5 hiểu lầm về ngành tin học và kỹ thuật máy tính
- 5 hiểu lầm về ngành tin học và kỹ thuật máy tính
- 1. Học tin học và kỹ thuật máy tính sau này đi sửa chữa máy vi tính?
- 2. Ngành Tin học và kỹ thuật máy tính chỉ chuyên đào tạo về những kiến thức và ứng dụng máy tính?
- 3. Để thành công trong lĩnh vực Tin học và Kỹ thuật máy tính, chỉ cần chú trọng chuyên môn, còn ngoại ngữ chỉ là một kỹ năng phụ có hay không cũng được?
- 4. Tin học và Kỹ thuật máy tính rồi sẽ lại đi vào dĩ vãng khi robot trở nên phổ biến và thay thế được cho con người?
- 5. Ngành Tin học và kỹ thuật máy tính chỉ phù hợp với con trai?
5 hiểu lầm về ngành tin học và kỹ thuật máy tính
Ngành học Tin học và kỹ thuật máy tính là bệ phóng cho rất nhiều "nhân tài" công nghệ, nhưng nhiều khi vẫn bị hiểu nhầm như chỉ liên quan đến lập trình phần mềm trên máy tính, hoặc chỉ liên quan đến lắp ráp máy tính. Sự thật hoàn toàn khác.
1. Học tin học và kỹ thuật máy tính sau này đi sửa chữa máy vi tính?
Câu trả lời là KHÔNG. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tin học và kỹ thuật máy tính sẽ có cơ hội trở thành lập trình viên (đặc biệt là lập trình các phần mềm tin học máy tính, công nghệ thông tin); chuyên viên phân tích, thiết kế, phát triển trong các dự án phát triển, thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng; làm việc trong các công ty về phần cứng cũng như phần mềm máy tính; cán bộ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty trong nước và nước ngoài... với mức lương hấp dẫn.
2. Ngành Tin học và kỹ thuật máy tính chỉ chuyên đào tạo về những kiến thức và ứng dụng máy tính?
Không hề. Sinh viên theo học Tin học và kỹ thuật máy tính không chỉ được cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng; mà còn được đào tạo kỹ năng phân tích - thiết kế - xây dựng hệ thống phần cứng lẫn phần mềm trong các lĩnh vực như thiết kế vi mạch, công nghệ robot, hệ thống nhúng, hệ thống điện – điện tử và điều khiển tự động; kỹ năng tham mưu - tư vấn với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khả năng làm việc nhóm hay độc lập nghiên cứu để học lên các trình độ cao hơn.
3. Để thành công trong lĩnh vực Tin học và Kỹ thuật máy tính, chỉ cần chú trọng chuyên môn, còn ngoại ngữ chỉ là một kỹ năng phụ có hay không cũng được?
Đó là những quan niệm đã quá cũ, lỗi thời và lạc hậu. Trong xu thế hội nhập của xã hội hiện đại, tiếng Anh đã trở thành công cụ thiết yếu để giao tiếp với thế giới, là nhu cầu tối thiểu của thị trường việc làm nếu bạn muốn có một mức lương thu nhập khá trở lên. Hơn nữa, tiếng Anh còn là công cụ để bạn có thể làm chủ được kho kiến thức vô hạn trong thế giới công nghệ biến chuyển không ngừng, nâng cao kỹ năng chuyên môn ngay cả khi không còn ngồi trên ghế nhà trường.
Như PGS. Ngô Quang Hưng - thành viên nhóm Đối Thoại Giáo Dục do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng từng cho hay: “Có lẽ không có ngành nào mà sinh viên có lợi thế trên phương diện tài liệu học tập như ngành Kỹ thuật Máy tính. Chỉ cần một chút tiếng Anh chuyên môn là sinh viên đã có thể tìm hiểu trực tuyến hầu hết các tài liệu trên internet. Với một môi trường học tập và tri thức mở...".
4. Tin học và Kỹ thuật máy tính rồi sẽ lại đi vào dĩ vãng khi robot trở nên phổ biến và thay thế được cho con người?
Câu trả lời là KHÔNG. Bộ não của một chú robot thông minh là các mạch điện tử nhỏ gọn được lập trình; việc nó thông minh đến mức nào là phụ thuộc vào người lập trình cũng phương pháp lập trình. Các mạch điện tử nhỏ gọn hoạt động theo các chương trình được lập trình này chính là công việc của ngành tin học và kỹ thuật máy tính. Nếu không có con người, ai sẽ tạo ra những chú robot này?
5. Ngành Tin học và kỹ thuật máy tính chỉ phù hợp với con trai?
Trong một xã hội bình đẳng giới và nữ giới đang vươn lên khẳng định vị thế của chính mình thì không có “vùng cấm” cho các bạn nữ, trong ngành Tin học và kỹ thuật máy tính cũng vậy. Đam mê cùng với quyết tâm học hỏi, nỗ lực không ngừng sẽ giúp bạn chinh phục được mọi khó khăn trong lĩnh vực này. Tiêu biểu cho nữ doanh nhân thành đạt bởi ngành này phải kể đến bà Jessica McKellar - Giám đốc kỹ thuật tại Dropbox và là nhân vật chủ chốt trên thế giới của Python, một ngôn ngữ lập trình phát triển web phổ biến hay bà Anna Patterson - Phó Giám đốc Kỹ thuật phụ trách nghiên cứu và trí tuệ máy móc tại Google.