Bài 4: Em yêu bạn bè


Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chia sẻ

Câu 1: Các bạn trong bức tranh dưới đây đang làm gì?

Hướng dẫn trả lời:

Các bạn trong bức tranh đang chơi kéo co.

Câu 2: Trò chơi kéo co đòi hỏi người chơi những gì? Chọn các ý đúng:

a. Mọi người trong đội đều cố gắng.

b. Chỉ cần một người trong đội cố gắng.

c. Mọi người trong đội biết cách phối hợp với nhau.

Hướng dẫn trả lời:

Trò chơi kéo co đòi hỏi người chơi:

- Mọi người trong đội đều cố gắng.

- Mọi người trong đội biết cách phối hợp với nhau.

Chọn đáp án: a,c

Câu 3: Ngoài trò chơi kéo co, em còn biết những hoạt động nào cần có tập thể?

Hướng dẫn trả lời:

Ngoài trò chơi kéo co, em còn biết những hoạt động cần có tập thể là: ca hát, nhảy múa, làm vệ sinh lớp học, nhảy dây, đá cầu,….

1.2. Đọc

Giờ ra chơi

(Trích)

Trống bao giờ ra chơi

Từng đàn chim áo trắng

Chân bước khỏi ghế ngồi

Ùa ra ngoài sân nắng.

 

Chỗ này những bạn gái

Chơi nhảy dây nhịp nhàng

Tiếng vui cười thoải mái

Chao nghiêng cánh lá bàng.

 

Đằng kia những bạn trai

Đá cầu bay vun vút

Dưới nắng hồng ban mai

Niềm vui dâng náo nức.

 

Trống điểm giờ vào lớp

Những chú chim vội vàng

Xếp hàng mau vào lớp

Bài học mới sang trang.

NGUYỄN LÃM THẮNG

Giải nghĩa từ: Ghép từ ở cột A với nghĩa phù hợp ở cột B

Hướng dẫn trả lời:

1.2.1. Đọc hiểu

Câu 1: Em hiểu “từng đàn chim áo trắng” là ai?

Hướng dẫn trả lời:

Em hiểu “từng đàn chim áo trắng” là các bạn học sinh.

Câu 2: Các bạn làm gì trong giờ ra chơi?

Hướng dẫn trả lời:

Trong giờ ra chơi, các bạn ùa ra sân chơi các trò chơi như nhảy dây, đá cầu.

Câu 3: Những từ ngữ nào cho thấy các bạn chơi với nhau rất vui?

Hướng dẫn trả lời:

Những từ ngữ cho thấy các bạn chơi với nhau rất vui là: vui cười, thoải mái, niềm vui, náo nức.

Câu 4: Các bạn làm gì sau giờ ra chơi?

Hướng dẫn trả lời:

Sau giờ ra chơi, các bạn lại xếp hàng vào lớp tiếp tục bài học.

1.2.2. Luyện tập

Câu 1: Tìm những tiếng (ở cuối dòng thơ) bắt vần với nhau trong khổ 2.

Hướng dẫn trả lời:

Những tiếng (ở cuối dòng thơ) bắt vần với nhau trong khổ 2 là: gái – mái, nhàng – bàng

Câu 2: Tìm những tiếng (ở cuối dòng thơ) bắt vần với nhau trong một khổ thơ còn lại.

Hướng dẫn trả lời:

- Khổ 1: trắng – nắng

- Khổ 3: trai – mai

- Khổ 4: vàng – trang

1.3. Bài viết 1

Câu 1: Nghe – viết: Giờ ra chơi (khổ 2, 3)

Hướng dẫn trả lời:

Giờ ra chơi

Chỗ này những bạn gái

Chơi nhảy dây nhịp nhàng

Tiếng vui cười thoải mái

Chao nghiêng cánh lá bàng.

 

Đằng kia những bạn trai

Đá cầu bay vun vút

Dưới nắng hồng ban mai

Niềm vui dâng náo nức.

Câu 2: Chọn chữ (r, d hoặc gi) phù hợp với ô trống rồi giải câu đố:

Hạt ■eo tới tấp
■ải khắp ■uộng đồng
Nhưng hạt ■eo chẳng nảy mầm
Để bao hạt khác khắp đồng mọc xanh.

(Là hạt gì?)

Hướng dẫn trả lời:

Hạt gieo tới tấp

Rải khắp ruộng đồng

Nhưng hạt gieo chẳng nảy mầm

Để bao hạt khác khắp đồng mọc xanh.

- Hạt gieo tới tấp, rải khắp cánh đồng nhưng hạt gieo chẳng này mầm => Hạt mưa

- Để bao hạt khác khắp đồng mọc xanh => Hạt lúa

Câu 3: Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:

a. Chữ ch hat tr?

Da ■âu đầu rắn
■ân ngắn cổ dài
■ẳng cần đào đất
Vẫn cần đến mai?

(Là con gì?)

b) Vần an hay ang?

Chiều sau khu vườn nhỏ
Vòm lá rung tiếng đ■
Ca sĩ là chim sẻ
Khán giả là hoa v■
Tất cả cùng hợp xướng
Những lời ca reo v■.

Lê Minh Quốc

Hướng dẫn trả lời:

a.

Da trâu đầu rắn

Chân ngắn cổ dài

Chẳng cần đào đất

Vẫn cần đến mai.

=> Đáp án là con rùa

b.

Chiều sau khu vườn nhỏ

Vòm lá rung tiếng đàn

Ca sĩ là chim sẻ

Khán giả là hoa vàng

Tất cả cùng hợp xướng

Những lời ca reo vang.

Lê Minh Quốc

Câu 4: Tập viết

a. Viết chữ hoa C

Hướng dẫn trả lời:

* Cấu tạo: gồm nét cong trái và nét cong phải.

* Cách viết: Đặt bút trên ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 4, viết một nét cong trái nhỏ phía trên ĐK ngang 2, lượn vòng lên chạm ĐK dọc 3 viết tiếp nét cong trái lớn liền mạch với nét cong phải và dừng bút bên phải ĐK dọc 2, dưới ĐK ngang 2 (Chỗ bắt đầu viết nét cong trái lớn phải ngang bằng với điểm đặt bút).

b. Viết ứng dụng Chung tay làm đẹp trường lớp

1.4. Đọc

Phần thưởng

1. Na là một cô bé tốt bụng. Ở lớp, ai cũng mến em. Em gọt bút chì giúp bạn Lan. Em cho bạn Minh nửa cục tẩy. Nhiều lần, em làm trực nhật giúp các bạn bị mệt... Na chỉ buồn vì em học chưa giỏi.

2. Cuối năm học, cả lớp bàn tán về điểm thi và phần thưởng. Riêng Na chỉ lặng yên nghe các bạn. Em biết mình chưa giỏi môn nào.

   Một buổi sáng, vào giờ ra chơi, các bạn trong lớp túm tụm bàn bạc điều gì đó có vẻ bí mật lắm. Rồi các bạn kéo nhau đến gặp cô giáo.

   Cô giáo cho rằng sáng kiến của các bạn rất hay.

3. Ngày tổng kết năm học, từng học sinh giỏi bước lên bục nhận phần thưởng. Cha mẹ các em cũng hồi hộp. Bất ngờ, cô giáo nói :

- Bây giờ, cô sẽ trao phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng cả lớp đề nghị tặng bạn Na. Na học chưa giỏi, nhưng em có tấm lòng thật đáng quý.

  Na không hiểu mình có nghe nhầm không. Đỏ bừng mặt, cô bé đứng dậy bước lên bục. Tiếng vỗ tay vang dậy. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe.

Phỏng theo BLAI-TƠN

(Lương Hùng dịch)

Từ ngữ:

- Bí mật : giữ kín, không cho người khác biết.

- Sáng kiến : ý kiến mới và hay.

1.4.1. Đọc hiểu

Câu 1: Na là một học sinh như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Na là một cô bé tốt bụng và luôn giúp đỡ bạn bè.

Câu 2: Theo em, điều bí mật được các bạn của Na bàn bạc là gì?

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, điều bí mật được các bạn của Na bàn bạc đó là tìm cách để tặng cho Na một phần thưởng thật xứng đáng với sự tốt bụng của bạn ấy.

Câu 3: Em có nghĩ rằng Na xứng đáng được phần thưởng không? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Em nghĩ rằng Na xứng đáng được phần thưởng. Vì Na là một cô bé tốt bụng và luôn giúp đỡ bạn bè.

Câu 4: Khi Na được phần thưởng:

a. Mọi người vui mừng thế nào?

b. Mẹ của Na vui mừng thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

a. Mọi người vỗ tay vang dậy.

b. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe.

1.4.2. Luyện tập

Câu 1: Nếu em là Na, em sẽ nói gì để cảm ơn cô giáo và các bạn?

Hướng dẫn trả lời:

Em cảm ơn cô ạ, cảm ơn các bạn. Em rất vui và xúc động khi nhận được món quà đặc biệt này.

Câu 2: Nếu em là một học sinh trong lớp, em sẽ nói gì để đáp lại lời Na?

Hướng dẫn trả lời:

Nếu là một học sinh trong lớp, em sẽ nói với Na rằng: Chúc mừng Na, cậu rất xứng đáng nhận được món quà này.

1.5. Kể chuyện

Câu 1: Cùng bạn kể nối tiếp từng đoạn của câu chuyện Phần thưởng.

Hướng dẫn trả lời::

* Đoạn 1:

Na là một cô bé tốt bụng. Bạn ấy thường giúp đỡ các bạn trong lớp. Na chỉ buồn một chuyện là em học chưa giỏi.

* Đoạn 2:

Cuối năm, cả lớp xôn xa bàn bạc về phần thưởng. Chỉ có riêng Na là ngồi im. Na biết mình học chưa giỏi, có lẽ mình sẽ không có được phần thưởng gì. Một sáng, vào giờ ra chơi, các bạn bàn bạc nhau điều gì có vẻ bí mật lắm. Rồi cùng kéo nhau tới gặp cô giáo, cô cho rằng đây là một sáng kiến rất hay.

* Đoạn 3:

Ngày tổng kết năm học, các bạn trong lớp được cô giáo lần lượt trao tặng phần thưởng. Phụ huynh được xếp ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Sau khi các bạn học sinh giỏi lên nhận phần thưởng xong, cô giáo bất ngờ nói:

- Bây giờ cô sẽ trao một phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng mà các bạn trong lớp đề nghị tặng bạn Na. Na có một tấm lòng thật đáng quý.

Na cứ ngỡ mình nghe nhầm. Đỏ bừng mặt, cô bé đứng dậy bước lên bục. Tiếng vỗ tay vang dậy. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

Câu 2: Kể lại toàn bộ câu chuyện trên.

Hướng dẫn trả lời:

Na là một cô bé tốt bụng. Bạn ấy thường giúp đỡ các bạn trong lớp. Na chỉ buồn một chuyện là em học chưa giỏi.

Cuối năm, cả lớp xôn xa bàn bạc về phần thưởng. Chỉ có riêng Na là ngồi im. Na biết mình học chưa giỏi, có lẽ mình sẽ không có được phần thưởng gì. Một sáng, vào giờ ra chơi, các bạn bàn bạc nhau điều gì có vẻ bí mật lắm. Rồi cùng kéo nhau tới gặp cô giáo, cô cho rằng đây là một sáng kiến rất hay.

Ngày tổng kết năm học, các bạn trong lớp được cô giáo lần lượt trao tặng phần thưởng. Phụ huynh được xếp ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Sau khi các bạn học sinh giỏi lên nhận phần thưởng xong, cô giáo bất ngờ nói:

- Bây giờ cô sẽ trao một phần thưởng đặc biệt. Đây là phần thưởng mà các bạn trong lớp đề nghị tặng bạn Na. Na có một tấm lòng thật đáng quý.

Na cứ ngỡ mình nghe nhầm. Đỏ bừng mặt, cô bé đứng dậy bước lên bục. Tiếng vỗ tay vang dậy. Mẹ của Na lặng lẽ chấm khăn lên đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

1.6. Bài viết 2

Lập danh sách 4 – 5 bạn học sinh tổ em theo mẫu đã học.

DANH SÁCH HỌC SINH TỔ … LỚP …

Số thứ tự

Họ và tên

Nam, nữ

Ngày sinh

Nơi ở

 

 

 

 

 

Gợi ý:

Để lập được danh sách, em cần:

- Hỏi từng bạn: Họ và tên, ngày sinh của bạn, nơi bạn đang ở.

- Viết tên các bạn theo thứ tự chữ cái.

- Viết điều em đã biết về từng bạn vào cột thích hợp.

Hướng dẫn trả lời:

DANH SÁCH HỌC SINH TỔ 4 – LỚP 2A

NĂM HỌC 2021 – 2022

Số thứ tự

Họ và tên

Nam, nữ

Ngày sinh

Nơi ở

1

Lê Ngọc Anh

Nữ

05/11/2014

Cầu Giấy

2

Nguyễn Thành Đạt

Nam

12/12/2014

Thanh Xuân

3

Phạm Ngọc Giang

Nữ

27/12/2014

Cầu Giấy

4

Tạ Như Hoa

Nữ

08/10/2014

Hồ Tùng Mậu

5

Nguyễn Nhật Khánh

Nam

21/05/2014

Cổ Nhuế

6

Nguyễn Hà Ly

Nữ

15/11/2014

Phú Diễn

7

Lê Quang Minh

Nam

03/07/2014

Hồ Tùng Mậu

8

Vũ Ngọc Yến

Nữ

05/01/2014

Cầu Giấy

 

Bài tập minh họa

Câu 1: Chọn tiếng phù hợp với ô trống trong các bài thơ sau:

a. TÌNH BẠN

Gà cùng ngan, vịt
Chơi ở bờ ao
Chẳng may té ■
Gà rơi xuống nước
Không chậm nửa ■
Ngan, vịt nhảy theo
Rẽ đám rong ■
Vớt gà lên cạn.

Khuyết danh

 

b. GẤU QUA CẦU

bơixongbướcnhau

Hai gấu con xinh xắn
Bước xuống hai đầu cầu
Chú nào cũng muốn mau
Vượt cầu sang kia trước
Không ai chịu nhường ■
Cãi nhau mãi không thôi
Chú nhái bén đang ■
Ngẩng đầu lên mà bảo:
- Cái cầu thì bé tẹo
Ai cũng muốn qua mau

Nếu cứ cố tranh ■
Thì có anh ngã chết
Bây giờ phải đoàn kết
Cõng nhau quay nửa vòng
Đổi chỗ thế là ■
Cả hai cùng qua được!

Theo Nhược Thủy

Hướng dẫn trả lời:

a.

Tình bạn

Gà cùng ngan, vịt

Chơi ở bờ ao

Chẳng may té nhào

Gà rơi xuống nước

Không chậm nửa bước

Ngan, vịt nhảy theo

Rẽ đám rong bèo

Vớt gà lên cạn

Khuyết danh

b.

Gấu qua cầu

Hai gấu con xinh xắn

Bước xuống hai đầu cầu

Chú nào cũng muốn mau

Vượt cầu sang kia trước

Không ai chịu nhường bước

Cãi nhau mãi không thôi

Chú nhái bén đang bơi

Ngẩng đầu lên mà bảo:

- Cái cầu thì bé tẹo

Ai cũng muốn qua mau

 

Nếu cứ cố tranh nhau

Thì có anh ngã chết

Bây giờ phải đoàn kết

Cõng nhau quay nửa vòng

Đổi chỗ thế là xong

Cả hai cùng qua được!

Theo NHƯỢC THUỶ

Câu 2: Em hãy tập viết từ 2 đến 4 dòng thơ hoặc 4 đến 5 câu về một người bạn mà em yêu quý. Hãy trang trí bài viết cho đẹp.

Hướng dẫn trả lời:

Tham khảo:

1/ Bạn Ngọc Ánh lớp tôi

Là thiên tài hội họa

Chỉ một chiếc bút thôi

Vẽ được cả thế giới.

2/ Bạn tôi là Tuấn Tú

Người đẹp tựa như tên

Bạn vẫn thường ở bên

Mỗi khi tôi khốn khó.

Luyện tập

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.

+ Hiểu nội dung bài tập đọc Giờ ra chơi, phần thưởng

+ Biết và sử dụng các danh từ riêng và biết cách lập danh sách học sinh

Bài học tiếp theo

Bài học bổ sung