Tham nhũng là gì?
Tham nhũng là gì? Tham nhũng sẽ bị xử lý như thế nào? Tìm Đáp Án mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
1. Định nghĩa về tham nhũng
Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Theo Từ điển Tiếng Việt, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của. Tài liệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp, đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng...
Theo nghĩa hẹp và là khái niệm được pháp luật Việt Nam quy định (tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước. Việc giới hạn như vậy nhằm tập trung đấu tranh chống những hành vi tham nhũng ở khu vực xảy ra phổ biến nhất, chống có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng như: kê khai tài sản, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
2. Những đặc trưng cơ bản
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tham nhũng có những đặc trưng cơ bản như sau:
a) Chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn
Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (khoản 3, Điều 1, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).
Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng.
b) Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao
“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.
c) Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi
Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt; ví dụ như: việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần...
Đối với khu vực tư, khi có vụ việc tham nhũng xảy ra, pháp luật đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư cấu kết, móc nối với những người thoái hoá, biến chất trong khu vực công hoặc lợi dụng ảnh hưởng của những người này để trục lợi. Trong trường hợp đó, họ trở thành đồng phạm khi người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành
Bộ luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã phân loại tham nhũng theo hành vi. Theo đó, những hành vi sau đây thuộc nhóm hành vi tham nhũng:
- Tham ô tài sản.
- Nhận hối lộ.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
- Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong 12 hành vi tham nhũng nêu trên, có 7 hành vi đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung ngày năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, bao gồm:
- Tham ô tài sản: là lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
- Nhận hối lộ: là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: là việc cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân
- Lạm quyền trong khi thi hành công vụ: là cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: là việc cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào, gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm
- Giả mạo trong công tác: là cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả;
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Hành vi thứ 8 đến hành vi thứ 12 mới được bổ sung do đây là những hành vi đã phát sinh và đang trở nên phổ biến trên thực tế, cần được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý. So với những hành vi tham nhũng tại Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 và các tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật hình sự năm 1999; được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì Luật phòng, chống tham nhũng có bổ sung 5 hành vi tham nhũng mới. Đây là những hành vi xuất hiện ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Việc quy định thêm 5 loại hành vi mới này là cần thiết và là cơ sở pháp lý để đấu tranh với những biểu hiện ngày càng phức tạp của tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lý về hình sự mà chỉ những hành vi hội đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự thì mới được xác định là tội phạm và bị xử lý bằng biện pháp hình sự, (các hành vi được quy định từ khoản 1 đến khoản 7, Điều 3 của Luật) còn những hành vi khác (từ khoản 8 đến khoản 12, Điều 3 của Luật) được xác định là hành vi tham nhũng nhưng chưa cấu thành tội phạm thì được xử lý bằng biện pháp kỷ luật.
- Về hành vi “đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”: Đây là một biểu hiện mới của tệ tham nhũng. Do vẫn còn tồn tại cơ chế “xin - cho” trong nhiều lĩnh vực nên có nhiều cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương đã tìm cách hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn phụ trách việc phê duyệt chương trình, dự án, cấp kinh phí, ngân sách để được lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình và thông qua đó để đạt được các lợi ích cá nhân. Hành vi này được coi là hành vi tham nhũng. Điều cần lưu ý là hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ là tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự không thuộc nhóm các tội phạm về tham nhũng mà thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ. Còn hành vi đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ được thực hiện bởi chủ thể có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi thì mới được coi là hành vi tham nhũng. Hành vi này vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự với tội danh tương ứng (nếu hành vi đó cấu thành tội phạm), vừa là hành vi tham nhũng theo sự điều chỉnh của pháp luật về tham nhũng.
- Về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi”: Đây là hành vi lợi dụng việc được giao quyền quản lý tài sản của nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc một nhóm người nào đó thay vì phục vụ cho lợi ích công. Biểu hiện cụ thể của hành vi này thường là cho thuê tài sản như: nhà xưởng, trụ sở, xe ôtô và các tài sản khác nhằm vụ lợi. Số lượng tài sản cho thuê nhiều khi lớn.
- Về hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi”: Nhũng nhiễu là hành vi đã được mô tả trong phần thuật ngữ khái niệm. Cần nhấn mạnh thêm hành vi này xuất hiện trong hoạt động của một số cơ quan công quyền, nhất là tại các cơ quan hành chính, nơi trực tiếp giải quyết công việc của công dân và doanh nghiệp. Một số cán bộ, công chức không thực hiện trách nhiệm với thái độ công tâm và tinh thần phục vụ mà ngược lại thường tìm cách lợi dụng những sơ hở hoặc không rõ ràng của các thủ tục, thậm chí tự ý đặt ra các điều kiện gây thêm khó khăn cho công dân và doanh nghiệp để buộc công dân và doanh nghiệp biếu xén cho mình quà cáp. Thực chất của hành vi này là sự ép buộc đưa hối lộ được che đậy dưới hình thức tinh vi rất khó có căn cứ để xử lý. Cũng có thể coi hành vi nhũng nhiễu là hành vi “đòi hối lộ” một cách gián tiếp hoặc ở mức độ chưa thật nghiêm trọng và có thể dùng biện pháp xử lý hành chính.
- Về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi”. Hành vi tham nhũng nhiều khi được che chắn thậm chí là có sự đồng lõa của những người có chức vụ, quyền hạn ở cấp cao hơn. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý tham nhũng là hết sức khó khăn. Việc bao che cho người có hành vi tham nhũng, việc cản trở quá trình phát hiện tham nhũng có khi được che đậy dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: thư tay, điện thoại, nhắc nhở, tránh không thực hiện trách nhiệm của mình hoặc có thái độ, việc làm bất hợp tác với cơ quan có thẩm quyền…
- Hành vi “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” là hành vi thường được gọi là “bảo kê” của những người có trách nhiệm quản lý, đặc biệt là một số người làm việc tại chính quyền địa phương cơ sở, đã “lờ” đi hoặc thậm chí tiếp tay cho các hành vi vi phạm để từ đó nhận lợi ích từ những kẻ phạm pháp.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục hỏi đáp thắc mắc trong mục tài liệu nhé.