Ngày 27/7 được Chính phủ ta chọn làm ngày Thương binh Liệt sĩ như thế nào?

Bùi Thế Hiển
Admin 17 Tháng bảy, 2017

Ngày 27/7 được Chính phủ ta chọn làm ngày Thương binh Liệt sĩ như thế nào?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã dành tình thương, tận tình chăm sóc các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chu đáo. Trong bài viết này, sẽ lý giải việc Chính phủ ta chọn ngày 27/7 làm ngày Thương binh - Liệt sĩ như thế nào?

Diễn văn kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017)

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong khi chính quyền cách mạng còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta.

Với tinh thần kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của bọn thực dân xâm lược.

Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Nhiều gia đình cùng một lúc đã mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn vẹn một ngày, rồi góa bụa cả đời.

Ngay từ đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã dành tình thương, tận tình chăm sóc các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ chu đáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp.

Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập.

Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào.

Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy".

Ngày 27/7 được Chính phủ ta chọn làm ngày Thương binh Liệt sĩ như thế nào?

Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa - Huế, Hà Nội và một số địa phương khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự của Hội.

Nhiều cuộc quyên góp ủng hộ quỹ giúp binh sĩ bị thương thu được kết quả tốt.

Chiều ngày 28/5/1946, Hội Giúp đỡ binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Bác Hồ đã tới dự.

Trong ngày 2/6/1946, Hội Phụ nữ Cứu quốc và Hội Nhi đồng Hoàng Diệu tổ chức gắn huy hiệu, đã thu được 45.000 đồng (tiền Đông Dương cũ).

Kiều bào ta ở Thượng Hải (Trung Quốc) cũng gửi về số tiền quyên góp được là 12.804 đồng và 100 USD ủng hộ binh sĩ thương tật.

Chiều 7/11/1946, cũng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Giúp binh sĩ bị thương đã tổ chức quyên góp ủng hộ quần áo, giày, mũ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động "Mùa đông chiến sĩ".

Buổi lễ còn vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền để may áo trấn thủ cho các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Tại đây, Bác Hồ đã ủng hộ chiếc áo rét của Người dang mặc gửi tặng binh sĩ.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến công lao của các chiến sĩ.

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp hội nghị trù bị tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày 19/7/1947, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh).

Đúng 18 giờ ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có khoảng 300 đại biểu Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện, bộ đội và nhân dân địa phương đã họp mít tinh nghe công bố bức thư đầu tiên của Hồ Chủ tịch gửi đến Ban tổ chức ngày thương binh và ghi nhận sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc.

Bác Hồ cũng đã gửi đến các thương binh một chiếc áo lụa do chị em Hội Phụ nữ kính biếu Người và một tháng lương, cùng với một bữa ăn của Người và toàn thể nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch.

Cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc.

Kết quả thu được thật không ngờ, toàn quốc đã quyên góp được trên 10 triệu đồng. Trong đó riêng vùng khu IV cũ góp 6 triệu đồng.

Tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất chủ trương đón thương binh về làng rất phù hợp hoàn cảnh nước ta trong kháng chiến chống Pháp.

Tính đến năm 1954, từ khu IV trở ra, hàng vạn thương binh được đồng bào ở 515 xã đón về chăm sóc phục hồi sức khỏe, ổn định đời sống và công tác.

Tháng 7/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh.

Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ, để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc.

Cũng từ đó, hàng loạt các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ được ban hành.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, giang sơn thu về một mối.

Hai tháng sau, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Ăn quả nhớ người trồng cây", Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về công tác thương binh liệt sĩ.

Cũng từ năm 1975, ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa chính trị sâu sắc.

Ngày 27/7 hàng năm là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và toàn xã hội bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, thể hiện sinh động truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta và trở thành hoạt động mang tính xã hội.

"Đền ơn đáp nghĩa" là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là ý nguyện và khẩu lệnh hành động của toàn thể nhân dân ta.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!