Bài 5. Một số tổ chức quốc tế và khu vực - SGK Địa lí 11 Chân trời sáng tạo

Dựa vào hình 5.1 và kiến thức trong bài, hãy trình bày về tổ chức Liên Hợp Quốc.


? mục I

Dựa vào hình 5.1 và kiến thức trong bài, hãy trình bày về tổ chức Liên Hợp Quốc.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin trong bài và phối hợp với các kiến thức trên sách, báo và phương tiện truyền thông

Lời giải chi tiết:

Tổng quan

Liên Hợp Quốc (The United Nations-UN) là tổ chức quốc tế liên chính phủ (liên quốc gia) được thành lập ngày 24/10/1945, đến nay đã có 193 thành viên. Năm 1977, Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc

Trụ sở

Trụ sở Liên Hợp Quốc đặt tại New – York ( Hoa Kỳ ).

Liên Hợp Quốc ra đời nhằm mục đích:

  1. Duy trì hòa bình, an ninh quốc tế;
  2. Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội...;
  3. Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước;
  4. Trở thành trung tâm phối hợp hành động giữa các nước để đạt được những mục đích trên đây.

Các cơ quan chính:

  1. Đại hội đồng,
  2. Hội đồng bảo an,
  3. Hội đồng kinh tế - xã hội,
  4. Hội đồng quản thác,
  5. Toà án quốc tế
  6. Ban thư kí.

Nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc:

- Bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia thành viên.

- Các thành viên UN phải thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ theo quy định của Hiến chương.

- Các thành viên của UN phải giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hoà bình.

- Các thành viên của UN phải từ bỏ đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

- Các thành viên của UN có nghĩa vụ giúp đỡ UN trong mọi hành động của UN.

- Để duy trì họà bình và an ninh quốc tế, UN đảm bảo để các quốc gia không phải là thành viên UN cũng hành động theo các nguyên tắc nêu trên.

- UN không được phép can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia thành viên nào.


? mục II

Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày về tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin trong bài và phối hợp với các kiến thức trên sách, báo và phương tiện truyền thông

Lời giải chi tiết:

Tổng quan

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF) là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.

Quỹ tiền tệ Quốc tế được thành lập từ năm 1945. Năm 2020, tổ chức có 190 quốc gia thành viên, Việt Nam là thành viên chính thức của IMF từ năm 1976.

Trụ sở

Trụ sở của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt tại Washington, D.C., thủ đô của Hoa Kỳ.

Mục đích hoạt động

- Nhằm thiết lập tài chính an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế, đẩy mạnh việc làm, tăng trưởng kinh tế và giảm bớt đói nghèo.

- Đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế – hệ thống tỷ giá trao đổi và thanh toán quốc tế có thể cho phép các quốc gia (và công dân của họ) giao dịch với nhau.

Vai trò của IMF

- IMF đóng vai trò trong việc phát triển các công cụ để các nước đo lường, đánh giá và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như ổn định tài chính, tiền tệ và giá cả.

- Thông qua đối thoại, nghiên cứu, tư vấn, cũng hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, IMF sẽ giúp tạo ra một cộng đồng toàn cầu các chuyên gia thực hành.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua một thiết chế thường trực có trách nhiệm cung cấp một bộ máy tư vấn và cộng tác nhằm giải quyết các vấn đề tiền tệ quốc tế.

- Tăng cường ổn định ngoại hối để duy trì một cách có trật tự các hoạt động giao dịch ngoại hối giữa các thành viên.

- Hỗ trợ việc thành lập một hệ thống thanh toán đa phương giữa các nước thành viên cũng như xoá bỏ các hạn chế về ngoại hối có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của mậu dịch quốc tế.


? mục III

Dựa vào hình 5.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày về Tổ chức Thương mại Thế giới.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin trong bài và phối hợp với các kiến thức trên sách, báo và phương tiện truyền thông

Lời giải chi tiết:

Tổng quan

- Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO) được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

- Tính đến năm, tổ chức này có 164 thành viên. Thành viên của WTO là các quốc gia (ví dụ Hoa Kỳ, Việt Nam…) hoặc các vùng lãnh thổ tự trị về quan hệ ngoại thương. Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO từ ngày 11/1/2007

Trụ sở

WTO có trụ sở đặt tại Giơ-ne-vơ ( Thuỵ Sỹ )

Nhiệm vụ của WTO

- Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và cả những cam kết trong tương lai, nếu có);

- Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại;

- Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; và

Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.

Cơ cấu tổ chức WTO

- Hội nghị Bộ trưởng;

- Đại hội đồng;

- Các Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Thương mại dịch vụ, Các vấn đề Sở hữu trí tuệ liên quan đến Thương mại; Các Uỷ ban, Nhóm công tác;

- Ban Thư ký.


? mục IV

Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin trong bài và phối hợp với các kiến thức trên sách, báo và phương tiện truyền thông

Lời giải chi tiết:

Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC – Asia-Pacific Economic Cooperation) là một diễn đàn không chính thức thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chức không phải một tổ chức về kinh tế, thương mại.

APEC được thành lập vào tháng 11 – 1989. Tính đến năm 2020, APEC có 21 thành viên. Việt Nam là thành viên chính thức của APEC năm 1998.

Trụ sở tại Xin-ga-po

Mục tiêu hoạt động

- Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.

- Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.

- Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

- Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

Nguyên tắc hoạt động

- Cùng có lợi.

- Nguyên tắc đồng thuận - tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên.

- Nguyên tắc tự nguyện. Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện.

- Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT. APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một Khu vực Tự do thương mại như NAFTA, AFTA.


Luyện tập

Hãy hoàn thành thông tin về một số tổ chức khu vực và quốc tế theo bảng sau vào vở.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin trong bài và phối hợp với các kiến thức trên sách, báo và phương tiện truyền thông

Lời giải chi tiết:

Tên tổ chức

Trụ sở chính

Năm thành lập

Số thành viên hiện tại

Nhiệm vụ

Liên Hợp Quốc (UN)

New – York

(Hoa Kỳ)

1945

193 quốc gia thành viên

- Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;

- Bảo vệ quyền con người;

- Giữ vững luật quốc tế;

- Giải quyết những vấn đề toàn cầu;

Liên minh Châu Âu (EU)

Bruc – xen (Bỉ)

1993

27 quốc gia Châu Âu

- Thúc đẩy hòa bình và phúc lợi xã hội

- Đem lại sự tự do, an ninh và công bằng xuyên biên giới

- Duy trì phát triển bền vững dựa trên tăng trưởng về kinh tế và ổn định giá cả

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

8/8/1967

Jakarta (Indonesia)

Hiện nay, ASEAN có 10 thành viên và 2 quan sát viên

- Xây dựng Đông Nam á thành khu vực hoà bình, ổn định, phi vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt;

- Tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao phúc lợi và đời sống nhân dân;

- Đề cao bản sắc ASEAN đồng thời tôn trọng các quyền và trách nhiệm của các thành viên ASEAN;


Vận dụng

Hãy thu thập thông tin về hoạt dộng của Việt Nam tại một trong các tổ chức khu vực hoặc quốc tế

Lời giải chi tiết:

Hoạt động của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

- Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.

- Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

- Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí: Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như: Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.