Chính sách giáo dục có hiệu lực tháng 02/2022

Bùi Thế Hiển
Admin 09 Tháng hai, 2022

TimDapAnmời các bạn cùng tham khảo bài viết Chính sách giáo dục có hiệu lực tháng 02/2022.

Quy định về đánh giá học viên giáo dục thường xuyên, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan giáo dục, hướng dẫn khám sức khỏe cho sinh viên là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 02/2022. TimDapAnmời các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của các quy định mới trong bài viết dưới đây.

1. Định kỳ chuyển công tác công chức ngành giáo dục từ 3 - 5 năm

Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc của Bộ Giáo dục sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/02/2022.

Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác với công chức giáo dục không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức giáo dục được như sau:

- Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 03 - 05 năm (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức).

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Các đơn vị ban hành danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi căn cứ quy định trên để xác định thời hạn định kỳ chuyển đổi đối với từng vị trí công tác cụ thể.

Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi đối với công chức, viên chức giáo dục gồm:

- Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị:

  • Phân bổ ngân sách.
  • Kế toán.
  • Mua sắm công.
  • Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí.

- Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc:

  • Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, công nhận hiệu trưởng, hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường.
  • Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
  • Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
  • Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức.
  • Tổ chức thi nâng ngạch công chức.
  • Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
  • Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy.
  • Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về biên chế.
  • Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp Nhà nước.
  • Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng.
  • Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật.
  • Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.
  • Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Giáo dục và đào tạo:

  • Tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ.
  • Phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cho các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, phân bổ chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài theo các đề án của Chính phủ.
  • Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
  • Thẩm định sách giáo khoa, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
  • Thẩm định hồ sơ thành lập các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
  • Quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
  • Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Thanh tra:

  • Làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
  • Công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

2. Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 01/02/2022.

Thông tư này quy định rõ việc chăm sóc sức khỏe người học, cụ thể:

- Thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục.

- Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học.

- Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.

Các cơ sở giáo dục bố trí nhân viên y tế trường học trình độ chuyên môn y tế từ trung cấp trở lên, được đào tạo, tập huấn về sơ cứu, cấp cứu và cập nhật kiến thức chuyên môn y tế.

Trường hợp nhân viên y tế trường học trực tiếp thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

3. Quy định mới về đánh giá học viên giáo dục thường xuyên

Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Đây là Thông tư mới nhất về đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Trong đó:

- Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

- Đánh giá bằng nhận xét:

  • Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên;
  • Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập;
  • Đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.

- Đánh giá bằng điểm số:

  • Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học.
  • Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

- Điểm trung bình môn học kỳ được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học.

- Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.


Xem thêm