Bài 6. Xác định mục tiêu cá nhân - SGK GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy viết hoặc vẽ về “Chân dung tuổi 15" của mình và chia sẻ với bạn.
Mở đầu
Trả lời câu hỏi Mở đầu trang 35 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy viết hoặc vẽ về “Chân dung tuổi 15" của mình và chia sẻ với bạn.
Lời giải chi tiết:
- Cơ thể khỏe mạnh, cân đối.
- Đạt thành tích tốt trong học tập và thi đỗ vào ngôi trường THPT mà mình mơ ước.
- Bản thân sẽ tiết kiệm được một số tiền nhỏ đủ để đóng học phí cho các khóa học thêm tiếng Anh, học làm bánh và bơi.
1
Trả lời câu hỏi Khám phá 1 trang 36 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Em hiểu mục tiêu cá nhân là gì?
- Theo em, có những loại mục tiêu cá nhân nào?
- Theo em, mục tiêu của mỗi bạn trong từng hình ảnh trên thuộc loại nào?
Lời giải chi tiết:
Em hiểu mục tiêu cá nhân là gì?
Mục tiêu cá nhân là kết quả cụ thể mà mỗi người mong muốn đạt được trong một thời gian nhất định.
Có những loại mục tiêu cá nhân nào?
+ Dựa theo tiêu chí thời gian thực hiện, mục tiêu cá nhân có thể phân thành 2 loại là: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
+ Dựa theo tiêu chí lĩnh vực thực hiện, mục tiêu cá nhân có thể phân thành nhiều loại là: mục tiêu về sức khỏe; mục tiêu về học tập; mục tiêu về gia đình; mục tiêu về sự nghiệp và mục tiêu về tài chính,...
Mục tiêu của mỗi bạn trong từng hình ảnh trên thuộc loại nào?
+ Ảnh 1: mục tiêu ngắn hạn; đồng thời là mục tiêu tài chính.
+ Ảnh 2: mục tiêu ngắn hạn; đồng thời là mục tiêu về gia đình.
+ Ảnh 3 và 4: mục tiêu ngắn hạn; đồng thời là mục tiêu về sức khỏe.
2
Trả lời câu hỏi Khám phá 2 trang 37 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Theo em, vì sao bạn P đạt được điều mình mong muốn còn bạn Th thì không?
- Theo em, vì sao chúng ta cần xác định mục tiêu cá nhân?
- Em đã xác định được những mục tiêu nào cho bản thân?
Lời giải chi tiết:
Bạn P đạt được điều mình mong muốn còn bạn Th thì không vì:
+ Bạn P đạt được điều mình mong muốn, vì: P đã xác định được những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng và P luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
+ Bạn Th không đạt được những kế hoạch đã đề ra, vì: Th chưa xác định được mục tiêu chính của mình là gì, mặt khác, trong quá trình thực hiện, Th chưa có sự quyết tâm, thiếu tính kiên trì, nhẫn nại và thiếu sự cố gắng.
Chúng ta cần xác định mục tiêu cá nhân, vì:
+ Mục tiêu cá nhân có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò định hướng cho hoạt động của con người.
+ Mục tiêu có tác dụng tạo động lực để mỗi cá nhân quyết tâm hành động.
(Tham khảo) Một số mục tiêu của bản thân em:
+ Mục tiêu ngắn hạn: trong vòng 3 tháng tới, em sẽ tiết kiệm được 1 triệu đồng để mua sách và mua quà tặng sinh nhật mẹ.
+ Mục tiêu dài hạn: tới năm 25 tuổi, em sẽ trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin.
+ Mục tiêu học tập: đạt giải nhất trong cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh.
+ Mục tiêu về gia đình: em sẽ phụ giúp bố mẹ nhiều hơn những công việc nhà, như: quét dọn, nấu những món ăn đơn giản, rửa bát, chăm sóc em trai,…
+ Mục tiêu về sức khỏe: tăng thêm 2 kg trong sau 2 tháng nữa.
3
Trả lời câu hỏi Khám phá 3 trang 37 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Dựa vào gợi ý của bạn V, em hãy giúp bạn M xác định mục tiêu.
Lời giải chi tiết:
(*) Tham khảo: Mục tiêu: trong vòng 1 tháng, thành lập được Câu lạc bộ tìm hiểu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với sự tham gia của 10 thành viên.
=> Phân tích mục tiêu:
+ Tính cụ thể: lĩnh vực tìm hiểu là trí tuệ nhân tạo; số lượng thành viên là 10 người.
+ Tính đo lường được: mục tiêu này đã được định lượng rõ ràng về thời gian thực hiện; số lượng thành viên, nên bạn M có thể theo dõi tiến độ thực hiện.
+ Tính khả thi: trong vòng 1 tháng, mời được 10 bạn tham gia câu lạc bộ là khả thi. M có thể mời các bạn cùng lớp, cùng trường hoặc có thể đăng tải những mong muốn, thông điệp của bản thân lên các trang mạng xã hội như: facebook, Instagram,…
+ Tính thực tế: mục tiêu này mang tính thực tế, vì đã hướng tới mục đích chung của M là thành lập được 1 câu lạc bộ tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo.
+ Thời gian thực hiện: 1 tháng.
4
Trả lời câu hỏi Khám phá 4 trang 38 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
- Em hãy sắp xếp các hình ảnh theo trình tự các bước lập kế hoạch thực hiện mục tiêu cá nhân.
- Dựa vào mục tiêu đã được xác định ở hoạt động trên, em hãy hướng dẫn cho bạn M cách lập kế hoạch để thực hiện.
Lời giải chi tiết:
Sắp xếp các hình ảnh theo trình tự các bước lập kế hoạch thực hiện mục tiêu cá nhân:
+ Ảnh số 5 tương ứng bước 1: Liệt kê các việc cần làm để đạt mục tiêu.
+ Ảnh số 1 tương ứng bước 2: Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên.
+ Ảnh số 3 tương ứng bước 3: Xác định thời gian và nguồn lực cần thiết.
+ Ảnh số 4 tương ứng bước 4: Thường xuyên đánh giá việc thực hiện mục tiêu.
+ Ảnh số 2 tương ứng bước 5: Điều chỉnh cách thực hiện nếu hoàn cảnh thay đổi.
+ Ảnh số 6 tương ứng bước 6: Cam kết thực hiện kế hoạch.
Hướng dẫn bạn M thực hiện mục tiêu
Mục tiêu: trong vòng 1 tháng, thành lập được Câu lạc bộ tìm hiểu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với sự tham gia của 10 thành viên. |
|
Các bước lập kế hoạch |
Hoạt động mà bạn M cần thực hiện |
Bước 1: Liệt kê các việc cần làm để đạt mục tiêu. |
- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu để mời mọi người cùng tham gia câu lạc bộ. - Xác định tên; mục đích; hình thức hoạt động; số lượng thành viên tham gia và thời gian sinh hoạt,… của câu lạc bộ. |
Bước 2: Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. |
- Công việc ưu tiên số 1: Xác định tên; mục đích; hình thức hoạt động; số lượng thành viên tham gia và thời gian sinh hoạt,… của câu lạc bộ. - Công việc ưu tiên số 2: Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu để mời mọi người cùng tham gia câu lạc bộ. |
Bước 3: Xác định thời gian và nguồn lực cần thiết. |
- Thời gian: 1 tháng - Nguồn lực cần thiết: sự nỗ lực của bản thân; sự hỗ trợ của người thân, bạn bè,… |
Bước 4: Thường xuyên đánh giá việc thực hiện mục tiêu của bản thân. |
- Thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu của bản thân. Ví dụ: sau 10 ngày, đã mời được 3 bạn tham gia vào câu lạc bộ chưa? |
Bước 5: Điều chỉnh cách thực hiện nếu hoàn cảnh thay đổi. |
- Thường xuyên đánh giá tình hình để điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch thực hiện cho phù hợp. |
Bước 6: Cam kết thực hiện kế hoạch. |
- Quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra. |
1
Trả lời câu hỏi Luyện tập 1 trang 39 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy bày tỏ quan điểm đối với các ý kiến sau:
a) Mục tiêu cá nhân phải được chính cá nhân đó xác định.
b) Kết quả mà cá nhân mong muốn đạt được sau một tuần không phải là mục tiêu vì thời gian thực hiện quá ngắn.
c) Những kì vọng do cá nhân đặt ra nhưng vượt quá khả năng và mơ hồ vẫn được gọi là mục tiêu cá nhân.
d) Đặt ra mục tiêu là chưa đủ mà phải có kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đó.
Lời giải chi tiết:
- Ý kiến a) Đồng tình. Vì: mỗi cá nhân sẽ là người hiểu rõ và sâu sắc nhất: điều mình mong muốn là gì, mình có ưu điểm - khuyết điểm nào, hoàn cảnh ra sao? Từ việc hiểu rõ những điều đó, các cá nhân mới có thể thiết lập được những mục tiêu đúng đắn, phù hợp.
- Ý kiến b) Không đồng tình. Vì: Kết quả mà cá nhân mong muốn đạt được sau một tuần được xếp vào loại: mục tiêu ngắn hạn.
- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: mục tiêu cá nhân phải rõ ràng, cụ thể và phù hợp với khả năng của bản thân.
- Ý kiến d) Đồng tình. Vì: nếu chỉ đặt ra mục tiêu mà không có kế hoạch hành động hoặc không quyết tâm thực hiện thì chúng ta không thể đạt được những kết quả mà mình mong muốn.
2
Trả lời câu hỏi Luyện tập 2 trang 39 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc nhận định sau để xây dựng bản thuyết trình về vai trò của việc xác định mục tiêu cá nhân\
Lời giải chi tiết:
Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn sống mà không biết bản thân mình cần gì, muốn gì và sẽ trở thành người như thế nào. Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định mục tiêu sống có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người.
Mục tiêu sống là những suy nghĩ, kim chỉ nam, là ước mơ, khao khát mà con người muốn đạt được thành tựu tốt đẹp trong cuộc sống cũng như chạm tay đến thành công. Mỗi người cần có cho mình một mục tiêu sống rõ ràng và cố gắng thực hiện hóa lí tưởng đó. Người sống có mục tiêu, lí tưởng là những người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình; khi vấp ngã không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy sau vấp ngã để đi tiếp con đường mình đã chọn. Mục tiêu sống là động lực để con người vươn lên, tạo dựng cho mình những giá trị tốt đẹp, hướng chúng ta đến những điều hay lẽ phải, tránh xa cái xấu, cái ác. Người sống không có mục tiêu chỉ là tồn tại, sẽ cảm thấy cuộc đời thật nhàm chán, không có gì thú vị, lâu dần dẫn đến suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Mục tiêu sống mang lại nhiều lợi ích cho con người, nó khiến cho chúng ta tốt hơn, rèn luyện được những đức tính tốt đẹp khác cũng như mang con người đến gần nhau hơn.
Mỗi người học sinh là người chủ nhân tương lai của đất nước, chính vì thế chúng ta trước hết phải sống có ước mơ, hoài bão, nỗ lực học tập, trau dồi bản thân để thực hiện ước mơ đó. Tiếp đến là sống chan hòa, yêu thương mọi người, bỏ qua cái tôi cá nhân để hướng đến cái ta chung để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Cuộc đời quá ngắn để lãng phí cũng như vô định. Mỗi người hãy xác định cho mình một mục tiêu có tác động ý nghĩa to lớn đến mình và cố gắng thực hiện những mục tiêu đó thật tốt để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
3
Trả lời câu hỏi Luyện tập 3 trang 40 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy sắm vai để giải quyết các tình huống sau:
Tình huống 1. Em và ba người bạn thân rủ nhau thành lập nhóm học tiếng Anh. Khi em hỏi: “Mục tiêu học tiếng Anh của các bạn là gì?”, bạn C trả lời: “Mình không có mục tiêu gì cả. Thấy các bạn học thì mình cùng học cho vui". Còn bạn M thì cho rằng: “Mục tiêu của mình là được gặp các bạn nhiều hơn”. Nghe vậy, bạn B nói: “Các bạn học mà không có mục tiêu cụ thể, chính đáng thì không học còn hơn”. Nghe bạn B nói xong, bạn C và bạn M liền cảm thấy tự ái, không muốn tham gia nhóm nữa. Lúc này, bạn B quay sang nói với em: “Bạn là người khởi xướng chuyện này, giờ bạn hướng dẫn mọi người xác định mục tiêu cho phù hợp đi”.
Tình huống 2. Em và bạn P là bạn thân. Bạn P yêu thích các môn kĩ thuật và có hướng thích khám phá, sáng tạo. Bạn P đặt ra mục tiêu năm lớp 9 sẽ tham gia cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. bạn P rủ em cùng tham gia dự thi. Khi em hỏi: “Chúng ta bắt đầu từ đâu?". Bạn P đáp: “Cùng nhau lập kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu nhé!”.
Lời giải chi tiết:
* Xử lí tình huống 1: Em sẽ sử dụng mô hình S.M.A.R.T để hướng dẫn các bạn B và C xác định mục tiêu học tập môn tiếng Anh. Trong đó:
+ S (specific) - là tính cụ thể: mỗi mục tiêu cần có một kết quả cụ thể, rõ ràng. Ví dụ: muốn đạt được điểm IELTS là 6.0 sau 6 tháng học tập, ôn luyện,…
+ M (Measurable) - là tính đo lường được: mỗi mục tiêu cần phải được định lượng, cho phép các bạn có thể theo dõi tiến trình thực hiện.
+ A (Attainable) - là tính khả thi: mục tiêu cần phải phù hợp với khả năng của từng cá nhân.
+ R (relevant) - là tính thực tế: các mục tiêu phải có ý nghĩa, giá trị với bản thân.
+ T (time-specific) - là có thời hạn cụ thể: mỗi mục tiêu phải đi kèm thời hạn đạt được.
* Xử lí tình huống 2: Để lập được kế hoạch thực hiện mục tiêu, em và P cần trải qua các bước làm sau:
+ Bước 1: Liệt kê các việc cần làm để đạt mục tiêu.
+ Bước 2: Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên.
+ Bước 3: Xác định thời gian và nguồn lực cần thiết.
+ Bước 4: Thường xuyên đánh giá việc thực hiện mục tiêu của bản thân.
+ Bước 5: Điều chỉnh cách thực hiện nếu hoàn cảnh thay đổi.
+ Bước 6: Cam kết thực hiện kế hoạch.
4
Trả lời câu hỏi Luyện tập 4 trang 40 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn trong học tập và lập kế hoạch thực hiện mục tiêu đó. Sau đó, chia sẻ với bạn để cùng động viên nhau thực hiện.
Lời giải chi tiết:
- Xác định mục tiêu:
+ Mục tiêu ngắn hạn: đạt kết quả cao trong kì thi cuối học kì 1 sắp tới.
+ Mục tiêu dài hạn: cuối năm học sẽ đạt được danh hiệu học sinh giỏi.
- Các công việc cần làm để đạt được mục tiêu:
+ Cần chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài, không nói chuyện hay làm việc riêng trong giờ học.
+ Luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà thầy cô giao.
+ Chủ động học tập, ôn tập kiến thức, tránh tình trạng gần đến kì thi mới ôn tập.
+ Tìm cho mình một phương pháp học tập khoa học, phù hợp với bản thân.
+ Chủ động tìm tòi, nâng cao vốn hiểu biết của bản thân, thông qua: sách, báo, internet,..
+ Tham khảo, học hỏi các phương pháp học tập của bạn bè xung quanh,..
1
Trả lời câu hỏi Vận dụng 1 trang 40 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Em hãy thực hiện kế hoạch để hoàn thành mục tiêu của bản thân và chia sẻ kết quả thực hiện của mình.
Lời giải chi tiết:
a. Mục tiêu: giảm 3 kg trong vòng 2 tháng
b. Các công việc cần làm để đạt được mục tiêu:
- Lựa chọn phương pháp giảm cân đúng, khoa học và phù hợp với bản thân. Ví dụ:
+ Tính toán lượng calo tiêu thụ tối đa trong một ngày, sao cho: calo nạp vào cơ thể ít hơn so với lượng calo tiêu thụ.
+ Hạn chế ăn thức ăn có chứa nhiều tinh bột;
+ Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả ít ngọt;
+ Hạn chế ăn vặt, cắt giảm tối đa lượng đường nạp vào cơ thể.
+ Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, như: chạy bộ, nhảy dây, tập erobic, bơi,…
+ Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thức khuya
+ Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng,…
- Sử dụng sổ ghi chép để theo dõi tiết độ, chỉ số cân nặng theo từng tuần
- Kiên trì, nỗ lực thực hiện mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra.
2
Trả lời câu hỏi Vận dụng 2 trang 40 Bài 6 GDCD 8 Chân trời sáng tạo
Hãy nêu một hạn chế của bản thân mà em muốn khắc phục và lập kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó trong một tháng, sau đó chia sẻ kết quả với bạn.
Gợi ý:
- Xác định hạn chế của bản thân, tìm ra nguyên nhân vì sao lại có những hạn chế đó.
- Xây dựng kế hoạch thay đổi hạn chế của bản thân theo 6 bước.
Lời giải chi tiết:
- Hạn chế của bản thân mà em muốn thay đổi: chỉ số cân nặng cao khiến cơ thể không cân đối và sức khỏe bị ảnh hưởng.
- Nguyên nhân: bản thân em có những thói quen không tốt cho sức khỏe, như:
+ Lười tập thể dục thể thao;
+ Ăn uống không hợp lí, thiếu sự cân bằng giữa các nhóm chất;
+ Thường xuyên ăn những đồ ăn không tốt cho sức khỏe, như: trà sữa, đồ ăn vặt trước cổng trường,…
+ Hay thức khuya,…
- Mục tiêu: giảm 3 kg trong vòng 2 tháng
- Lập kế hoạch thực hiện:
Các bước lập kế hoạch |
Hoạt động mà em cần thực hiện |
Bước 1: Liệt kê các việc cần làm để đạt mục tiêu. |
- Đo lường cân nặng ở thời điểm hiện tại. - Sử dụng sổ ghi chép để theo dõi tiết độ, chỉ số cân nặng theo từng tuần - Kiên trì thực hiện mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra. - Lựa chọn phương pháp giảm cân đúng, khoa học và phù hợp với bản thân. |
Bước 2: Sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. |
- Công việc ưu tiên số 1: Lựa chọn phương pháp giảm cân đúng, khoa học và phù hợp với bản thân. - Công việc ưu tiên số 2: Đo lường cân nặng ở thời điểm hiện tại. - Công việc ưu tiên số 3: Sử dụng sổ ghi chép để theo dõi tiết độ, chỉ số cân nặng theo từng tuần - Công việc ưu tiên số 4: Kiên trì thực hiện mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra. |
Bước 3: Xác định thời gian và nguồn lực cần thiết. |
- Thời gian: 2 tháng - Nguồn lực cần thiết: sự nỗ lực của bản thân; sự động viên, khuyến khích của người thân, bạn bè; dụng cụ thể dục thể thao phù hợp (ví dụ: giày thể thao; dây nhảy; vợt cầu lông,…) |
Bước 4: Thường xuyên đánh giá việc thực hiện mục tiêu của bản thân. |
- Thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu của bản thân. Ví dụ: sau 2 tuần đã giảm được 0,75 kg chưa? |
Bước 5: Điều chỉnh cách thực hiện nếu hoàn cảnh thay đổi. |
- Thường xuyên đánh giá tình hình để điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch thực hiện cho phù hợp. |
Bước 6: Cam kết thực hiện kế hoạch. |
- Quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra. |
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 6. Xác định mục tiêu cá nhân - SGK GDCD 8 Chân trời sáng tạo timdapan.com"