Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống - SGK Địa lí 12 Cánh diều

Dựa vào thông tin và hình 2, hãy trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các yếu tố khí hậu ở nước ta


1

Câu hỏi mục 1 trang 11 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin và hình 2, hãy trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các yếu tố khí hậu ở nước ta. 

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 8 – 10.

Lời giải chi tiết:

* Tính chất nhiệt đới:

- Số giờ nắng trong năm từ 1400 – 3000 giờ.

- Nhiệt độ không khí trung bình cả nước thường lớn hơn 21°C.

- Tính chất nhiệt đới xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.

* Tính chất ẩm:

- Tổng lượng mưa năm lớn từ 1500 – 2000 mm, nhiều nơi > 2500 mm/năm.

- Độ ẩm tương đối đạt từ 80 – 85%.

- Cân bằng ẩm luôn dương.

* Tính chất gió mùa: sự đối lập về hướng, tính chất gió và đặc điểm thời tiết, khí hậu giữa các mùa trong năm, có 2 mùa gió chính: gió mùa hạ và gió mùa đông.

- Gió mùa đông:

+ Gió mùa Đông Bắc: Nguồn gốc từ áp cao Xi-bia, hướng chủ yếu là đông bắc. Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, làm cho miền Bắc có mùa đông lạnh (nửa đầu mùa đông lạnh khô ít mưa, nửa cuối mùa đông lạnh ẩm mưa phùn). Khi di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu dần và ít khi vượt qua dãy Bạch Mã (khoảng 16°B).

+ Tín phong bán cầu Bắc: Ở miền Bắc, Tín phong hoạt động đan xen giữa các đợt gió mùa Đông Bắc. Ở miền Nam, Tín phong thổi theo hướng đông bắc chiếm ưu thế, làm cho Tây Nguyên và Nam Bộ có mùa khô kéo dài.

- Gió mùa hạ:

+ Nguồn gốc từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương và áp cao chí tuyến bán cầu Nam, hướng chủ yếu là tây nam (gió mùa Tây Nam).

+ Thời gian hoạt động: thường từ tháng 5 đến tháng 10.

+ Vào đầu mùa, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương, khi đến nước ta thường gây mưa ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.

+ Khi vượt qua dãy Trường Sơn, gió mùa Tây Nam thường mang đến thời tiết nóng, khô (còn gọi là gió phơn Tây Nam hay gió Lào) ở dải đồng bằng ven biển miền Trung và phần phía nam của Tây Bắc.

+ Vào giữa và cuối mùa, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao chí tuyến bán cầu Nam đến nước ta gây mưa nhiều trên phạm vi cả nước.

+ Ở Bắc Bộ có gió Đông Nam thổi từ biển vào.

+ Trong mùa hạ, nước ta có hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khả năng gây mưa lớn ở cả hai miền Bắc và Nam. Trong các thời kì chuyển tiếp, Tín phong thường hoạt động ổn định hơn trên phạm vi cả nước.


2

Câu hỏi mục 2 trang 12 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các thành phần tự nhiên ở nước ta

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 11 – 12.

Lời giải chi tiết:

Thành phần

Đặc điểm

Địa hình

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện ở các quá trình ngoại lực (phong hoá, xâm thực, bồi tụ) diễn ra mạnh mẽ:

- Nhiệt độ, độ ẩm cao → phong hoá nhanh, vỏ phong hoá vụn bở rất dày, dễ thấm nước, tạo điều kiện cho quá trình xâm thực và bồi tụ.

- Ở miền núi, xâm thực do mưa và dòng chảy diễn ra mạnh, → địa hình bị chia cắt hiểm trở.

- Tại các sườn núi dốc, thường xảy ra hiện tượng: đất trượt, đá lở, lũ quét,...

- Trên các vùng đá vôi, quá trình cac-xtơ (xâm thực hoá học và bồi tụ) diễn ra mạnh mẽ → địa hình cac-xtơ nhiệt đới ẩm độc đáo.

- Ở đồng bằng và dọc các thung lũng sông, bồi tụ mạnh, làm tầng trầm tích ngày càng dày thêm, đồng thời diện tích đồng bằng mở rộng về phía biển.

Sông ngòi

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện ở mật độ sông ngòi lớn, sông ngòi nhiều nước, nhiều phù sa và chế độ dòng chảy thay đổi theo mùa:

- Nước ta có mạng lưới sông ngòi với mật độ lớn.

- Cả nước có 2 360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên.

- Tổng lượng dòng chảy lớn, khoảng 839 tỉ m3/năm.

- Tổng lượng phù sa hằng năm khoảng 200 triệu tấn.

- Chế độ dòng chảy phân mùa rõ rệt, mùa lũ thường kéo dài 4 – 5 tháng và trùng với mùa mưa, mùa cạn dài 7 – 8 tháng và trùng với mùa khô.

+ 70 - 80% lượng nước cả năm tập trung vào mùa lũ.

+ 80 - 90% lượng phù sa hằng năm tập trung vào các tháng mùa lũ.

Đất

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện ở quá trình hình thành đất và các loại đất chính:

- Quá trình fe-ra-lit là quá trình hình thành đất chủ đạo ở nước ta, hình thành các loại đất fe-ra-lit đặc trưng cho vùng nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Trên cả nước, nhóm đất fe-ra-lit có diện tích lớn nhất, phân bố rất rộng rãi ở cả miền núi và rìa các đồng bằng.

- Trong điều kiện nhiệt, ẩm cao và phân mùa nên đất thường có độ dày lớn nhưng dễ bị xói mòn, rửa trôi, đặc biệt là ở các vùng đồi núi dốc. Nhiệt và ẩm cao cũng làm cho tốc độ phân huỷ chất hữu cơ nhanh nên đất thường nghèo mùn.

Sinh vật

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện chủ yếu ở sự phổ biến của các loài sinh vật nhiệt đới và kiểu hệ sinh thái rừng đặc trưng:

- Các loài sinh vật nhiệt đới chiếm tỉ lệ cao, thực vật gần 70%, điển hình là những cây họ đậu, họ vang, họ dâu tằm, họ dầu,...; động vật đa số là các loài nhiệt đới, điển hình là chim (công, trĩ, gà lôi, vẹt,...), thú (hươu, nai, vượn, khi,...) và nhiều loài bò sát, côn trùng đặc trưng vùng nhiệt đới ẩm.

- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa là kiểu rừng đặc trưng nhất của tự nhiên Việt Nam.

+ Thành phần loài đa dạng, nhiều tầng tán và trữ lượng sinh khối lớn nhất cả nước.

+ Diện tích bị suy giảm mạnh, đang được bảo vệ, khoanh nuôi tự nhiên.


1

Câu hỏi mục 1 trang 13 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất ở nước ta.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 12 – 13.

Lời giải chi tiết:

Ngành

Thuận lợi

Khó khăn

Nông nghiệp

- Tạo thuận lợi phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể diễn ra quanh năm, tạo điều kiện để thâm canh, tăng vụ, đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Hệ thống sông ngòi vừa là cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng dồi dào, vừa là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng lớn.

- Sự thất thường của thời tiết, khí hậu, chế độ dòng chảy sông ngòi.

- Nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, …

→ Sản xuất bấp bênh, dễ gặp rủi ro,..

Các ngành khác

- Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa tạo thuận lợi cho phát triển một số ngành kinh tế như: du lịch, giao thông vận tải, xây dựng,...

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm.

- Mật độ sông ngòi lớn, nguồn nước dồi dào là điều kiện để phát triển giao thông vận tải đường thuỷ, thuỷ điện, cung cấp nước cho các ngành sản xuất.

- Mùa khô là thời kì thuận lợi cho các hoạt động khai thác và xây dựng,...

- Khí hậu nhiệt đới ẩm và thiên tai đẩy nhanh tốc độ hư hại các công trình xây

dựng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

- Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu và chế độ dòng chảy có thể làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch,...


2

Câu hỏi mục 2 trang 13 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến đời sống của người dân.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 13

Lời giải chi tiết:

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

- Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy sông ngòi lớn là nguồn cung cấp nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng, các thành phố lớn.

- Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của người dân cũng có sự thay đổi nhằm thích ứng với sự phân mùa của khí hậu.

- Nhiều thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, đất trượt, nắng nóng, hạn hán,... tác động xấu tới sức khoẻ con người và có thể gây tổn thất lớn về người, tài sản.


Luyện tập

Câu hỏi Luyện tập trang 13 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Phân tích những thuận lợi, khó khăn của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất ở nước ta.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 13 và liên hệ thực tế.

Lời giải chi tiết:

VD: Những thuận lợi, khó khăn của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến du lịch.

* Thuận lợi:

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm. VD: du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch biển ở miền Nam,…

- Nhiều sông, hồ lớn, đẹp kết hợp khí hậu và địa hình độc đáo thuận lợi phát triển du lịch. VD: hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, sông Nho Quế,…

- Mùa khô là thời kì thuận lợi cho các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật và hạ tầng du lịch. VD: xây dựng các khu vui chơi, khách sạn, bảo trì các công trình cầu,…

* Khó khăn:

- Sự phân mùa của khí hậu ảnh hưởng tới du lịch biển.

- Thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán,… ảnh hưởng tới hoạt động và cơ sở du lịch.


Vận dụng

Câu hỏi Vận dụng trang 13 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Thu thập thông tin và viết báo cáo ngắn về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất: nông nghiệp hoặc công nghiệp hoặc giao thông vận tải hoặc du lịch ở địa phương em.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12 và liên hệ thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

VD: Ngành Nông nghiệp Thanh Hóa

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông qua các thành phần tự nhiên chủ yếu sau:

1. Khí hậu:

Tỉnh Thanh Hóa nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nguồn nhiệt ẩm dồi dào. Nhiệt độ trung bình từ 23°C - 24°C, có sự phân hóa giữa các tháng. Biên độ nhiệt lớn. Mùa hè, nhiệt độ cao nhất có năm đạt tới 41°C; Mùa đông, nhiệt độ thấp nhất vùng đồi có thể xuống dưới 5°C kèm theo sương giá, sương muối. Tổng lượng nhiệt trung bình năm khoảng 8000°C. Số giờ nắng bình quân khoảng 1600 – 1800 giờ. Hướng gió phổ biến mùa đông là Tây Bắc và Đông Bắc, mùa hè là Đông và Đông Nam. Lượng mưa trung bình năm lớn từ 1600 – 2300mm, phân bố khá đều theo lãnh thổ. Mưa tập trung vào mùa hạ, nhất là các tháng 7,8,9; 6 tháng mùa mưa chiếm khoảng 85% tổng lượng mưa trong năm. Độ ẩm tương đối từ 85% - 87%.

Nhìn chung, điều kiện khí hậu của Thanh Hóa khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và là cơ sở thực hiện đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, khí hậu nhiệt đới ẩm với nhiều bất thường về nhiệt ẩm cùng các hiện tượng mưa, bão, lũ lụt ảnh hưởng lớn đến sản xuất trang trại, gây nên dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, làm giảm năng suất sản phẩm. Đòi hỏi dịch vụ nông nghiệp, công tác thú y cần có biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi và trên các con giống.

2. Địa hình

Địa hình Thanh Hoá khá phức tạp, chia cắt nhiều và thấp dần theo hướng Tây – Đông. Từ phía Tây sang phía Đông có các dải địa hình núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Trong tổng diện tích 11.129,48 km2 thì địa hình núi, trung du chiếm 73,3%; đồng bằng 16% và vùng ven biển 10,7%.

Địa hình núi và trung du là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nông – lâm nghiệp với các loại cây lâm sản và các cây như đậu, chè, lạc, mía… các cây trồng nói trên là cơ sở để phát triển ngành chế biến nông – lâm sản của Thanh Hoá.

Đồng bằng châu thổ Thanh Hoá được bồi tụ phù sa khá màu mỡ , thuận lợi phát triển cây lương thực thực phẩm.

Như vậy, với địa hình rất phong phú, đa dạng Thanh Hoá có thể phát triển các ngành nông – lâm – ngư nghiệp toàn diện và cho phép chuyển dịch cơ cấu dễ dàng trong nội bộ từng ngành. Tuy nhiên, ở miền núi, quá trình xâm thực do mưa và dòng chảy diễn ra mạnh, làm cho địa hình bị chia cắt hiểm trở. Tại các sườn núi dốc, thường xảy ra các hiện tượng như: đất trượt, đá lở, lũ quét,…

3. Sông

Thanh Hóa có hệ thống sông ngòi tương đối phong phú với 4 hệ thống sông chính là sông Mã, sông Hoạt, sông Bạng, sông Yên với tổng diện tích lưu vực là 39.756km2, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 19,5 tỷ m3. Hệ thống mạng lưới sông ngòi cùng các công trình hạ tầng khai thác thủy lợi hiện nay cơ bản đảm bảo cung cấp cho nhu cầu nước ngọt trong nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung.

4. Đất

Sự phân hóa và đa dạng của các nhân tố hình thành đất đã tạo ra tài nguyên đất tỉnh Thanh Hóa phong phú và đa dạng. Khu vực ven biển tập trung chủ yếu nhóm đất cát, vùng đồng bằng với nhóm đất phù sa, vùng đồi núi thấp với đất đỏ vàng và trên núi cao với đất mùn. Trong các loại đất, đất đỏ vàng và đất phù sa chiếm diện tích lớn nhất. Những loại đất này rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt thích hợp cho trồng rừng, các cây công nghiệp, lúa, hoa màu và các cây ngắn ngày khác.