Quá hạn vẫn chưa nhận được tiền thai sản, người lao động nên làm gì?
Người lao động cần làm gì khi quá hạn vẫn chưa nhận được tiền thai sản
Hiện nay, có nhiều trường hợp, vì không nắm rõ các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không ít người lao động phải chịu mất oan khoản tiền thai sản của mình. Vậy người lao động nên làm gì để nhận được khoản tiền này khi đã quá hạn rồi mà vẫn chưa được giải quyết? Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.
- Nghỉ thai sản có bị xét tinh giản biên chế
- Nghỉ thai sản có được xét nâng lương?
Những điều người lao động cần làm khi quá hạn mà vẫn chưa nhận được tiền thai sản
Theo quy định tại Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 thì thời hạn giải quyết và chi trả tiền thai sản cho người lao động cụ thể như sau:
- Trường hợp đơn vị SDLĐ đề nghị: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp người lao động, thân nhân người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH: Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Như vậy, tối đa 16 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động, người lao động sẽ có thể nhận được tiền thai sản. Nếu hết thời hạn này mà người lao động vẫn chưa nhận được tiền thai sản thì người lao động nên liên hệ trực tiếp cho người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi nộp hồ sơ.
Trong trường hợp đã liên hệ với những đơn vị này những vẫn không được giải quyết thì theo Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có thể khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm, tức khiếu nại đến người sử dụng lao động nếu người sử dụng lao động sai hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp giải quyết nếu do cơ quan BHXH sai.
Trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, tức khiếu nại đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Nếu người lao động vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục hỏi đáp thắc mắc trong mục tài liệu nhé.