Tổng hợp những làng nghề thủ công quanh Hà Nội

Bùi Thế Hiển
Admin 01 Tháng chín, 2018

TỔNG HỢP NHỮNG LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG QUANH HÀ NỘI

Để các con có những kỳ nghỉ bổ ích và thú vị, TimDapAnxin được gợi ý cho bạn những làng nghề thủ công quanh Hà Nội để bạn có thể đưa các bé đến tham quan vào mỗi dịp cuối tuần cũng như ngày lễ, mời các bạn cùng tham khảo.

Các bố mẹ ơi, mùa hè thật sự là một mùa tuyệt vời vô cùng, vì tạm bỏ lại bài vở bận rộn, các bạn bé sẽ được thỏa thuê khám phá, tận hưởng muôn vàn điều mới mẻ, lạ lẫm. Một chuyến đi trong ngày, tham quan các làng nghề thủ công quanh quanh Hà Nội là gợi ý cực kì hay ho, là trải nghiệm có một không hai đối với các bạn bé, vì vừa được tận hưởng không khí yên bình của làng quê Việt Nam, vừa được tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, lại vừa được tận mắt, tận tay trải nghiệm, khám phá, tự làm ra những món đồ thủ công rất xinh nữa.

Tuổi thơ của người lớn chúng mình đã từng háo hức với hai chữ “Hè về” để được về quê, được làm những thứ xinh xẻo một tí, lem nhem một tí, tỉ mẩn một tí… - những thứ “đặc sản” chỉ ở quê mới có chứ ở thành phố thì còn lâu mới tìm thấy. Là những sáng ngồi bện rơm, làm chổi với bà, là chiều chiều chạy ra đầu ngõ xem ông cụ râu tóc bạc phơ mà tay thoăn thoắt nặn tò he, là ngó nghiêng các cô các chị đan quạt nan, là ngẩn ngơ ngắm các bác các chú nặn bình gốm… Vậy thì, mùa hè này, các bố mẹ hãy cho các bạn bé xíu xíu được tận hưởng hết những tò mò, háo hức, ngạc nhiên, ngỡ ngàng như chúng mình ngày xưa ấy, bằng cách đưa các bạn ý về thăm những làng nghề thủ công còn đậm sắc dấu truyền thống xa xưa nhé.

Trong bài viết dưới đây, TimDapAnxin liệt kê những làng nghề thủ công siêu hay ho, đảm bảo sẽ là những điểm đến không thể bỏ lỡ cho hành trình khám phá mùa hè của bé yêu và cả gia đình. Những làng nghề này đều ở ngay cạnh thủ đô Hà Nội, cách Hà Nội không quá xa, cực kì tiện lợi cho việc di chuyển và lên kế hoạch thăm thú trong trọn một ngày. Với các gia đình ở xa, đây cũng là những gợi ý cực kì thú vị bên cạnh những địa điểm quen thuộc như Lăng Bác, Hồ Gươm, Tháp Rùa… khi bố mẹ lên kế hoạch cho bé thăm Hà Nội hè này đấy nhé.

Làng Nghề Thủ Công Quanh Hà Nội

  1. Làng gốm Bát Tràng
  2. Làng lụa Vạn Phúc
  3. Làng Hảo làm đồ chơi Trung Thu
  4. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
  5. Làng tò he Xuân La
  6. Làng rối nước Đào Thục
  7. Làng nón Chuông
  8. Làng quạt Chàng Sơn
  9. Làng tranh Đông Hồ
  10. Làng thêu Quất Động
  11. Làng chè làm Thạch Xá
  12. Làng lông chim Canh Hoạch
  13. Làng mây tre đan Phú Vinh
  14. Làng khảm trai Chuôn Ngọ
  15. Làng sơn mài Hạ Thái
  16. Làng xạ hương Cao Thôn

LÀNG GỐM BÁT TRÀNG

Địa chỉ: Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km)

Giới thiệu chung: Làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Tên Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm. Làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

Điểm đặc biệt: Bát Tràng ngày nay được mở rộng và chia làm hai khu: làng Bát Tràng mới và làng cổ Bát Tràng (nằm ven sông, được biết đến với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính nhưng hiện nay chỉ còn một vài nhà còn giữ được những kiến trúc cổ). Dọc đường đi, bố mẹ và các bé sẽ nhìn thấy vô số cửa hàng bán đồ gốm sứ hoặc những bức tường phơi đầy than rất hay ho.

Điều thú vị nhất khi đến Bát Tràng là các bố mẹ và các bé có thể trực tiếp ngắm nhìn các nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm đầy tinh tế hay được tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích. Tại đây, bé có thể tha hồ sáng tạo với đất sét và bàn xoay để tạo ra những kiệt tác của riêng mình và đem về nhà.
Làng gốm bát tràng

Ngoài ra, làng cổ Bát Tràng còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính. Bố mẹ và bé đừng quên khám phá xung quanh làng cổ trên chiếc xe trâu dân giã để tận hưởng không khí mộc mạc, đậm chất miền quê Bắc Bộ xưa nhé. Nhà cổ Vạn Vân và đình làng Bát Tràng cũng là những địa điểm check-in không thể bỏ lỡ trong chuyến tham quan này.

Một điểm nữa không thể quên là ẩm thực Bát Tràng rất phong phú, đa dạng. Trong đó nổi tiếng nhất là các món về mực như mực xào măng, mực xào su hào… Bố mẹ đừng quên cho bé thưởng thức nhé.

LÀNG LỤA VẠN PHÚC

Địa chỉ: Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km)

Giới thiệu chung: Làng lụa Vạn Phúc chính là phần cô đặc nhất của Làng lụa Hà Đông xưa, vốn rất nổi tiếng và đã đi vào thơ ca nhạc họa như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam, nằm bên bờ sông Nhuệ.

Lụa Vạn Phúc cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.

“The La, lĩnh Bởi, chồi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.”

Làng lụa vạn phúc

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, của quê hương Việt Nam.

Nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý ... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.

Ngày nay, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát.

Điểm đặc biệt: Mặc dù quá trình đô thị hóa ngày càng rõ rệt nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được những nét đặc trưng vốn có của vùng quê Việt Nam với cây đa cổ thụ, giếng nước và những phiên chợ chiều họp ở sân Đình… Vì vậy, bố mẹ và các bé khi đến đây sẽ được tận hưởng trọn vẹn không khí thôn quê, được thong thả ngắm nghía những mái ngói đỏ au, mái đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, có chim phượng hoàng bay lên từ bốn góc mái đình uốn cong…

Đến Vạn Phúc, bố mẹ và các bé không chỉ có cơ hội mua sắm các sản phẩm lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được chứng kiến quy trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân. Đặc biệt nhất phải kể đến xưởng sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão bởi chỉ xưởng của ông là có máy dệt lụa Vân – loại lụa cổ truyền nổi tiếng nhất Vạn Phúc đã gần như bị thất truyền. Đây là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi ra chỗ sáng mới thấy được.

Với các bạn bé, việc được tận mắt quan sát con tằm ăn lá dâu, tìm hiểu quá trình thu hoạch tơ tằm, sản xuất ra những thước vải tuyệt đẹp chắc chắn sẽ là những trải nghiệm cực kì thú vị.

LÀNG HẢO LÀM ĐỒ CHƠI TRUNG THU

Địa chỉ: Xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km)

Giới thiệu chung: Đây là ngôi làng có nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, nơi đây có những người thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.
Làng hảo làm đồ chơi trung thu

Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng có từ rất lâu vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước. Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, nay làng còn phát triển làm các loại đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,... kiểu dáng gần gũi mang đậm bản sắc dân tộc. Những món đồ chơi này đều được làm thủ công từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, cây cối như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông,...

Điểm đặc biệt: Tạm bỏ lại những sản phẩm đồ chơi ngoại nhập bắt mắt, chuyến tham quan về làng Hảo sẽ đưa các bạn bé về với những đồ chơi truyền thống giản dị nhưng vô cùng đặc sắc, hoàn toàn được làm thủ công như trống bỏi, mặt nạ giấy, đầu sư tử, đèn ông sao, đèn kéo quân… Đây cũng là những món đồ chơi đã từng gắn liền với tuổi thơ của các bố mẹ đúng không nào?

Về với làng Hảo, bố mẹ có thể cho bé thăm nhà bà Thoàn ở cuối làng. Nhà bà Thoàn sản xuất các đồ chơi trung thu truyền thống quanh năm chỉ để cung cấp cho dịp trung thu. Bà rất nhiệt tình chào đón và hướng dẫn nếu bố mẹ và các bé có nhu cầu trải nghiệm thực tế làm mặt nạ giấy bồi, trống hay đầu sư tử tại nhà.

Có một số hoạt động cực kì thú vị, đảm bảo các bạn bé sẽ phấn khích và hào hứng vô cùng đó là:

- Xoa hồ bột sắn vào giấy rồi cho vào khuôn: Giấy và bột sắn đều là các nguyên vật liệu hoàn toàn tự nhiên, gần gũi nên các bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho con nghịch cả tiếng đồng hồ. Và các bé chắc chắn cũng mê mẩn hoạt động giống các trò chơi sensory play này.

- Vẽ, sáng tạo mặt nạ, đầu lân: sơn ở đây là sơn công nghiệp (như dạng sơn cửa gỗ, sơn sắt ấy) nên không hoàn toàn thích hợp cho các bạn nhỏ chơi lâu. Bố mẹ có thể cho con tô vẽ khoảng từ 1-2 mặt nạ thì ok.

- Phơi mặt nạ, đầu lân và thu các mặt nạ đã khô: bố mẹ có thể kết hợp dạy con tập đếm tiếng Anh, tiếng Việt luôn.

- Dán trang trí cho đầu lân: Đầu lân có rất nhiều chi tiết trang trí như lông, kim sa… Việc bôi hồ rồi dán dán này giúp rèn luyện sự kiên nhẫn và chắc chắn sẽ thu hút các bạn nhỏ thích tỉ mẩn

- Căng da trống và sơn màu cho thân trống

Lưu ý: Nhà bà Thoàn là gia đình làm nghề truyền thống đơn thuần, KHÔNG PHẢI LÀ KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH TRẢI NGHIỆM. Thế nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể đưa con đến để trải nghiệm miễn phí. Tuy nhiên, các bố mẹ lưu ý KHÔNG NÊN ĐI QUÁ ĐÔNG (nhóm dưới 6 người là hợp lý), và phải nhắc các bé cẩn thận không để làm hỏng sản phẩm và vật dụng trong nhà. Sau khi trải nghiệm xong, bố mẹ nên mua về một ít trống, đầu lân hoặc mặt nạ làm quà để ủng hộ bà nhé.

LÀNG CHUỒN CHUỒN TRE THẠCH XÁ

Địa chỉ: Xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía Tây)

Giới thiệu chung: Thạch Xá là nơi nổi tiếng có nghề làm chuồn chuồn tre. Từ nguyên liệu bằng tre, những người thợ tài hoa ở xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã làm ra những chú chuồn chuồn sinh động, ngộ nghĩnh khiến người ta ngỡ ngàng, thích thú. Mới đầu, dân làng Thạch Xá làm chuồn chuồn tre, bướm tre để bán cho du khách đến thăm chùa Tây Phương. Sau đó, nghề này phát triển và mở rộng dần. Trải qua hơn 20 năm, hình ảnh những cánh chuồn chuồn tre, bướm tre đầy màu sắc, mang trên mình tất cả tâm huyết, tài hoa của nghệ nhân làng Thạch Xá đã trở thành biểu tượng dân giã nhưng cũng không kém phần tinh tế của vùng đất này.
Làng chuồn chuồn tre thạch xá

Điểm đặc biệt: Đến với làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, chắc chắn các bé sẽ được thu hút bởi hàng trăm, hàng nghìn những chú chuồn chuồn, bươm bướm làm bằng tre đầy màu sắc rực rỡ và kích thước to nhỏ khác nhau.

Còn gì thú vị hơn khi bé được tận mắt khám phá mọi công đoạn từ cắt, gọt tre, rồi vót thân, uốn mỏ cong, lắp cánh, vẽ trang trí… - mà mỗi công đoạn đều được người dân ở đây tỉ mẩn làm bằng tay để đạt được độ chính xác cao. Thành phẩm cuối cùng là những chú chuồn chuồn, bươm bướm và cả rùa, chim công đều có thể tự giữ thăng bằng. Bé sẽ thích mê khi thấy những chú chuồn chuồn xanh đỏ bằng tre đậu mong manh trên đầu cành mà không hề bị rơi đấy nhé.

Ngoài ra, Thạch Xá còn nổi tiếng với cổ tự Tây Phương nằm trên núi Câu Lậu. Đây là không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng vùng Bắc Bộ mà còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của nền văn hóa lâu đời xứ Đoài. Bố mẹ hãy lên kế hoạch cùng bé tham quan cả địa điểm này nữa nhé.

LÀNG TÒ HE XUÂN LA

Địa chỉ: Xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Nam)

Giới thiệu chung: Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nổi tiếng với nghề nặn tò he từ cách đây khoảng hơn 300 năm. Đây cũng là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Làng tò he xuân la

Điểm đặc biệt: Ở làng Xuân La, hầu như tất cả mọi người đều biết nặn tò he. Bằng đôi bàn tay tài hoa, chỉ với một vài đồ nghề ít ỏi như một con dao nhỏ, vài que tre, chút bột nhiều sắc màu, các nghệ nhân ở đây đã tạo ra những con tò he đủ hình thù. Về thăm làng tò he Xuân La, các bạn bé sẽ được tận mắt tìm hiểu quy trình sản xuất ra những chú tò he của các nghệ nhân ở đây: từ việc làm bột nặn, nhuộm màu cho bột ra sao, màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ, màu xanh lấy từ lá rau ngót…, đến việc lên ý tưởng và bắt tay vào nặn để cho ra hình thù một sản phẩm hoàn chỉnh.

Sản phẩm tò he là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em và cũng là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam. Đây cũng là một nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của người Việt Nam và khơi dạy tính tò mò, kiên nhẫn và đánh thức khả năng quan sát và nâng cao khiếu thẩm mỹ cho các bé. Bố mẹ đừng quên cho bé tự nặn thử một vài con tò he để làm kỉ niệm nhé. Hẳn các bạn ý sẽ vô cùng hào hứng đấy

LÀNG RỐI NƯỚC ĐÀO THỤC

Địa chỉ: Xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km)

Giới thiệu chung: Đào Thục không chỉ là một miền quê bình dị và yên ả, một làng quê Việt giàu truyền thống vùng Bắc Bộ mà nơi đây còn nổi tiếng với trò rối nước. Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục khác mọi nơi là chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh… Đặc biệt, những con rối do chính những người nghệ nhân trong làng Đào Thục làm. Các con rối thường cao khoảng 30 cm – 40 cm, được làm bằng gỗ và sơn một lớp bên ngoài để chống thấm nước. Mỗi con rối đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian Việt Nam.
Làng rối nước đào thục

Điểm đặc biệt: Làng rối nước Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, người già nhất đã hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vẫn đang học phổ thông, trong đó có khoảng hơn 20 nghệ nhân tham gia biểu diễn thường xuyên. Để tìm hiểu quy trình làm ra những nhân vật rối nước ngộ nghĩnh, bố mẹ và các bé có thể đến tận các cơ sở sản xuất rối nước để thăm quan hoặc tìm đến nhà các nghệ nhân cao tuổi trong làng để trò chuyện về những tích rối nước xưa. Trong làng cũng có nhiều gian trưng bày các nhân vật rối nước với nhiều biểu cảm phong phú, nét mặt ngộ nghĩnh, chắc chắn sẽ khiến bé rất hào hứng.

Lịch diễn các vở rối nước tại làng Đào Thục khá đều đặn, hầu như ngày nào cũng có ít nhất một xuất diễn, bố mẹ và các bé có thể xem trực tiếp tại thủy đình khi tới đây. Đến với làng rối nước Đào Thục, bố mẹ và các bé sẽ có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi được thưởng thức những giai điệu dân ca mượt mà, tha thiết, của những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê.

Hòa mình vào với khung cảnh yên bình của làng quê ven đô, giao lưu với các nghệ nhân, tìm hiểu những tích rối nước xưa, thăm đình chùa và khám phá cách làm ra từng con rối... bé sẽ cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của rối nước nói riêng và các loại hình văn hóa dân gian truyền thống nói chung của dân tộc. Ngoài ra, nét quê bình dị, yên ả, đậm sắc văn hóa truyền thống Bắc Bộ cũng là điểm đặc trưng nổi bật của làng nghề này.

LÀNG NÓN CHUÔNG

Địa chỉ: Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km)

Giới thiệu chung: Nghề làm nón tại làng Chuông đã có cách đây hàng trăm năm. Xa xưa, nón làng Chuông là cống vật tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng được làm nên bởi những bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân lành nghề. Trải qua thời gian, nghề làm nón của làng Chuông không mất đi mà càng ngày càng phát triển. Từ chỗ là mặt hàng phục vụ các bà, các chị ở quê, nón Chuông nay đã trở thành mặt hàng lưu niệm mang giá trị văn hóa cho đông đảo du khách thập phương xa gần.

Điểm đặc biệt: Làng nón Chuông cũng là một trong số ít những làng nghề còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ như đình làng, sân chợ phiên, những ngõ xóm nhỏ với những ngôi nhà mái ngói ba gian giản dị.
Làng nón chuông

Điểm đặc biệt nhất không thể bỏ qua khi đến làng nón Chuông là phải đi thăm thú chợ phiên. Chợ làng Chuông ngày nào cũng họp, nhưng chợ nón thì một tháng chỉ họp 6 phiên vào sáng ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Bố mẹ khi lên kế hoạch cho bé đi thăm quan làng nghề này thì nên chọn vào những ngày này nhé. Phiên chợ này chỉ bán nón và các nguyên liệu làm nón. Chợ họp nhanh, ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Người đi chợ phải đi từ rất sớm, và đương nhiên, nếu bố mẹ và các bé đang háo hức được đắm chìm trong không khí náo nhiệt của chợ nón thì cả nhà mình cũng phải đi từ sớm thật là sớm nhé.

LÀNG QUẠT CHÀNG SƠN

Địa chỉ: Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Bắc)

Giới thiệu chung: Cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía Tây bắc, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, Chàng Sơn hiện lên với những cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói, cổng làng cùng vô số những dải quạt giấy đủ màu sắc được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng. Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Người Pháp cũng đã từng nhiều lần mang quạt làng này vượt đại dương xa xôi sang Paris triển lãm.
Làng quạt chàng sơn

Ở Chàng Sơn, người ta làm ra được nhiều loại quạt phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau: từ những quạt được sản xuất đại trà, quạt biểu diễn đến những loại quạt tinh xảo hơn như quạt thư pháp, quạt trang trí... Tất cả đều được sản xuất công phu tỉ mỉ từng công đoạn từ chọn tre, pha nan, vót nhẵn, xử lý hóa chất, gập giấy, gián giấy, vẽ tranh, viết chữ thư pháp trên vải, lụa rồi đem hong khô… để có được những sản phẩm đẹp mắt và đảm bảo chất lượng.

Điểm đặc biệt: Trước sự thay đổi như vũ bão của đô thị hóa, của hội nhập, Chàng Sơn vẫn yên bình với những công trình kiến trúc đậm nét cổ xưa của làng quê Việt Nam với đình làng, ao sen, cây đa, chợ phiên, các ngõ xóm phơi đầy quạt giấy…

Đến làng quạt Chàng Sơn, bố mẹ và các bé có thể thăm nhà của nghệ nhân Dương Văn Mơ - người đã có khoảng 70 năm trong nghề làm quạt để được tận mắt chứng kiến từng công đoạn tỉ mẩn để làm ra một chiếc quạt giấy, quạt vải, quạt the hay quạt tranh. Những chiếc quạt đầy màu sắc, hình dáng không chỉ có công dụng quạt mát mà còn là vật gửi gắm rất nhiều tâm tình của người làm nghề, là biểu tượng văn hóa, tinh thần của con người nơi đây. Bố mẹ có thể cho các bạn bé tham gia vào việc dán giấy, vẽ trang trí để làm ra một chiếc quạt đơn giản nhé. Với sản phẩm bé xiu xíu do chính tay mình làm ra, chắc hẳn khi về nhà, các bạn ý sẽ “bỏ quên” bạn quạt máy một thời gian luôn đấy.

LÀNG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ

Địa chỉ: Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (cách Hà Nội khoảng hơn 30km)

Giới thiệu chung: Làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm bên bờ sông Đuống êm đềm, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, và là dòng tranh được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

Đông Hồ là làng nhỏ với hơn 200 hộ dân nơi hiếm hoi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của Kinh Bắc. Xuất hiện từ khoảng thế kỉ 16, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công là sự khéo léo, kiên nhẫn kết hợp với thẩm mỹ nghệ thuật tinh tế. Để làm ra những bức tranh Đông Hồ đòi hỏi phải có tay nghề cao, sự khéo léo, tỉ mỉ và quan trọng nhất là lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật.

Điểm đặc biệt: Đến với làng tranh Đông Hồ bố mẹ và các bé không chỉ được hòa mình vào không gian của vùng thôn quê yên bình, ngập tràn trong những tờ giấy điệp đầy màu sắc mà còn được tận mắt, tận tay trải nghiệm việc tạo ra những bức tranh Đông Hồ, được nghe về lịch sử cũng như sự hình thành và phát triển, những thăng trầm của tranh Đông Hồ. Nằm không xa Hà Nội, giao thông dễ dàng, đây sẽ là địa chỉ hấp dẫn với những ai yêu thích du lịch và những nét đẹp văn hóa dân gian.

Ở làng tranh Đông Hồ, hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 7 cả làng làm hàng mã, còn sang tháng 8 đến tháng 12 lại nhộn nhịp mùa tranh Tết, làng tranh rực rỡ sắc màu của giấy điệp. Đặc biệt, làng có hội vào rằm tháng 3 âm lịch, trong hội có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh vô cùng hấp dẫn.
làng tranh đông hồ

LÀNG THÊU QUẤT ĐỘNG

Địa chỉ: Xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 23km về phía Nam)

Giới thiệu chung: Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động. Trong suốt hơn 200 năm lịch sử phát triển của nghề thêu, từng nét vẽ cho đến đường kim, mũi chỉ trong các bức tranh thêu của làng nghề Quất Động đều toát lên một chất nghề mà các làng nghề khác không thể nào có được. Cho đến nay, các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến những bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lê Nin… Đối với các bức tranh chân dung, ngoài yếu tố kỹ thuật, các nghệ nhân còn phải có tâm hồn nghệ sỹ, có hiểu biết về nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh để diễn tả thần thái của người trong bức tranh. Đây là những điểm đặc biệt mà chỉ có làng thêu Quất Động mới có.

Điểm đặc biệt: Tại Quất Động, hầu như nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới dăm bảy đời làm nghề này. Bố mẹ và các bé có thể trực tiếp đến thăm nhà của ông Phùng Văn Hưng hoặc bà Bùi Thị Hánh (là hai trong số những nghệ nhân cao tuổi nhất của Quất Động) để được tìm hiểu quy trình làm ra những sản phẩm thêu độc đáo nơi đây nhé.
làng thêu quất động

Khi đến với làng thêu Quất Động, bé sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những đường thêu tỉ mẩn, tinh xảo của những người thợ khéo léo, tài hoa. Và Mầm Nhỏ tin chắc, các bé gái khi đến đây sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi những bức tranh nhiều màu sắc, những sợi chỉ mượt mà, những mũi thêu tinh tế, sắc nét… Trở về nhà với một chiếc khăn bé xíu xinh xinh do chính tay các bạn ý thêu dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng thêu Quất Động, hẳn các bạn ý sẽ vui suốt cả ngày cho mà xem

LÀNG CHÈ LAM THẠCH XÁ

Địa chỉ: Xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km)

Giới thiệu chung: Đến với làng Thạch Xá, ngoài thăm quan cổ tự Tây Phương, du khách còn được thưởng thức một đặc sản nổi tiếng nữa, đó là chè Lam. Với các nguyên liệu tự nhiên như thóc nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gừng, đường…, chè Lam Thạch Xá vừa thơm mùi mật mía, dẻo mềm của nếp cái hoa vàng kèm theo vị cay của gừng tươi và ngậy bùi của lạc.

Điểm đặc biệt: Chè Lam là món ăn dân dã, mộc mạc, khác hoàn toàn với những loại bánh kẹo hiện đại mà các bạn bé vẫn được thưởng thức hàng ngày cũng như các loại chè lam công nghiệp hay chè lam hay bán ngoài chợ. Chè lam ở đây được ăn khi còn ấm, tuy hình dáng không hẳn ngay hàng thẳng lối nhưng mùi thơm dịu nhẹ đặc biệt, vị dẻo của gạo nếp hòa quyện với bị bùi của lạc mới khiến hương vị của chè lam Thạch Xá thơm ngon khác hẳn.
Làng chè lam thạch xá

Chuyến tham quan làng nghề chè Lam Thạch Xá không chỉ là chuyến du lịch dã ngoại về vùng quê yên bình mà còn giúp các bạn bé thêm yêu những đồ ăn thức uống truyền thống của dân tộc. Sau chuyến đi, bố mẹ nhớ mua cho bé một ít chè Lam để bé mang về biếu ông bà nhé.

Trong làng nghề Thạch Xá có rất nhiều hộ gia đình làm chè lam với những quán nước đậm chất thôn quê với bàn ghế tre, chèn trà, chè lam, kẹp lạc… Bố mẹ và bé có thể ghé qua, thư thả thưởng thức hương vị quê hương trong khung cảnh miền quê yên bình nơi đây.

Ngoài ra, Thạch Xá còn nổi tiếng với cổ tự Tây Phương nằm trên núi Câu Lậu. Đây là không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng vùng Bắc Bộ mà còn lưu giữ nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của nền văn hóa lâu đời xứ Đoài. Bố mẹ hãy lên kế hoạch cùng bé tham quan cả địa điểm này nữa nhé.

LÀNG LỒNG CHIM CANH HOẠCH

Địa chỉ: Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội (cách Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Nam)
Làng lồng chim canh hoạch

Giới thiệu chung: Làng Canh Hoạch (làng Vác) được biết tới là làng nghề làm lồng chim nổi tiếng cả nước với câu ca dao:

“Ai về làng Vác nhắn nhờ

Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng…”

Nghề làm lồng chim ở làng Canh Hoạch có từ lâu đời, theo lối cha truyền con nối, tính đến nay đã có cả trăm năm lịch sử. Lồng chim làng Canh Hoạch luôn có đặc trưng riêng mà ít nơi nào có thể sánh được, đó là sự bền, đẹp và sang trọng có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích chơi chim.

Điểm đặc biệt: Lồng chim làng Canh Hoạch được làm thủ công rất tinh tế với nhiều kích cỡ, hình dáng phong phú (từ lồng tròn, lồng vuông, lồng hình tháp, lồng vòm, lồng lục lăng…). Các chi tiết trên lồng đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, minh họa các tích xưa như Ngũ Long tranh châu, Thập bát La Hán, hoặc dựa theo bức tranh dân gian Đông Hồ. Đến thăm làng Canh Hoạch, bố mẹ và bé có thể tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ để tận mắt tìm hiểu quy trình làm ra một chiếc lồng chim hoàn chỉnh. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cũng là người duy nhất của làng được thành phố Hà Nội phong danh nghệ nhân năm 2006 và còn được chứng nhận là thợ giỏi năm 2008.

LÀNG MÂY TRE ĐAN PHÚ VINH

Địa chỉ: Xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km)
làng mây tre đan phú vinh

Giới thiệu chung: Làng mây tre đan Phú Vinh được biết đến từ khoảng hơn 400 năm nay. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã làm ra những sản phẩm mỹ nghệ phong phú từ mây tre đan như: đồ vật trang trí, đĩa, khay, lọ hoa, chao đèn, rèm cửa, bàn ghế, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, nhạc cụ dân tộc…Với tính sáng tạo và bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Phú Vinh đã tạo ra hàng trăm cách đan khác nhau như: đan xương cá, kết hình hoa và kết màu sắc, tạo hình hoa văn nổi trên nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao. Ngày nay, các sản phẩm thủ công từ mây tre vẫn luôn được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của đất kinh kì xưa.

Điểm đặc biệt: Tạm bỏ lại các đồ vật, thiết bị điện tử hiện đại, bố mẹ và các bé hãy cùng đến làng mây tre Phú Vinh để tìm hiểu quy cách sản xuất ra những đồ vật be bé xinh xinh được làm hoàn toàn từ mây tre nhé. Đến với làng Phú Vinh, các bé sẽ vô cùng hào hứng và ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến những sản phẩm thủ công đan lát đầy sáng tạo và bắt mắt của người thợ làng nghề nơi đây. Có rất nhiều cơ sở sản xuất cũng như gian hàng trưng bày sản phẩm ngay tại làng để bố mẹ và bé trực tiếp thăm thú, ngắm nhìn, thậm chí là tự tay đan những đồ mây tre đơn giản như một chiếc giỏ bé xíu, một chiếc hộp để đồ tí hon với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các bác thợ thủ công. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm rất thú vị của các bạn nhỏ trong mùa hè này.

LÀNG KHẢM TRAI CHUÔN NGỌ

Địa chỉ: Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
làng khảm trai chuôn ngọ

Giới thiệu chung: Nghề khảm trai tại làng Chuôn Ngọ đã có lịch sử khoảng 1000 năm, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và là một nét đẹp văn hóa truyền thống không phải nơi nào cũng có. Nét đặc sắc của tranh khảm trai Chuôn Ngọ mà hầu như chưa có nơi nào đạt được, là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít, tạo thành những đường nét tinh xảo. Chi tiết trang trí trên khảm trai cũng rất sinh động, đặc sắc và có hồn. Các đề tài khảm thường được những người thợ chọn từ các tích cổ hoặc các mẫu thắng cảnh, di tích nổi tiếng của đất nước.

Điểm đặc biệt: Làng khảm trai Chuôn Ngọ có tới 97% hộ dân theo nghề này. Khi đến thăm làng nghề này, bố mẹ và các bé có thể thăm một số gia đình như nhà nghệ nhân Trần Bá Dinh, nghệ nhân Nguyễn Thuyết Trình, nghệ nhân Nguyễn Đức Biết, … để tận mắt chiêm ngưỡng quá trình sáng tạo ra những sản phẩm khảm trai tinh tế, đặc sắc nơi đây.

Về làng khảm trai Chuôn Ngọ, ngoài việc thăm thú các xưởng làm khảm trai, các gian trưng bày các sản phẩm khảm trai của các hộ gia đình, bố mẹ và các bé đừng quên đến thăm đền thờ Đức Trương Công Thành - tương truyền là ông Tổ nghề khảm trai. Tại Chuôn Ngọ, mỗi dịp mùng 9 tháng 8 m lịch và đầu xuân (mùng 9 tháng Giêng), dân làng lại tổ chức hội để tưởng nhớ công lao của cụ Tổ nghề. Nếu may mắn đến đúng dịp này, bố mẹ và bé sẽ được hòa chung không khí lễ hội rất riêng của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ nữa đấy.

LÀNG SƠN MÀI HẠ THÁI

Địa chỉ: Xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km)

Giới thiệu chung: Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái đã có lịch sử trên 200 năm với khởi đầu chủ yếu là đồ thờ cúng phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh. Ngày nay, các nghệ nhân của làng nghề này đã sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú hơn như khay, đĩa, lọ hoa, bình hoa, hộp đựng trang sức, tranh phong cảnh, sản phẩm để trưng bày, trang trí nội thất, quà tặng, đồ lưu niệm…

Điểm đặc biệt: Có một điểm kì lạ là với các sản phẩm sơn mài, muốn làm khô lớp sơn vừa vẽ, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Đến thăm làng sơn mài Hạ Thái, các bạn bé sẽ hiểu được để cho ra đời một sản phẩm sơn mài, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí mất đến hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện.

Sơn mài là một chất liệu đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, không chỉ để vẽ tranh mà còn tham gia vào nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác như hoành phi, câu đối, đồ gia dụng, tượng Phật… Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: bến nước cây đa, con đò lá trúc, Vịnh Hạ Long, Chùa Một Cột…, nước sơn sặc sỡ đủ màu sắc... sẽ khiến bé vô cùng say mê và thích thú. Tại đây có rất nhiều gian hàng trưng bày để cả gia đình cùng thăm thú và mua sắm nữa nhé.

Bố mẹ có thể đưa bé đến tham gia đình nghệ nhân Vũ Huy Mến để tìm hiểu lối vẽ cổ truyền và những vật liệu truyền thống trong những bức sơn mài khổ lớn nhé.
làng sơn mài hạ thái

LÀNG HƯƠNG XẠ CAO THÔN

Địa chỉ: Xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên (cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km)

Giới thiệu chung: Làm hương xạ là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay ở Cao Thôn. Hương Cao Thôn có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý.

Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên chất lượng và sự nổi tiếng cho hương của làng. Từ xưa tới nay, nguyên liệu chính làm nên hương của thôn là thuốc bắc, quế chi, đàn hồi… Tất cả hương đều có mùi thơm thoang thoảng chứ không mùi sực nức như các loại hương khác.
làng xạ hương cao thôn

Điểm đặc biệt: Khung cảnh của làng hương xạ Cao Thôn rất đẹp với sắc vàng, sắc đỏ ngập tràn của nhang phơi khắp các sân vườn, các ngõ xóm nhỏ, các khoảng sân đình rộng… Bên cạnh đó, vì là làng làm hương, nên không gian trong làng luôn tràn ngập một mùi hương rất đặc trưng, được pha trộn giữa các vị thuốc Bắc và các loại thảo dược khác nhau. Đây chính là những nét đẹp văn hóa truyền thống mà bố mẹ và các bé sẽ được tìm hiểu khi đến thăm làng nghề này.

Ở làng hương xạ Cao Thôn, mỗi năm vào ngày 22/08 âm lịch, cả làng tập trung tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ ngày mất của cụ Tổ nghề làm hương với các hoạt động tín ngưỡng rất đặc sắc, thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương. Bố mẹ và các bé có thể lên kế hoạch về Cao Thôn vào dịp này nhé.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!