Bài 9. Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại - SGK GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy quan sát các hình ảnh dưới đây và cho biết nếu cá nhân thực hiện sẽ dẫn đến nguy cơ gì.
Mở đầu
Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 54 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy quan sát các hình ảnh dưới đây và cho biết nếu cá nhân thực hiện sẽ dẫn đến nguy cơ gì.
Lời giải chi tiết:
- Ảnh 1 - hành động cưa bom => gây nguy cơ cháy, nổ.
- Ảnh 2 - hút thuốc lá nơi công cộng => gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh; mặt khác, trong một số trường hợp, việc vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định cũng có thể gây ra tình trạng cháy, nổ.
- Ảnh 3 - sử dụng thực phẩm bị mốc, ôi thiu => gây ngộ độc thực phẩm.
1
Trả lời câu hỏi Khám phá 1 trang 56 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Em hãy kể thêm một số một số tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại mà em biết.
- Theo em, hành vi, việc làm của anh A và bà B có nguy cơ dẫn đến tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại không?
- Em có nhận xét như thế nào về tình trạng tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại trong các thông tin trên? Các vụ tai nạn trên gây ra thiệt hại như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Kể thêm một số một số tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại
- Một số tai nạn cháy, nổ:
+ Rà phá bom, mìn; cưa bom; chế tạo bom, mìn trái phép,…
+ Cháy do chập điện, các thiết bị điện bị quá tải.
+ Cháy, nổ do rò rỉ khí ga.
+ Cháy do nắng nóng kéo dài hoặc do sét đánh.
+ Đốt vàng mã không cẩn thận dẫn đến cháy.
- Một số tai nạn do vũ khí:
+ Chế tạo và sử dụng vũ khí tự chế.
+ Tàng trữ trái phép vũ khí trong nhà.
- Một số tai nạn do hóa chất độc hại:
+ Sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng,…
+ Sử dụng phẩm màu, chất phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
+ Sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, vượt quá hàm lượng cho phép.
+ Nhiễm độc chì, thủy ngân,…
Nhận xét hành vi của anh A và bà B
- Hành động của anh A có nguy cơ dẫn đến tai nạn cháy, nổ. Vì: xăng dầu là chất dễ cháy, chỉ cần khoảng 5% hơi xăng bay trong không khí là có thể bắt lửa, gây cháy, nổ. Do đó, hành động: hút thuốc lá tại cây xăng và vứt lại điếu thuốc đang cháy dở xuống đất gần hệ thống bơm xăng của trạm sẽ tiềm ẩn rủi ro cháy rất cao.
- Hành động của bà B có thể dẫn đến tai nạn ngộ độc thực phẩm. Vì: các loại thực phẩm ôi thiu, mốc, hỏng… chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của con người.
Tình trạng tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại trong các thông tin trên và các vụ tai nạn trên gây ra thiệt hại
- Nhận xét: tình trạng tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại ở Việt Nam vẫn còn rất cao.
+ Từ năm 2017 - 2021, tuy số vụ cháy, nổ ở Việt Nam có sự biến động theo xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở ngưỡng cao và gây thiệt hại lớn về người và của; đổng thời cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
+ Tình trạng tai nạn do hóa chất độc hại ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe của các cá nhân và cộng đồng.
- Hậu quả của tai nạn cháy nổ, vũ khí, chất độc hại:
+ Ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người.
+ Gây thiệt hại tài sản của các cá nhân, gia đình và xã hội;
+ Gây ô nhiễm môi trường;…
2
Trả lời câu hỏi Khám phá 2 trang 56 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Em có nhận xét như thế nào đối với ý kiến của các bạn trong trường hợp trên??
- Ý kiến của các bạn trong trường hợp trên đúng hay sai? Vì sao?
Lời giải chi tiết:
- Nhận xét đối với ý kiến của các bạn trong trường hợp trên
- Nhận xét hành vi của bà C: Hành vi dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng bì lợn của bà C đã vi phạm khoản 3 điều 7 Luật hóa chất năm 2007. Mặt khác, hành vi này có thể gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là hành vi đáng bị lên án và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Nhận xét hành vi của anh T: Hành vi báo cháy giả của anh T đã vi phạm khoản 4 điều 13 Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013. Mặt khác, hành vi này cũng gây tâm lí hoang mang cho người dân xung quanh; gây lãng phí thời gian và công sức của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Đây là hành vi đáng bị lên án và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Nhận xét hành vi của anh A: Hành vi của anh A đã vi phảm khoản 2 điều 5 Luật quản lí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 sửa đổi, bổ sung năm 2020. Mặt khác, hành vi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây: tai nạn cháy, nổ; nguy hại đến tính mạng và tài sản của chính bản thân anh A, cũng như mọi người xung quanh. Đây là hành vi đáng bị lên án và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Ý kiến của các bạn A và B trong trường hợp trên là đúng. Vì: phòng chống tai nạn vũ khí, cháy nổ và chất độc hại là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân; để bảo vệ bản thân mình tốt hơn, mỗi công dân nên tự trang bị thêm cho mình những kiến thức và kĩ năng đúng đắn, khoa học để phòng ngừa hoặc ứng phó khi xảy ra các tai nạn cháy nổ, vũ khí, ngộ độc thực phẩm.
3
Trả lời câu hỏi Khám phá 3 trang 59 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Em có nhận xét như thế nào về ý kiến của các bạn trong trường hợp trên?
- Theo em, công dân có trách nhiệm gì trong việc phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại?
Lời giải chi tiết:
- Nhận xét:
+ Ý kiến của các bạn A và B trong trường hợp trên là đúng.
+ Vì: phòng chống tai nạn vũ khí, cháy nổ và chất độc hại là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân; để bảo vệ bản thân mình tốt hơn, mỗi công dân nên tự trang bị thêm cho mình những kiến thức và kĩ năng đúng đắn, khoa học để phòng ngừa hoặc ứng phó khi xảy ra các tai nạn cháy nổ, vũ khí, ngộ độc thực phẩm.
- Trách nhiệm của công dân trong việc phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại
+ Tự giác tìm hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
+ Tuyên truyền, vận động bạn bè và mọi người xung quanh thực hiện tốt các quy định.
+ Tố cáo những hành vi vi phạm hoặc xúi giục người khác vi phạm các quy định trên.
4
Trả lời câu hỏi Khám phá 4 trang 60 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Anh T và anh K đã thực hiện việc phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ, như thế nào?
Anh D đã thực hiện việc phòng ngừa tai nạn phòng cháy chữa cháy tại gia đình như thế nào
Gia đình bạn B thực hiện việc phòng ngừa tai nạn các chất độc hại như thế nào?
Là học sinh, em có thể làm gì để nhắc nhở người thân, bạn bè chủ động phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại?
Lời giải chi tiết:
Trường hợp 1
- Khi phát hiện hành vi rà phá bom mìn của anh K, anh T đã:
+ Giải thích cho anh K hiểu nguy cơ và hậu quả của hành động rà phá bom mìn.
+ Yêu cầu anh K chấm dứt hành động trên và ngay lập tức báo cho chính quyền địa phương.
- Sau khi nghe anh T phân tích, anh K đã ý thức được hành động của mình và đồng ý thực hiện theo lời khuyên của anh T.
=> Như vậy, hành động của anh T và anh K là đúng, phù hợp với các quy định của pháp luật về phòng chống tai nạn cháy nổ, vũ khí.
Trường hợp 2
- Anh D và gia đình đã tự trang bị cho mình nhiều trang thiết bị, công cụ hỗ trợ việc phòng cháy, chữa cháy và nhiều kĩ năng thoát hiểm, thoát nạn trong đám cháy.
=> Như vậy, hành động của anh D và gia đình là đúng, phù hợp với các quy định của pháp luật về phóng chống tai nạn cháy nổ. Chúng ta nên khuyến khích và học tập theo hành động này
Trường hợp 3
- Gia đình bạn B đã từ chối việc sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm; đồng thời cảnh báo nguy hiểm cho mọi người xung quanh cùng biết.
=> Như vậy, hành động của gia đình bạn B là đúng, phù hợp với các quy định của pháp luật về phòng chống tai nạn do hóa chất độc hại. Chúng ta nên khuyến khích và học tập theo hành động này.
Trường họp 4
- Để nhắc nhở người thân, bạn bè chủ động phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại, em cần:
+ Tư vấn, giải thích cho người thân và bạn bè hiểu rõ những nguy cơ và hậu quả của tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
+ Khuyên mọi người nên tìm hiểu thêm các quy định của pháp luật và trang bị thêm những kiến thức, kĩ năng để phòng, chống tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại
1
Trả lời câu hỏi Luyện tập 1 trang 62 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đưa ra quan điểm đối với các ý kiến sau:
a) Sử dụng hoá chất để bảo quản, chế biến thực phẩm là điều bình thường.
b) Tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại chỉ ảnh hưởng đến môi trường.
c) Vũ khí và các chất độc hại được phép tảng trữ, vận chuyển, buôn bán.
d) Học sinh nên tự giác tìm hiểu và thực hiện pháp luật về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
Lời giải chi tiết:
- Ý kiến a) Không đồng tình. Vì:
+ Sử dụng hóa chất để bảo quản và chế biến thực phẩm chỉ là điều bình thường trong trường hợp: loại hóa chất đó thuộc danh mục cho phép, có chất lượng tốt, còn hạn sử dụng; được sử dụng theo đúng quy định tiêu chuẩn về hàm lượng, đúng quy trình,… Tuy nhiên, dù thực hiện đúng quy định, chúng ta cũng không nên khuyến khích việc bảo quản thực phẩm bằng hóa chất.
+ Việc sử dụng những loại hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; sử dụng sai về liều lượng, quy trình,… dễ dẫn tới tai nạn về ngộ độc thực phẩm hoặc gây những di chứng lâu dài (khó phát hiện ngay) đối với sức khỏe của người dùng.
- Ý kiến b) Không đồng tình. Vì: ngoài việc gây tác động đến môi trường; những tai nạn về vũ khí, cháy nổ, chất độc hại còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của các cá nhân, gia đình, cộng đồng,…
- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các loại vũ khí, chất độc hại.
- Ý kiến d) Đồng tình. Vì: hiện nay, các tai nạn về cháy, nổ, vũ khí, chất độc hại có xu hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để bảo vệ bản thân mình tốt hơn, mỗi học sinh nên tự trang bị thêm cho mình những kiến thức và kĩ năng đúng đắn, khoa học để phòng ngừa hoặc ứng phó khi xảy ra các tai nạn.
2
Trả lời câu hỏi Luyện tập 2 trang 62 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các hành vi dưới đây và thực hiện yêu cầu
a) Anh T hút thuốc lá tại trạm xăng dầu.
b) Chị M tiêm hoá chất độc hại vào cá, tôm để bán nhằm tăng lợi nhuận.
c) Bác K sử dụng phẩm màu không nằm trong danh mục của Bộ Y tế trong chế biến thực phẩm.
d) Công ti P có hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường.
Yêu cầu:
- Em hãy nhận diện nguy cơ của các hành vi trên.
- Em hãy phân tích hậu quả có thể xảy ra của từng hành vi.
Lời giải chi tiết:
- Hành vi a) Anh T hút thuốc lá tại trạm xăng dầu.
+ Nguy cơ: cháy, nổ.
+ Hậu quả: nguy hiểm đến tính mạng của anh T và những người xung quanh; gây thiệt hại lớn và kinh tế và ô nhiễm môi trường.
- Hành vi b) Chị M tiêm hoá chất độc hại vào cá, tôm để bán nhằm tăng lợi nhuận.
+ Nguy cơ: ngộ độc thực phẩm
+ Hậu quả: nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
- Hành vi c) Bác K sử dụng phẩm màu không nằm trong danh mục của Bộ Y tế trong chế biến thực phẩm.
+ Nguy cơ: ngộ độc thực phẩm (tuy nằm trong danh mục hóa chất được bộ Y tế cho phép, nhưng bà K có đảm bảo sử dụng đúng liều lượng? quy trình kĩ thuật… hay không? Khi sử dụng vượt quá liều lượng, sai cách thức,.. thì cũng có thể gây ngộ độc).
+ Hậu quả: nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bà K và những người trong gia đình.
- Hành vi d) Công ti P có hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường.
+ Nguy cơ: ngộ độc thực phẩm
+ Hậu quả: gây nguy hại đến sức khỏe của con người (ví dụ: xả chất thải ra môi trường đất/ nước sẽ gây hại cho các loài sinh vật sống ở khu vực đó => con người tiêu thụ, sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm độc thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe); ô nhiễm môi trường.
3
Trả lời câu hỏi Luyện tập 3 trang 62 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy kể những nguy cơ có thể gây tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại có trong gia đình em. Cho biết bản thân em cần làm gì để góp phần phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
Lời giải chi tiết:
- Một số nguy cơ gây tai nạn cháy, nổ và chất độc hại có trong gia đình em:
+ Cháy, chập các thiết bị điện.
+ Việc đốt vàng mã vào các ngày lễ, tết.
+ Các vật liệu dễ cháy để ở sát khu vực bếp đun.
+ Một số loại phẩm màu, phụ gia thực phẩm (ví dụ: phẩm màu công nghiệp; gói gia vị chế biến sẵn,…)
- Để góp phần phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại, em cần:
+ Tự giác tìm hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
+ Tuyên truyền, vận động bạn bè và mọi người xung quanh thực hiện tốt các quy định.
+ Chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức, kĩ năng để phòng ngừa/ ứng phó với tai nạn.
+ …
4
Trả lời câu hỏi Luyện tập 4 trang 62 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp. Trước khi đi công tác, bố mẹ gọi bạn N và em T vào dặn dò: “Bố mẹ đi công tác một tuần, anh em con ở nhà nhớ tự chăm sóc lẫn nhau. Quan trọng là phải bảo đảm không được để xảy ra cháy, nổ và ngộ độc thực phẩm nhé! Thực hiện lời dặn của bố mẹ, bạn N khoá bình ga sau khi nấu ăn xong, tắt điện trước khi ra khỏi nhà. Đặc biệt, bạn N còn dặn em trai khi nấu ăn phải sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Yêu cầu:
- Nếu là bạn N và em T, hãy cho biết em thực hiện như thế nào để phòng ngừa tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại.
Lời giải chi tiết:
Nếu là bạn N và em T, em sẽ:
+ Khoá bình gas sau khi nấu ăn xong.
+ Cất gọn đồ đạc trong nhà, không để những chất hoặc những vật liệu dễ cháy ở gần khu vực bếp đun.
+ Tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng để tránh tình trạng thiết bị điện bị quá tải, dẫn đến cháy, chập điện.
+ Sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng để nấu ăn.
+ Không sử dụng phẩm màu và các chất phụ gia trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm.
+ Không ăn những thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng: ôi thiu, nấm mốc,…
+ Ghi nhớ các số điện thoại đường dây nóng để gọi điện yêu cầu hỗ trợ (trong trường hợp cần thiết). Ví dụ: số 114 (hỗ trợ cứu hỏa); 115 (hỗ trợ cấp cứu),…
+ Khi đi ngủ, không đóng kín tất cả cửa chính và cửa sổ của phòng ngủ để tránh tình trạng ngạt khí hoặc gây khó khăn trong công tác ứng cứu khi sự có sự cố xảy ra.
5
Trả lời câu hỏi Luyện tập 5 trang 62 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp. Trước khi đi công tác, bố mẹ gọi bạn N và em T vào dặn dò: “Bố mẹ đi công tác một tuần, anh em con ở nhà nhớ tự chăm sóc lẫn nhau. Quan trọng là phải bảo đảm không được để xảy ra cháy, nổ và ngộ độc thực phẩm nhé! Thực hiện lời dặn của bố mẹ, bạn N khoá bình ga sau khi nấu ăn xong, tắt điện trước khi ra khỏi nhà. Đặc biệt, bạn N còn dặn em trai khi nấu ăn phải sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Yêu cầu:
- Cho biết bạn N nên nhắc nhở em trai là em T như thế nào để chủ động phòng ngừa tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại.
Lời giải chi tiết:
Để chủ động phòng ngừa tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại, bạn N nên nhắc nhở em trai:
+ Tự giác tìm hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng ngừa tai nạn cháy, nổ và các chất độc hại.
+ Chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức, kĩ năng để phòng ngừa/ ứng phó với tai nạn.
6
Trả lời câu hỏi Luyện tập 6 trang 63 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi trang 63 GDCD 8
Tình huống 1. Gần ngày tết Nguyên đán, bạn H được người anh họ cho một bánh pháo để đốt. Bạn Hnói với bạn K: “Tớ với cậu đốt pháo cho vui đi!”.Nghe xong, bạn Kliền đáp:“Pháp luật đã cấm đốt pháo rồi mà, chúng mình đốt pháo là vi phạm pháp luật đấy". Bạn H đáp: “Sao cậu máy móc thế? Ngày Tết cũng phải có tiếng nổ cho vui nhà vui xóm chứ!”. Lúc này, bạn K nhấn mạnh, đáp: “Không nên H ạ?. Cả hai tranh luận qua lại vì ý kiến trái ngược nhau.
Câu hỏi:
- Hành vi tàng trữ, đốt pháo có nguy cơ gây tai nạn không? Vì sao?
- Nếu bạn H thực hiện hành vi đốt pháo thì có thể dẫn đến những hậu quả gì?
- Em có lời khuyên như thế nào đối với bạn H?
Tình huống 2. Vào kì nghỉ hè, bạn T và bạn H rủ nhau dùng ná đi bắn chim. Thế nhưng, mấy ngày trôi qua, cả hai vẫn chưa đạt được kết quả gì. Thấy vậy, bạn T bảo: “Hay mình học cách làm súng tự chế thay cho nó để bắn chim”. Bạn H nói: “Không T ơi, làm như vậy nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn lắm”.
Câu hỏi:
- Theo em, nếu bạn T và bạn H làm súng tự chế để bắn chim có vi phạm các quy định của pháp luật không? Vì sao?
- Em có tán thành ý kiến của bạn H không? Vì sao?
Lời giải chi tiết:
* Trả lời câu hỏi tình huống 1:
- Hành vi tàng trữ, đốt pháo tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cháy, nổ. Vì: trong pháo có chứa thuốc pháo; khi gặp những tác động cơ học, lí học, nhiệt học hay hóa học,… thì đều có thể gây nổ.
- Nếu bạn H thực hiện hành vi đốt pháo thì có thể dẫn đến những hậu quả:
+ Gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chính bản thân và những người xung quanh.
+ Gây thiệt hại về kinh tế của các cá nhân, gia đình, xã hội.
+ Gây ô nhiễm môi trường.
- Em không tán thành với ý kiến của H. Vì: việc đốt pháo tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, trong ngày tết, chúng ta có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi, bổ ích và lành mạnh khác, như: gói bánh chưng cùng gia đình; chơi các trò chơi dân gian,..
* Trả lời câu hỏi tình huống 2:
- Nếu bạn T và bạn H làm súng tự chế để bắn chim thì sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Vì: khoản 2 Điều 5 Luật quản lí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định rõ: nghiêm cấm thực hiện hành vi: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất,… các loại vũ khí, vật liệu nổ,…
- Em tán thành với ý kiến của bạn H, vì: bên cạnh việc vi phạm pháp luật, hành động tự chế vũ khí còn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng, như:
+ Gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chính bản thân và những người xung quanh.
+ Gây thiệt hại về kinh tế của các cá nhân, gia đình, xã hội.
1
Trả lời câu hỏi Vận dụng 1 trang 63 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy thiết kế tờ gấp có nội dung quy định cơ bản của pháp luật về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại để tuyên truyền cho các bạn học sinh trong trường của mình.
Lời giải chi tiết:
(*) Sản phẩm tham khảo: Tờ gấp “Những việc cần làm khi xảy ra cháy nổ”
2
Trả lời câu hỏi Vận dụng 2 trang 63 Bài 9 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy làm việc nhóm để xây dựng một tiểu phẩm và sắm vai trước lớp với nội dung nhắc nhở người thân, bạn bè chủ động phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại.
Lời giải chi tiết:
(*) Tham khảo tiểu phẩm: THAM THÌ THÂM
1. Nhân vật trong tiểu phẩm
- Ông Hùng - chủ cơ sở sản xuất rượu Hùng Mai
- Bà Mai - vợ ông Hùng
- Anh Hoàng, anh Bình - nhân viên của cơ sở sản xuất rượu Hùng Mai
- Anh Tuấn - công an xã X
2. Nội dung tiểu phẩm
Cảnh 1. Tại phòng khách nhà ông Hùng, bà Mai
Người dẫn truyện (đọc): Cả nhà quần quật quanh năm bên ruộng đồng mà nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Bữa nọ, ông Hùng lên tỉnh chơi, nghe đâu người ta mách làm cái nghề nấu rượu nhanh “phất” lắm, chẳng mấy chốc mà giàu to. Ông Hùng hí hứng đem chuyện về kể với vợ:
Ông Hùng (giọng hí hửng): Bà nó ơi, tôi nghe người ta bảo nấu rượu nhanh đổi đời lắm. Tôi tính bán quách mấy sào ruộng đi rồi chuyển sang nấu rượu. Bà thấy thế nào?
Bà Mai (ngần ngại): Nhưng tôi có biết nấu rượu thế nào đâu. Cả nhà trông vào có mấy sào ruộng, giờ ông bảo bán thì lấy gì mà ăn? Ông đừng có nghe người ta mách linh tinh nữa. Gớm nữa, dễ “phất” thế thì người ta đã chỉ cho họ hàng, hang hốc nhà người ta rồi, có đâu mà đến lượt mình!
Ông Hùng (giọng quả quyết): Ơ hay cái bà bày, sao lại cứ bàn lùi thế nhỉ? Ai là chủ cái nhà này? Tôi, là tôi nhé, mọi việc tôi quyết hết. Bà không phải lo, tôi đã dò hỏi và nắm thóp được công nghệ làm rượu rồi. (Ông Hùng quay sang nhìn bà Mai, bĩu môi nói) Giàu có, sung sướng, làm ông nọ bà kia thì không muốn, cứ muốn bán mặt cho đất bán lưng cho trời phỏng?
Bà Mai (thở dài): Ông ngồi đấy mà đếm cua trong hang, chưa bắt tay vào làm đã nghĩ đến giàu có, sung sướng. Của thiên hạ dễ mà bốc được về nhà mình đấy nhỉ?
Ông Hùng (đập tay xuống bàn, trợn mắt quát bà Mai): Các cụ nói cấm có sai “đàn ông nông nổi giếng khơi/ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Thôi, không nó nhiều nữa, sáng mai bà lên phố mua cho tôi mấy can cồn công nghiệp và mua thêm hương liệu pha rượu này về đây (nói đoạn, ông Hùng lấy mảnh giấy cất trong túi áo ra, đưa cho bà Mai, ông cẩn thận dặn dò thêm) Bà ra chợ Đồng Xuân mà mua, cái cửa hàng nhà TX ở cuối chợ ý, nhớ là phải tuyệt đối cẩn thận, bí mật, công thức gia truyền đấy! Bà mà hé răng ra nói với ai thì biết tay tôi!
Bà Mai (miễn cưỡng cầm mảnh giấy, uể oải đáp): Công thức gia truyền cơ đấy, tôi biết ông từ cái thời ở truồng tắm mưa, có thấy nhà ông nấu rượu bao giờ đâu. Chỉ giỏi vẽ chuyện!
Ông Hùng (phì cười): Bà chỉ giỏi lí sự, cứ làm theo lời tôi, sau này không phải làm gì, chỉ cần ở nhà đếm tiền rồi cất vào két thôi!
Bà Mai (nét mặt tươi tỉnh hơn): Thì vâng! Mà tôi hỏi khí không phải, cái hương liệu này là cái gì mà tôi nghe lạ tai quá. Thường thì người ta nấu rượu từ gạo hoặc ngô, hoặc ủ rượu với các loại hoa quả, thảo dược, chứ tôi có thấy cai ủ bằng hương liệu bao giờ.
Ông Hùng (nét mặt tỏ vẻ bí hiểm, ghé vào tai bà Mai nói nhỏ): Bà nhà quê lắm, cái này là công nghệ sản xuất mới. Tôi phải thăm dò kĩ lắm mới phát hiện ra đấy. Giờ không cần mất thời gian chưng cất như ngày xưa đâu. Ngày xưa ủ một mẻ rượu táo mèo có khi mất cả năm mà chưa được uống, giờ thì phút mốt nhá. Hương liệu pha rượu vừa rẻ vừa dễ dùng. Khách hàng thích rượu hương nào là có ngay hương đó. Hương gạo, hương nếp, hương thuốc bắc, hương cốm… (ngừng một chút, ngấm chén trà, ông Hùng nói tiếp) Làm ăn thời buổi kinh tế thị trường, mình phải biết nhu cầu của khách là gì, kịp thời đáp ứng được nhu cầu đó thì mới giàu được. Chứ giờ khách vào quán rượu, đòi uống rượu táo mèo, chủ quán lại bảo “thôi, bác đi về đi, năm sau đến em bán cho bác” thì có mà ăn cám à? Bà thấy tôi nói có đúng không?
Bà Mai (gật gù): Nghe cũng hợp lí đấy nhỉ.
Ông Hùng (hí hửng, rung đùi, vuốt râu đáp): Chứ lại không à! Bà cứ tin tôi, chỉ một thời gian ngắn thôi, tôi sẽ xây cho bà cái nhà khác, to gấp 3 à không, gấp 5 lần cái bây giờ. Cho bà ngồi đếm tiền khô nước bọt thì thôi! Haha!
Bà Mai (mỉm cười đáp): Cái ông này chỉ được cái đùa dai, nhiều tiền thế thì mua cái máy đếm tiền chứ cai đếm bằng nước bọt. Nghe ông nói thôi cũng thấy xuôi xuôi rồi. Ừ thì công đoạn ủ hương liệu mình không phải lo, nhưng công đoạn quan trọng nhất là nấu rượu thì sao? Ba đời nhà tôi làm nông, chứ chưa nấu rượu bao giờ. Không biết nấu có được không?
Ông Hùng (vui vẻ đáp lại): Bà lại lo bò trắng răng rồi. Nấu rượu cũng đơn giản lắm. Chỉ cần pha cồn công nghiệp với nước giếng theo một tỉ lệ nhất định là ra ngay. Vừa đỡ phải đun đun, nấu nấu, vừa đỡ chi phí này kia đủ thứ nhiêu khê. Nhưng mà để chắc chắn, khỏi bị lộ thì tôi tính, mình sẽ pha theo công thức này: cứ một lít rượu gạo pha với 9 lít nước giếng rồi đổ một ít cồn công nghiệp vào, thế là ta được 10 lít rượu quê. Cách làm này tôi đảm bảo sẽ thu về khoản lời kha khá.
Bà Mai (gật gù): Thật thế hả ông? Để mai tôi đi mua ngay.
Người dẫn truyện (đọc): Thực hiện theo kế hoạch ông Hùng đã vạch ra, bà Mai đã nhanh chóng đi mua các loại nguyên liệu. Sau đó, ông bà bắt tay vào việc pha chế hàng loạt loại rượu giả. Rượu nhà ông bà Hùng Mai sản xuất ra bán chỉ từ 5.000 đồng đến 7.000đồng một lít, trong khi chai rượu Vodka Hà Nội 300 ml phải mua tới 35.000đồng nên khách kéo đến mỗi ngày một đông. Lúc đầu chỉ tiêu thụ quanh huyện, sau đó thương lái đến thu mua mang đi cả miền bắc. Trước cổng nhà ông Hùng lúc nào cũng như trẩy hội.
Cảnh 2. Tại phòng ăn nhà ông Hùng, bà Mai
Người dẫn truyện (đọc): Trong bữa cơm trưa, bà Mai không giấu nổi niềm vui, nói với ông Hùng bằng giọng hí hửng
Bà Mai: Rượu bán chạy quá ông nó ạ. Huy động cả ba đứa nhà mình, cả con cháu cùng làm mà vẫn không kịp. Sắp tới lại có mấy đơn hàng ở tận trong Nam về lấy rượu. Họ đặt mua với số lượng khá lớn. Nếu biết làm ăn dễ dàng thế này thì mình đã làm cách đây mấy năm rồi ông nhỉ?
Ông Hùng (vênh mặt, vuốt râu, đáp): Thế mà lúc trước có người bảo tôi là đếm cua trong hang đấy!
Bà Mai (ngượng ngùng): Thôi, chuyện qua rồi mà ông cứ nhắc mãi! Vâng, tôi sâu sắc lắm cũng chỉ như cơi đựng trầu! Từ giờ ông nói gì tôi nghe tuốt!
Ông Hùng (bật cười, nói): Tôi tính mở rộng quy mô sản xuất rồi thuê người đến làm, có thế mới kịp bà ạ!
Cảnh 3. Tại cơ sở sản xuất rượu Hùng Mai
Người dẫn truyện (đọc): Rồi ông bà thuê thêm 10 người đến làm, trong đó có Hoàng và Bình được ông bà thuê ở làng bên. Hoàng và Bình làm việc chăm chỉ, nhanh nhẹn nên ông bà Hùng Mai rất ưng ý. Trong quá trình nấu rượu, ông Hùng đã tìm hiểu được một công thức nấu rượu mới. Ông gọi hai thằng Bình và Hoàng ra chỉ dẫn cách làm:
Ông Hùng: Chúng mày lấy cái men Tàu cho vào nước vo gạo rồi ủ hai, ba ngày nghe chưa? Nước gạo không đủ thì bơm ở giếng lên. Sau 3 ngày ngâm và ủ thì đun, chắt lấy rượu là được. Hai đứa nhớ chưa? (Ngừng một lát, ông Hùng nói tiếp) Rượu sau khi thành phẩm, chúng mày nhớ cho vài viên đường hóa học ông để ở góc bếp vào thì rượu mới có độ ngọt và đậm vị.
Cảnh 4. Tại nhà của Hoàng
Người dẫn truyện (đọc): Với công nghệ sản xuất rượu không khói, không chỉ một vốn bốn lời mà còn nhiều hơn, vợ chồng ông bà Hùng Mai phất lên như diều gặp gió, thoắt đã trở thành triệu phú nức tiếng gần xa.Thấy ông chủ kiếm tiền dễ dàng, lại học được công thức làm rượu, Hoàng và Bình bàn nhau xin nghỉ việc, vay vốn đầu tư, mở xưởng sản xuất rượu to hơn cơ sở nhà ông bà Hùng Mai để cạnh tranh.Một hôm Hoàng đang chắt rượu vào can thì nhận được cuộc gọi của Bình.
Hoàng (vội hỏi): Alo, có chuyện gì thế? Nhà bao việc mà mày đi đâu mất dạng từ sáng đến giờ thế?
Bình (vội vàng đáp): Lớn chuyện rồi Hoàng ơi! Thằng Thiện chiều hôm qua mua rượu ở chỗ mình bị ngộ độc và phải đi cấp cứu ở bệnh viện rồi, nghe nói nguy kịch lắm. Người nhà họ đang làm ầm ĩ lên đó.
Hoàng (hồi hộp hỏi lại): Thật… thật không? Hay thằng Thiện nó ăn phải cái gì rồi bị thế? Chứ nhà lão Hùng cũng làm thế, bán khắp trong nam ngoài bắc, có thấy ai làm sao đâu?
Người dẫn truyện (đọc): Hoàng chưa kịp nói hết câu thì anh Tuấn - công an xã đã ập đến, yêu cầu Hoàng cho kiểm tra giấy tờ và kết luận cơ sở sản xuất không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên Hoàng bị giải lên trụ sở Công an.
Cảnh 5. Tại trụ sở công an xã
Hoàng (run rẩy): Xin các anh xem xét, em cũng chỉ học lỏm cách làm rượu từ vợ chồng ông Hùng, bà Mai thôi ạ.
Người dẫn truyện (đọc): Sau ít phút ông Hùng cũng bị Công an đưa đến trụ sở. Nhìn thấy thằng Hoàng, ông Hùng điên lên, xông vào túm cổ áo Hoàng.
Ông Hùng: A! Quân ăn cháo đá bát, mày đã cướp nghề của ông thì chớ, giờ lại khai man, định đổ tội cho ông phỏng? (ông Hùng quay sang nói với anh Tuấn) Cán bộ xem xét kĩ cho, thằng này ăn nói láo lếu, làm mất uy tín của cơ sở sản xuất rượu nhà tôi đấy! Chứ nhà tôi làm ăn chân chính, khách hàng khắp cả nước, ai cũng khen rượu ngon, chứ có ai bị ngộ độc như nhà nó đâu!
Hoàng (vội vã thanh minh): Báo cáo cán bộ! Em nói hoàn toàn đúng sự thật. Trong quá trình làm việc tại xưởng rượu nhà ông Hùng, em đã học được cái công nghệ sản xuất rượu không khói này. Em cũng không hiểu tại sao, nhà ông ấy làm thì không ai bị ngộ độc, đến em thì… chắc tại số em đen!
Ông Hùng (chỉ tay vào Hoàng, nói lớn): Cái quân lừa thầy phản bạn như mày thì Phật nào độ cho nổi! Đã làm ăn láo lếu rồi còn định đổ vấy cho ông, ông là ông nể mặt anh Tuấn đây, chứ không thì ông đã cho mày biết thế nào là “lễ hội” rồi nhé!
Anh Tuấn (vội ngắt lời ông Hùng): Thôi, hai người không cần phải chỉ trích nhau đâu. Sự thật thế nào thì lực lượng công an xã đã điều tra và làm rõ cả rồi! Ông Hùng, đến giờ phút này, ông vẫn còn chưa thấy ăn năn hối lỗi à?
Ông Hùng (mặt hốt hoảng, giọng run rẩy): Tôi… tôi…
Anh Tuấn (nhìn thẳng vào ông Hùng và anh Hoàng): Hai người có biết mình vi phạm gì không? Hai người nghe rõ đây, theo khoản 20, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm quy định: rượu là một loại thực phẩm. Hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh thương mại.
Hoàng (mặt tái nhợt, ngập ngừng hỏi lại): Thế… thế em bị phạt có nặng không hả anh? Có vài cái lít rượu thì chắc chỉ phạt mấy trăm nghìn đồng thôi anh nhỉ?
Anh Tuấn (nghiêm nghị đáp): Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồngđối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Không chỉ bị xử phạt hành chính, trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi sản xuất rượu giả có thể bị xử lý hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) năm 2017. Tùy theo tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi mà mức phạt tù có thể từ: 2 đến 5 năm; hoặc 20 năm, thậm chí là tù chung thân!
Người dẫn truyện (đọc): Nghe đến đây, ông Hùng và anh Hoàng đều thẫn thờ, ngồi phịch xuống ghế, không nói nổi lời nào! Phải chăng họ đang lo sợ trước mức án phạt mà mình sẽ phải nhận? Hay họ đang cảm thấy ăn năn, hối hận về hành vi của mình?
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 9. Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại - SGK GDCD 8 Chân trời sáng tạo timdapan.com"