
c. Hậu quả
Lượng rác thải xả ra nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường khi ngày nay ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; gây mất mĩ quan.
Việc rác thải xả bừa bãi ở nơi công cộng gây khó khăn cho nhân viên vệ sinh trong việc thu gom và xử lí.
d. Giải pháp
Mỗi con người cần tự giác ý thức phân loại rác thải, bỏ rác vào đúng nơi quy định ở những nơi công cộng.
Mỗi nơi công cộng cần có những biển báo đổ rác thải, bố trí thùng rác hợp lí cũng như có những hình phạt thích đáng với những trường hợp xả rác bừa bãi.
Nhà nước, các cấp quản lí cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa những tác hại của rác thải đồng thời có hình thức xử lí nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng vứt rác thải bừa bãi ra nơi công cộng đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Đề 4: Viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
I. Mở bài
Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề quan trọng. Và ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam trong vấn đề này là điều rất đáng quan tâm suy nghĩ.
II. Thân bài
- Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử….
- Qua những biểu hiện trên, có thể thấy rõ ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam là như thế nào?
- Xem xét nguyên nhân của vấn đề này phải nhìn ở cả 2 mặt: khách quan và chủ quan. Khách quan là sự tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Chủ quan là bản thân sự vận động trong tư duy của đối tượng: các thanh niên, thiếu niên đã quan tâm, suy nghĩ ở mức độ nào về vấn đề này.
- Với một ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam đang tác động như thế nào đến bộ mặt văn hoá dân tộc, đang để lại một kết quả ra sao cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động.
- Xã hội, gia đình, bản thân mỗi thanh niên, thiếu niên nên làm gì để góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
III. Kết bài
Bản sắc văn hoá là cái riêng của mỗi dân tộc. Giữ gìn cái riêng đó là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có phần quan trọng của thế hệ trẻ.
Đề 5:Viết bài văn nghị luận về trách nhiệm của giới trẻ trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
2. Thân bài
a. Giải thích
Tình yêu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt chính là sự tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng tiếng việt một cách hợp lí, đúng đắn, không chêm xen quá nhiều ngôn ngữ khác khi giao tiếp, có ý thức giữ gìn và phát huy tiếng việt cũng như quảng bá đến bạn bè trên thế giới.
b. Phân tích
Mỗi một quốc gia có một nền văn hóa, một ngôn ngữ khác nhau, là công dân của quốc gia, mỗi người có ý thức giữ gìn, phát huy cũng như truyền bá văn hóa, ngôn ngữ của mình.
Chúng ta cần phải bảo vệ tiếng việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt, không để người khác làm mai một, bão hòa ngôn ngữ riêng của mình với bất kì thứ ngôn ngữ nào khác.
Tuy nhiên, giữ gìn tiếng mẹ đẻ không có nghĩa là bài trừ những ngôn ngữ khác mà cần sử dụng tiếng nước ngoài sao cho phù hợp, không được lạm dụng quá mức.
c. Chứng minh
Học sinh lấy dẫn chứng những tác phẩm tiếng việt nổi tiếng hoặc những con người, những hành động cao đẹp bảo vệ, quảng bá tiếng việt ra thế giới,… để làm ví dụ minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài vào trong giao tiếp, cũng có những trường hợp sử dụng tiếng việt với mục đích xấu làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt,… những hành động này cần ngăn ngừa.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
d. Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội
Đề 1: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia
Con người sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Sự chia sẻ, giúp đỡ giữa mọi người sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vậy mà rất nhiều hoạt động xã hội giàu ý nghĩa được tổ chức.
Vừa qua, miền Trung đã phải hứng chịu một trận bão lớn. Cơn bão đi qua gây ra biết bao thiệt hại về con người, tài sản. Lúc này, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Trường học của tôi cũng hưởng ứng và tổ chức một hoạt động có tên là “Hướng về miền Trung yêu thương”.
Cô tổng phụ trách đã có một buổi họp với cán bộ của các lớp. Cô đã phổ biến cụ thể về hoạt động. Sau đó, cán bộ lớp đã về phổ biến lại cho các thành viên trong lớp vào giờ sinh hoạt. Thời gian diễn ra hoạt động trong vòng một tuần. Chúng tôi có thể ủng hộ bằng tiền mặt, lương thực hay thực phẩm, quần áo,... Kết thúc một tuần, các lớp sẽ thống kê và sắp xếp để nộp lại cho nhà trường.
Chúng tôi đều cảm thấy hoạt động rất ý nghĩa. Vì vậy, ai cũng hưởng ứng nhiệt tình. Tối hôm đó, tôi về xin phép mẹ mang một số bộ trang phục không mặc nữa nhưng còn mới rồi sắp xếp gọn lại. Xong xuôi, tôi còn cùng mẹ đi siêu thị để mua một thùng mì tôm và một thùng sữa. Không chỉ vậy, mẹ còn cho tôi một trăm nghìn để mang đến ủng hộ. Sáng hôm sau, mẹ giúp tôi mang những món đồ đến để ủng hộ.
Cô giáo đã giao cho bạn lớp trưởng và lớp phó kiểm tra lại, thống kê các món đồ thu được. Sau một tuần, hoạt động kết thúc khá thành công. Lớp của tôi đã đóng góp được mười bộ sách giáo khoa, hai mươi thùng mì tôm, mười thùng sữa và hơn một triệu đồng tiền mặt. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Cuối buổi chiều thứ sáu, các bạn cán bộ lớp đã nhờ một số bạn nam phụ trách mang những món quà của lớp đem nộp cho cô tổng phụ trách. Sau khi hoạt động từ thiện kết thúc, lớp của tôi còn được tuyên dương trước toàn trường. Tôi cảm thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, và vui vẻ khi làm được một việc tốt.
Những hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn lao. Chính vì vậy, mỗi người hãy tích cực tham gia để góp một phần nhỏ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
e. Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống
Đề 1: Có một bộ phim hay, liên quan tới tác phẩm văn học. Em thay mặt tập thể lớp viết một văn bản đề nghị cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm hoặc nhà trường tổ chức cho lớp (hoặc các lớp cùng khối 8) đi xem phim đó
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2023
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Về việc: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học Gió lạnh đầu mùa của lớp 8A
Kính gửi: - Cô giáo chủ nhiệm: Lê Minh A
- Thầy hiệu trưởng: Đoàn Văn B
Em tên là: Nguyễn Thu H
Học sinh lớp: 8A
Chức vụ: lớp trưởng lớp 8A
Trường: THCS Lí Thái Tổ
Em viết đơn này đề nghị cô giáo chủ nhiệm và nhà trường giải quyết vấn đề: Tổ chức buổi đi xem phim liên quan đến tác phẩm văn học Gió lạnh đầu mùa.
Nội dung sự việc: Tuần vừa qua, vào buổi học ngày thứ Tư (28/01/2023), lớp chúng em học môn Ngữ Văn về tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của tác giả Thạch Lam.
Lí do viết đơn kiến nghị này: Cùng thời điểm đó, rạp chiếu phim có chiếu bộ phim kể về những đứa trẻ nghèo khổ thời xưa. Em nhận thấy nội dung phim có cùng chủ đề và nội dung gần với tác phẩm văn học đang học, có thể giúp chúng em củng cố thêm kiến thức và hiểu sâu được những nội dung mà tác phẩm truyền tải.
Yêu cầu cụ thể: Em thay mặt cả lớp viết đơn kiến nghị này mong muốn thầy, cô xét duyệt ý nguyện tổ chức buổi đi xem phim cho cả lớp chúng em.
Kính mong thầy, cô xem xét đơn kiến nghị và giải quyết sớm cho chúng em. Em xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật, nếu có gì sai sót, em xin chịu trách nhiệm trước kỉ luật của nhà trường.
Em xin cảm ơn!
Người làm đơn
(Chữ kí)
Nguyễn Thu H
Đề 2: Trong khu vực gia đình em ở, có một địa điểm kinh doanh karaoke không đảm bải tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ồn ào, thậm chí nhiều lần để xảy ra xô xát,… ảnh hướng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực. Em hãy giúp các gia đình trong khu vực viết một văn bản kiến nghị gửi công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương để nêu ý kiến và kiến nghị giải quyết tình trạng đó
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2023
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Về việc: Quán karaoke SM gây ảnh hưởng lớn tới toàn khu vực dân cư PK
Kính gửi: Ủy bản nhân dân phường Trung Văn, thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Tôi tên là: Hoàng Văn C
Sinh năm: 30/05/1990
Số căn cước: 1707085689
Ngày cấp: 12/5/2021
Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Hộ khẩu thường trú: Phố Phùng Khoang, Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Nơi ở: số nhà 135 ngách 26 ngõ 67 Phùng Khoang, Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Tôi viết đơn này đề nghị quý cơ quan hành chính giải quyết vấn đề: Sự việc xảy ra liên tục gần đây của quán karaoke SM không đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cả khu vực.
Nội dung sự việc: Trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 05/1 đến 31/1/2023), vào mỗi buổi tối muộn (21h00 – 24h00), khu vực dân cư chúng tôi thường xuyên có những tiếng động lớn, thậm chí có những vụ xô xát, cãi nhau to. Theo như tìm hiểu, được biết những sự việc đó từ quán karaoke SM.
Lí do viết đơn kiến nghị này: Sự việc khiến khu dân cư trở nên ồn ào, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của các hộ gia đình liền kề.
Yêu cầu cụ thể: Tôi thay mặt các hộ gia đình viết đơn kiến nghị này mong muốn Ủy bản sẽ đưa hướng giải pháp hợp lí đối với địa điểm kinh doanh đó.
Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn kiến nghị và giải quyết sớm cho tôi. Tôi xin cam đoan những thông tin trên hoàn toàn đúng sự thật. Nếu có gì sai sót, tôi xin chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước pháp luật.
Tôi xin cảm ơn!
Người làm đơn
(Chữ kí)
Hoàng Văn C
Đề 3: Giả sử em được tập thể lớp giao nhiệm vụ kiến nghị với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh hoặc có giải pháp xây dựng môi trường học tập tốt hơn. Hãy thay mặt lớp viết bản kiến nghị đó
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày… tháng… năm…
BẢN KIẾN NGHỊ
Về việc tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh
Kính gửi: Ban Giám hiệu trường………………………………………………
Em tên là:………………………………………Sinh ngày… tháng…năm………
Lớp:..........................................
Em viết bản kiến nghị này với lý do cụ thể như sau:
- Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh học tập nâng cao kiến thức
- Nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh
- Nâng cao tinh thần đoàn kết và truyền thông nhà trường
- Rèn các kỹ năng cho học sinh
Bởi những mong muốn trên, chúng em xin kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa để nâng cao kĩ năng sống cho học sinh
Kính mong Ban Giám hiệu xem xét về những kiến nghị trên và tạo điện thuận lợi cho việc học tập của chúng em.
Em xin trân trọng cảm ơn!
Kí tên
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 8 - Chân trời sáng tạo timdapan.com"