Tại sao có phong tục tảo mộ, ăn đồ nguội trong Tiết Thanh Minh?

Bùi Thế Hiển
Admin 05 Tháng tư, 2018

Nguồn gốc phong tục tảo mộ, ăn đồ nguội trong Tiết Thanh Minh

Ý nghĩa của tục tảo mộ trong Tết Thanh Minh mùng 3 tháng 3 là như nào? Tại sao lại ăn đồ nguội trong Tiết Thanh Minh là những gì chúng tôi sẽ giải thích với các bạn. Theo phong tục trong tiết Thanh Minh nhiều gia đình tổ chức thăm mồ mả tổ tiên, ăn đồ nguội, trồng cây. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của TimDapAnđể hiểu rõ hơn các phong tục truyền thống trong tiết Thanh Minh.

Văn cúng Tiết Thanh Minh

Tiết Thanh Minh là ngày đầu tiên trong tháng 3 theo lịch Tiết khí, tức lịch Mặt trời: Tháng 1 bắt đầu từ Lập Xuân, tháng 2 khởi từ Kinh Trập, tháng 3 bắt đầu từ Thanh Minh, tháng 4 từ Lập Hạ... Thông thường Thanh Minh rơi vào ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch tùy từng năm. Năm 2015 ngày nay là 5/4 dương lịch (chủ nhật). Nhiều người nhầm lẫn cho rằng tiết Thanh Minh tính theo âm lịch.

1. Tại sao lại ăn đồ nguội vào tiết Thanh Minh

Tiết Thanh Minh bắt nguồn từ lễ tế mộ thời cổ đại của đế vương, sau này dân gian mô phỏng theo. Vào dịp này, người dân tổ chức thăm mồ mả tổ tiên, quét dọn lau chùi cho sạch sẽ, lâu dần trở thành một phong tục. Lễ tiết Thanh Minh ngày nay không còn như xưa, mà là sự giao thoa hòa trộn của các lễ tết khác.

- Dung hòa tết Hàn thực: Thanh Minh ban đầu chỉ là tên của tiết khí, sau này trở thành ngày lễ kỷ niệm nhớ ơn tổ tiên do có liên quan đến tết Hàn thực (ăn đồ nguội). Tết Hàn thực có khá sớm, tương truyền ngày này dùng để kỷ niệm một trung thần nước Tấn thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Việc cấm lửa bắt ăn đồ nguội phản ánh một tập tục cổ xưa trước khi có lửa. Trong xã hội nguyên thủy, mọi người lấy đá đánh lửa, hoặc cưa củi gỗ cho tóe lửa, lấy lửa khá khó khăn nên là một việc rất quan trọng với người xưa. Họ coi lửa như một vị thần cai quản, cần làm lễ khi xin lửa mới. Tháng 3 mùa xuân đúng là dịp mà thời tiết thuận lợi để lấy lửa mới. Trước khi có lửa mới, cần cấm không được dùng lửa nữa.

Thời Hán gọi là tết Hàn thực đúng ra là tết cấm lửa, vì người dân không được dùng lửa, đến tối mới bắt đầu lấy lửa mới trong cung và truyền trước cho các gia đình đại thần quý tộc. Khi lấy lửa mới phải làm lễ tế tổ tiên rất lớn, làm những hình nộm lớn rồi đốt để dâng cho thần lửa.

Phong tục vào tết Hàn thực chủ yếu là cấm lửa ăn đồ nguội (hàn), sau đó hoạt động chính là tảo mộ của tiết Thanh Minh. Vào thời Thượng cổ, trong gia đình có người qua đời chỉ đào đất rồi chôn, không xây bia mộ hay có gò cao để đánh dấu, việc tế lễ chủ yếu diễn ra tại các miếu thờ chung. Sau này, khi chôn cất bắt đầu đắp gò cao đánh dấu cũng như dần dần có bia mộ, người ta đã tổ chức tế lễ ngay tại mộ, có gửi gắm vật chất cho người đã mất. Đến thời Chiến Quốc, phong tục tế lễ tại mộ thịnh hành.

Sang thời Tần Hán, phong tục tảo mộ càng thịnh. Theo ghi chép trong "Hán thư", các đại thần dù quê ở xa kinh thành "thiên lý" (hàng nghìn dặm) cũng vẫn về quê tảo mộ. Vào thời Đường, dù là nhân sĩ hay thường dân, đều coi tết Hàn thực là ngày quay về quê hương để làm lễ với tổ tiên, do tiết Thanh minh cũng gần ngày tết Hàn thực nên việc tảo mộ kéo dài đến Thanh minh.

Các tác phẩm sau này, nhất là thi ca, hay nhắc đồng thời đến Hàn thực và Thanh minh. Bạch Cư Dị có câu "Ô đề Thước táo hôn kiều mộc, Thanh minh Hàn thực thùy gia khốc", tạm dịch: Quạ kêu đêm tối đầu cầu, Thanh Minh Hàn thực dầu dầu khóc than. Do dân gian đã quen với tết Hàn thực chung với Thanh Minh, nên triều đình chính thức quy định khi đến tiết Thanh Minh có thể nghỉ cùng lễ Hàn thực.

Thời Tống, tiết Thanh Minh được chuyển dần từ tết Hàn thực sang. Không chỉ có các nghi lễ tế tại mộ mà các phong tục của Hàn thực như ăn thức ăn nguội, đánh đu... cũng chuyển sang tiết Thanh Minh.

- Dung hòa tết Thượng tỵ: Sau này, tiết Thanh Minh còn dung hòa thêm một lễ có rất sớm trước đó là tết Thượng tỵ. Lễ này tổ chức vào mùng 3/3 Âm lịch, phong tục chính là "đạp thanh" (du xuân), "phất hệ" (tắm gần sông để giảm trừ điều xấu tai ương), phản ánh nhu cầu của người dân về thay đổi tinh thần và tâm lý sau những ngày đông buồn chán. Tảo mộ ngày Thanh minh chủ yếu là ở ngoại thành, ngoài việc đau buồn nhớ nhung gia tiên, nhân tiện dạo chơi ngắm nhìn cảnh đẹp là cách để giảm bớt nỗi buồn. Vì thế, tiết Thanh Minh sau này còn gọi là tết "đạp thanh". Nguyễn Du trong Truyện Kiều có câu: "Thanh minh trong tiết tháng ba; Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...", cũng vì lý đó.

- Phát triển sau này: Tiết Thanh Minh dung hòa hai ngày tết trên, đến thời Tống lấy trọng tâm là tảo mộ kết hợp các hoạt động khác như du xuân, ăn đồ nguội... Đến thời Minh Thanh, ngày Thanh Minh chiếm một vị trí quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống. Gần đây, ngoài tảo mộ, du xuân... còn được kết hợp thêm hoạt động trồng cây.

2. Phong tục ngày Thanh Minh

Nhiều hoạt động diễn ra ở một số vùng vào ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh như không dùng kim, không giặt áo, không đốt lửa, phụ nữ không ra đường, lấy than vạch trước cửa... với hy vọng tránh không cho ma quỷ vào nhà. Đây là những quan niệm không nên theo. Một số phong tục chính bao gồm:

- Tảo mộ: Thăm mồ mả tổ tiên, bày tỏ lòng nhớ ơn. Mọi người cắt nhổ cỏ, đắp thêm đất, mang hoa quả dâng cúng gia tiên, đặt tiền giấy... Nếu thấy mộ nào còn cỏ, không có tiền giấy là mộ vô chủ.

Tục tảo mộ có từ trước thời nhà Tần, nhưng không áp đặt đúng vào Tiết Thanh Minh. Bản chất của nghi lễ này là phải đến tận mộ gia tiên, nhưng tùy theo điều kiện của từng gia đình mà phương thức tảo mộ cũng khác. Do ảnh hưởng của Đạo giáo, người dân còn đốt quần áo giấy để gửi cho người đã khuất. Hay do ảnh hưởng của Phật giáo, người ta đọc "chú vãng sinh", cầu mong cho vong hồn được siêu thoát dễ dàng hơn.

Nhiều người xa quê làm ăn hay vì lý do khác nên bớt chú trọng lễ tảo mộ, gửi gắm hết cho các dịch vụ làm thay. Nhiều người cho rằng mình đang làm ăn tốt, kiêng đầu năm gặp vong hồn nên không muốn đi tảo mộ đầu năm.

- Ăn đồ nguội, hay tiết kiệm thức ăn: Một số nơi vẫn bảo lưu tập tục ăn đồ nguội, không thắp lửa trong ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh, vì họ cho rằng không làm như vậy dễ có tai ương. Một số nơi người ta sau khi mang đồ đi cúng lễ thì lấy chia phần mang về hoặc cùng nhau ăn. Khi tảo mộ mang bánh tự làm sẵn đi cúng lễ, xong xuôi các thủ tục tảo mộ lại mang về thụ lộc.

- Đạp thanh: Cũng chính là du xuân. Tiết Thanh Minh đã bắt đầu bớt lạnh, cây cối phát triển mạnh mẽ, rất nhiều loài hoa nở rộ, là thời điểm thích hợp để đi dã ngoại, ngắm cảnh.

- Trồng cây: Trước và sau Thanh Minh, mưa xuân có ở nhiều nơi, sức sống của cây cũng mãnh liệt, vì thế từ xưa đến nay người ta có thói quen trồng cây vào mùa xuân. Nhiều người còn gọi Tiết Thanh Minh là tết trồng cây. Phong tục này được lưu truyền đến tận ngày nay.

Thực tế không bắt buộc cứ đúng ngày đầu tiên của tiết Thanh minh là phải làm nghi thức tảo mộ. Trung Quốc có 3 ngày nghỉ thì đa phần mọi người tranh thủ về quê tảo mộ, thăm quê hương hay người quen; còn lại nhân dịp nghỉ đi "đạp thanh", du xuân, ngắm cảnh đẹp. Việt Nam không có ngày nghỉ chính thức, năm nay tiết kéo dài từ ngày 5/4 đến 5/5 dương lịch. Tuy vậy ít người tảo mộ muộn mà đa phần đều tiến hành vào tuần đầu tiên của tiết Thanh minh.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!