Hướng dẫn bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng
Quy định về xếp loại lao động và thi đua khen thưởng hay những bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đã được Tìm Đáp Án tổng hợp qua bài viết dưới đây. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết.
(Ban hành kèm theo Công văn số: 471 /HVTC-VP ngày 03 tháng 6 năm 2015)
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Thông tư 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;
Căn cứ vào các Công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ.
Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Học viện hướng dẫn bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng như sau:
1. Quy định chung về bình xét thi đua, khen thưởng
Phần I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. Đối tượng và nguyên tắc bình xét thi đua, khen thưởng
1. Đối tượng
- Toàn thể cán bộ, viên chức làm việc tại Học viện.
2. Nguyên tắc
a. Nguyên tắc thi đua gồm:
- Tự nguyện, tự giác, công khai;
- Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
b. Nguyên tắc khen thưởng gồm:
- Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;
- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được;
- Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;
- Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
c. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
d. Đối với cá nhân trong một năm chỉ đề nghị một hình thức khen thưởng cấp Nhà nước hoặc danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc".
e. Thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ khi có quyết định khen thưởng lần trước.
f. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến". Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến".
g. Thời gian nghỉ thai sản theo quy định được tính để bình xét danh hiệu "Lao động tiên tiến".
h. Đối với cá nhân thuyên chuyển công tác, cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, bình bầu danh hiệu "Lao động tiên tiến" (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ).
Trường hợp được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc xem xét, bình bầu danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến" do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định (có ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái).
i. Hội đồng TĐ-KT Học viện chỉ bình xét đối với những tập thể và cá nhân đạt ≥ 70% số phiếu tín nhiệm ở đơn vị cơ sở và Hội đồng thi đua khen thưởng đơn vị; riêng cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua ngành", "Chiến sỹ thi đua toàn quốc" phải có tỷ lệ phiếu bầu từ 90% trở lên, tính trên tổng số thành viên của Hội đồng cấp đó (nếu thành viên vắng mặt thì lấy ý kiến bằng phiếu bầu).
j. Không xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến" đối với một trong các trường hợp sau: Mới tuyển dụng dưới 10 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, hợp đồng (ngắn hạn, thử việc, vụ việc), bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
2. Bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng
Việc xét thi đua, khen thưởng phải dựa trên kết quả đánh giá thành tích đạt được trên các mặt công tác của năm học.
2.1. Danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua:
a. Danh hiệu "Lao động tiên tiến":
- Xét tặng cho cá nhân được đánh giá, xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên.
- Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
- Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
- Thời gian nghỉ thai sản theo quy định được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
- Đối với cá nhân thuyên chuyển công tác, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ).
Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận).
- Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
- Xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được giao;
+ Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
+ Có trên 50% cá nhân trong đơn vị đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
+ Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
b. Danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở":
Xét tặng cho cá nhân được đánh giá, xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
* Lưu ý: Tỷ lệ cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" không vượt quá 15% trên tổng số cá nhân đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến".
c. Danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính":
Xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
- 03 năm liên tục đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" (Năm học: ............);
- Có ít nhất 01 sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành trong thời gian đề nghị.
d. Danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc":
Xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
- Có sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng trong thực tiễn, đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc;
- 02 lần liên tục đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính", cụ thể:
+ Năm học...........: Đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành" lần 1;
+ Năm học ..................: Đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành" lần 2;
+ Năm học ..............: Đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" thì đủ điều kiện để trình Bộ xét trình Nhà nước xem xét phong tặng.
e. Danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc":
Được lựa chọn trong số các tập thể được đánh giá, xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo thứ tự tiêu biểu xuất sắc từ cao xuống thấp.
- Căn cứ tiêu chuẩn và danh sách đề nghị của đơn vị Hội đồng Thi đua, khen thưởng Học viện sẽ xem xét, lựa chọn không quá 60% các tập thể đạt danh hiệu "Tập thể Lao động tiên tiến" để đề nghị Hội đồng TĐ-KT Bộ Tài chính xét, công nhận danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc" (theo quy định của Bộ Tài chính).
2.2. Hình thức khen thưởng và tiêu chuẩn khen thưởng:
Đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng thường xuyên, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn thời gian tích lũy phải đảm bảo tiêu chuẩn về số lượng sáng kiến và cấp độ sáng kiến theo quy định, cụ thể:
a. Hình thức "Bằng khen của Bộ trưởng":
- Xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
+ 02 năm liên tục "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ";
+ Có ít nhất 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở.
- Xét tặng cho tập thể có 02 năm trở lên liên tục "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách pháp luật.
b. Hình thức "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ":
- Xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Đã được tặng Bằng khen Bộ trưởng và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Bằng khen Bộ trưởng) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
+ Trong thời gian đề nghị xét có ít nhất 05 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở.
- Xét tặng cho tập thể đã được tặng Bằng khen Bộ trưởng và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Bằng khen Bộ trưởng) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 01 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ hoặc 02 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng.
c. "Huân chương Lao động" hạng ba:
- Xét tặng cho cá nhân liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được tặng thưởng "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Bằng khen Thủ tướng) liên tục lập được thành tích xuất sắc, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong Bộ, ngành được Bộ, ngành công nhận.
- Xét tặng cho tập thể có quá trình xây dựng, phát triển từ 10 năm trở lên, trong thời gian đó đã được tặng "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Bằng khen Thủ tướng) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có 02 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành hoặc 01 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành và 01 Bằng khen cấp Bộ. Đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua trong thời gian đó có 02 lần được tặng Bằng khen cấp Bộ.
d. "Huân chương Lao động" hạng nhì:
- Xét tặng cho cá nhân liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng ba và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Huân chương Lao động hạng ba) liên tục lập được thành tích xuất sắc, trong thời gian đó có 03 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong Bộ, ngành được Bộ, ngành công nhận.
- Xét tặng cho tập thể đã được tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng ba và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Huân chương Lao động hạng ba) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 01 lần được tặng "Cờ thi đua của Chính phủ" và 01 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành hoặc có 03 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành. Đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua trong thời gian đó có 02 lần được tặng Bằng khen cấp Bộ.
e. "Huân chương Lao động" hạng nhất:
- Xét tặng cho cá nhân liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở (tính từ thời điểm được tặng Huân chương Lao động hạng nhì) lên liên tục lập được thành tích xuất sắc, trong thời gian đó có 04 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận.
- Xét tặng cho tập thể đã được tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở lên (tính từ thời điểm được tặng Huân chương Lao động hạng nhì) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 01 lần được tặng "Cờ thi đua của Chính phủ" và 02 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành hoặc có 04 lần được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành. Đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng cờ thi đua trong thời gian đó có 03 lần được tặng Bằng khen cấp Bộ.
3. Một số nội dung cần lưu ý:
- Thời gian để đề nghị khen thưởng được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian lập thành tích trong quyết định thì tính theo thời gian ban hành quyết định.
- Không tặng nhiều hình thức khen thưởng cấp Bộ, cấp Nhà nước cho cùng một thành tích. Trong 1 năm không đề nghị xét tặng 2 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một tập thể hoặc một cá nhân.
- Tập thể, cá nhân nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn và chỉ đề nghị xét tặng một danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng từ cấp Bộ trở lên. Hội đồng Thi đua, khen thưởng Học viện sẽ không bình xét đối với các trường hợp đề nghị sai quy định.
- Hội đồng TĐ-KT cấp trên chỉ bình xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành”, “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” khi tỷ lệ phiếu đồng ý từ cơ sở đạt 90% trở lên; đối với các danh hiệu và hình thức khen thưởng khác phải có tỷ lệ phiếu đồng ý đạt từ 70% trở lên.
4. Quy định Hội đồng thi đua, khen thưởng đơn vị:
- Đối với các Khoa có Bộ môn, Viện có Phòng: Căn cứ quy mô, cơ cấu tổ chức để thành lập Hội đồng, bao gồm: Trưởng đơn vị là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn là Phó chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là Phó đơn vị, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên (nếu có), Trưởng, Phó bộ môn (đối với các Khoa có Bộ môn); Trưởng, Phó phòng (Đối với các Viện).
- Đối với các đơn vị không thuộc đối tượng trên: Không thành lập Hội đồng thi đua đơn vị, việc bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng được thực hiện công khai trong toàn thể đơn vị.
5. Quy định về hồ sơ:
5.1. Thời gian nhận hồ sơ:
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Trước ngày ............
- Địa điểm: Văn phòng Học viện (Phòng 105, nhà Hiệu Bộ).
- Tất cả hồ sơ không xây dựng theo mẫu, không đầy đủ, gửi về sau ngày .............Hội đồng Thi đua, khen thưởng Học viện sẽ không xét duyệt, Trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước tập thể đơn vị mình và Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Học viện.
- Báo cáo thành tích tập thể/cá nhân: Yêu cầu báo cáo cần tập trung nêu rõ thành tích nổi bật phù hợp với mức trình khen, thành tích không viết theo cách liệt kê công việc đã làm được mà phải viết được ra kết quả cụ thể, có bảng số liệu để phân tích, đánh giá, đối chiếu.
5.2. Yêu cầu về hồ sơ, mẫu báo cáo:
- Hồ sơ của các đơn vị được lập thành 02 bộ theo đúng mẫu quy định tại hướng dẫn này: 01 bộ gửi thành viên Hội đồng TĐ-KT Học viện (phụ trách đơn vị) và 01 bộ gửi về Văn phòng Học viện (Phòng 105, nhà Hiệu Bộ). Hồ sơ bao gồm:
- Bảng tổng hợp đánh giá xếp loại tập thể (mẫu 02).
- Biên bản họp tổng kết và bình xét thi đua của đơn vị và của Hội đồng thi đua đơn vị đối với các Khoa, Viện.
- Biên bản kiểm phiếu.
- Danh sách bình xét thi đua của tập thể và cá nhân được xếp theo thứ tự thành tích từ cao xuống thấp và theo từng bộ môn đối với Khoa, theo từng phòng đối với Viện (Mẫu 03, 04).
- Báo cáo thành tích tập thể, cá nhân từ cấp Bộ trở lên (Mẫu 05, 06).
- Minh chứng kèm theo báo cáo thành tích quy định như sau:
+ Nếu là chủ nhiệm hoặc đồng chủ nhiệm đề tài, đề án: Nộp bản kết luận nghiệm thu đề tài, đề án và bản tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài, đề án (tối đa 3 trang A4).
+ Nếu là sáng kiến, giải pháp: Nộp bản báo cáo sáng kiến đã được Hội đồng sáng kiến Học viện công nhận. (Đối với sáng kiến năm học .......... nộp khi có kết quả bình xét của Hội đồng Thi đua, khen thưởng Học viện và sẽ có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để gửi lên Hội đồng Thi đua, khen thưởng cấp trên).
3. Phân biệt danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng 2003 và Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005 quy định các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, cụ thể như sau:
A. DANH HIỆU THI ĐUA gồm:
1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân
- "Chiến sĩ thi đua toàn quốc";
- Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
- "Chiến sĩ thi đua cơ sở";
- "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến".
2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể
- "Cờ thi đua của Chính phủ";
- Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
- "Tập thể lao động xuất sắc", "Đơn vị quyết thắng";
- "Tập thể lao động tiên tiến", "Đơn vị tiên tiến";
- Danh hiệu thi đua đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương là thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá.
3. Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là "Gia đình văn hoá".
B. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG gồm:
1. Huân chương
- "Huân chương Sao vàng";
- "Huân chương Hồ Chí Minh";
- "Huân chương Độc lập" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huân chương Quân công" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huân chương Lao động" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huân chương Chiến công" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huân chương Đại đoàn kết dân tộc";
- "Huân chương Dũng cảm";
- "Huân chương Hữu nghị".
2. Huy chương
- "Huy chương Quân kỳ quyết thắng";
- "Huy chương Vì an ninh Tổ quốc";
- "Huy chương Chiến sĩ vẻ vang" hạng nhất, hạng nhì, hạng ba;
- "Huy chương Hữu nghị".
3. Danh hiệu vinh dự nhà nước
- “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”;
- “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”;
- “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”;
- “Anh hùng Lao động” ;
- “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”;
- “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”;
- “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;
- “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.
4. "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng nhà nước"
5. Kỷ niệm chương, Huy hiệu
6. Bằng khen
- "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ";
- Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
7. Giấy khen
Nhà nước thực hiện khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng, khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khen thưởng quá trình cống hiến và khen thưởng đối ngoại.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thi đua, Khen thưởng 2003;
- Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2005;
- Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi 2013.
Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Hướng dẫn bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những quy định về bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được quy định chung về bình xét thi đua khen thưởng, bình xét các danh hiệu thi đua khen thưởng, cách phân biệt danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng... Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu bổ ích nhé. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được Tìm Đáp Án cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.