Quy trình kết nạp Đảng viên 2023

Bùi Thế Hiển
Admin 16 Tháng tư, 2021

Từ một Đoàn viên để có thể trở thành một Đảng viên cần phải trải qua rất nhiều thủ tục và điều kiện quy định của Đảng đặt ra. Để trở thành một Đảng viên điều đầu tiên cần làm là bạn phải tham gia vào một lớp nhận thức Đảng, lớp nhận thức cảm tình Đảng, và sau đó sẽ là làm hồ sơ và thẩm tra về lý lịch, sau mới thực hiện kết nạp Đảng. Và để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện kết nạp Đảng viên mới thì Tìm Đáp Án xin được giới thiệu tới bạn đọc bài viết về quy trình kết nạp Đảng viên. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết quy trình kết nạp Đảng viên mới năm 2020.

I. Điều kiện kết nạp vào Đảng

1. Độ tuổi.

- Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).

- Đối với người trên 60 tuổi đáp ứng đủ điều kiện sau: Có sức khỏe và uy tín; đang công tác, cư trú ở cơ sở chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên hoặc do yêu cầu đặc biệt; được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.

2. Trình độ học vấn.

- Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

- Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Bí thư.

- Trình độ học vấn của người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người có uy tín, đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.

3. Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng.

=> Công dân đó phải thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ Đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.

4. Được sự tín nhiệm của nhân dân.

=> Qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

5. Có lý lịch trong sáng.

6. Phải trả qua thời kỳ dự bị 12 tháng.

- Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.

- Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.

- Nghị quyết của chi bộ về đề nghị công nhận đảng viên chính thức phải được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.

- Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp.

II. Quy trình kết nạp Đảng và chuyển Đảng chính thức

1. Giới thiệu quần chúng ưu tú học lớp nhận thức về Đảng

Các Chi đoàn và Tổ Công đoàn xét chọn trong số Đoàn viên, Công đoàn viên ưu tú theo sự quy hoạch của Chi bộ, có nguyện vọng xin vào Đảng để giới thiệu với Đoàn trường, Công đoàn trường học lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng. Ban chấp hành (BCH) hoặc Ban Thường vụ (BTV) Đoàn trường hoặc Công đoàn Trường họp xét, lập danh sách báo cáo với Đảng ủy. BTV Đảng ủy duyệt danh sách và lên kế hoạch tổ chức lớp "Nhận thức về Đảng" hoặc giới thiệu tham dự lớp do các đơn vị khác tổ chức.

Lưu ý: buổi họp xét chọn phải có ít nhất 2/3 thành viên của đơn vị tham dự, người được xét chọn phải đạt trên 50% số thành viên có mặt đồng ý.

Sau khi hoàn thành xong lớp học này, quần chúng ưu tú sẽ được cấp giấy chứng nhận. Đoàn trường và Công đoàn tiếp tục bồi dưỡng và theo dõi, giúp đỡ những đối tượng này để đưa vào diện cảm tình Đảng.

Quy trình kết nạp Đảng viên

2. Giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng

a. Tổ chức họp giới thiệu tại đơn vị

Sau thời gian phấn đấu của cảm tình đảng, các đơn vị tổ chức họp đề nghị xét kết nạp Đảng cho quần chúng ưu tú. Cụ thể:

  • Đối với quần chúng là đoàn viên và đang sinh hoạt Đoàn thì Chi đoàn tổ chức họp xét (Đối tượng 1)
  • Đối với quần chúng là cán bộ - giảng viên là công đoàn viên đã trưởng thành Đoàn thì Tổ Công đoàn (bao gồm cả các thành viên là đảng viên) tổ chức họp xét (Đối tượng 2)

Buổi họp phải có ít nhất 2/3 thành viên của đơn vị tham dự, theo trình tự:

1) Người xin vào đảng tự nhận xét về bản thân;

2) Các ý kiến đóng góp của đơn vị tập trung vào 04 vấn đề:

  • Về phẩm chất chính trị
  • Về đạo đức, lối sống và quan hệ quần chúng;
  • Về học tập, chuyên môn;
  • Về quá trình hoạt động và năng lực công tác;

3) Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm: phiếu tín nhiệm phải ghi rõ 02 cột: đồng ý, không đồng ý và có dấu treo của Đoàn trường đối với đối tượng 1 và dấu treo của Công đoàn đối với đối tượng 2.

Những trường hợp đơn vị chuyển hồ sơ lên cấp trên phải được sự đồng ý của trên 50% số người tham dự cuộc họp.

b. Hoàn tất hồ sơ đề nghị

Trong khoảng thời gian 3 (ba) tuần sau khi họp, các đơn vị gửi hồ sơ lên cấp trên (Đối tượng 1 gửi hồ sơ lên Đoàn trường, đối tượng 2 gửi hồ sơ lên Công đoàn trường), hồ sơ bao gồm:

  • Biên bản họp đơn vị,
  • Biên bản kiểm phiếu;
  • Phiếu tín nhiệm;

- Sau khi nhận được hồ sơ, BCH hoặc BTV Đoàn trường, Công đoàn trường họp nhận xét theo 04 nội dung nêu trên (những trường hợp đạt phải được sự đồng ý của trên 50% số người tham dự cuộc họp)

- Đoàn trường, Công đoàn trường ra Nghị quyết giới thiệu, chuyển hồ sơ những trường hợp đạt qua Chi bộ sinh viên (đối với quần chúng là sinh viên) hoặc Chi bộ của các phòng, khoa (đối với quần chúng là cán bộ - giảng viên) nơi quần chúng đang sinh hoạt, công tác.

- Các Chi bộ họp cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cho khai lý lịch. Cuộc họp phải đảm bảo về số lượng đảng viên (từ 2/3 trở lên); ý kiến nhận xét và tỷ lệ phiếu tín nhiệm (trên 2/3 tổng số đảng viên chính thức trở lên)

- Chi bộ xem xét, đồng ý cho khai lý lịch đối với những trường hợp đạt và phân công Đảng viên chính thức trong chi bộ theo dõi, giúp đỡ quần chúng. Đảng viên chính thức này phải là đảng viên cùng công tác, lao động, học tập ít nhất 1 năm với người được giới thiệu vào đảng. Nếu đảng viên giúp đỡ người vào đảng chuyển đơn vị công tác thì chi bộ phân công đảng viên chính thức khác theo dõi, giúp đỡ người vào đảng được liên tục (không nhất thiết đảng viên đó cùng công tác với người vào đảng ít nhất là 1 năm). Nếu quần chúng là đối tượng được giới thiệu chuyển đơn vị công tác thì Chi bộ tiến hành bàn giao đối với Chi bộ mới để tiếp tục quá trình theo dõi, giúp đỡ.

- Các chi bộ liên hệ Văn phòng Đảng ủy để nhận "Lý lịch người xin vào đảng". Đảng viên được phân công trong khoảng thời gian 1 (một) tuần phải chuyển Lý lịch và hướng dẫn quần chúng khai lý lịch đầy đủ và rõ ràng trong khoảng thời gian 2 (hai) tuần kể từ ngày nhận được "Lý lịch người xin vào đảng", trừ trường hợp có lý do chính đáng.

c. Thẩm tra lý lịch

Trong thời gian 2 (hai) tuần làm việc, hồ sơ thẩm tra lý lịch phải được gửi đi để thẩm tra. Công tác thẩm tra lý lịch bao gồm thẩm tra lý lịch bản thân và gia đình, thẩm tra vấn đề sinh hoạt và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người được cử xác minh lý lịch là đảng viên được phân công hướng dẫn quần chúng. Tuy nhiên, tùy tình hình Chi bộ có thể cử Đảng viên khác.

Trường hợp quần chúng có cha, mẹ, anh, chị, em ruột là đảng viên thì có thể thẩm tra tại nơi quản lý hồ sơ đảng của người đó. Nếu Chi bộ không thể cử người đi thẩm tra được thì báo cáo BTV Đảng ủy để phân công người đi thẩm tra. Trong trường hợp không thể cử Đảng viên đi xác minh trực tiếp thì có thể gửi lý lịch qua đường bưu điện, đề nghị Chi bộ nơi cần xác minh tiến hành xác minh và gửi về Văn phòng Đảng ủy trường.

Chú ý: Người được cử đi xác minh lý lịch phải là đảng viên chính thức.

d. Xét kết nạp

a. Trình tự

  • Sau khi thẩm tra lý lịch, đảng viên được phân công hướng dẫn viết giấy giới thiệu quần chúng vào đảng.
  • Đối với quần chúng là CB – GV đã trưởng thành Đoàn thì phải có biên bản họp của đơn vị nơi công tác, trong đó có trên 50% ý kiến biểu quyết đồng ý giới thiệu quần chúng vào Đảng.
  • Chi bộ họp ra Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên.
  • Ban Tổ chức, Bảo vệ chính trị nội bộ và Đoàn thể của Đảng ủy tổng hợp hồ sơ xét kết nạp đảng trình Đảng ủy quyết định.

b. Hồ sơ xét kết nạp đảng bao gồm:

1) Lý lịch của người xin vào Đảng (đã xong phần thẩm tra);

2) Đơn xin vào Đảng (viết tay, không được đánh máy – thêm phần tự nhận xét);

3) Giấy giới thiệu người ưu tú vào Đảng:

  • Nếu người xin vào Đảng đang sinh hoạt Đoàn thì phải có 01 đảng viên chính thức giới thiệu và BCH hoặc BTV Đoàn trường giới thiệu;
  • Nếu người xin vào Đảng đã trưởng thành Đoàn thì phải có 01 đảng viên chính thức giới thiệu và BCH hoặc BTV Công đoàn Trường giới thiệu;

4) Nhận xét của đoàn thể:

  • Tổ Công đoàn nơi người xin vào Đảng trực tiếp sinh hoạt và Ban chấp hành Công đoàn (nếu người xin vào đảng đã hết tuổi sinh hoạt đoàn thanh niên);
  • Chi đoàn nơi người xin vào Đảng trực tiếp sinh hoạt (nếu người xin vào Đảng còn tuổi sinh hoạt đoàn thanh niên)

5) Tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể và nơi cư trú;

6) Bản sao giấy chứng nhận học lớp nhận thức về Đảng;

7) Bảng điểm học tập có xác nhận của Phòng Đào tạo (đối với sinh viên)

8) Biên bản họp chi bộ xét kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và Nghị quyết;

9) Nghị quyết xét đề nghị kết nạp đảng viên của Chi bộ;

10) Nghị quyết xét đề nghị kết nạp đảng viên của Đảng bộ;

e. Tổ chức lễ kết nạp

Khi có quyết định kết nạp đảng viên của cấp có thẩm quyền, trong thời gian không qúa một tháng, chi bộ phải tổ chức lễ kết nạp đảng viên. Lễ kết nạp Đảng viên phải tổ chức trang nghiêm; tiến hành kết nạp từng người một (nếu kết nạp từ hai người trở lên trong cùng một lễ). Lễ kết nạp Đảng bao gồm các phần:

a) Lễ kết nạp đảng viên phải được tổ chức trang nghiêm; tiến hành kết nạp từng người một (nếu kết nạp từ hai người trở lên trong cùng một buổi lễ).

b) Trang trí lễ kết nạp (nhìn từ dưới lên): trên cùng là khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”; cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng hoặc ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (bên trái), ảnh Mác - Lênin (bên phải), tiêu đề: “Lễ kết nạp đảng viên”.

c) Chương trình buổi lễ kết nạp

- Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

- Tuyên bố lý do; giới thiệu đại biểu.

- Bí thư chi bộ hoặc đại diện chi ủy đọc quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền.

- Đảng viên mới đọc lời tuyên thệ.

- Đại diện chi ủy nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, nhiệm vụ của chi bộ và phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị.

- Đại diện cấp ủy cấp trên phát biểu ý kiến (nếu có).

- Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

f. Giai đoạn đảng viên dự bị

Thời gian dự bị là 12 tháng tính từ ngày Chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong giai đoạn này, đảng viên dự bị có các quyền và nghĩa vụ như đảng viên chính thức (trừ quyền bầu cử, ứng cử và biểu quyết)

Chi bộ tiếp tục theo dõi và bồi dưỡng đảng viên dự bị.

3. Thủ tục chuyển Đảng chính thức

a. Trình tự

Sau 12 tháng kể từ ngày được kết nạp, Đảng viên dự bị phải làm bản kiểm điểm và làm đơn đề nghị Chi bộ xem xét chuyển đảng chính thức.

BCH hoặc BTV Đoàn trường họp cho ý kiến nhận xét (Đối với đảng viên đang sinh hoạt đoàn)

Tổ Công đoàn họp cho ý kiến nhận xét (Đối với đảng viên dự bị là CB – GV đã trưởng thành đoàn).

Chi bộ họp cho ý kiến nhận xét và biểu quyết.

b. Hồ sơ xét chuyển đảng chính thức

Hồ sơ xét chuyển đảng chính thức bao gồm:

  1. Đơn xin chuyển Đảng chính thức;
  2. Bản nhận xét của đảng viên được phân công giúp đỡ
  3. Ý kiến nhận xét của BCH Công đoàn (hoặc của tổ công đoàn, có xác nhận của BCH Công đoàn cơ sở) hoặc BCH Đoàn nếu đang sinh hoạt Đoàn
  4. Bản nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú đối với đảng viên dự bị
  5. Tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức Công đoàn (hoặc Đoàn thanh niên) và Chi bộ nơi đảng viên dự bị cư trú
  6. Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình ly luận chính trị phổ thông (lớp bồi dưỡng đảng viên mới)
  7. Biên bản họp Chi bộ xét chuyển chính thức
  8. Nghị quyết của Chi bộ đề nghị công nhận đảng viên chính thức
  9. Nghị quyết của Đảng uỷ đề nghị công nhận Đảng viên chính thức

c. Thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng:

Để có thể chuyển sinh hoạt Đảng một cách đơn giản, dễ dàng, các bạn cần chú ý những điều sau: Hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng cần đầy đủ từ giấy giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức, thẻ đảng viên hoặc hồ sơ kết nạp của đảng viên dự bị, hồ sơ Đảng viên.... Cũng như chấp hành những yêu cầu mà Đảng bộ địa phương đưa ra, thời gian chờ đợi chuyển sinh hoạt Đảng là 1 tháng. Hồ sơ bao gồm:

- Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức (loại 10 ô).

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về thay đổi nơi làm việc hoặc nơi cư trú.

- Phiếu đảng viên (khi đảng viên chuyển sinh hoạt đảng ra khỏi đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng).

- Thẻ đảng viên hoặc hồ sơ kết nạp của đảng viên dự bị.

- Hồ sơ đảng viên (có bổ sung lý lịch, quá trình công tác; mục lục hồ sơ đảng viên đến thời điểm chuyển đi)

- Bản tự kiểm điểm của đảng viên, có nhận xét của cấp ủy cơ sở nơi giới thiệu đảng viên chuyển sinh hoạt đảng đi

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục thủ tục hành chính trong mục biểu mẫu nhé.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Tài liệu mới nhất