Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?

Bùi Thế Hiển
Admin 29 Tháng tám, 2017

Có nên dạy và học theo Văn mẫu hay không?

Đứng trước câu hỏi "Có nên dạy và học theo văn mẫu hay không", tác giả Nhật Duy - người đang trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy bộ môn Ngữ văn đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Ngoài dạy thêm, giáo viên còn có thể làm thêm việc gì?

Những điều giáo viên không nói trong buổi họp phụ huynh

Có một thực tế là những giáo viên có chuyên môn tốt và các em học sinh có khả năng cảm thụ văn chương không bao giờ dạy Văn mẫu và học Văn mẫu.

Người dạy Văn hay là người biết định hướng cho học sinh nắm chắc các kĩ năng làm bài, hướng các em tới những rung cảm của văn chương. Và, học sinh giỏi Văn là những học sinh biết đi theo lối tư duy, cảm thụ độc lập của riêng mình.

Ngày còn đi học, tôi rất ít ghi chép bài giảng của thầy cô dạy Văn bởi tôi quan niệm học Văn không phải là ghi lại những gì thầy cô đã đọc rồi đến khi kiểm tra trả lại cho thầy cô. Học Văn như vậy thì học để làm gì?

Tôi đã học theo cách của riêng mình. Trong giờ giảng Văn tôi chăm chú nghe lời thầy cô giảng bài. Những lời thầy cô giảng trong nội dung bài học tôi không ghi lại mà chỉ ghi những chỗ thầy cô mở rộng, liên hệ vấn đề.

Khi học xong bài, tôi hệ thống lại kiến thức bài học và lập thành sơ đồ tư duy cho mỗi bài. Đồng thời, học những gì thầy cô đã mở rộng cùng với tài liệu sưu tầm liên quan đến bài giảng.

Khi kiểm tra tôi viết bằng tất cả tình cảm của mình và bao giờ cũng có phần mở rộng, liên hệ vấn đề liên quan đến đề bài văn mà thầy cô yêu cầu.

Rồi, các kỳ thi trôi qua, cả bài kiểm tra thường xuyên, định kì, học kì hay sau này thi đại học và học tập trên giảng đường đại học tôi vẫn trung thành với cách học của mình.

Những bài viết của tôi bao giờ cũng được điểm cao và được thầy cô chú ý và thích thú. Nhiều khi bài Văn của tôi được thầy cô đọc cho học sinh trong lớp và thậm chí là các lớp khác cùng nghe.

Sau này và đến bây giờ khi đã đứng trên bục giảng để giảng dạy môn Ngữ văn, điều tôi tâm niệm là không bao giờ bắt học sinh phải theo mình, giống mình.

Lời giảng của thầy chỉ là một kênh để các em tham khảo, học sinh có nhiều cách lí giải vấn đề khác nhau, miễn là hợp lí, sáng tạo, có tính đột phá là tôi cho điểm cao. Vì thế, những học sinh của tôi khi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi hay thi tuyển sinh vào lớp 10 đều có những em đạt điểm rất cao, ít em bị điểm thấp.

Nhiều giáo viên cứ máy móc chấm Văn phải theo đáp án, sai đáp án của thầy thì cho điểm thấp là điều không phù hợp. Mỗi người đều có sự kiến giải vấn đề cho riêng mình. Hàng trăm học sinh không thể cùng một suy nghĩ giống ông thầy được.

Để các em tự kiến giải, tự sáng tạo và khám phá văn chương qua suy nghĩ của riêng mình. Miễn sao bài viết đó logic, hợp lí và có cảm xúc thì mới thúc đẩy được chất lượng dạy và học môn Văn ở nhà trường.

Là người đã từng tham gia ra vào công tác ra đề thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và chấm thi rất nhiều các kỳ thi của học sinh cuối cấp. Điều mà tôi nhận thấy là lãnh đạo ngành, các chuyên viên Ngữ văn cũng không gò ép theo đáp án có sẵn.

Bao giờ trong hướng dẫn chấm bài cũng có câu: “Học sinh có thể làm khác đáp án vẫn cho điểm tối đa, miễn là hợp lí”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo cho giáo viên và học sinh cách học “mở”, không hề gò ép. Cách triển khai của ngành rất cụ thể và theo hướng mở nhưng nhiều giáo viên lại đổ theo đáp án để dạy Văn mẫu là điều không phù hợp.

Mỗi kỳ thi đi qua, nhất là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như năm nay chỉ có một điểm 10 môn Văn trong mấy nghìn điểm 10 ở nhiều môn thi khác, có nhiều ý kiến cho rằng: cách dạy và học Văn của chúng ta hiện nay “có vấn đề”, quá khe khắt trong việc chấm bài.

Song, đó không phải là vấn đề khiến chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ. Văn chương có những đặc thù riêng, bởi văn chương không phải là định lượng mà là định tính. Vì thế, việc điểm Văn có mặt bằng chung không cao cũng là chuyện rất bình thường.

Những năm gần đây, nếu theo dõi quá trình thi cử và thẩm thấu hết những hướng dẫn của ngành, chúng ta có thể thấy rằng văn chương đã và đang hướng theo xu thế thời đại.

Văn chương không chỉ bó hẹp trong những giá trị nghệ thuật đơn thuần mà văn chương còn hướng tới giá trị của đời sống con người và xã hội. Vì thế, những giáo viên nào còn dạy và chấm theo văn mẫu thì nên có sự đổi mới về phương pháp. Các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng nên thay đổi cách nghĩ, cách học sao cho phù hợp.

Văn chương là chuyện của lòng người, là chuyện của tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật. Vậy nên, những gì chân thật, trong sáng nhất sẽ là sự tinh túy của văn chương, của người dạy Văn và học Văn ở nhà trường hiện nay.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!