Kỹ thuật trồng cây dành dành
Bạn đang muốn trồng 1 chậu cây cảnh trong nhà nhưng đang phân vân chưa biết chọn loại cây nào phù hợp cho nhà mình. Vậy thử trồng cây dành dành dưới đây với nhiều mục đích nhưng cây rất dễ trồng và chăm sóc. Hi vọng chậu cây dành dành này phù hợp với không gian vườn và nhà của bạn.
Kỹ thuật trồng cây dành dành
Dành dành là cây dạng bụi cao tới 2-3m, phân cành nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 cái một, hình thuôn trái xoan hay bầu dục dài, nhẵn bóng. Lá kèm mềm ôm lấy cả cành như bẹ lá. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng, rất thơm, cuống có 6 cạnh hình như cánh. Đài 6, ống đài có 6 rãnh dọc, tràng có ống trãng nhẵn, phía trên chia 6 thùy, nhị 6, bầu 2 ô không hoàn toàn, chứa nhiều noãn.
Quả thuôn bầu dục, mang đài tồn tại ở đỉnh, có 6-7 rãnh dọc như cánh, thịt quả màu vàng da cam. Hạt dẹt. Cây mọc hoang ở những nơi gần rạch nước, đầm lầy, có thể sống được ở vùng đất chua phèn, thời gian ngập nước dài. Mùa hoa quả: Hoa tháng 5-7, quả tháng 8-10.
Giá trị: Quả, vỏ thân, rễ, lá và hoa dùng làm thuốc. Quả dùng làm thuốc hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi mật, lợi tiểu; chữa sốt, vàng da, chảy máu cam, đau họng, thổ huyết, đại tiện ra máu, bí tiểu tiện, bỏng, mụn lở; chứng mất ngủ, nóng ruột bồn chồn... Lá tươi chữa vết thương sưng đau, đau mắt đỏ. Vỏ cây bổ, dùng chữa sốt rét, bệnh lỵ và các bệnh ở bụng. Hoa thơm dùng làm dịu, chữa đau mắt, đau tử cung. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng vỏ rễ làm thuốc đòn ngã, làm thuốc cầm máu.
Quả chín thường dùng làm phẩm nhuộm màu vàng, nhất là để đồ xôi, nhuộm thức ăn vì sắc tố của dịch quả không có độc. Còn dùng phẩm nhuộm để làm tranh giấy, hoa giấy và một số đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống khác.
Cây còn thường được trồng làm cảnh trong các non bộ vì dễ sống, dáng đẹp và hoa thơm. Có thể tạo nguồn mật rất tốt cho nghề nuôi ong.
1. Kỹ thuật tạo cây giống
Cây dành dành có thể tạo giống bằng hạt , bằng hom cành.
Tạo cây con từ hạt
Thu hạt giống
Thời gian thu hái: Từ tháng 8 đến tháng 10, tốt nhất là vào lúc cây bắt đầu có quả chín, nếu thu hái chậm sau thời gian này quả sẽ bị thối và bị các loài chim và chuột ăn hạt.
Nhận biết quả chín: Khi quả chín vỏ quả chuyển từ màu xanh nhạt sang màu vàng cam hay đỏ. Có thể dùng sào bẻ lấy chùm quả chín hoặc thu nhặt những quả chín rụng trên mặt đất. Tuy nhiên, cần thu sớm khi quả vừa chín tới đem ủ vì để quả chín mềm trên cây thường bị nhiều loại chim khoét ăn hết ruột. Quả rụng dưới đất cũng bị kiến và sâu bọ ăn hại.
Chế biến, bảo quản: Quả sau khi thu hái về, ủ khoảng 2-3 ngày cho chín đều rồi chà xát lấy hạt, lọc bỏ vỏ ngoài và thịt quả. Phơi hạt trong nắng 2-3 ngày cho hạt khô đều. Hạt sau khi khô cho vào bình khô, cất trữ khô kín.
Xử lý và gieo ươm hạt giống: Ngâm hạt trong nước ấm 45-50oC (2 sôi 3 lạnh) trong 8-12 giờ, vớt hạt ra cho vào túi vải ẩm ủ hạt trong 1-2 ngày trước khi gieo (cần tiến hành rửa chua 2 lần/ngày) hoặc có thể gieo hạt vào cát ẩm và tưới phun sương hàng ngày để giữ ẩm.
Quy cách bầu ươm: Kích thước bầu: cỡ trung bình (6x15cm). Thành phần ruột bầu: Đất cát pha 89%, phân chuồng ủ hoai: 10%, supe lân Lâm Thao: 1%.
Cấy cây: Khi cây mầm cao khoảng 2-3cm, có từ 2-3 cặp lá, tiến hành cấy cây vào bầu. Cần tưới đẫm luống cát trước khi bứng cây. Dùng que cấy chọc lỗ sâu 2-4cm giữa bầu, đặt phần rễ cây vào và ém chặt đất vào rễ, nếu rễ dài quá có thể cắt bớt trước khi cấy. Bứng đến đâu cấy vào bầu đến đó, tưới đẫm nước cho cây con sau khi cấy xong.
Chăm sóc cây con
- Tưới nước: Giữ độ ẩm đất sau khi gieo hoặc cấy cây nếu trời không mưa. Không được để khô luống.
- Che bóng: Giai đoạn đầu cần có độ che bóng 50-75%, sau đó dỡ bỏ dần giàn che.
- Làm cỏ: Thường xuyên dọn sạch cỏ trên mặt luống. Thời gian đầu cứ sau 10-15 ngày cần làm cỏ kết hợp phá váng 1 lần. Dùng que vót nhọn xới nhẹ phá lớp váng tạo trên mặt bầu, tránh không làm hư tổn đến bộ rễ.
- Bón thúc: Định kỳ bón thúc bằng phân hỗn hợp NPK.