Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 12 Cánh diều

Em hãy quan sát hình ảnh bên và trả lời câu hỏi: Hình ảnh gợi cho em liên tưởng đến việc Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế nào? Theo em, việc gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế đó có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh tế của nước ta?


Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 16 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy quan sát hình ảnh bên và trả lời câu hỏi:

a. Hình ảnh gợi cho em liên tưởng đến việc Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế nào?

b. Theo em, việc gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế đó có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh tế của nước ta?

Phương pháp giải:

Quan sát hình ảnh và trả lời các câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Hình ảnh trên gợi cho em liên tưởng tới việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

b. Theo em, việc gia nhập WTO có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động kinh tế của nước ta, bởi vì nó giúp nước ta mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.


1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 17 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy đọc thông tin, quan sát hình ảnh và trả lời câu hỏi:

a. Hình ảnh gợi cho em liên tưởng đến việc Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế nào?

b. Theo em, việc gia nhập tổ chức kinh tế quốc tế đó có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh tế của nước ta?

Phương pháp giải:

Đọc thông tin SGK trang 17, quan sát hình ảnh và trả lời các câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Các quốc gia phải cam kết tuân thủ toàn bộ các quy định toàn diện của CPTPP về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ, tuân thủ cơ chế thực thi chặt chẽ.

b. Quá trình Việt Nam tham gia hợp tác kinh tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế: Sau năm khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam tiến hành cải cách đổi mới đất nước vào năm 1986. Sau cải cách, Việt Nam gia nhập ASEAN và và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995 và gia nhập APEC sau đó 3 năm. Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO và kí kết hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ngay năm tiếp theo. Sau đó 7 năm, Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Kí kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Năm 2018, tiếp tục ký kết hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đến năm 2020, Việt Nam kí kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo em, việc tham gia hợp tác kinh tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế đã mang lại những tác động tích cực đối với nước ta, bởi vì:

- Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Cải cách các chính sách thương mại, tài chính, đầu tư, pháp luật, v.v. để phù hợp với các quy định và cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các tổ chức quốc tế.

- Học hỏi, trao đổi và hợp tác với các đối tác, chuyên gia, tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, v.v.


2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 19 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

a. Qua thông tin 1 và bảng 1, em có nhận xét như thế nào về vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu đối với nền kinh tế Việt Nam? Vì sao hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và ngược lại, xuất khẩu góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế?

b. Từ thông tin 2, em hãy cho biết những tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế.

c. Em hãy lí giải vì sao các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin, quan sát hình và trả lời các câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. - Vai trò: Xuất khẩu là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện thông qua một số phương diện sau:

+ Thứ nhất, xuất khẩu là một trong những nguồn thu quan trọng của quốc gia. Khi xuất khẩu tăng, thu nhập quốc dân sẽ tăng theo.

+ Thứ hai, xuất khẩu tạo việc làm cho người lao động trong nước.

+ Thứ ba, xuất khẩu giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường quốc tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

+ Thứ tư, xuất khẩu giúp các quốc gia gắn kết với nhau chặt chẽ hơn.

- Khi hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường thương mại, do đó sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

b. Những tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển kinh tế

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

-  Góp phần tạo việc làm trực tiếp tại các doanh nghiệp FDI và gián tiếp tại các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho doanh nghiệp FDI.

- Góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

- FDI cũng là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là trong một số ngành như: điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học....

c. Các nước đang phát triển như Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, vì: hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội để các nước đang phát triển có thể tiếp cận và sử dụng các nguồn lực bên ngoài như tài chính, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lí,... qua đó, đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.


3

Trả lời câu hỏi mục 3 trang 22 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

a. Em hãy xác định các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được thể hiện qua thông tin 1 và làm rõ ý nghĩa của các cấp độ hội nhập đỏ đối với Việt Nam.

b. Từ thông tin 2, em hãy kể tên các hoạt động kinh tế đối ngoại và cho biết ý nghĩa của các hoạt động đó đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong SGK, quan sát bảng số liệu và trả lời các câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a.

Các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Ý nghĩa của các cấp độ đó đối với Việt Nam

Hội nhập toàn cầu: trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới  (WTO).

Giúp Việt Nam có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu, điển hình là việc sau 15 năm gia nhập, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 6 lần.

Hội nhập khu vực: trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hợp tác song phương: ký hiệp định song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)

Góp phần thúc đẩy liên kết đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 b.

Các hoạt động kinh tế đối ngoại

Ý nghĩa của các hoạt động đó đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Hoạt động đầu tư quốc tế

Cung cấp nguồn lực tài chính quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giúp đạt được nhiều thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Hoạt động thương mại quốc tế

Giúp Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đa dạng hóa kinh tế.

Các dịch vụ ngoại tệ

Các dịch vụ thu ngoại tệ giúp Việt Nam tận dụng các lợi thế quốc gia trong phân công lao động quốc tế, phát triển các ngành hàng có thế mạnh, tạo ra nguồn thu ngoại tệ và ngân sách cho nhà nước.

Các dịch vụ thu ngoại tệ cũng giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.


1

Trả lời câu hỏi 1 trang 22 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy cho biết các nhận định sau đây về hội nhập kinh tế quốc tế là đúng hay sai. Vì sao?

A. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình gắn kết nền kinh tế của một quốc gia với nền kinh tế các quốc gia khác.

B. Hội nhập kinh tế quốc tế có thể diễn ra giữa hai quốc gia với nhau trên cơ sở cùng có lợi về kinh tế.

C. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, một quốc gia được lợi thì sẽ có quốc gia khác chịu thiệt về kinh tế.

D. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình một quốc gia tham gia vào nền kinh tế khu vực và nền kinh tế thế giới.

E. Hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện trên cơ sở các nước đang phát triển tuân thủ các quy định do các nước phát triển đặt ra.

Phương pháp giải:

Đọc các nhận định và cho biết các nhận định đó đúng hay sai và giải thích.

Lời giải chi tiết:

- Nhận định A. Đúng nhưng chưa đầy đủ. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình một quốc gia thực hiện gắn kết nền kinh tế của mình với nền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới dựa trên cơ sở cùng có lợi và tuân thủ các quy định chung.

- Nhận định B. Đúng. Hội nhập quốc tế được thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có hợp tác song phương (hợp tác giữa 2 quốc gia, chủ thể dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau).

- Nhận định C. Không chính xác. Vì: hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình một quốc gia thực hiện gắn kết nền kinh tế của mình với nền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới dựa trên cơ sở cùng có lợi và tuân thủ các quy định chung.

- Nhận định D. Đúng. Hội nhập quốc tế được thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau, như: hợp tác song phương; hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu.

- Nhận định E. Không chính xác. Hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện trên cơ sở tôn trọng những quy định chung của luật pháp quốc tế.


2

Trả lời câu hỏi 2 trang 23 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Theo em, nhận định nào sau đây thể hiện đúng về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế?

A. Các nước đang phát triển cần tham gia hội nhập kinh tế quốc tế để tiếp cận và sử dụng được các nguồn lực bên ngoài.

B. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra sự phụ thuộc và mất cân bằng về lợi ích giữa các quốc gia với nhau.

C. Hội nhập kinh tế quốc tế có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia.

D. Hội nhập kinh tế quốc tế chỉ cần thiết đối với những quốc gia đang phát triển để thu hẹp khoảng cách tụt hậu.

Phương pháp giải:

Đọc và chỉ ra các nhận định đúng về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế.

Lời giải chi tiết:

Theo em, nhận định thể hiện đúng về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế là: C. Hội nhập kinh tế quốc tế có khả năng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia.

Giải thích:

- Hội nhập kinh tế quốc tế có thể tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho quốc gia tham gia. Qua việc mở cửa thị trường, tăng cường quan hệ thương mại, và thu hút đầu tư nước ngoài, quốc gia có thể tận dụng được nguồn lực, công nghệ, và thị trường mới.

- Hội nhập kinh tế quốc tế cũng giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho sự hợp tác và chia sẻ nguồn lực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.


3

Trả lời câu hỏi 3 trang 23 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy kể tên các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã tham gia theo các cấp độ và cho biết ý nghĩa của các hiệp định đó đối với sự phát triển của đất nước.

Phương pháp giải:

Đọc và thực hiện yêu cầu đề bài.

Lời giải chi tiết:

Các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế

Tên quốc gia, tên hiệp định hoặc tổ chức quốc tế có quan hệ kinh tế với Việt Nam

Ý nghĩa đối với đất nước

Cấp độ song phương

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hoa Kỳ (US-VN Bilateral Trade Agreement)

Hiệp định này đã mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư.

Cấp độ khu vực

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

CPTPP giúp Việt Nam mở rộng quy mô thị trường và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và xa hơn nữa.

Cấp độ toàn cầu

Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO)

Giúp Việt Nam nâng cao quy tắc thương mại, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư toàn cầu.


4

Trả lời câu hỏi 4 trang 23 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy đọc trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

Quê hương của bạn H có nhiều danh thắng nổi tiếng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Với mong muốn tham gia hỗ trợ các hoạt động kinh tế tại địa phương, vào những dịp nghỉ hè, H lại đến những địa điểm du lịch để làm hướng dẫn viên tình nguyện cho du khách trong và ngoài nước. Nhờ vậy, khả năng giao tiếp ngoại ngữ của H được cải thiện đáng kể. H cũng tích cực tìm hiểu về nền kinh tế và sự đa dạng văn hoá của các nước trên thế giới để có thể chủ động trong giao tiếp và kết bạn với bạn bè quốc tế.

a. Em hãy nhận xét về việc thực hiện trách nhiệm của công dân trong hội nhập kinh tế quốc tế của H trong trường hợp nêu trên.

b. Là học sinh, em sẽ làm gì để thực hiện trách nhiệm của bản thân trong hội nhập kinh tế quốc tế?

Phương pháp giải:

Đọc trường hợp và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Theo em, H là một công dân tích cực tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc làm hướng dẫn viên tình nguyện cho du khách quốc tế. H không chỉ làm giàu kiến thức về văn hóa và nền kinh tế quốc gia của mình mà còn tích cực tìm hiểu về các quốc gia khác. Hành động này không chỉ đóng góp vào phát triển du lịch địa phương mà còn thể hiện trách nhiệm của H với sự hội nhập và giao lưu văn hóa toàn cầu.

b. Hành động của em để thực hiện trách nhiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế:

- Học ngoại ngữ.

- Tham gia các hoạt động xã hội và tình nguyện.

- Nghiên cứu về văn hóa và kinh tế quốc tế.

- Tham gia các sự kiện và hội thảo quốc tế.

- Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bằng nhiều cách khác nhau.


5

Trả lời câu hỏi 5 trang 24 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi:

Theo khảo sát về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam năm  2022, chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch COVID-19. Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh. Nếu không chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước khu vực Đông Nam Á.

(Theo Khảo sát xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam quý 3-4/2022, ManpowerGroup Việt Nam)

a. Thông tin trên phản ảnh như thế nào về hiện trạng của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Hình thức hội nhập kinh tế quốc tế nào của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hiện trạng đó?

b. Theo em, mỗi công dân – học sinh cần làm gì để thích ứng với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế?

Phương pháp giải:

Đọc thông tin và trả lời các câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Thông tin cho thấy nguồn nhân lực Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ số kỹ năng làm việc từ xa, kỹ năng tay nghề cao, kỹ năng mềm, và trình độ tiếng Anh đều ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng đến đến hình thức hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hình thức làm việc từ xa (remote work) và đầu tư nước ngoài.

b. Để thích ứng với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, học sinh cần:

- Tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ kiến thức và kĩ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

- Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cần nỗ lực, không ngừng học hỏi, rèn luyện để cải thiện các kĩ năng mềm.

- Tìm hiểu về nền kinh tế và sự đa dạng văn hoá của các nước trên thế giới.

- Phê phán, đấu tranh chống lại các hành vi mang tính kỳ thị, phân biệt, chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc.


6

Trả lời câu hỏi 6 trang 24 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy đọc tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:

Hai bạn H và K tranh luận với nhau về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. H cho rằng cần phải học tập tất cả những yếu tố bên ngoài. K không đồng tình với ý kiến đó vì hội nhập kinh tế quốc tế có tính hai mặt, học sinh phải chủ động lựa chọn, tiếp thu và phát huy những mặt tích cực, đồng thời phải nhận biết và ngăn chặn, đẩy lùi những mặt tiêu cực của các yếu tố bên ngoài.

a. Em hãy nhận xét ý kiến của hai bạn học sinh trên.

b. Nếu tham gia vào cuộc tranh luận đó, em sẽ đưa ra ý kiến của mình như thế nào để thể hiện trách nhiệm của bản thân trong hội nhập kinh tế quốc tế?

Phương pháp giải:

Đọc tình huống và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

a. Cả hai bạn H và K đều có những ý kiến đáng quan tâm. H nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ các yếu tố bên ngoài, điều này rất quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, K cũng đúng khi nói rằng hội nhập kinh tế quốc tế có tính hai mặt. Việc tiếp thu không phải lúc nào cũng tốt, và học sinh cần phải chủ động lựa chọn những gì họ muốn học, cũng như nhận biết và ngăn chặn những mặt tiêu cực.

b. Nếu tham gia vào cuộc tranh luận, em sẽ đưa ra ý kiến rằng việc hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đòi hỏi sự chủ động trong việc lựa chọn và tiếp thu, mà còn cần sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử và giá trị của quốc gia mình. Điều này giúp chúng ta không chỉ học hỏi những điều tốt đẹp từ bên ngoài mà còn giữ vững được bản sắc quốc gia trong quá trình hội nhập. Em cũng sẽ nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong việc học hỏi và lựa chọn những gì tốt nhất cho mình và cộng đồng. Trách nhiệm này không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn liên quan đến việc phát triển kỹ năng, thái độ và giá trị sống. Em sẽ khuyến khích mọi người nên tiếp tục học hỏi, khám phá và đổi mới để phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.


1

Trả lời câu hỏi 1 trang 24 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy sưu tầm thông tin về cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên ở địa phương em trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Gợi ý về các cơ hội làm việc trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu, trong các dịch vụ thu ngoại tệ,...) và chia sẻ với bạn cùng lớp.

Phương pháp giải:

Đọc và thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

(*) Tham khảo:

Bắc Giang: Nhiều doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng lao động

- Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các KCN của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Nhiều DN đang tiếp tục đầu tư mở rộng và có nhu cầu tuyển lao động. Quý I năm 2024 có 13 DN thông báo tuyển dụng lao động (gồm cả lao động có trình độ và tay nghề cao) với tổng số lượng hơn 13 nghìn người. Trong đó, tháng 2 cần 7.430 lao động, tháng 3 cần 5.630 lao động.

- Một số DN tuyển dụng lượng lao động lớn như: Công ty TNHH Fukang Technology 3.080 người, Công ty TNHH Công nghệ Chính xác Fuyu (cùng (KCN Quang Châu) 2.550 người; Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) 2.400 người; Công TNHH Seojin Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng) 1.290 người; Công ty TNHH Luxshare - ICT Bắc Giang (KCN Vân Trung và Quang Châu) tuyển thêm tổng cộng 1.300 lao động…

- Người lao động khi được nhận vào làm việc sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: Thu nhập ổn định (theo thỏa thuận và vị trí việc làm của từng DN); được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm ngay trong tháng thử việc; môi trường làm việc có điều hòa nhiệt độ, sạch sẽ, không độc hại... Ngoài lương cơ bản nhiều DN còn hỗ trợ công nhân tiền ăn, nhà ở, đi lại, tiền thưởng chuyên cần và phụ cấp thâm niên.


2

Trả lời câu hỏi 2 trang 24 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 12 – Cánh diều

Em hãy viết một bài luận ngắn để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một hình thức hội nhập kinh tế quốc tế đang là ưu thế ở quê hương em.

Phương pháp giải:

Đọc và thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

Bắc Ninh, một tỉnh nhỏ ở miền Bắc Việt Nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với di sản văn hóa như Quan họ Bắc Ninh, mà còn là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bắc Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Đặc biệt, ngành công nghiệp sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Bắc Ninh không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài mà còn khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã tạo ra môi trường thuận lợi và làm cầu nối cho nhiều thanh niên, doanh nhân trẻ tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức. Thanh niên Bắc Ninh đang phải nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khả năng thực tế, kỹ năng lao động để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế.

Bắc Ninh, với sự hội nhập kinh tế quốc tế, đang mở ra cơ hội mới cho thanh niên, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tôi tự hào về quê hương mình và hy vọng rằng các bạn sẽ có cơ hội khám phá Bắc Ninh trong tương lai gần.

Bài giải tiếp theo