Truyện cổ tích cho bé: Truyện kể Tây Tạng: Hai vị thần - Anh nghèo và anh giàu
Đọc truyện: Truyện kể Tây Tạng: Hai vị thần - Anh nghèo và anh giàu
Tìm Đáp Án xin gửi tới các em câu chuyện: Truyện kể Tây Tạng: Hai vị thần - Anh nghèo và anh giàu để các em có thể hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện nhé. Mời các em cùng đón đọc Truyện hay cho bé tại đây với những câu chuyện hấp dẫn và thú vị nhất.
Truyện cổ tích cho bé: Truyện kể Tây Tạng: Hai vị thần - Anh nghèo và anh giàu
Chót vót cao trên núi, nơi tiếng người không vọng lên được, xưa kia có một ngôi đền nhỏ làm bằng những xà gỗ gần mục ruỗng, nơi trú ngụ của vị Thần Núi hùng mạnh.
Hai vị thần
Chót vót cao trên núi, nơi tiếng người không vọng lên được, xưa kia có một ngôi đền nhỏ làm bằng những xà gỗ gần mục ruỗng, nơi trú ngụ của vị Thần Núi hùng mạnh. Đó là một vị thần kiêu căng. Ông ta vênh váo xiết bao trước “đồng sự” dưới chân núi, Thần Hộ Thành! Thần Núi thích chơi trội, thậm chí làm mất lòng vị thần này. Một hôm, vào ngày hội của ông ta, dân chúng quanh vùng mang đồ cúng lễ đến dâng, đủ thứ của ngon vật lạ. Thần Núi quyết định mời “ông bạn” đến xem tất cả những của nả ông ta nhận được. “Cho lão thấy dân chúng tôn vinh ta như thế nào, ta muốn lão tái mặt vì ghen tức!”
Vị thần kia đến nơi, từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của đủ loại kẹo bánh và khói hương. Ông ta vào trong đền và thấy đối thủ đắm mình giữa các đồ mĩ vị, ra vẻ chán ngán. Thần Hộ Thành không thể chúc tụng nổi vì nước dãi ứa đầy miệng.
- Tôi chẳng hiểu đám dân này ra sao cả, Thần Núi nói, làm ra vẻ không nghe thấy tiếng óc ách trong bụng ông khách mời. Bất thình lình họ kéo đến tất tần tật, rồi họ cầu khấn, tấu lạy thần chỗ này, tấu lạy thần chỗ kia, thần nhân đức, xin cứu giúp con, giải thoát cho con khỏi mọi phiền muộn, xin cho mùa màng của con bội thu, xin ếm con bò cái của lão láng giềng - lần nào cũng là những chuyện như thế. Tất nhiên là vì thế họ mang đến cung tiến cho tôi rất nhiều thứ, nhưng xin nói thật, Thần Núi tiếp tục bằng giọng chán ngán, tôi chán ứ các thứ bánh trái tẩm mật ấy rồi, tôi mệt vì khói hương rồi, chúng bắt đầu làm cho tim tôi giở chứng. Đến đây Thần Núi vờ ho.
Vừa dứt lời thì trước cửa đền, nơi Thần Núi đang đứng tiếp chuyện Thần Hộ Thành, vang lên tiếng vó ngựa. Trước cánh cửa mở toang, quả nhiên một con ngựa dừng lại. Cưỡi ngựa là một chú thiếu niên nhà quê, ăn mặc tuềnh toàng. Chú cứ ngồi nguyên trên yên, vươn cổ dòm vào trong đền.
- Sao thế nhỉ, người ta không xuống ngựa rạp mình cung kính trước Thần Núi ư, như người phàm trần phải thế? Thần Hộ Thành hỏi xỏ, kích động mạnh lòng tự ái của ông bạn kiêu căng. Nếu là bác, tôi sẽ dạy cho tên báng bổ kia một bài học về sự tôn kính!
Thần Núi bị bẽ mặt, và để gây ấn tượng trước địch thủ thành phố, ông ta lẩm nhẩm một câu thần chú. Tức thì trời phủ đầy mây đen, muôn vàn tia chớp xé toạc màn đêm tăm tối, sấm gầm vang khiến núi cũng phải rùng mình.
“Thời thiết quái quỷ gì thế này!” Chú thiếu niên kêu lên, nhảy xuống ngựa, dắt con vật vào trong đền trú mưa. Nhưng buộc ngựa vào đâu? Chú nhìn quanh quất, dừng mắt trên pho tượng Thần Núi bằng đất sét.
“Kia chính là cái ta cần”, chú thiếu niên nghĩ bụng, rồi quàng dây cương quanh cổ tượng.
“Táo gan chưa!” Thần Núi giận giữ kêu lên. “Đợi đấy, ta dạy cho ngươi biết thế nào là lễ độ!” Ông ta lập tức đọc một câu thần chú khác. Vạn vật chìm trong bóng tối sâu thăm thẳm, đến nỗi cách một bước cũng không trông thấy gì, gió gào rú, trời mưa như trút nước, mặt đất rung lên dưới chân, như thể đến giờ tận thế. Bất thình lình một tiếng sấm ghê gớm làm cho con ngựa thất kinh phát khùng, nó lồng lên, lật nhào pho tượng Thần Núi. Rơi xuống đất, pho tượng vỡ tan thành nghìn mảnh.
“Ôi trời! Thật tai vạ!” Thần Hộ Thành la toáng khi thấy ông bạn địch thủ kiêu căng của mình hết đời như thế nào. “Miễn sao không tai vạ gì đến mình!” Và ông ta vắt giò lên cổ tránh thật xa cái nơi hắc ám ấy.
Anh nghèo và anh giàu
Ngày xửa ngày xưa có hai anh hàng xóm, một anh nghèo và một anh giàu. Anh giàu rất sùng đạo. Chẳng thế mà có lần anh ta bỏ ra ba ngày liền chúi mũi vào một quyển sách lễ, đọc tất cả những quy tắc lễ nghi, không bỏ sót một lời cầu khấn nào. Tự nhủ phải giải khuây chút đỉnh, anh ta sai chuẩn bị một bữa tiệc lớn, mời mọi người quanh vùng đến dự. “Nhưng tên hàng xóm cùng đinh ta sẽ không mời, loại người như thế không có chỗ giữa những người đàng hoàng.”
Tối đến, anh ta sai đốt một đống lửa thật lớn để quay thịt, vần ra những thùng rượu vang, khách mời tha hồ ăn uống thỏa thích, vui chơi thả cửa.
Đang tiệc, chị vợ anh giàu dắt một con bê con mới sinh trong ngày đến gần đống lửa để sưởi ấm, con bê con nhớ mẹ kêu “be, be” ầm ĩ. Anh hàng xóm nghèo nghe tiếng kêu, tưởng đâu người láng giềng giàu có mời mình, anh liền chạy sang, tự thu xếp cho bản thân một chỗ gần đống lửa. Anh giàu đang bận săn sóc khách khứa, đáp lễ mỗi người một vài câu xã giao lấy lòng, bất thần thấy anh nghèo thì cau mày:
- Anh làm gì ở đây? Một kẻ thô lỗ như anh không có việc gì làm trong một buổi tiệc như thế này!
- Hình như lúc nãy ông đã gọi tôi! Anh nghèo mỉm cười.
- Anh có họa điên mới tưởng như thế! Anh giàu cáu tiết. Ra khỏi đây, không được đến làm phiền khách mời của ta!
Anh nghèo về nhà phàn nàn với vợ:
- Cuộc đời những người nghèo chúng ta phải đâu là lố bịch! Giá mà mình thấy vẻ mặt của ông ấy lúc nhìn thấy tôi! Cứ như chúng ta không thể vậy, chúng ta cũng có thể chứ, chúng ta cứ vui chơi tiệc tùng xem sao!
- Mình đừng băn khoăn, chị vợ đáp. Chúng ta cũng có thể chứ sao, chúng ta sẽ tự tổ chức một bữa tiệc nhỏ.
Tức thì hai vợ chồng lấy ra một thùng nhỏ rượu vang, giết con lợn gày, và cùng các con lên núi. Trên một sườn núi rộng, họ dựng một túp lều cũ nát vá víu chằng chịt, đốt một đống lửa lớn. Khi ngọn lửa bốc cao lên trời, anh nghèo lẩm nhẩm cầu khấn:
- Hãy nhìn xem, ôi Thượng đế, chẳng lẽ Người không thấy bất công trên trái đất ư? Người không thấy người giàu có trái tim bằng đá, và những kẻ nghèo chúng con cực khổ quá ư? Ôi, đức Phật trên núi cao! Ôi, thượng đẳng thần linh, làm sao Người có thể dửng dưng trông thấy cảnh đau lòng này? Phải chăng con không lam lũ sớm chiều trên đồng ruộng? Phải chăng con không dâng lên Người đủ đồ lễ? Công bằng liệu có hay không? Nhưng con đã nói rồi, nếu Người chẳng làm gì cho con cả, con sẽ không dâng lên Người bất cứ lễ vật nào nữa!
Dứt lời, anh cùng vợ con ăn con lợn quay gày còm. Họ ăn thỏa thích và nhận chìm nỗi đắng cay của mình trong những ngụm rượu lớn. Rồi họ nắm tay nhau nhảy vòng tròn quanh đống lửa đến khuya. Nửa đêm, chị vợ chui vào túp lều cũ nát ngủ cùng các con. Anh nghèo ngồi lại bên đống lửa đang lụi dần. Những ý nghĩ buồn bã trở về với anh.
“Thế là hết sạch”, anh tự nhủ. “Hôm nay, chúng ta có được một lúc vui, nhưng hết cả rồi. Mai lấy gì mà bỏ vào miệng!”
Anh nằm dài trên mặt đất, đăm đắm nhìn bầu trời đầy sao. Không thể tìm được giấc ngủ, anh trở mình hết bên này lại bên kia mà vẫn không sao chợp mắt được. Sau một hồi lâu mệt mỏi vì mở trong mắt, anh ngồi dậy, lấy chiếc khăn trắng thường dùng để cầu nguyện - chiếc “Khata”, một ngọn đèn và mấy nén nhang, rồi rảo bước về phía ngôi chùa gần nhất.
Anh vào chùa, cúi lạy thật thấp trước tượng Phật, vắt chiếc khăn trắng lên tay tượng, thắp đèn, đốt hương và rì rầm khấn những lời sau:
- Lạy trời, lạy Phật, xin hãy công bằng một chút. Người muốn dân nghèo chúng con phải làm gì, chúng con đói chẳng có gì ăn, trong lúc phải làm việc quần quật? Vừa cầu khấn, anh vừa nhìn chăm chú nét mặt không chút biểu cảm của tượng Phật, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn. Trong đầu anh trăn trở bao ý nghĩ tối tăm về những ngày đói khát sắp tới. Cuối cùng, do cả ngày mệt nhọc, anh ngồi xổm xuống đất trước đức Phật và, chẳng hiểu sao, anh ngủ thiếp đi.
Khi anh tỉnh dậy thì ngọn đèn đã tắt từ lâu, một tia sáng yếu ớt rọi qua gian chùa tối tăm. Anh nghèo giụi mắt. ánh sáng phát ra từ đế tượng Phật. Tò mò, anh đứng lên đến gần pho tượng. Anh nhận thấy có một lỗ hở ở chân đế. Cúi xuống nhìn vào bên trong anh vô cùng kinh ngạc, lỗ hở ấy mở ra một cái hang rộng! Giữa hang, một đống lửa to cháy rực, cạnh đống lửa có hai người lùn dị dạng ngồi chồm chỗm - một nam, một nữ - mỗi người cầm một khúc xương to bám đầy thịt. Anh nghèo rùng mình, cơn rùng mình chạy suốt dọc xương sống. Cảnh tượng hai người lùn nhồm nhoàm gặm xương giáng cho anh một cú bất ngờ thích đáng, đến độ anh lùi lại một bước, làm miếng ván sàn kêu đánh rắc.
- Mụ này, hình như có người, gã lùn càu nhàu.
- Ông nói gì vậy? Cứ giữ khúc xương của ông ấy, là lũ chuột chạy trong chùa đấy.
Lát sau mụ đàn bà đứng dậy, nhấc từ trên tường xuống một chiếc đũa vàng, vươn người chạm đến vòm hang, ở đấy có treo ba túi da. Mụ lấy đầu đũa gõ vào chiếc túi thứ nhất và nói:
- Chảy ra, dầu, chảy ra! Mụ vừa dứt lời thì một thứ dầu thượng hạng, thơm phức từ trong túi chảy ra.
Mụ lại dùng chiếc đũa gõ vào chiếc túi thứ hai:
- Bày ra, Tsam-pa(*), bày ra! Mụ vừa dứt lời thì món Tsam-pa ngon lành, vàng óng bày ra ê hề.
Rồi mụ chạm đũa vào chiếc túi thứ ba, nói:
- Nhảy ra, đùi lợn, nhảy ra! Lập tức những khúc đùi lợn quay vàng rộm, chín tới nhảy ra khỏi túi da.
Hai người lùn đánh chén ngon lành, họ nhai tóp tép, thở phì phò, lèn đầy bụng tưởng lòi mắt khỏi tròng và, để kết thúc bữa ăn, họ dùi thủng thùng rượu vang, uống mãi không thôi.
“Bấy nhiêu thức ăn ngon, chỉ để cho hai con người nhỏ thó!” Anh nghèo thở dài, tủi phận mình: “Trong khi những kẻ bất hạnh chúng ta, thường phải bụng rỗng đi ngủ! Quả là quá bất công!”
Anh lách qua khe vào hang, nhón chân đến gần tường cuỗm gọn chiếc đũa vàng. Rồi anh lấy luôn ba chiếc túi da treo trên vòm hang, nhẹ nhàng như bỡn, không một tiếng động, anh trở ra chùa theo lối đã vào. Vừa qua được ngưỡng cửa, anh vắt giò lên cổ chạy.
Về đến lều, anh thấy vợ con còn đang ngủ say. “Dậy, dậy mau! Tôi mang về cả kho báu đây này!” Anh nghèo kể lại chuyện. Chị vợ nhìn anh bán tín bán nghi, nghĩ rằng chồng mình đã mất trí. Chỉ đến khi nhờ chiếc đũa vàng, anh chồng làm tuôn ra từ ba túi da đủ các món ăn ngon, chị mới tin.
Vui làm sao! Thế là hết mọi lo phiền! Vì tốt bụng và hào phóng, anh nghèo mở ngay một bữa tiệc lớn mời tất cả những người nghèo trong vòng nhiều dặm quanh đấy đến dự. Tin này đến tai anh láng giềng giàu có.
“Xì!” Anh ta chun mũi, “ta muốn tận mắt thấy bữa tiệc của gã. Chắc gã thết khách mời bằng gạo hẩm.” Quá tò mò, nên dù không được mời anh ta vẫn len vào giữa đám thực khách. Anh ta không tin nổi mắt mình. Khắp nơi là những thùng rượu vang hảo hạng, trên các que xiên là món đùi lợn quay tuyệt ngon, không khí ngào ngạt mùi thơm kích thích.
“Tên cùng đinh kiếm đâu ra các thứ này? Chắc chỉ ăn trộm đâu đây thôi.” Anh ta xồng xộc đi tìm anh nghèo, không úp mở hỏi xem anh kiếm đâu ra nhiều cao lương mĩ vị đến thế. Cũng dễ hiểu khi thoạt đầu anh nghèo không muốn nói ra điều bí mật của mình, anh lưỡng lự, trả lời quanh co, nhưng vì anh giàu cứ hỏi mãi, rốt cuộc anh kể ra bằng hết.
“Nếu tên cùng đinh này chỉ mất một nén nhang còm đã được bao nhiêu là thứ”, anh giàu nghĩ, “vậy thì với một món lễ vật giá trị, Phật sẽ cho ta thứ gì nhỉ?” Tức thì, anh ta không thiết ăn uống gì nữa, chạy nhanh về nhà mình ở kế bên, sai chị vợ:
- Bảo giết ngay con lợn béo nhất, chúng ta sẽ đem lễ Phật.
Thế là anh giàu dẫn vợ con lên núi, mang theo một chiếc lều thật đẹp. Đến sườn núi, họ dựng lều, đốt một đống lửa lớn để quay những miếng thịt béo ngậy. Họ uống rượu và nhảy múa. Nửa đêm, chị vợ cùng các con về lều ngủ, anh giàu còn lại một mình.
Anh ta soạn một cây đèn đã đổ đầy dầu tinh khiết màu hồng, một túi rượu vang hảo hạng, một miếng thịt quay to tướng - miếng béo nhất, khăn lễ khata trắng, một nắm hương, và rảo bước về phía ngôi chùa.
Đến nơi, anh ta cúi lạy trước tượng Phật, thắp đèn, đốt nhang, vắt chiếc khata trắng trên cánh tay vươn ra của tượng Phật, túi rượu vang và miếng thịt quay đặt dưới đất. Rồi anh ta lầm rầm cầu khấn:
- Tấu lạy đức Phật tối linh thiêng, Người biết rằng con luôn luôn nghĩ đến Người, rằng con đã bớt phần ngon nhất, cũng là phần Người thích nhất, làm lễ vật dâng cúng Người. Con muốn biết Người có công bằng hay không. Chắc người còn nhớ tên cùng đinh đến đây mới rồi. Người đã cho gã bao nhiêu là thứ chỉ vì một nén nhang còm.
Anh ta cầu khấn mãi, và rồi, vì buồn ngủ, anh ta ngồi xệp xuống đất, chẳng bao lâu thì thiếp đi.
Khi anh ta tỉnh dậy đèn đã tắt. Ngôi chùa tối đen chỉ còn sót lại tia sáng hắt ra từ chân đế tượng Phật. Anh giàu đến gần khe hở, ghé mắt nhìn vào bên trong. Tim anh ta nhảy dựng lên vì vui mừng. Bên đống lửa ở chính giữa hang anh ta trông thấy hai người lùn - một nam, một nữ - đang chén những miếng thịt ngon lành.
- Mụ có nghe thấy không? Có người! Gã lùn la lên giận dữ.
- Lúc nào ông cũng có chuyện gì đó để mà nói đi nói lại: Nếu có ai đó, có khi chỉ là một con chuột! Mụ vợ không nghĩ ngợi gì trả lời luôn, và tiếp tục đánh chén.
- Một con chuột xinh đẹp chứ gì, gã lùn càng lúc càng điên tiết. Lần trước, con chuột của mụ chả nẫng mất của chúng ta báu vật vô giá đó thôi. Mà ta cảnh cáo mụ: đêm nay mụ không được uống rượu, phải canh gác cho cẩn thận! Nói xong, gã lùn kéo thùng rượu vang lại gần, nâng lên tu ừng ực. Chỉ lát sau, đầu gã gục xuống ngực, và gã rơi vào giấc ngủ mê man.
- Miễn là còn rượu, mụ vợ càu nhàu. Mụ nâng thùng lên dốc rượu vào miệng, uống ừng ực cho đến cạn sạch. Rồi mụ lăn ra đất, ngủ say sưa.
Anh giàu chỉ rình có lúc này. Anh ta lách qua khe hở, nhẹ nhàng đến gần gỡ chiếc đũa vàng ra khỏi tường, không quên ba túi da treo trên vòm hang.
“Ta phải lấy món gì đó hơn gã nhà nghèo mới được”, anh ta tự nhủ và nhìn quanh xem còn gì có thể lấy đi. Chợt anh ta chú ý đến cái gì đó lấp lánh trong góc hang. Anh ta lao tới, quên mất gã lùn đang nằm dài dưới đất. Anh ta vấp phải chân gã và - khủng khiếp chưa! - gã lùn cựa mình tỉnh giấc, đôi mắt xanh nhìn anh giàu giễu cợt.
- Thế là ta tóm được mi rồi, quân ăn trộm kho tàng! Gã lùn nắm lấy anh giàu trong bàn tay sắt.
Sự việc diễn ra chẳng lâu la gì và trong hang bên cạnh ngọn lửa cháy rừng rực, hai người lùn - một nam, một nữ - lại ngồi gặm xương.
- Món quay này ngon tuyệt! Gã lùn thừa nhận.
- Hiếm khi tôi được ăn cái gì ngon hơn, mụ vợ phụ họa.
Tại nhà anh giàu, người ta nhọc công đi tìm người chủ gia đình.
Anh ta đi đâu? Không ai có thể biết được.
Các thầy cô và phụ huynh có thể qua câu chuyện này mà dạy các con các đạo lý làm người, nên làm gì và không nên làm gì. Trong cuộc sống này, người tốt nhất định sẽ gặp nhiều may mắn, còn kẻ ác nhất định sẽ bị trừng trị.
Trên đây Tìm Đáp Án đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Truyện cổ tích cho bé: Truyện kể Tây Tạng: Hai vị thần - Anh nghèo và anh giàu. Các thầy cô hay bậc phụ huynh có thể cho các em tham khảo thêm chuyên mục Tranh tô màu cho bé. Tìm Đáp Án còn rất nhiều tài liệu hay cho các bé làm thử cùng các tài liệu ôn tập cho học sinh lớp 1, chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 1 môn Toán lớp 1 và môn Tiếng Việt lớp 1.