Chia sẻ và đọc: Ông Mạnh thắng Thần Gió

Giải Bài 29: Chia sẻ và đọc: Ông Mạnh thắng Thần Gió SGK Tiếng Việt 2 tập 2 Cánh diều với đầy đủ lời giải tất cả các câu hỏi và bài tập phần đọc, viết, luyện từ và câu, kể chuyện,....


Phần I

Chia sẻ: 

Câu 1: Em làm gì để phòng tránh mưa, nắng, nóng, lạnh?

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

- Để tránh mưa, em dùng ô hoặc áo mưa.

- Để tránh nắng, em dùng ô, mũ hoặc áo chống nắng.

- Để tránh nóng, em dùng quạt hoặc điều hòa.

- Để tránh lạnh, em mặc quần áo thật ấm.


Câu 2

Câu 2: Em hoạt động, vui chơi như thế nào trong mỗi mùa?

Phương pháp giải:

Em dựa vào kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Mùa xuân: em đi chúc Tết cùng với bố mẹ.

- Mùa hè: em thả diều, tập bơi.

- Mùa thu: em rước đèn vào đêm trung thu.

- Mùa đông: em tập thể dục làm ấm người.


Phần II

Bài đọc:

Ông Mạng thắng Thần Gió

1. Ngày xưa, loài người chưa biết làm nhà, phải ở hang núi. Về sau, nhiều người về đồng bằng và ven biển sinh sống. Đây là nơi Thần Gió hoành hành.

2. Một hôm, Thần Gió gặp một người tên là Mạnh. Thần xô ông ngã lăn quay, rồi bay đi với tiếng cười ngạo nghễ.

3. Từ đó, ông Mạnh quyết chống trả. Ông vào rừng lấy gỗ dựng nhà. Cả ba lần, nhà đều bị quật đổ. Cuối cùng, ông đẵn những cây gỗ lớn nhất làm cột, chọn những viên đá thật to làm tường, dựng một ngôi nhà thật vững chãi.

4. Ngôi nhà đã làm xong. Đêm ấy, Thần Gió đến đạp cửa, thét:

- Mở cửa ra!

- Không! Sáng mai ta sẽ mời ông vào.

Thần Gió giận dữ, lồng lộn suốt đêm nhưng không thể xô đổ ngôi nhà.

5. Mấy tháng sau, Thần Gió đến nhà ông Mạnh, tỏ vẻ ăn năn. Ông Mạnh an ủi và mời Thần thỉnh thoảng tới chơi. Từ đó, Thần Gió thường đến thăm ông, đem cho ngôi nhà không khí mát lành từ biển cả và hương thơm ngào ngạt của các loài hoa.

Phỏng theo A-NHÔNG (Hoàng Ánh dịch)

- Đồng bằng: vùng đất rộng, bằng phẳng.

- Hoành hành: làm nhiều điều ngang ngược trên khắp một vùng rộng, không kiêng nể ai.

- Ngạo nghễ: coi thường tất cả.

- Đẵn: chặt



Phần III

Đọc hiểu:

Câu 1: Truyện có những nhân vật nào?

Phương pháp giải:

Em đọc tiêu đề của bài đọc để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Truyện có 2 nhân vật là: ông Mạnh và Thần Gió.


Câu 2

Câu 2: Trong hai nhân vật:

a. Nhân vật nào tượng trưng cho sức mạnh của con người?

b. Nhân vật nào tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Trong 2 nhân vật:

- Ông Mạnh tượng trưng cho sức mạnh của con người.

- Thần Gió tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên.


Câu 3

Câu 3: Chi tiết nào nói lên sức mạnh của con người?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 3, 4 và 5 để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết nói lên sức mạnh của con người là: Ông Mạnh dẫn những cây gỗ lớn nhất làm cột, chọn những viên đá thật to làm tường, dựng một ngôi nhà vững chãi. Thần Gió lồng lộn suốt đêm những không thể xô đổ ngôi nhà.


Câu 4

Câu 4: Ông Mạnh trong câu chuyện đã làm gì để Thần Gió trở thành bạn của mình?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn cuối để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Khi Thần Gió đến nhà ông Mạnh tỏ vẻ ăn năn, ông Mạnh đã an ủi và mời Thần Gió thỉnh thoảng tới chơi. Vì vậy, ông Mạnh đã trở thành bạn của Thần Gió.


Phần IV

Câu 1: Sử dụng câu hỏi Vì sao? để hỏi đáp với bạn về nội dung câu chuyện.

M: - Vì sao Thần Gió phải chịu thua ông Mạnh?

      - Vì ông Mạnh đã làm một ngôi nhà rất vững chãi.

Phương pháp giải:

Em dựa vào mẫu để đặt câu hỏi và trả lời.

Lời giải chi tiết:

- Vì sao ông Mạnh phải xây một căn nhà vững chãi?

- Vì những ngôi nhà trước đó liên tiếp bị Thần Gió quật đổ.


Câu 2

Câu 2: Nói 1 – 2 câu thể hiện sự đồng tình của em với ông Mạnh:

a. Khi ông quyết làm một ngôi nhà thật vững chãi.

b. Khi ông kết bạn với Thần Gió.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ để hoàn thành bài tập.

Lời giải chi tiết:

a. Khi ông quyết làm một ngôi nhà thật vững chãi

Quyết định của ông rất đúng đắn đấy ạ. Phải xây một ngôi nhà thật vững chãi thì Thần Gió mới không thể quật đổ được ạ.

b. Khi ông kết bạn với Thần Gió.

Ông Mạnh làm vậy là rất đúng. Thần Gió đã biết ăn năn rồi thì ông Mạnh không nên trách Thần Gió nữa.