Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo
Em hãy chia sẻ về một vụ xâm nhập chỗ ở bất hợp pháp mà em biết.
Mở đầu
Trả lời câu hỏi trang 135 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy chia sẻ về một vụ xâm nhập chỗ ở bất hợp pháp mà em biết.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết thực tế để chia sẻ về một vụ xâm nhập chỗ ở bất hợp pháp mà em biết.
Lời giải chi tiết:
Trường hợp: Anh H nợ tiền của bà B và bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 20/08 bà B nhận được tin anh H đang trốn ở nhà chị N (chị gái của H) ở cùng địa phương. Bà B đã cùng với hai con trai của mình là T và C đến nhà chị N để tìm anh H. Tuy nhiên khi đến nơi, chị N khóa cửa ngoài, không cho mẹ con bà B vào nhà đồng thời khẳng định H không có ở nhà chị. Mẹ con bà B không tin nên đã lấy xà beng phá cửa nhà chị N, xông vào trong nhà lục lọi khắp nhà chị N để tìm H nhưng không thấy.
1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 136 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc thông tin sau, trường hợp sau và trả lời câu hỏi
THÔNG TIN 1
Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định."
THÔNG TIN 2
Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: "Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở."
Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: “Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án."
Trường hợp
A và B là bạn thân đã lâu. Nhà của A rất gần nhà của B nên mỗi khi rảnh rỗi A thường sang chơi. Một hôm, A sang nhà B như thường lệ, thấy không có ai ở nhà, cửa lại không khoá, nên A đã tự ý mở cửa vào nhà, lên phòng của B để đọc truyện.
- Theo em, việc làm của A có phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở không? Vì sao?
- Em biết quy định nào khác của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở?
Phương pháp giải:
- Đọc thông tin, trường hợp và cho biết việc làm của A có phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở không và giải thích.
- Nêu được những quy định khác của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Lời giải chi tiết:
- Theo em việc làm của bạn A là sai quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Bởi vì trong điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
- Quy định khác về xâm phạm chỗ ở Hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015. Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể được thực hiện như:
+ Khám xét trái phép chỗ ở của người khác.
+ Đuổi họ ra khỏi chỗ ở của họ.
+ Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.
+ Và những hành vi khác xâm phạm đến chỗ ở của công dân.
2
Trả lời câu hỏi mục 2 trang 137 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN
Khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lí hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lí hợp pháp."
Trường hợp 1
Bà A vay tiền của anh B nhưng chưa trả được nên anh B đã rủ anh N đến nhà bà để đòi nợ. Mặc dù không được sự đồng ý của bà A nhưng anh B và anh N đã có hành vi dùng vũ lực đe doạ, ở lại nhà bà A nhằm mục đích buộc bà phải trả tiền.
Trường hợp 2
Công ty H xây dựng khu tập thể liền kề với đất của ông C để làm chỗ ở cho công nhân. Ông C cho rằng khu tập thể nằm trên phần đất của mình nên các bên xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, thay vì khởi kiện vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật, ông C đã có hành vi đe doạ, đuổi công nhân ra khỏi khu tập thể, đồng thời vứt bỏ đồ đạc của họ.
- Em hãy cho biết hành vi nào của anh B, anh C vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở?
- Theo em, anh B và anh C có bị pháp luật xử lí không? Vì sao?
Phương pháp giải:
- Đọc các trường hợp và cho biết hành vi nào của anh B, anh C vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
- Cho biết anh B và anh C có bị pháp luật xử lí không và giải thích.
Lời giải chi tiết:
- Nhận xét hành vi của các nhân vật trong trường hợp:
+ Trường hợp 1: Anh B, anh N đã dùng vũ lực đe dọa, ở lại nhà bà A khi không có sự đồng ý của bà là hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở,
+ Trường hợp 2: Hành vi đuổi công nhân ra khỏi khu tập thể, đồng thời vứt bỏ đồ đạc của họ của ông C là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
- Theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi của anh B, anh N và ông C có thể bị pháp luật xử lí.
3a
Trả lời câu hỏi mục 3 phần a trang 137 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi
Trường hợp 1
Đi làm về, ông T phát hiện trong nhà mất chiếc xe đạp. Nghi ngờ ông K - người cùng xóm lấy xe đạp của mình, ông T đã tự ý phá khoá, đột nhập vào nhà ông K để lục soát, nhưng bị ông K phát hiện. Sau đó, ông K đã làm đơn tố giác hành vi vi phạm của ông T. Ông T đã bị Toà án xét xử, tuyên phạt một năm cải tạo không giam giữ về tội xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác.
Trường hợp 2
Bà V cho chị H thuê nhà trong vòng hai năm với giá thuê là 10 triệu đồng/tháng, đặt cọc 20 triệu đồng. Do chị H chậm thanh toán tiền năm ngày nên bà V đề nghị chị H ra khỏi nhà, đồng thời giữ lại toàn bộ tiền cọc chị đã thanh toán.
Theo em, hành vi của các nhân vật trong những trường hợp trên gây ra hậu quả gì?
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và chỉ ra được hậu quả của hành vi các nhân vật trong những trường hợp trên gây ra.
Lời giải chi tiết:
- Trường hợp 1: Hành vi của ông T gây ra các hậu quả sau: quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của ông K bị xâm phạm; hậu quả pháp lí đối với chính ông T: bị phạt cải tạo không giam giữ một năm về tội xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác.
- Trường hợp 2: Hành vi của bà V xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, gây thiệt hại về tài sản cho chị H.
3b
Trả lời câu hỏi mục 3 phần b trang 138 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp
Trong kì nghỉ hè, A được bố mẹ cho về quê thăm ông bà ngoại. Một buổi chiều, lúc đang nằm hóng mát ngoài sân, em họ của A là H đến rủ A đi chơi. Trên đường đi ngang qua nhà ông Q thấy cây xoài có nhiều trái, H rủ A trèo rào vào để hái xoài. A không đồng ý và giải thích với H rằng không nên làm như vậy vì tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở không chỉ là hành vi văn minh mà còn là việc làm tuân thủ pháp luật.
- Hãy cho biết ý kiến của em về việc làm của A và H.
- Em hãy cho biết những việc làm thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Phương pháp giải:
- Đọc các trường hợp và cho biết ý kiến của em về việc làm của A và H.
- Cho biết những việc làm thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Lời giải chi tiết:
- Việc làm của A thể hiện sự chủ động trong việc tôn trọng và thực hiện quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; việc làm của H thể hiện sự không tôn trọng và có thể dẫn tới hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
- Những việc làm thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở:
+ Tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
+ Lên án các hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
+ Phát hiện, ngăn chặn hoặc báo cho các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lí các hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
+ Học tập, nắm vững những quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
+ Tự giác thực hiện quy định về quyền này, vận động những người xung quanh chấp hành nghiêm chính quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
1
Trả lời câu hỏi 1 trang 139 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?
a. Chiếm giữ chỗ ở của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
b. Bất kì chỗ ở nào mà công dân dùng vào mục đích cư trú thì đều được pháp luật bảo vệ.
c. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó cho phép, trừ trường hợp luật có quy định.
d. Cơ quan công an có thể khám xét chỗ ở của công dân khi có dấu hiệu nghi vấn tại đó có công cụ, phương tiện phạm tội.
Phương pháp giải:
Đọc các nhận định và bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình về nhận định đó. Giải thích.
Lời giải chi tiết:
a. Không vì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi chiếm, giữ chỗ ở của người khác bằng thủ đoạn trái pháp luật mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
b. Không đồng tình vì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, chỉ có chỗ ở hợp pháp mới được pháp luật bảo vệ.
c. Đồng tình vì quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở có nghĩa là chỉ khi một người cho phép mới được vào chỗ ở của người đó. Tuy nhiên, luật có quy định những trường hợp khi có căn cứ và thực hiện đúng trình tự pháp luật thì có thể vào chỗ ở người khác mà không cần sự đồng ý của họ.
d. Không đồng tình vì theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), để cơ quan công an có thể khám xét thì cần phải có căn cứ theo quy định pháp luật cụ thể.
2
Trả lời câu hỏi 2 trang 139 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đưa ra đánh giá của mình về các hành vi sau:
a. Anh A tích cực tham gia tuyên truyền quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
b. Bạn T xin phép và được sự đồng ý của chủ nhà mới được vào nhà họ để khảo sát ý kiến.
c. Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà của anh A khi chưa có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát đối với lệnh khám xét.
d. Bà D cho thuê nhà nhưng khi chưa hết hạn hợp đồng thuê, bà đã yêu cầu người thuê ra khỏi nhà.
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và đánh giá về các hành vi trong trường hợp đó.
Lời giải chi tiết:
a. Hành vi của anh A tích cực tham gia tuyên truyền quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
b. Hành vi của bạn T xin phép và khi được sự đồng ý của chủ nhà mới vào nhà họ để khảo sát ý kiến là hành vi tuân thủ quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở vì chỉ vào chỗ ở của người khác khi được sự đồng ý của họ.
c. Hành vi của Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà của anh A khi chưa có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát đối với lệnh khám xét là hành vi chưa phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở vì vi phạm trình tự, thủ tục khám xét.
d. Hành vi của bà D cho thuê nhà nhưng khi chưa hết hạn hợp đồng thuê, bà đã yêu cầu người thuê ra khỏi nhà là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở vì buộc người thuê ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ (khi chưa hết hợp đồng).
3
Trả lời câu hỏi 3 trang 139 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu.
a. Ông A và bà B tranh chấp ngôi nhà mà vợ chồng bà B cùng các con chưa thành niên đang cư trú hợp pháp. Các bên đã khởi kiện vụ việc tranh chấp nhà tại Tòa án. Trong khi chờ Tòa án giải quyết, lợi dụng lúc gia đình bà B đi vắng, ông A cùng một số người đã phá cửa, di chuyển đồ đạc của bà B ra khỏi nhà và chiếm giữ trái phép nhà của bà B làm cho gia đình bà B không còn chỗ ở
Hãy phân tích hành vi của ông A, từ đó rút ra bài học cho bản thân.
b. Anh M và chị N kết hôn với nhau đã hơn 10 năm. Tài sản chung của hai vợ chồng là một ngôi nhà hai tầng khá khang trang. Vì nhiều lí do khác nhau, hai vợ chồng anh chị quyết định li hôn. Trong thời gian chờ Tòa án giải quyết yêu cầu phân chia tài sản, nhân khi chị N đi vắng, anh M đã thay hệ thống khóa mới và không cho chị N về lại nhà của mình. Không có chỗ ở, chị N phải về nhà cha mẹ đẻ để ngủ nhờ.
- Cho biết đánh giá của em về hành vi của anh M.
- Đưa ra cách ứng xử của em trong trường hợp nếu là chị N.
Phương pháp giải:
Đọc các trường hợp và thực hiện yêu cầu.
Lời giải chi tiết:
a. Hành vi của ông A xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của bà B vì bà B đang cư trú hợp pháp. Trong trường hợp này, ông A cần kiên nhẫn chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Toà án), không nên sử dụng vũ lực để đuổi người khác ra khỏi nhà và chiếm giữ nhà của họ.
b.
- Đánh giá về hành vi của anh M: Hành vi của anh M không phù hợp với quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở vì ngôi nhà là tài sản chung của cả hai vợ chồng, do hai vợ chồng cùng tạo lập.
- Cách ứng xử của em nếu là chị N: Cần nói chuyện với anh M, phân tích để anh M biết được rằng ngôi nhà là tài sản chung, đó là chỗ ở hợp pháp của chị N và chị N có quyền cư trú. Trường hợp anh M vẫn kiên quyết đuổi chị N ra khỏi nhà, chị N cần phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền đề xử lí hành vi đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ.
4
Trả lời câu hỏi 4 trang 140 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Nhận xét hành vi của các nhân vật trong tình huống sau:
Trên đường đi học về, bạn N thấy có người lạ mặt đang tìm cách mở khoá cổng để vào nhà hàng xóm. N nói: "Có người lạ đang tìm cách vào nhà bác hàng xóm, chúng ta phải tìm cách báo cho bác ấy hoặc báo công an". Nghe vậy, M trả lời: "Họ vào nhà hàng xóm chứ có vào nhà mình đâu mà quan tâm". N đáp: "Chúng ta phải có trách nhiệm trình báo những hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Phương pháp giải:
Đọc tình huống và nhận xét hành vi của các nhân vật trong tình huống đó.
Lời giải chi tiết:
- Hành vi của bạn N phù hợp với các quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thể hiện trách nhiệm trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền này.
- Hành vi của bạn M chưa phù hợp với các quy định pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, chưa thể hiện sự tự giác thực hiện các quy định trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
1
Trả lời câu hỏi 1 trang 140 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy lấy một ví dụ về hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để phân tích hậu quả, từ đó rút ra bài học về trách nhiệm của bản thân.
Phương pháp giải:
- Lấy một ví dụ về hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để phân tích hậu quả.
- Rút ra bài học về trách nhiệm của bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Ví dụ: Anh M nợ tiền của ông N và bỏ trốn khỏi địa phương. Một hôm, nhận được tin anh M đang trốn ở nhà chị Q (chị gái của M) ở thôn bên cạnh, ông N đã cùng hai con trai của mình đến nhà chị Q để tìm kiếm. Khi bố con ông N đến nơi, chị Q đã khoá cửa, không cho họ vào nhà và khẳng định M không có ở nhà chị. Bố con ông N không tin nên đã phá cửa nhà chị Q và xông vào nhà tìm kiếm, khám xét đồ đạc để tìm M nhưng không thấy anh M. Sau đó, chị Q đã khởi kiện bố con ông N về hành vi xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, tòa đã tuyên ông N bị phạt cải tạo không giam giữ một năm về tội xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác.
- Hậu quả: Hành vi của ông T gây ra các hậu quả sau:
+ Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của chị Q bị xâm phạm;
+ Hậu quả pháp lí đối với chính ông N: bị phạt cải tạo không giam giữ một năm về tội xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác.
- Bài học: Nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
2
Trả lời câu hỏi 2 trang 140 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo
Em hãy sưu tầm câu chuyện về tấm gương tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Sau đó, chia sẻ với các bạn cùng lớp.
Phương pháp giải:
- Sưu tầm câu chuyện về tấm gương tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
- Chia sẻ với các bạn cùng lớp.
Lời giải chi tiết:
B và L là hai bạn rất thân quen. Gần đây B cho L mượn một cuốn sách quý. Cuốn sách này lại do một người bạn khác của B cho mượn. Nay người bạn khác đó phải dời nhà đi xa, đòi B phải trả ngay để đem theo. B đến nhà L thì cả nhà đi vắng, cửa tuy có khoá nhưng nếu banh mạnh một tí có thể len vào. Vì nhà L có một con chó giữ nhà, B lui tới thường xuyên nên chó dữ cũng hoá quen từ lâu. Nhưng vì đã được học quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân nên dù dễ dàng có thể vào nhà như vậy nhưng B vẫn quyết định không vào nhà của L lấy sách. B quay về nhà gọi điện thoại và hẹn đợi gặp L lúc cả nhà L đã về nhà và cũng gọi điện cho người bạn kia mong bạn thông cảm và hứa sẽ gửi lại sách cho bạn sớm nhất có thể khi nhận lại được quyển sách.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo timdapan.com"