Cảm nghĩ của em sau khi đọc hai bài thơ của Bác Hồ: "Ngắm trăng" và “Sáu mươi tuổi"
Bài thơ “Ngắm trăng” và bài “Sáu mươi tuổi" đều mang vẻ đẹp của con người Hồ Chí Minh và thơ Hồ Chí Minh.
Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Bác tự nhận mình không phải là nhà thơ; có lần Bác nói: “Ngâm thơ ta vốn không ham...”. Nhưng số thơ Bác để lại khoảng 300 bài, trong đó có một số bài thơ rất hay. Thơ Bác dù viết bằng chữ Hán hay tiếng Việt đều ngắn, ý thơ giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Mỗi bài thơ là một nét đẹp tâm hồn trong sáng của Bác.
Bài thơ “Ngắm trăng” và bài “Sáu mươi tuổi" đều mang vẻ đẹp của con người Hồ Chí Minh và thơ Hồ Chí Minh.
1. Bài “Ngắm trăng” được Bác viết trong nhà ngục Quảng Tây (Trung Quốc) khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943.
Vốn yêu trăng, yêu thiên nhiên, tuy sống trong cảnh tù đày, chân tay bị cùm trói, bị đói rét, bị muỗi rệp, ghẻ lở hành hạ, không có rượu, hoa để thưởng trăng, nhưng Bác vẫn “khó hững hờ" trước cảnh đẹp đêm thu. Người tù vĩ đại này có cốt cách thanh cao thi sĩ tuyệt đẹp:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cánh đẹp đêm nay khó hững hờ.”
Cách ngắm trăng của Bác thật khác xa với nhiều người. Bác ngắm trăng trong nhà tù. Giữa Bác với vầng trăng là cửa sắt nhà ngục, là song sắt nhà tù Bác lặng lẽ ngắm trăng; trăng lặng lẽ nhìn Bác. Trăng được nhân hóa. Trăng là người bạn tri âm tri kỉ của Bác:
“ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"
Dưới ánh mắt của vầng trăng, Bác không còn là người tù nữa mà là một nhà thơ rất tao nhã.
Em rất thích bài thơ “Ngắm trăng” vì nó đã thể hiện tâm hồn trong sáng, phong thái thanh cao, ung dung tự tại và tình yêu trăng, yêu thiên nhiên của Bác Hồ vĩ đại. Bài thơ còn biểu hiện khát vọng tự do của Bác trong cảnh tù đày, như một bài thơ khác Bác đã viết:
“Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”
(Nhật ký trong tù)
2. Nếu bài thơ “Ngắm trăng” ra đời trong cảnh tù đày đen tối, thì bài "'Sáu mươi tuổi” lại được Bác viết tại chiến khu Việt Bắc, trong thời chín năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian lao và anh dũng. Đó là năm 1950, lên lão 60 tuổi.
Sáu mươi tuổi đối với nhiều người là tuổi “già”. Nhưng với Bác thì Bác cho là "trẻ". Ông Bành Tổ trong truyền thuyết sống đến 800 tuổi; nếu so với tuổi 60 thì đúng là “còn xuân chán". Một ý thơ hóm hỉnh nêu lên một quan niệm sống về trẻ và già. Một giọng thơ hồn nhiên, thủng thỉnh tưởng như Bác vừa đọc thơ vừa mỉm cười:
“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành tuổi thiếu niên”
Bước vào tuổi 60, Bác vẫn “ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe”. Sống như thế là vui, là hạnh phúc, kém gì tiên giữa cõi trần. Ý thơ của Bác sáng tạo nên từ câu tục ngữ: “Ăn được, ngủ được là tiên - Không ăn không ngủ, mất tiền thêm lo”.
“Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên”
Sáu mươi tuổi, Bác vẫn “làm việc khỏe", bàn bạc việc quân, việc nước đến canh khuya, Bác vẫn đi chiến dịch, cùng bộ đội dân công ra mặt trân,...Ông tiên này đang hết lòng vì nước vì dân, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, viết nên bản anh hùng ca Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
“Sáu mươi tuổi” là một bài thơ thể hiện cách sống hăng say và tinh thần lạc quan yêu đời của Bác.
Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Hai bài thơ“Ngắm trăng" và “Sáu mươi tuổi” là tiếng nói tâm hồn của Hồ Chí Minh. Thanh cao, ung dung, yêu đời, lạc quan ... là vẻ đẹp tâm hồn của Bác mà em cảm nhận được khi đọc hai bài thơ này.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Cảm nghĩ của em sau khi đọc hai bài thơ của Bác Hồ: "Ngắm trăng" và “Sáu mươi tuổi" timdapan.com"