Nội quy an toàn lao động - vệ sinh lao động

Bùi Thế Hiển
Admin 31 Tháng mười, 2018
Tải về Bản in

Bộ luật Lao động đặt trách nhiệm cho tất cả các bên tham gia phải đảm bảo an toàn nơi làm việc và yêu cầu mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

NỘI QUY

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

CHƯƠNG I: TỔNG QUÁT

Điều 1.1: Căn cứ Mục 1, chương IX Bộ Luật Lao động và Điều 24 Pháp lệnh Bảo hộ Lao động của nước CHXHCN Việt Nam, Công ty…………. ban hành Nội qui an toàn lao động, vệ sinh lao động qui định việc thực hiện lao động tại Công ty.

Điều 1.2: Mục tiêu hoạt động: Nhằm phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất của Công ty.

Điều 1.3: Từ "Cán bộ-Công nhân viên" (CB-CNV) ở đây được dùng để chỉ những người có hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty.

Trách nhiệm của Công ty:

Điều 1.4: Công ty có trách nhiệm áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về an toàn và vệ sinh lao động trong Công ty.

Điều 1.5: Giám đốc Công ty có quyền:

a/ Buộc mọi CB-CNV chấp hành các điều khoản của nội quy này;

b/ Kỷ luật CB-CNV vi phạm các điều khoản của nội quy này;

c/ Đình chỉ hoạt động các máy, thiết bị, hạn mục khi thấy nguy cơ tai nạn, sự cố kỹ thuật.

Điều 1.6: Giám đốc Công ty tổ chức việc hướng dẫn huấn luyện CB-CNV về việc qui định an toàn và vệ sinh lao động, cách tiếp xúc với các loại vật tư, vật liệu và vận hành máy, thiết bị mà CB-CNV được sử dụng.

Điều 1.7: Giám đốc Công ty tổ chức điều tra tai nạn lao động xảy ra tại Công ty.

Điều 1.8: Giám đốc Công ty tổ chức kiểm tra định kỳ và không định kỳ tại Công ty, lập các thống kê; lập báo cáo hàng quý gửi các cơ quan quản lý chức năng.

Trách nhiệm của Công nhân:

Điều 1.9: CB-CNV phải nghiêm chỉnh học tập và chấp hành nội quy này.

Điều 1.10: CB-CNV phải chịu sự giám sát, kiểm tra và thực hiện theo đề nghị của nhân viên giám sát về an toàn vệ sinh lao động Công ty.

Điều 1.11: Các quản lý, các nhân viên giám sát về an toàn vệ sinh lao động tại Công ty có trách nhiệm triển khai các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động theo Chương 8 của nội quy này.

CHƯƠNG II: QUI ĐỊNH CHUNG VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG.

Điều 2.1: CNV chỉ được vận hành máy, thiết bị theo đúng trình tự đã được hướng dẫn huấn luyện.

Điều 2.2: CNV phải thực hiện sự chỉ dẫn của các bảng cấm, bảng hướng dẫn, chỉ dẫn treo tại nơi sản xuất hoặc gắn tại máy, thiết bị.

Điều 2.3: CB-CNV không được sử dụng, sửa chửa các máy, thiết bị khi chưa được huấn luyện về các quy tắc an toàn và quy trình vận hành các máy, thiết bị đó.

Điều 2.4: Trong giờ làm việc, CB-CNV phải giữ gìn các trang bị, phương tiện bảo hộ cá nhân và các dụng cụ đã được cấp phát.

Điều 2.5: không được tháo gỡ hoặc giảm hiệu quả của các thiết bị an toàn.

Điều 2.6: CB-CNV không được tự do đi lại các nơi không thuộc trách nhiệm của mình.

Điều 2.7: CB-CNV phải báo ngay cho quản lý khi máy, thiết bị đó có sự cố hoặc nghi ngờ có sự cố.

Điều 2.8: Không được hút thuốc lá, phát lửa trong Công ty (trừ khu vực được phép).

Điều 2.9: Không được để dầu mở rơi rải trên sàn xưởng.

Điều 2.10: Các phuơng tiện vật liệu, sản phẩm, phế liệu không được để sát lối đi,cửa thoát hiểm, tủ điện, phương tiện chửa cháy, tủ thuốc sơ cấp cứu.

Điều 2.11: Nơi làm việc phải ngăn nắp, không được để dụng cụ, dây điện, vật tư, trang bị, các phương tiện gây cản trở sự hoạt động và đi lại.

Điều 2.12: CB-CNV không được sử dụng, sửa chửa các máy, thiết bị không thuộc trách nhiệm của mình.

Điều 2.13: Máy đang sửa chửa phải có các báo cáo, máy có điện phải cắt cầu dao điện trước khi sửa chửa.

Điều 2.14: Khi chuẩn bị vận hành máy hoặc sau sửa chửa, phải xem còn dụng cụ, chi tiết nằn trên máy hay không và không có người đứng trong phạm vi nguy hiểm, mới được cho vận hành máy.

Điều 2.15: Khi sảy ra sự cố tai nạn, người có mặt tại hiện trường phải:

  • Khẩn cấp dừng máy hoặc cúp điện nơi có tai nạn.
  • Khẩn trương sơ cấp cứu nạn nhân và báo ngay cho quản lý.
  • Tham gia bảo vệ hiện trường để người có trách nhiệm xử lý.

Điều 2.16: CB-CNV phải lập tức rời khỏi khu vực nguy hiểm và báo ngay cho quản lý khi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc của mình.

Điều 2.17: CB-CNV có nghĩa vụ thông báo và khai báo với công ty về sự cố tai nạn lao động, về việc vi phạm nguyên tắc an toàn lao động rảy ra tại công ty.

CHƯƠNG III: NGUYÊN TẮC AN TOÀN ĐIỆN

Điều 3.1: Chỉ những CB-CNV đã được huấn luyện về kỹ thuật an toàn điện mới được sửa chữa, lắp đặt, đóng mở thiết bị điện.

Điều 3.2: CB-CNV phải sử dụng đúng dụng cụ và mang đủ các trang bị bảo hộ khi làm việc, tiếp xúc với thiết bị điện.

Điều 2.3: CB-CNV không được đóng cắt cầu dao, bố trí các thiết bị điện nếu không có lệnh của Quản lý (trừ trường hợp cắt điện để cứu người bị tai nạn, khi hỏa hoạn).

Điều 3.4: Khi cắt điện để sửa chữa, người sửa chữa phải treo bản " ĐANG SỬA CHỮA" tại cầu dao. Và chỉ người cắt điện mới được quyền đóng điện (hoặc trực tiếp nhờ đóng điện).

Điều 3.5: Khi phải sửa chữa máy, thiết bị có mang điện nhưng vì lý do kỹ thuật hoặc do nhu cầu khác mà không thể cắt điện thì quản lý phải phân công thêm người khác để giám sát và hổ trợ cho người sửa chữa.

Điều 3.6: Không được dùng các vật liệu có tham số kỹ thuật khác thiết kế để thay thế khi sửa chữa.

Điều 3.7: Các bộ phận sản xuất phải phối hợp với CB-CNV phụ trách về điện công ty để tiến hành kiểm tra, bảo trì, vệ sinh các tủ bảng điện, đường dây, máy, thiết bị có mang điện của các bộ phận - theo định kỳ do Công ty qui định.

Điều 3.8: Công ty tổ chức kiểm tra an toàn của hệ thống điện các bộ phận sản xuất theo định kỳ 3 tháng/lần, tổ chức kiểm tra an toàn của hệ thống chống sét nhà xưởng theo định kỳ 6 tháng/lần.

CHƯƠNG IV: QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 4.1: Trong giờ làm việc, CB-CNV phải mang đầy đủ áo, quần, giày, mũ và các trang bị BHLĐ khác đã được cấp phát, CB-CNV có tóc dài phải cuốn tóc lại gọn gàng và đội cùng mũ BHLĐ.

Điều 4.2: CB-CNV phải giữ gìn gọn gàng sạch sẽ nơi làm việc của mình, vệ sinh công nghiệp khu vực và máy, thiết bị mình phụ trách theo định kỳ theo công ty qui dịnh, có (biên bản Quy định kèm theo).

Điều 4.3: Các loại vật liệu, phế liệu, chất thải, rác phải để đúng nơi qui định.

Điều 4.4: CB-CNV phải giữ gìn sạch sẽ và nhắc nhở mọi người giữ gìn sạch sẽ khu vệ sinh, ăn uống, các nơi công cộng khác.

Điều 4.5: Phải tham gia chương trình phòng chống dịch bệnh và phải đi khám sức khỏe định kỳ theo công ty tổ chức.

Điều 4.6: CB-CNV phải khai báo với công ty về bệnh của mình để chữa trị.

Điều 4.7: CB-CNV chỉ được vào làm việc với trạng thái cơ thể, tâm lý bình thường. Quản lý có thể buộc CB-CNV lập tức ngưng làm việc khi phát hiện CB- CNV có sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu, bia và chất tương tự.

Điều 4.8: CB-CNV chỉ được vận hành máy, thiết bị khi trạng thái cơ thể, tâm lý bình thường, trong khi vận hành, nếu CB-CNV cảm thấy cơ thể không bình thường có thể dẫn đến tai nạn, thì phải báo ngay cho quản lý để giải quyết.

Điều 4.9: CB-CNV có trách nhiệm thông báo và khai báo với công ty về việc vi phạm nguyên tắc vệ sinh lao động.

CHƯƠNG V: NGUYÊN TẮC SƠ CẤP CỨU TẠI CHỖ.

Điều 5.1: Công ty trang bị cho nhà máy 01 tủ thuốc sơ cấp cứu và qui định cho CB-CNV trong việc sử dụng.

Lưu ý: Tủ thuốc y tế không chỉ gồm một số loại thuốc điều trị thông thường mà phải có các PHƯƠNG TIỆN SƠ CẤP CỨU ĐƠN GIẢN (thanh cố định xương gãy, ga rô cầm máu, băng ca chuyển thương...).

Điều 5.2: Y tế Công ty:

Công ty thành lập tổ y tế nhằm giúp giám đốc Công ty tổ chức việc sơ cấp cứu tại chỗ và về khám chữa bệnh, tổ chức kiểm tra vệ sinh đối với các bộ phận sản xuất và hướng dẫn CB-CNV về sơ cấp cứu.

Lưu ý: Nhân viên y tế có thể là kiêm nhiệm, nhưng phải có các kiến thức y tế cần thiết và giữ nhiệm vụ y tế công ty. nên nhớ" nhiệm vụ trung tâm của y tế nhà máy là giải quyết sơ cấp cứu tại chỗ".

Nhân viên y tế là thành viên của bộ phận giám sát về an toàn vệ sinh lao động Công ty.

Công ty tổ chức huấn luyện cho một số CB-CNV trong một số bộ phận để tiến tới hình thành các tổ " Chữ thập đỏ" theo các ca sản xuất.

Lưu ý: Nếu Công ty có một số bộ phận sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, hoặc y tế nhà máy không đủ nhân viên y tế đi theo tường ca thì Nội qui nhất thiết có điều khoản này.

Điều 5.3: Công ty tổ chức huấn luyện cho CB- CNV theo định kỳ hàng quý về:

  1. Nguyên tắc cấp cứu nạn nhân bị điện giật.
  2. Cách cầm máu khi vết thương phun máu.
  3. Cách cố định tạm thời khi bị gãy xương.
  4. Và một số nội dung cần thiết khác.

CHƯƠNG VI: QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY.

Điều 6.1: Công ty thành lập đội PCCC, Công ty qui định việc tổ chức và huấn luyện cho đội này. đội trưởng PCCC là thành viên của Bộ phận giám sát về an toàn vệ sinh lao động Công ty.

Điều 6.2: Công ty tổ chức huấn luyện định kỳ cho CB-CNV về PCCC, về việc phối hợp của đội PCCC.

Điều 6.3: Công ty tổ chức kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC và việc các bộ phận phân xưởng thực hiện qui định PCCC.

Lưu ý:

Công ty cần hướng dẫn cho CB-CNV về phương pháp phòng cháy và chữa cháy, chủ yếu là quy định cho những khu vực có sự khác biệt về kỹ thuật PCCC so với phương pháp PCCC thông thường.

Ví dụ về khu vực có sự khác biệt: khu vực có thiết bị điện, kho hóa chất, xăng dầu, hầm hút bụi...

Ví dụ về kỹ thuật PCCC: cháy tại họng hút gió thì chưa có thể cho dập lữa khi chưa cho ngừng hút gió và đóng cửa gíp; không dùng nước chữa cháy thiết bị điện hoặc xăng dầu, không dùng bình bột chữa cháy khu vực chế biến thực phẩm hoặc công nghệ không cho phép có bụi. Nếu các dạng thiết bị hoặc hạn mục tại xí nghiệp không có sự khác biệt trong kỹ thuật PCCC: cũng có thể áp dụng nguyên tắc chung của Công an PCCC.

CHƯƠNG VII: QUY TRÌNH VẬN HÀNH CÁC LOẠI MÁY, THIẾT BỊ.

Điều 7.1: Công ty cần hướng dẫn cho công nhân quy tắc (cách, thứ tự) vận hành máy, thiết bị mà họ được sử dụng, các điều mà họ phải lưu ý trong khi sử dụng máy, thiết bị và việc phải tiếp xúc với các vật liệu, hóa chất độc.

Điều 7.2: Mỗi điều của chương này sẽ quy định cho một loại máy, thiết bị có trong Công ty.

Lưu ý: Để CB-CNV sử dụng tốt các máy, thiết bị và tránh nguy cơ xảy ra tai nạn thì các điều khoản cần phải cụ thể.

Điều 7.3: Những loại máy, thiết bị cần quy định trong chương trình này gồm:

Những loại máy, thiết bị có thể gây ra sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn nếu CB-CNV vận hành (thao tác) sai trình tự.

Những loại máy, thiết bị có thể gây ra sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn tại một thời điểm, trong một trạng thái nào đó khi đang vận hành - nếu CB-CNV không được biết trước là mình phải lưu ý một số điều hay chi tiết nào đó - trong khi sử dụng hoặc trong khi tiếp xúc máy, thiết bị đó.

Điều 7.4: Cần quy định những nội dung.

Gồm trình tự vận hành (trình tự thao tác) máy, thiết bị.

Xem hướng dẫn khi tiếp xúc, sử dụng máy, thiết bị: CB-CNV phải chú ý những động tác nào, động tác nào bị cấm, thời điểm nào thì phải chú ý.

Điều 7.5: Ai có thể giúp Công ty lập các quy định của chương này.

Xem hướng dẫn của nhà chế tạo máy, thiết bị, xem hướng dẫn của nhà lắp đặt máy, thiết bị cho công ty.

Các chuyên gia kỹ thuật cho công ty, các kỹ thuật viên của công ty.

Riêng với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn (thiết bị phải làm thủ tục đăng ký với nhà nước gồm: Nồi hơi, bình chứa cháy, chất lỏng chịu áp lực, máy nén khí, thiết bị nâng, thang máy, máy lạnh công nghiệp) thì phải có thêm quy định về các lưu ý trong xử lý sự cố và bảo dưỡng thiết bị, (vì các thao tác không chuẩn mực có thể sẽ dẫn tới tai nạn, cháy nổ, ô nhiễm môi trường).

CHƯƠNG VIII: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG.

Điều 8.1: Công ty ............ lập Hội đồng bảo hộ lao động.

Điều 8.2: Hội đồng bảo hộ lao động có quyền hạn: giám sát, kiểm tra sự hoạt động của các CB-CNV, các bộ phận thuộc nhà máy về mặt an toàn vệ sinh lao động.

Điều 8.3: Hội đồng bảo hộ lao động có nhiệm vụ.

Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các điều khoản của nội qui này đối với CB-CNV và các bộ phận thuộc nhà máy, hướng dẫn CB-CNV và thực hiện các nội dung khác về an toàn vệ sinh lao động.

Lập chương trình hoạt động và phối hợp hoạt động về an toàn vệ sinh lao động.

Tư vấn cho Công ty về các đối sách, chính sách an toàn và vệ sinh lao động.

Điều 8.4: Hội đồng bảo hộ lao động gồm các thành viên.

  • Một đại diện của Công ty.
  • Một đại diện của Công đoàn của Công ty.
  • Một ủy viên thường trực, là nhân viên giám sát chính của nhà máy về mặt an toàn và vệ sinh lao động, do Giám đốc Công ty chỉ định trong số CB-CNV.
  • Một số ủy viên khác do Giám đốc Công ty chỉ định trong số các CB-CNV.
  • Thư ký hội đồng: Giám đốc Công ty chỉ định thư ký trong số ủy viên (Hoặc CB- CNV khác) để giúp lập thống kê, lưu trử hồ sơ, thông dịch và giao dịch.

Điều 8.5: Sửa đổi nội quy: Hội đồng bảo hộ lao động có trách nhiệm lập dự thảo sủa đổi nội qui trình Giám đốc Công ty phê duyệt trong trường hợp:

Công ty có sự thay đổi về hoạt động dẫn tới nội quy có điều khoản không còn phù hợp.

Công ty có sự thay đổi về môi trường sản xuất, thay đổi máy, thiết bị, chi tiết máy có lên quan.

Khi pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động yêu cầu.

Điều 8.6: Các điều khoản của nội quy này là qui định bắt buộc thực hiện, các CB-CNV vi phạm đều phải xử lý nghiêm khắc theo qui định Pháp luật Lao động Việt Nam và quy định về khen thưởng – kỹ luật của Công ty.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!