Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực trong tháng 9/2021
TimDapAnmời các bạn cùng tham khảo bài Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực trong tháng 9/2021.
- Chính sách mới về điều kiện hưởng lương hưu có hiệu lực từ 01/9/2021
- Bộ Giáo dục hướng dẫn giải quyết tình trạng thừa giáo viên phổ thông
- 6 môn bất kỳ từ 8.0 là được học lực 'Tốt'
Trong tháng 9, học sinh cả nước sẽ đồng loạt quay trở học tập, rèn luyện, bắt đầu bước vào năm học mới 2021-2022. Nổi bật nhất trong tháng 9 là quy định đánh giá học sinh THCS, THPT khi không còn học sinh tiên tiến như trước đây; hướng dẫn mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và lịch khai giảng của các tỉnh thành khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây ảnh hưởng tại nhiều nơi.
1. Quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/9/2021. Theo đó, việc đánh giá học sinh THCS, THPT có nhiều điểm đáng chú ý như:
- Không còn xếp loại học lực theo mức Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu mà thay bằng đánh giá kết quả học tập theo 01 trong 04 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Cụ thể, tại Điều 9 Thông tư này quy định, học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.
Học sinh được xếp mức Khá khi tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 5,0 trở lên, trong đó ít nhất 06 môn có điểm trung bình từ 6,5 trở lên.
Học sinh được xếp mức Đạt khi có nhiều nhất 01 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; ít nhất 06 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình từ 5,0 trở lên; không có môn nào dưới 3,5 điểm.
Các trường hợp còn lại: Chưa đạt.
- Từ 05/9/2021, không còn học sinh tiên tiến ở cấp 2, cấp 3
2. Hướng dẫn mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó:
- Đối với chi hoạt động tự đánh giá, cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động tự đánh giá.
- Chi phí thuê chuyên gia tư vấn thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên, nhưng phải phù hợp với khả năng của cơ sở giáo dục và tuân theo các quy định về tài chính của Nhà nước.
- Chi xây dựng phương án điều tra, thu thập thông tin, minh chứng; xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin, minh chứng; viết phiếu đánh giá tiêu chí; xây dựng và hoàn thiện báo cáo tự đánh giá: tối đa không quá 10 triệu đồng/kết quả; Chi xây dựng và hoàn thiện báo cáo tự đánh giá khoán theo sản phẩm cuối cùng không quá 02 triệu đồng/báo cáo.
- Đối với chi hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở giáo quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn phù hợp với vai trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương. Cụ thể:
- Chi tiền công nghiên cứu hồ sơ đánh giá, viết báo cáo sơ bộ: Tối đa không quá 1 triệu đồng/người/báo cáo.
Chi tiền công trong thời gian làm việc tập trung nghiên cứu hồ sơ đánh giá, thực hiện khảo sát chính thức tại cơ sở giáo dục: không quá 200.000 đồng/người/ngày. - Chi xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài: Mức chi khoán theo sản phẩm cuối cùng không quá 02 triệu đồng/báo cáo.
- Chi in ấn và văn phòng phẩm, chi in và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục, bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia: Thực hiện theo thực tế.
Thông tư 56 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2021.
3. Nhiều tỉnh, thành phải lùi lịch tựu trường, dạy học online do dịch Covid-19
Sau khi Bộ Giáo dục ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 tại Quyết định 2551/QĐ-BGDĐT, các tỉnh tỉnh, thành phố đã có thông báo về lịch tựu trường, khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải hoãn lịch tựu trường so với thông báo trước đó để theo dõi thêm.
Nhiều nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… học sinh sẽ không đến tựu trường mà thực hiện kế hoạch dạy, học online tại nhà.
- Lịch đi học lại của 63 tỉnh thành