3 lưu ý quan trọng khi tiêm mũi thứ 2 vắc-xin Covid-19

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 18 Tháng tám, 2021

3 lưu ý quan trọng khi tiêm mũi thứ 2 vắc-xin Covid-19 là gì? TimDapAnmời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết những lưu ý trước và sau khi tiêm vacxin Covid-19 nhằm đảm bảo sức khỏe bản thân.

Đối với những người đã tiêm mũi 1 thì khi tiêm mũi 2 cần lưu ý gì? Tiêm mũi 1 vaccine Astra, Pfizer, Mordena,... thì mũi 2 tiêm loại nào, tiêm loại khác có được không? Hoàn thành 2 mũi tiêm phòng vaccine Covid-19 nhằm giúp cho công tác phòng chống dịch trở lên hiệu quả, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là yêu cầu và mong muốn của Nhà nước đối với toàn dân. Trong bài viết dưới đây, TimDapAnsẽ giúp cho những người đã tiêm mũi 1 hiểu rõ hơn với những lưu ý trước khi tiêm mũi 2 vaccine Covid-19.

1. Lưu ý về loại vắc xin tiêm mũi 2

Hiện nay, Việt Nam đã cấp phép sử dụng 06 loại vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu. Rất nhiều câu hỏi xung quanh việc loại vắc xin có thể tiêm mũi 2 như: Mũi 1 tiêm Astrazeneca mũi 2 tiêm gì? Mũi 1 tiêm Astrazeneca mũi 2 tiêm Sinopharm được không? Mũi 1 tiêm Moderna mũi 2 tiêm gì?...

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế tại Công văn số 6030/BYT-D 2021 hướng dẫn tiêm 02 liều vắc xin phòng Covid-19 được ban hành ngày 27/7/2021 vừa qua, những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế thì có thể phối hợp hai loại vắc xin khác nhau trong 02 lần tiêm. Theo Công văn này, người dân cần lưu ý:

- Mũi 1 Astrazeneca + Mũi 2 Pfizer/BiNTech

- Mũi 1 Astrazeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna hoặc các vắc xin khác.

- Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm

- Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer

- Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna.

Từ thông tin trên có thể thấy, nếu mũi 1 đã tiêm vắc xin Sinoipharm, Pfizer, Moderna thì mũi 2 chỉ được phép tiêm cùng loại. Nếu mũi 1 đã tiêm Astrazeneca thì mũi 2 chỉ được tiêm cùng loại hoặc tiêm Pfizer/BiNTech, không được tiêm các loại khác.

2. Lưu ý về khoảng cách giữa 2 lần tiêm

Vắc xin Covid-19 cần được tiêm 2 liều và duy trì khoảng cách giữa hai lần tiêm hợp lý để tạo ra miễn dịch cho cơ thể. Tùy vào loại vắc xin được tiêm mà khoảng cách giữa các lần tiêm khác nhau.

Tại Công văn số 6030/BYT-D, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, nếu mũi 1 đã tiêm Astrazeneca và mũi 2 tiêm Pfizer/BiNTech thì khoảng cách giữa 2 lần tiêm là 8 - 12 tuần. Còn với các loại vắc xin khác, khoảng cách giữa 2 lần tiêm cần theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lịch tiêm được nêu cụ thể tại Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định 3588/QĐ-BYT như sau:

- Astrazeneca: Cách nhau 8 - 12 tuần.

- Sputnik V: Cách nhau 3 tuần

- Pfizer: Cách nhau 3 tuần

- Vero Cell: Cách nhau 3 - 4 tuần

- Moderna: Cách nhau 4 tuần.

Câu hỏi đặt ra là tiêm vắc xin sớm hơn hoặc muộn hơn lịch có sao không?

Theo các chuyên gia y tế, việc duy trì khoảng cách giữa 2 lần tiêm là hợp lý, nhằm giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt, tiếp nhận mũi vắc xin tiếp theo hiệu quả.

Nếu tiêm mũi 2 trong thời gian quá gần với mũi 1 thì không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe nhưng lại coi như làm mũi 2 bị “phí”, không có tác dụng như mong muốn.

Ngược lại, nếu khoảng cách giữa hai lần tiêm quá dài, hiệu quả của mũi 1 cũng không bị ảnh hưởng gì và người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vắc xin - Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết trên trang Lao động.

3. Lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin

Tương tự như tiêm mũi 1, người tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cũng cần lưu ý một số khuyến cáo trước khi tiêm như sau:

- Tránh dùng thuốc có thành phần steroid 01 tuần trước khi tiêm, tránh dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm vì các loại thuốc này sẽ có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin Covid-19.

- Không uống rượu bia trước ngày tiêm chủng, nhằm đảm bảo hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, giúp tạo ra kháng thể chống lại vi rút…

Sau khi tiêm, Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định 3588/QĐ-BYT cũng chỉ rõ:

- Ít nhất trong 03 ngày đầu sau khi tiêm, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, không nên uống rượu bia và các chất kích thích

- Ăn uống bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần đến ngay bệnh viện

18 Tháng tám, 2021