Câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2018
Câu hỏi Tìm hiểu kiến thức về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2018
Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2018 ban hành bộ Câu hỏi cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2018, có gợi ý đáp án. Mời các bạn cùng tham khảo.
Phần I: Tìm hiểu kiến thức (60 điểm)
Gồm 20 câu hỏi (05 câu tìm hiểu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; 05 câu tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường; 10 câu hỏi về pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm).
Câu 1: Anh/chị hiểu thế nào là môi trường? Chức năng của môi trường? Ô nhiễm môi trường là gì?
Câu 2. Thuốc bảo vệ thực vật có tác động như thế nào đến môi trường và sức khỏe con người? Anh/chị hãy cho biết một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo về thức vật?
Câu 3. Anh/chị hãy cho biết biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân và những hiện tượng biến đổi khí hậu chủ yếu?
Câu 4: Anh/chị cho biết mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường đến năm 2020, những nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”?
Câu 5: Anh/chị hãy cho biết phụ nữ có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ môi trường?
Câu 6: Theo anh/chị hộ gia đình cần làm gì để bảo vệ môi trường?
Câu 7: Những hoạt động bảo vệ môi trường nào được khuyến khích thực hiện? Những hành vi nào có thể gây tổn hại đến môi trường và bị nghiêm cấm?
Câu 8: Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường?
Câu 9: Để bảo vệ môi trường, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật người sử dụng có quyền và nghĩa vụ gì?
Câu 10: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, suy thoái làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào? Tổ chức gây ô nhiễm môi trường thì quy trách nhiệm cho ai?
Câu 11. Anh/chị hiểu thế nào là thực phẩm an toàn? thực phẩm bị ô nhiễm?
Câu 12. Anh/chị hãy cho biết, sử dụng thực phẩm nhiễm kim loại nặng có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
Câu 13. Theo anh/chị, việc sử dụng thực phẩm màu không được phép để chế biến gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Câu 14. Anh/chị hãy cho biết cách chọn lựa rau, quả ít nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nhất?
Câu 15. Hiện nay có một số loại thực phẩm bị phát hiện sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo anh/chị, quy định pháp luật về hình thức xử phạt vi phạm đối với các hành vi này như thế nào?
Câu 16: Anh/chị hãy cho biết những hành vi nào bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm?
Câu 17: Anh chị hãy cho biết, điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất được quy định như thế nào?
Câu 18: Theo anh/chị, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm cần phải đảm bảo những yêu cầu gì?
Câu 19: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống cần đáp ứng các điều kiện gì để bảo đảm an toàn thực phẩm?
Câu 20: Anh/chị hãy cho biết những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào sẽ bị xử phạt hành chính? Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả?
II. Phần 2
Sáng kiến, kinh nghiệm (40 điểm): Là các sáng kiến, giải pháp hoặc kinh nghiệm trong đảm bảo VSATTP, bảo vệ môi trường.
GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1: Anh/chị hiểu thế nào là môi trường? Chức năng của môi trường? Ô nhiễm môi trường là gì?
Gợi ý trả lời:
1. Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”
Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại: Môi trường tự nhiên; Môi trường nhân tạo
- Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội...
- Môi trường theo nghĩa hẹp không xét tới tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống con người.
Tóm lại, môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển.
2. Môi trường có các chức năng cơ bản sau:
Môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật.
Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người.
Môi trường là nơi chứa đựng, phân hủy, tự làm sạch các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình.
Môi trường là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất.
Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.
Cung cấp sự ghi chép và lưu trữ lịch sử của trái đất, lịch sử tiến hóa của sinh vật, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hóa của loài người.
Cung cấp các chỉ thị không gian và tạm thời mang tín hiệu và báo động sớm các hiểm họa đối với con người và sinh vật sống trên tráI đất.
Cung cấp, lưu giữ cho con người các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các cảnh quan, tôn giáo…
3. Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm Tiêu chuẩn môi trường
Trên thế giới, ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường. Các tác nhân ô nhiễm bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lỏng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chứa hoá chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.
Tuy nhiên, môi trường chỉ được coi là bị ô nhiễm nếu trong đó hàm lượng, nồng độ hoặc cường độ các tác nhân trên đạt đến mức có khả năng tác động xấu đến con người, sinh vật và vật liệu.
Câu 2. Thuốc bảo vệ thực vật có tác động như thế nào đến môi trường và sức khỏe con người? Anh/chị hãy cho biết một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo về thức vật?
Gợi ý trả lời:
1. Tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng liều lượng, quy trình đã ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người:
- Thuốc BVTV xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường như qua da, qua miệng, qua hô hấp và gây ngộ độc đến tính mạng con người
- Thuốc thâm nhập qua da, đây là con đường xâm nhập phổ biến nhất.
- Thuốc xâm nhập qua đường miệng thường gây ngộ độc rất nặng.
- Thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái:
- Thuốc BVTV diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.
- Các dạng thuốc BVTV phun ra chỉ được cây trồng hấp thụ một phần, còn một phần được giữ lại trong đất, nước và phân giải dần dưới tác động của các yếu tố môi trường. Thuốc bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loài động vật sống dưới nước. Thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường do bị rò rỉ trong quá trình vận chuyển, cất giữ, sử dụng, do việc tiêu hủy, xử lý các chất thải thuốc BVTV không đảm bảo an toàn; do việc rửa các thiết bị, dụng cụ có dính thuốc bừa bãi ở mọi nơi; do sử dụng thuốc quá liều và phun thuốc trong khi có gió to hoặc dùng thuốc ở sát ngay những khu vực nhạy cảm như nguồn nước sinh hoạt, nơi đông dân cư.
2. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
- Tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV:
- Dùng đúng thuốc:
- Mỗi loại thuốc có một phạm vi tác dụng nhất định. Vì vậy, để xác định được loại thuốc cần dùng, trước hết chúng ta cần biết được cây trồng đang bị đối tượng nào gây hại (nấm, vi khuẩn, côn trùng…), gây hại ở bộ phận nào của cây và mức độ gây hại ra sao. Khi chọn được chủng loại thuốc, cần phải chú ý chọn loại thuốc nào có độ độc thấp (dựa vào màu chỉ thị độ độc và kí hiệu trên bao bì), thuốc mau phân hủy và an toàn với người, cây trồng, thiên địch.
- Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc có độ độc cao.
- Thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng.
- Dùng đúng liều lượng và nồng độ:
- Liều lượng là lượng nước và thuốc cần dùng trên một đơn vị diện tích (…lit, kg/ha) và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nứơc để phun. Nếu dùng nồng độ, liều lượng quá cao thì dịch hại chết nhanh nhưng tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường và gây ngộ độc cho người sử dụng. Ngược lại nếu dùng nồng độ, liều lượng quá thấp so với khuyến cáo sẽ không diệt được dịch hại mà còn nhanh chóng gây quen thuốc.
- Do vậy, cần tuân thủ theo đúng liều lượng và nồng độ quy định trên nhãn thuốc để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, hiệu quả phòng trừ sẽ cao.
- Dùng đúng lúc:
- Tức là sử dụng thuốc khi sinh vật hại phát triển tới mức cần phòng trừ, khi sâu còn nhỏ, bệnh mới chớm phát. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết, tức là ở thời điểm đó nếu không phun thuốc thì khả năng sâu bệnh, cỏ dại sẽ làm thất thoát đến năng suất.
- Nên phun thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm khi khô sương. Không nên phun thuốc khi sâu bệnh quá ít, mật độ thiên địch cao. Không phun thuốc khi trời nắng gắt, sắp có mưa, khi cây ra hoa hoặc gần ngày thu hoạch. Cần giữ đúng thời gian cách ly ghi trên nhãn thuốc để đảm bảo an toàn khi sử dụng nông sản.
- Dùng đúng cách:
- Cần pha chế thuốc đúng hướng dẫn theo dạng chế phẩm: Thuốc dạng hạt dùng để rải không hòa vào nước để phun. Thuốc dạng lỏng, dạng bột hòa nước thì dùng pha vào nước để phun. Thuốc dạng bột rắc dùng để phun lên cây, lên đất hay trộn với hạt giống.
- Cần phun rải đều và đúng vào vị trí sinh vật tập trung gây hại. Không phun ngược chiều gió. Khi trộn hỗn hợp các loại thuốc cần chú ý theo qui định trên nhãn thuốc, giữ đúng nồng độ mỗi loại thuốc và không hỗn hợp thuốc cùng nhóm hoặc không được phép hỗn hợp với thuốc có tính kiềm mạnh. Có thể pha thêm các loại chế phẩm bám dính khi cần thiết.
- Cần luân phiên thay đổi loại thuốc khác nhóm giữa các lần phun để ngăn ngừa tính kháng thuốc của sinh vật hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc BVTV. Tuân thủ bảo hộ lao động trong khi phun thuốc.
- Dùng đúng thuốc:
- Khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình canh tác theo hướng an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
- Liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản, có quy trình truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho từng loại sản phẩm làm ra.
- Có các chế tài nặng đối với các hành vi trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV bị cấm sử dụng, sử dụng không đúng quy trình…gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Câu 3. Anh/chị hãy cho biết biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân và những hiện tượng biến đổi khí hậu chủ yếu?
Gợi ý trả lời:
1. "Biến đổi khí hậu" nghĩa là thay đổi của khí hậu do hoạt động của con người (trực tiếp hoặc gián tiếp) làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kỳ có thể so sánh được.
2. Biến đổi khí hậu là kết quả của nhiều yếu tố bao gồm cả các quy trình động năng của bản thân Trái Đất, cả các lực bên ngoài bao gồm các biến đổi trong cường độ ánh sáng mặt trời, đặc biệt là những hoạt động của con người trong thời gian gần đây.
- Sự biến đổi trong quỹ đạo Trái Đất. Trong các yếu tố tác động đến khí hậu, sự thay đổi trong quỹ đạo của trái đất là yếu tố có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi năng lượng mặt trời, bởi vì dù chỉ có sự thay đổi rất nhỏ trong quỹ đạo trái đất cũng đã dẫn tới những sự thay đổi trong sự phân phối của ánh sáng mặt trời khi tiến tới bề mặt trái đất.
- Hoạt động núi lửa. Phun trào núi lửa là một quá trình vận chuyển vật liệu từ dưới sâu lòng đất lên bề mặt, như là một phần của tiến trình mà Trái đất loại bỏ sự quá dư thừa về nhiệt độ và áp suất bên trong lòng nó. Sự phun trào núi lửa là sự giải phóng ở các mức độ khác nhau những vật liệu đặc biệt vào trong bầu khí quyển, làm gia tăng lượng khí cacbon có trong khí quyển.
- Ảnh hưởng của con người. Các hoạt động của con người chính là nguyên nhân làm thay đổi môi trường. Trong một số trường hợp, chuỗi quan hệ nhân quả đó có ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng đến khí hậu.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động của con người khi tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6.
Biến đổi khí hậu khiến cho khí quyển và trái đất nói chung nóng lên;làm thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất; mực nước biển dâng cao do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
3. Các hiện tượng mà biến đổi khí hậu gây nên có thể kể đến là:
- Hiện tượng hiệu ứng nhà kính: Khí nhà kính là những thành phần khí của khí quyển, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt trái đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính.
- Hiện tượng mưa axít. Mưa axit là mưa có tính axit do một số chất khí hòa tan trong nước mưa (trong đó chủ yếu là SO2 và NO2) tạo thành các axit khác nhau.
- Thủng tầng ozon. Ozon (O3) là chất khí có màu lam nhạt (trong điều kiện nhiệt độ và áp suất tiêu chuẩn), có mùi hắc đặc trưng. Ozon là chất hấp thụ mạnh các tia tử ngoại, tia nhìn thấy và tia hồng ngoại. Lớp ozon ngăn cản phần lớn các tia cực tím có hại không cho xuyên qua bầu khí quyển trái đất. Tầng ozon như lớp áo choàng bảo vệ trái đất trước sự xâm nhập và phá hủy của tia tử ngoại. Không khí chứa một lượng rất nhỏ ozon có tác dụng làm cho không khí trong lành. Với lượng ozon lớn hơn sẽ gây độc hại với con người.
- Cháy rừng: Biến đổi khí hậu và cháy rừng tác động qua lại với nhau: các đám cháy rừng thải một lượng lớn carbon dioxide vào khí quyển làm trái đất nóng dần lên; khí hậu ấm dần lên lại tác động các đám cháy rừng diễn ra nhiều hơn.
- Bão - lũ lụt - hạn hán
- Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực trị. Bão là hiện tượng gió mạnh kèm theo mưa rất lớn do có sự xuất hiện và hoạt động của các khu áp thấp (low pressure area) khơi sâu.
- Lũ là hiện tượng nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần hoặc dòng nước do mưa lớn tích luỹ từ nơi cao tràn về dữ dội làm ngập lụt một khu vực hoặc một vùng trũng, thấp hơn.
- Hạn hán là hiện tượng lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạthấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sựsinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh.
- Sa mạc hóa. Sa mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu.
- Hiện tượng sương khói. Sương khói là một sự cố môi trường, xảy ra do sự kết hợp sương với khói và một số chất gây ô nhiễm không khí khác.
Câu 4: Anh/chị cho biết mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường đến năm 2020, những nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyờn và bảo vệ môi trường”?
Gợi ý trả lời:
1. Mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường
- Không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt.
- Phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn.
- Quản lý khai thác hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%.
2. Nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ môi trường
- Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
- Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân.
- Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
3. Giải pháp chủ yếu
- Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
- Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
- Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
- Coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Câu 5: Anh/chị hãy cho biết phụ nữ có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ môi trường?
Gợi ý trả lời:
Trong xã hội, phụ nữ là những người tạo nên các mối liên hệ với môi trường:
- Trực tiếp gắn bó với thiên nhiên, môi trường trong sinh hoạt hàng ngày.
- Là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chất ô nhiễm trong sinh hoạt, sản xuất.
- Là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc ô nhiễm và suy thoái tài nguyên: nước, không khí, rừng,...
- Là người vất vả nhất khi gia đình chịu tác động tiêu cực của môi trường.
- Người mẹ bị ốm do ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình và thai nhi.
- Là người có trách nhiệm về sự hình thành ý thức và tính cách của trẻ em trong quan hệ với môi trường.
- Là người nội trợ chính của gia đình, vừa chăm lo về chất lượng của từng bữa ăn, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nề nếp sinh hoạt hợp vệ sinh của gia đình.
- Là một trong những tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng ở gia đình và xã hội.
Do đó, phụ nữ vừa là đối tượng vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
Câu 6: Theo anh/chị hộ gia đình cần làm gì để bảo vệ môi trường?
Gợi ý trả lời:
Theo quy định tại Điều 82 Luật BVMT thì hộ gia đình cần:
- Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.
- Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.
- Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.
- Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;.
- Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.
- Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Câu 7: Những hoạt động bảo vệ môi trường nào được khuyến khích thực hiện? Những hành vi nào có thể gây tổn hại đến môi trường và bị nghiêm cấm?
Gợi ý trả lời:
Tại Điêu 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã cụ thể hóa những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích bao gồm:
- Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
- Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.
- Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô- dôn.
- Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.
- Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.
- Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.
- Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.
- Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.
- Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.
- Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.
Song song với việc khuyến khích những hoạt động bảo vệ môi trường, để bảo vệ môi trường cần phải ngăn chặn những hành vi có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
(1) Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.
(2) Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
(3) Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
(4) Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
(5) Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
(6) Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
(7) Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
(8) Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
(9) Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
(10) Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.
(11) Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
(12) Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
(13) Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
(14) Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.
(15) Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
(16) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.
Câu 8: Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường?
Gợi ý trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì các chức danh dưới đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ.
Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.
Chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý rừng, Ban Quản lý các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Câu 9: Để bảo vệ môi trường, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật người sử dụng có quyền và nghĩa vụ gì?
Gợi ý trả lời:
Về nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 đã quy định: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái (khoản 3 Điều 4); đồng thời, Điều 72 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 cũng quy định khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật các người sử dụng có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;
b) Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung của nhãn thuốc;
c) Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc bốn đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;
b) Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
c) Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;
d) Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định;
đ) Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
e) Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định gây ra.
Câu 10: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm, suy thoái làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào? Tổ chức gây ô nhiễm môi trường thì quy trách nhiệm cho ai?
Gợi ý trả lời:
Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 160 Luật BVMT 2014 quy định về xử lý vi phạm khi có hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Từ căn cứ trên thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường, suy thoái làm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì có trách nhiệm : khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại. Tùy theo từng tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, có thể sẽ bị xử lý về tội phạm hình sự nếu hành vi vi phạm đó cấu thành tội phạm hình sự.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 164 Luật BVMT 2014 quy định về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, việc tổ chức gây ô nhiễm môi trường thì ta xác định theo nguyên tắc người đứng đầu trực tiếp của tổ chức đó phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo việc môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình.
Như vậy, việc xác định nếu là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường do chính tổ chức đó làm mà không phải do yếu tố lỗi của cá nhân nào khác thì trách nhiệm pháp lý đặt ra chính là người đứng đầu của tổ chức mà có hành vi gây ra ô nhiễm môi trường trên.
Câu 11. Anh/chị hiểu thế nào là thực phẩm an toàn? thực phẩm bị ô nhiễm?
Gợi ý trả lời:
- Thực phẩm an toàn là thực phẩm không bị ô nhiễm các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý vượt quá quy định cho phép và không gây nguy hại đến sức khỏe cho người sử dụng.
- Thực phẩm bị ô nhiễm là thực phẩm bị các tác nhân sinh học, hóa học, vật lý xâm nhập trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể gây hại đến sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng.
Câu 12. Anh/chị hãy cho biết, sử dụng thực phẩm nhiễm kim loại nặng có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
Gợi ý trả lời:
Khi sử dụng thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng, chúng sẽ qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể và tích tụ tại các mô. Cơ thể có khả năng đào thải các kim loại nặng ra khỏi cơ thể qua phân, nước tiểu, mồ hôi, nhưng nếu tốc độ tích tụ lớn hơn đào thải sẽ làm cho kim loại nặng tích tụ và ảnh hưởng đến chức năng, tổ chức của các bộ phận cơ thể như gan, thận, não.. dẫn đến tình trạng ngộ độc mạn tính như rối loạn chuyển hóa, suy gan, thận mạn tính, loạn sản tế bào, quái thai….
Một số trường hợp hàm lượng kim loại nặng như asen, thủy ngân, chì… trong thực phẩm cao gấp nhiều lần mức độ cho phép sẽ dẫn đến ngộ độc kim loại nặng cấp tính, thậm chí gây tử vong. Ví dụ: Khi ngộ độc thủy ngân, bệnh nhân thường có biểu hiện có vị kim loại trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bệnh nhân bị kích động, tăng HA, sau 2-3 ngày thường chết vì suy thận. Nếu bị ngộ độc cấp bởi Asen nạn nhân có thể có các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu tiện và tử vong nhanh chóng. Trong nhiễm đọc chì cấp tính khi ăn phải 1 lượng chì 30gram, nạn nhân thoạt tiên có thể thấy vi ngọt rồi chát, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, cháy họng, thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng ( khi nhiễm chì clorua ) đau bụng dữ dội, tiêu chảy hoặc phân đen ( khi nhiễm chì sunfua ), mạch yếu, tê tay chân, co giật và tử vong.
Câu 13. Theo anh/chị, việc sử dụng thực phẩm màu không được phép để chế biến gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Gợi ý trả lời:
Phẩm màu không được phép sử dụng là những phẩm màu độc hại cho sức khỏe con người, mà bản chất chính đó là hóa chất độc hại và là 1 trong những nguyên nhân gây NĐTP.
Khi ăn, uống TP có sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến hoặc lạm dụng phẩm màu trong danh mục được cho phép sử dụng nhưng vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép sẽ dẫn đến tích lũy trong cơ thể. Sau 1 thời gian sử dụng các TP này kéo dài sẽ gây biến đổi hoạt động của hệ thống Enzyme, rối loạn chuyển hóa, thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể, có thể gây đột biến gen mà biểu hiện trên lâm sàng là các bệnh mạn tính tại các cơ quan chuyển hóa do tích lũy độc chất. Hay gặp nhất là các bệnh lý mạn tính tại gan,thân, tủy xương…, thậm chí gây ung thư dẫn đến tử vong. Nếu một lượng lớn các phẩm màu độc hại xâm nhập cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính với biểu hiện là tình trạng nhiễm độc nặng tại các cơ quan như gan, thận.
Câu 14. Anh/chị hãy cho biết cách chọn lựa rau, quả ít nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nhất?
Gợi ý trả lời:
Người tiêu dùng khi chọn mua rau quả để đảm bảo ít bị nhiêm hóa chất bảo vệ thực vật cần chú ý chọn:
Rau, quả còn tươi.
Rau, quả có màu sắc và trạng thái tự nhiên.
Không bị dập nát.
Không bị úa.
Không có vết màu lạ.
Không có mùi vị lạ.
Đặc biệt không mua rau, quả đã bị thâm hoặc nhũn ở đầu dù phần vỏ của rau, quả còn đẹp vì phần vỏ nhìn vẫn tươi, đẹp là do hóa chất bảo vệ thực vật nhưng thực chât bên trong hoa quả đã bị hỏng.
Vì vậy, khi mua hoa quả, người tiêu dùng cần lưu ý: Tất cả các hiện tượng bất thường như rau non, xanh, quả chín quá đều, quá đẹp, đẹp không bình thường là dễ có hóa chất bảo vệ thực vật. Bất cứ loại rau quả nào đều phải rửa thật kỹ, gọt vồ sạch sẽ trước khi dùng.
Câu 15. Hiện nay có một số loại thực phẩm bị phát hiện sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo anh/chị, quy định pháp luật về hình thức xử phạt vi phạm đối với các hành vi này như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Điều 6 của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, thì mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.Điểm neo
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.
7. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 6 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
Câu 16: Anh/chị hãy cho biết những hành vi nào bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm?
Gợi ý trả lời:
Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2015 quy định những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, như sau:
- Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm.
- Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.
- Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sản xuất, kinh doanh: Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Thực phẩm bị biến chất; Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm; Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh; Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
- Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.
- Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.
- Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
- Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
- Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.
Câu 17: Anh chị hãy cho biết, điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất được quy định như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại các điều 1, 2, 3 và 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đối với nguyên liệu thực phậm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và bao bì chứa đựng thực phẩm cần đảm bảo các điều kiện an toàn sau:
- Nguyên liệu dùng sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại cơ sở phải bảo đảm an toàn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, quy định an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền và phải còn hạn sử dụng;
- Nguyên liệu ban đầu dùng để sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đảm bảo an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó. Các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Chỉ được sản xuất, chế biến thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, chất khoáng, chất vi lượng vào thực phẩm với hàm lượng không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng và trong danh mục của Bộ Y tế.
- Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định của Bộ Y tế và bảo đảm an toàn theo quy định;
- Bao bì chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, không làm ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm, không bị ô nhiễm các tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Câu 18: Theo anh/chị, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm cần phải đảm bảo những yêu cầu gì?
Gợi ý trả lời:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu nhất định theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, cụ thể:
- Chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
- Chủ cơ sở hoặc người quản lý có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khoẻ được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế. Việc khám sức khoẻ do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.
- Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình kinh doanh thực phẩm, đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh thực phẩm.
Câu 19: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống cần đáp ứng các điều kiện gì để bảo đảm an toàn thực phẩm?
Gợi ý trả lời:
Luật an toàn thực phẩm năm 2010 quy định:
- Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống (Điều 23)
- Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt;
- Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm tươi sống.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống.
- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống (Điều 24):
- Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm quy định tại các điều 18, 20 và 21 của Luật này;
- Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống.
Câu 20: Anh/chị hãy cho biết những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào sẽ bị xử phạt hành chính? Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả?
Gợi ý trả lời:
Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì những vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gồm:
- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;
- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu;
- Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thú y, thủy sản, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, lao động và các lĩnh vực khác thì được xử phạt vi phạm hành chính theo các Nghị định đó.
* Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 3, 4 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP)
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này.
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
- Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm;
- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm;
c) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định;
- Buộc tiêu hủy giấy tờ giả;
- Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.