Đề cương lý thuyết học kì 1 - Vật lí 8
Tổng hợp các kiến thức cần nắm vững, giúp các em ôn tập hiệu quả, đạt kết quả cao trong kì thi HK1 sắp tới
ĐỀ CƯƠNG LÝ THUYẾT HK1 VẬT LÍ 8
CHUYỂN ĐỘNG CƠ HỌC
- Sự thay đổi vị trí của một vật theo thời gian so với vật khác được gọi là chuyển động cơ (gọi tắt là chuyển động).
- Khi vị trí của vật so với vật mốc thay đổi theo thời gian thì vật chuyển động so với vật mốc.
Ví dụ: Ô tô chuyển động so với cây cối bên đường, thuyền trên sông chuyển động so với bến đò, ...
- Khi vị trí của vật so với vật mốc không thay đổi theo thời gian thì vật đứng yên so với vật mốc.
Ví dụ: Tài xế đứng yên so với otô, hành khách trên xe buýt đứng yên so với xe buýt,…
- Một vật có thể chuyển động với vật này nhưng lại đứng yên so với vật khác. Chuyển động và đứng yên có tính chất tương đối tùy thuộc vào vật được chọn làm mốc.
Ví dụ: Người tài xế chuyển động so với cây cối bên đường nhưng lại đứng yên so với ô tô.
VẬN TỐC
- Vận tốc cho biết độ nhanh chậm của chuyển động, được đo bằng quãng đường vật đi được trong một đơn vị thời gian.
- Công thức tính vận tốc là: \(v = \frac{s}{t}\) trong đó: s là quãng đường, t là thời gian vật chuyển động.
CHUYỂN ĐỘNG ĐỀU – CHUYỂN ĐỘNG KHÔNG ĐỀU
- Chuyển động có vận tốc không thay đổi theo thời gian là chuyển động đều.
Ví dụ: Xe máy khi chạy ổn định.
- Chuyển động có vận tốc thay đổi theo thời gian là chuyển động không đều.
Ví dụ: Chuyển động của tàu khi vào ga, chuyển động của xe đạp khi xuống dốc,…
CÁCH BIỂU DIỄN LỰC – HAI LỰC CÂN BẰNG
- Lực là một đại lượng vectơ, được biểu diễn bằng một mũi tên có:
+ Gốc: là điểm đặt của lực
+ Phương, chiều: trùng với phương, chiều của lực.
+ Độ dài: biểu diễn cường độ của lực theo một tỉ lệ xích cho trước.
- Hai lực cân bằng là hai lực có cùng độ lớn, cùng phương và ngược chiều, tác dụng vào cùng một vật trên cùng một đường thẳng.
Ví dụ: Quyển sách đặt nằm yên trên bàn chịu tác dụng của hai lực cân bằng là trọng lực và lực nâng của bàn.
QUÁN TÍNH
- Là tính chất giữ nguyên trạng thái chuyển động của vật khi không có lực tác dụng của các lực cân bằng.
- Khi không có lực tác dụng lên vật hoặc các lực tác dụng lên vật cân bằng nhau thì:
+ Vật đang đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên.
+ Vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều.
LỰC MA SÁT
- Các lực cản trở chuyển động khi các vật tiếp xúc với nhau được gọi là lực ma sát.
- Các loại lực ma sát thường gặp: lực ma sát trượt, lực ma sát lăn, lực ma sát nghỉ.
+ Lực ma sát trượt: xuất hiện khi một vật trượt trên bề mặt của một vật khác.
Ví dụ: trượt băng.
+ Lực ma sát lăn: xuất hiện khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác.
Ví dụ: viên bi lăn trên mặt bàn.
+ Lực ma sát nghỉ: giữ cho vật không trượt, không lăn khi vật chịu tác dụng của lực khác.
Ví dụ: lực ma sát nghỉ giúp chân ta không trượt về phía sau khi thân nghiêng về phía trước.
- Lực ma sát vừa có lợi, vừa có hại.
Ví dụ:
+ Khi thắng xe đạp, lực ma sát trượt giữa má phanh và vành bánh xe là có ích. Cách làm tăng: tăng lực thắng, tăng độ nhám má phanh.
+ Khi đạp xe, lực ma sát giữa xích và đĩa là có hại. Cách làm giảm: tra dầu nhớt vào xích và đĩa.
ÁP LỰC
- Áp lực là lực nén có phương vuông góc với mặt tiếp xúc.
Ví dụ: Lực nén do người ngồi trên ghế.
ÁP SUẤT CHẤT LỎNG
- Chất lỏng gây ra áp suất theo mọi phương.
- Tại một nơi trên mặt tiếp xúc với chất lỏng, áp suất có phương vuông góc với mặt tiếp xúc.
- Công thức tính áp suất chất lỏng: p = d.h
- Bình thông nhau – đặc điểm của mặt thoáng chất lỏng trong bình thông nhau:
+ Bình thông nhau gồm hai hoặc nhiều nhánh có hình dạng bất kì, có đáy thông với nhau.
+ Trong bình thông nhau chứa cùng một chất lỏng đứng yên, mặt thoáng của chất lỏng ở các nhánh khác nhau có độ cao bằng nhau.
+ Ứng dụng: ấm nước, ống theo dõi mực chất lỏng, máy nén thủy lực,…
Máy nén thủy lực hoạt động dựa trên nguyên lý Pascal.
Phát biểu nguyên lý: Chất lỏng chứa đầy một bình kín có khả năng truyền nguyên vẹn độ tăng áp suất đến mọi nơi trong chất lỏng.
ÁP SUẤT KHÍ QUYỂN
- Không khí cũng có trọng lượng nên Trái đất và mọi vật trên Trái đất đều chịu áp suất của lớp không khí bao quanh Trái đất.
- Áp suất khí quyển bằng áp suất của cột thủy ngân trong ống Tôrixeli.
LỰC ĐẨY ACSIMET
- Một vật nhúng trong chất lỏng bị chất lỏng tác dụng một lực đẩy hướng từ dưới lên gọi là lực đẩy Acsimet.
- Độ lớn của lực đẩy Acsimet: \({F_A} = d.V\), với d là trọng lượng riêng của chất lỏng, V là thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ.
\({F_A} < P\) => Vật chìm
\({F_A} = P\) => Vật lơ lửng
\({F_A} > P\) => Vật nổi
CÔNG CƠ HỌC
- Khi có một lực tác dụng vào vật và làm cho vật dịch chuyển thì lực này sinh công.
=> Công cơ học phụ thuộc vào hai yếu tố: lực tác dụng F và quãng đường dịch chuyển s.
- Công thức tính công cơ học khi lực F làm vật dịch chuyển một quãng đường s theo phương của lực là A = F.s
Trong đó:
A là công của lực F, đơn vị của A là Jun (J)
F là lực tác dụng vào vật, đơn vị là N.
S là quãng đường vật dịch chuyển, đơn vị là mét (m)
* Trường hợp đặc biệt: lực tác dụng vào vật chính là trọng lực và vật di chuyển theo phương thẳng đứng thì công được tính A = P.h
Trong đó:
A là công của lực F, đơn vị của A là Jun (J)
P là trọng lượng của vật, đơn vị là N.
h là quãng đường vật dịch chuyển, đơn vị là mét (m)
* Định luật về công: Không một máy cơ đơn giản nào cho ta lợi về công. Được lợi bao nhiêu lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về đường đi và ngược lại.
CÔNG SUẤT
- Công suất là đại lượng đặc trưng cho tốc độ sinh công, được xác định bằng công thực hiện được trong một đơn vị thời gian.
- Công thức tính công suất: \(P = \frac{A}{t}\)
Trong đó:
P là công suất, đơn vị là W
A là công thực hiện, đơn vị là J
t là thời gian thực hiện công đó, đơn vị là giây (s)
- Đơn vị của công suất: J/s gọi là oát (W)
CƠ NĂNG
- Khi vật có khả năng sinh công, ta nói vật có cơ năng.
- Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ cao của vật so với mặt đất, hoặc so với một vị trí khác được chọn làm mốc để tính độ cao gọi là thế năng hấp dẫn. Vật có khối lượng càng lớn và độ cao càng cao thì thế năng hấp dẫn của vật càng lớn.
- Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi.
- Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng. Vật có khối lượng càng lớn và chuyển động càng nhanh thì động năng càng lớn.
- Động năng và thế năng là hai dạng của cơ năng.
- Cơ năng của một vật bằng tổng thế năng và động năng của nó.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề cương lý thuyết học kì 1 - Vật lí 8 timdapan.com"