Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Anh hùng tiếng đã gọi rằng bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 11
Tác giả
Tác giả Nguyễn Du
1. Tiểu sử
- Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
* Thời đại:
- Đầy biến động: giang sơn mấy lần đổi chủ.
- Chế độ phong kiến suy tàn, phong trào khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi.
→ Suy ngẫm về cuộc đời và thế thái nhân sinh.
* Quê hương – gia đình:
- Quê hương:
+ Quê cha: Hà Tĩnh → giàu truyền thống văn hóa, hiếu học.
+ Quê mẹ: Bắc Ninh – cái nôi của dân ca quan họ.
+ Nguyễn Du sống chủ yếu ở Thăng Long → Mảnh đất nghìn năm văn hiến.
+ Quê vợ: Thái Bình, nhiều truyền thống văn hóa.
→ Tiếp nhận văn hóa nhiều vùng miền tạo tiền đề cho sự tổng hợp tài năng nghệ thuật.
- Gia đình:
+ Sinh ra và trưởng thành trong gia đình quý tộc phong kiến quyền quý:
> Cha: Nguyễn Nghiễm, từng làm Tể Tướng trong triều Lê.
> Anh là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh.
→ Có điều kiện dùi mài kinh sử và am hiểu vốn văn hóa văn học bác học.
+ Mẹ: Trần Thị Tần: quê ở Bắc Ninh, thông minh xinh đẹp, nết na.
→ Hiểu biết về văn hóa dân gian.
→ Gia đình nhiều đời làm quan, có truyền thống văn học, thích hát xướng.
* Bản thân:
- Thời thơ ấu và thanh niên (1765 – 1789): Sống sung túc, hào hoa ở kinh thành Thăng Long trong gia đình quyền quý → Là điều kiện để có những hiểu biết về cuộc sống ông phong lưu của giới quý tộc phong kiến.
- Mười năm gió bụi (1789 – 1802): Sống cuộc đời nghèo khổ, phong trần, gió bụi
→ Đem lại cho Nguyễn Du vốn sống thực tế gần gũi với quần chúng, học tập ngôn ngữ dân tộc và thôi thúc ông suy ngẫm về cuộc đời con người.
- Từ khi ra làm quan triều Nguyễn (1802 – 1820): Giữ nhiều chức vụ cao, được đi nhiều nơi, được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. → Giúp ông mở mang, nâng tầm khái quát về xã hội, con người.
- Ông mất tại Huế 1820.
→ Tiểu kết: Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng chính hoàn cảnh ấy tạo cho ông vốn sống phong phú, tâm hồn sâu sắc.
2. Sự nghiệp sáng tác
a. Tác phẩm chính
* Sáng tác bằng chữ Hán: Còn khoảng 249 bài
- Thanh Hiên thi tập (78 bài), sáng tác ở Thái Bình và Tiên Điền.
- Nam Trung tạp ngâm (40 bài), sáng tác khi làm quan ở Quảng Bình.
- Bắc Hành tạp lục (131 bài), sáng tác khi đi sứ ở Trung Quốc.
* Sáng tác bằng chữ Nôm:
- Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều);
- Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh);
b. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du
* Đặc điểm nội dung:
- Đề cao xúc cảm (tình).
+ Thể hiện tình cảm chân thành, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người bé nhỏ, những số phận bất hạnh, những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh (Thuý Kiều, Đạm Tiên...).
+ Triết lí về thân phận bất hạnh của phụ nữ trong xã hội cũ, đề cập đến vấn đề thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.
+ Khái quát bản chất tàn bạo của chế độ phong kiến chà đạp quyền sống của con người.
+ Đề cao quyền sống của con người, đồng cảm và ca ngợi tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc (mối tình Kim- Kiều, nhân vật Từ Hải).
+ Bài ca tình yêu tự do và ước mơ công lí.
+ Tiếng khóc cho số phận con người: khóc cho tình yêu trong trắng, chân thành bị tan vỡ; khóc cho tình cốt nhục bị lìa tan; khóc cho nhân phẩm bị chà đạp; khóc cho thân xác con người bị đày đoạ.
+ Bản cáo trạng đanh thép: tố cáo thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, phanh phui sức mạnh làm tha hoá con người của đồng tiền.
* Đặc điểm nghệ thuật:
- Thành công trong nhiều thể loại: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật và ca, hành.
- Thơ lục bát, song thất lục bát đạt đến đỉnh cao.
- Vận dụng thành công các điển cố, điển tích trong văn học Trung Hoa, Việt hoá nhiều ngôn ngữ Hán.
→ Nguyễn Du đã góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân gian, làm giàu cho tiếng Việt.
Tác phẩm
Tác phẩm Anh hùng tiếng đã gọi rằng
1. Xuất xứ
Đoạn thơ "Anh hùng tiếng đã gọi rằng", dài 32 câu, trích trong "Truyện kiều" từ câu 2419 đến câu 2450. Đoạn thơ này tiếp sau cảnh Kiều báo ân báo oán.
2. Ý tưởng đoạn thơ
Đoạn thơ ca ngợi Từ Hải là một anh hùng đích thực giàu nghĩa khí qua đó nêu bật và khẳng định cảm hứng nhân văn, nói lên khát vọng tự do của con người thời đại.
3. Phân tích
1. Mười tám câu đầu là cuộc trò chuyện giữa Từ Hải với Kiều. Kiều tạ ơn Từ Hải đã giúp mình báo ân báo oán. Có nhờ được "sấm sét ra tay" thì "bể oan" mới được vơi đi, "tấc riêng" mới được gột rửa, được xoá bỏ, được "đổ đi", mới thanh thản nhẹ nhàng. Ơn nghĩa ấy vô cùng to lớn (trời mây) khắc vào xương, ghi sâu vào dạ, chẳng bao giờ quên:
"Khắc xương ghi dạ xiết chi
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây".
- Kiều nói chân thành, nhỏ nhẹ, khiêm nhường (thân bồ liễu, tấc riêng, gan óc...) đầy tình nghĩa. Từ Hải tự coi mình là "quốc sĩ", xem Kiều là "tri kỉ". Từ hải giúp Kiều báo ân, báo oán là một việc làm đầy nghĩa khí như các anh hùng hảo hán xưa nay vẫn coi trọng: "Lộ kiến bất bình, bạt đạo tương trợ". Với Từ Hải, không thể dung tha mọi "bất bằng" tội ác ở đời:
"Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha"
- Câu nói của Từ vang lên đĩnh đạc hào hùng thể hiện một lý tưởng anh hùng tuyệt đẹp, như một lời tuyên chiến với mọi cái ác, cái bất công ở đời.
- Từ Hải xem hành động ra oai "sấm sét" của mình giúp Kiều báo ân báo oán là "việc nhà", là chuyện gia đình... cũng là để Kiều sớm gặp lại gia đình, gặp lại song thân. Từ Hải là một con người chí tình chí nghĩa, thấu hiểu được nỗi đau riêng và ước mong của Kiều:
"Xót nàng còn chút song thân,
Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa.
Sao cho muông dặm ... một nhà,
Cho người thấy mặt là ta cam lòng"
2. Từ Hải là một anh hùng đích thực.
- Tiến quân như vũ bão "trúc chẻ ngói tan". Binh uy chấn động "sấm ran trong ngoài". - Từ Hải dựng lên một triều đình đối địch làm chủ "một góc trời", có tổ chức quy củ: "Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà".
- Từ Hải xuất quân đánh đâu thắng đấy:
"Đòi phen gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm toà cõi nam".
- Dưới con mắt của Từ Hải, bọn vua quan triều đình chỉ là "phường giá áo túi cơm" mà thôi. Từ đã có một giang sơn riêng, một cõi biên thuỳ riêng ngang nhiên thách thức:
“Trước cờ ai dám tranh cường
Năm năm hùng cứ một phương hải tần”.
- Nguyễn Du miêu tả Từ Hải oai phong lẫm liệt như một anh hung thần thoại, một dũng sĩ trong sử thi, hiện lên trong hào quang chiến trận, lừng lẫy trong chiến công. Những động từ mạnh, những hình ảnh kì vĩ được vận dụng sáng tạo, đoạn thơ vang lên hào hùng mang âm điệu anh hùng ca:
"Gió quét mưa sa", "đạp đổ năm toà cõi nam", " sấm ran trong ngoài"...
- Các từ Hán Việt góp phần miêu tả cốt cách phi thường của Từ Hải: quân trung, hội đồng tẩy oan, binh uy, triều đình, văn võ, sơn hà, phong trần, biên thuỳ, cô quả, bá vương, hùng cứ, hải tần....
- Đoạn thơ góp phần hoàn thiện chân dung anh hùng Từ Hải : một con người chí tình chí nghĩa, sống và chiến đấu vì lý tưởng và khát vọng tự do, lẽ công bằng.
- "Đoạn thơ thể hiện sâu sắc cảm hứng nhân văn trong "Truyện Kiều". Màu sắc sử thi, hình tượng kì vĩ, âm điệu anh hùng ca là nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn thơ này. Nhân vật Từ Hải là một khám phá đầy sáng tạo của Nguyễn Du: từ một hảo hán trong "Kim Vân Kiều truyện" trở thành một anh hùng đích thực trong "Truyện Kiều".
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Anh hùng tiếng đã gọi rằng timdapan.com"