Bài 1,2,3,4 mục I trang 26,27 Vở bài tập Sinh học 8

Giải bài 1,2,3,4 mục I Nhận thức kiến thức trang 26,27 VBT Sinh học 8: Chọn các từ, cụm từ: lực kéo, lực hút, lực đẩy, co, dãn điền vào chỗ trống


Bài tập 1

Chọn các từ, cụm từ: lực kéo, lực hút, lực đẩy, co, dãn điền vào chỗ trống để hoàn thiện các câu sau:

- Khi cơ............tạo ra một lực.

- Cầu thủ bóng đá tác động một............ vào quả bóng.

- Kéo gầu nước, tay ta tác động một ............. vào gầu nước.

Lời giải:

- Khi cơ co tạo ra một lực.

- Cầu thủ bóng đá tác động một lực đẩy vào quả bóng.

- Kéo gầu nước, tay ta tác động một lực kéo vào gầu nước.


Bài tập 2

Làm thí nghiệm như hình 10 và tham khảo bảng 10 SGK, trả lời các câu hỏi:

1. Qua kết quả thí nghiệm, hãy cho biết khối lượng như thế.nào thì công cơ sản ra lớn nhất?

2. Khi ngón tay trỏ kéo rồi thả cân nhiều lần, có nhận xét gì về biên độ co cơ trong quá trình thí nghiệm kéo dài?

3. Sau khi chạy một đoạn đường dài, em có cảm giác gì? Vì sao như vậy?

4. Hiện tượng biên độ co cơ giảm dần khi làm việc quá sức được đặt tên là gì?

Lời giải:

1. Cơ co tạo ra lực tác dụng vào vật làm vật dịch chuyển và sinh ra công. Công cơ có trị số lớn nhất khi cơ co để kéo một vật có khối lượng thích hợp với nhịp co vừa phải.

2. Cơ làm việc quá sức thì biên độ co cơ giảm và dẫn tới cơ bị mỏi. Hiện tượng đó gọi là sự mỏi cơ.

3. Khi chạy một đoạn đường dài, cảm thấy thở rất sâu, chân rất mỏi. Vì khi chạy, hô hấp trở nên khó khăn, thiếu O2 cung cấp cho cơ thể, sản phẩm của quá trình ôxi hóa là axit lactic sẽ tích tụ, đầu độc làm cơ mỏi.

4. Hiện tượng biên độ co cơ giảm dần khi làm việc quá sức có thể đặt tên là sự mỏi cơ.


Bài tập 3

1. Khi bị mỏi cơ cần làm gì để hết mỏi cơ?

2. Trong lao động cần có những biện pháp gì để cho cơ lâu mỏi và có năng suất lao động cao?

Lời giải:

1. Khi mỏi cơ cần được nghi ngơi, thở sâu kết hợp với xoa bóp cho máu lưu thông nhanh. Sau hoạt dộng chạy (khi tham gia thể thao) nên đi bộ từ từ đến khi hô hấp trở lại bình thường mới nghỉ ngơi và xoa bóp.

2. Để lao động có năng suất cao cần làm việc nhịp nhàng, vừa sức, đảm bảo khối lượng và nhịp co cơ thích hợp. Ngoài ra, cũng cần có tinh thần thoải mái vui vẻ. Việc rèn luyện thân thể thường xuyên thông qua lao động, thể dục thể thao sẽ làm tăng dần khả năng co cơ và sức chịu đựng của cơ, đây cũng là biện pháp nâng cao năng suất lao động.


Bài tập 4

1. Khả năng co cơ phụ thuộc vào những yếu tố nào?

2. Những hoạt động nào được coi là sự luyện tập cơ?

3. Luyện tập thường xuyên có tác dụng như thế nào đến các hệ cơ quan trong cơ thể và dẫn tới kết quả gì đối với hệ cơ?

4. Nên có phương pháp luyện tập cơ như thế nào để có kết quả tốt nhất?

Lời giải:

1. Khả năng co cơ phụ thuộc vào những yếu tố:

- Trạng thái thần kinh.

- Thể tích của cơ, khối lượng của vật.

- Lực co cơ, khả năng dẻo dai, bền bỉ.

2. Mọi hoạt động thể dục thể thao đều được coi là luyện tập cơ nhưng mỗi hoạt động lại luyện tập cho các cơ khác nhau như chạy bộ thì tốt cơ bắp chân, đùi, mông; đánh bóng đánh cầu thì cơ tay, vai, ngực; tập yoga, giãn cơ rất tốt, tốt cho toàn bộ các cơ từ đầu đến ngón chân.

3. Sự luyện tập thường xuyên giúp tăng thể tích của cơ (người có thân thể cường tráng), tăng lực co cơ và làm việc dẻo dai. Do đó, năng suất lao động cao. Việc luyện tập thường xuyên không chỉ làm cơ thể phát triển mà còn làm cho xương thêm cứng rắn, phát triển cân đối, làm tăng năng lực hoạt động của các cơ quan khác như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, làm cho tinh thần sảng khoái.

4. Để luyện tập cơ đạt kết quả tốt cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hợp lí, có thể tham gia hoạt động sản xuất vừa sức. Cần có phương pháp luyện tập:

- Khởi động nhẹ trước khi luyện tập.

- Thường xuyên tập thể dục thể thao.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lí.

- Lao động vừa sức.