Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc
Chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc
Chiến thắng của Ngã ba Đồng Lộc là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Mời các bạn tham khảo Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
ĐỀ CƯƠNG
tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc
và tưởng niệm 10 Nữ liệt sỹ thanh niên xung phong
(24/7/1968 – 24/7/2018)
PHẦN I: CHIẾN THẮNG CỦA QUÂN VÀ DÂN TA
TẠI CHIẾN TRƯỜNG ĐỒNG LỘC
1. Bối cảnh lịch sử
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm 2 miền và tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Năm 1956, Pháp rút quân khỏi niền Nam, đế quốc Mỹ lập tức nhảy vào thế chân Pháp. Từ năm 1961-1965, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức, thi hành nhiều thủ đoạn, biện pháp, nhưng đế quốc Mỹ không dập tắt được phong trào cách mạng sục sôi ở miền Nam. Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi to lớn, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ từng bước thất bại. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc gây áp lực hòng làm giảm chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.
Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ từng bước mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam. Cách mạng hai miền có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động lẫn nhau và đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chiến lược chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.
Năm 1968 là năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vô cùng cấp thiết. Từ ném bom không hạn chế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).
Do vị trí địa bàn có tính chiến lược quan trọng, ngay từ đầu, đế quốc Mỹ và tay sai đã dùng nhiều thủ đoạn đánh phá Hà Tĩnh. Ngoài việc đánh vào các cơ sở kinh tế và quốc phòng, dân cư, chúng tập trung đánh phá hệ thống giao thông vận tải. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc – huyết mạch giao thông độc đạo, quan trọng bị đánh phá ác liệt.
Nhận rõ âm mưu của địch trong chiến tranh phá hoại, thực hiện chiến lược: “kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào” được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khoá III (12-1965), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã sớm xác định được nhiệm vụ hàng đầu của địa phương bên cạnh việc đánh mạnh tiêu diệt nhiều máy bay, tàu chiến địch, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt. Nghị quyết đặc biệt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp tháng 3/1966 ghi rõ: “Bất kỳ tình huống nào xảy ra, dù phải trả bất kỳ giá nào kể cả phải hy sinh xương máu, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta cũng phải bảo đảm kế hoạch giao thông vận tải”.
2. Chiến trường Đồng Lộc và chiến thắng của quân dân ta
Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi các xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Địa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng, khi bị địch đánh phá khắc phục rất khó khăn.
Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, làm cắt đứt hoàn toàn 157m của tuyến đường này, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A (Lạc Thiện – Đồng Lộc – Khe Giao – Hương Khê – Quảng Bình và từ Lạc Thiện – Đồng Lộc – Khe Giao rồi theo đường 21, 22 vào Quảng Bình), trọng điểm là từ Cống 19 (Phú Lộc) đến Khe Giao. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 qủa bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két, đạn 20mm nhằm vào các lực lượng ứng cứu giao thông của ta. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại. Trước tình hình đó, không còn lựa chọn nào khác là phải giữ huyết mạch giao thông tuyến 15A (Lạc Thiện – Khe Giao) thông suốt, vì nếu tuyến đường này bị cắt đứt thì việc chi viện, tiếp tế cho tiền tuyến gặp rất nhiều khó khăn, phải đi theo đường 8 lên Lào vào đường 13 (Lào).
Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Ban đảm bảo giao thông Trung ương và tỉnh quyết định điều động toàn bộ lực lượng TNXP N55 – P18 gồm 7 đại đội vào trấn giữ tại 7 vùng chủ yếu: Đại đội 551 được điều từ La Khê về Khe Giao; Đại đội 552 được điều từ đường 28 về Xuân Lộc; Đại đội 553 được điều về Eo Út; Đại đội 554 được điều từ Khe Ác về Mỹ Lộc; Đại đội 555 được điều về Nhân Lộc và Phú Lộc; Đại đội 556 được điều từ Bãi Dị (Mỹ Lộc) về Đồng Liên, Đồng Lộc; Đại đội 557 được điều từ Linh Cảm về Đồng Lộc. Tổng số cán bộ chiến sỹ TNXP N55 thường xuyên xấp xỉ 1.200 người. Ngoài ra, lực lượng chiến đấu còn bao gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ địa phương, một bộ phận của tiểu đoàn 30 công binh quân khu, đại đội chủ lực cầu, đại đội chủ lực giao thông, các đơn vị Thanh niên xung phong và Nhân dân địa phương. Các tổ quan sát, đếm bom, cắt tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành.
Ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Nhưng bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực quyết giữ cho bằng được đường 15A.
Tại chiến trường Đồng Lộc, trong tháng 5/1968, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7 năm 1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa 6 km. Quân và dân các xã thuộc địa bàn huyện Can Lộc đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải càng ngày càng quyết liệt, giặc Mỹ dùng mọi biện pháp, thủ đoạn, tập trung đánh phá hòng cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhưng mọi âm mưu và thủ đoạn của địch đều bị thất bại. Nhân dân Hà Tĩnh, với quyết tâm sắt đá “đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu” và tinh thần “địch phá một ta làm mười”, đã ngày đêm chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến đường. Để mở những con đường mới, đường tránh, Nhân dân nhiều địa phương như các xã Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… đã tạm dời làng xóm, nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường. Để tránh đoạn đường số 1 đã bị bom địch đánh phá hỏng, Nhân dân xóm Hạ Lội (Tiến Lộc – Can Lộc) đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra tiền tuyến. Nhân dân huyện Kỳ Anh với ý chí quyết tâm không để một chiếc xe bị tắc trên địa phương mình, đã làm thêm hàng chục con đường xế, đường tránh…
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo trong đánh địch, rà phá bom mìn, sửa chữa đường, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh Nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Có 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Trong đó, TNXP là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho Đồng Lộc không lúc nào tắc xe. Tiêu biểu như: Tiểu đội nữ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 552, Đội 55 “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự sống của dân tộc… Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tiêu biểu như các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, liệt sỹ Võ Triều Chung…
Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất 1965 -1968, với sự đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của của Nhân dân, trong đó tại Ngã ba Đồng Lộc (từ năm 1964-1972), đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc và 8 em học sinh đã bị bom đạn kẻ thù sát hại. Sự hy sinh anh dũng của họ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Đồng Lộc. Hà Tĩnh được công nhận là lá cờ đầu miền Bắc về bảo đảm giao thông vận tải và vinh dự được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhì của Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trao tặng.
3. Sự hy sinh của 10 Nữ thanh niên xung phong
Khu vực thung lũng Ngã ba Đồng Lộc rộng chưa đầy 50ha bị bom đạn của kẻ thù quần nát, xới tung. Nơi đây, hàng ngàn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an, dân công, dân quân du kích,… đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc.
Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc vào phía Nam khoảng hơn 300m. Tốp 10 cô gái ra đến hiện trường, nhanh chóng triển khai công việc, các chị làm không ngơi tay. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Khi máy bay đi qua, các cô tiếp tục làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom trúng đội hình 10 cô gái. Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, cả 10 cô gái trẻ đã hy sinh kiên cường dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi).
Để khắc sâu chiến tích anh hùng vẻ vang đó, ngày 7/6/1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” cho 10 liệt sỹ TNXP hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
4. Ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”…, lấy ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.
Chiến thắng Đồng Lộc khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân, chiến đấu dũng cảm mưu lược đã giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chiến thắng Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân ta và Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Những chiến sỹ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn sáng mãi muôn đời để Nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo.
Chiến thắng Đồng Lộc là tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phới phới dậy tương lai” của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
PHẦN II: QUẦN THỂ KHU DI TÍCH NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Năm 1989 Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 09/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết”, mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều hạng mục công trình ý nghĩa, tiêu biểu đó là:
1. Tượng đài chiến thắng
Tượng đài chiến thắng nằm dưới thung lũng, nơi ngày xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là Ngã Ba – Nơi giao nhau của 3 tuyến đường huyết mạch giao thông và dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…. Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng hoà bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc. Quanh chân tượng đài xếp hình cánh cung là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi khẩn trương của lực lượng TNXP, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, Nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom, bắn máy bay địch, phá bom… dẫn đường cho xe qua.
Tượng đài được khởi công vào ngày 15/7/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Đồng Lộc 15/7/1998.
2. Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc
Nằm ở lưng chừng đồi, cách mặt đường 50 m, ở khoảng giữa tuyến đường từ ngã ba đến khu mộ 10 Nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 1998, ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ TNXP hy sinh trên toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
3. Cột biểu tượng Ngành Giao thông vận tải
Cột biểu tượng lưu niệm của Ngành Giao thông vận tải nằm ngay chính giữa ngã ba, nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện – Đồng Lộc, Khe Giao – Đồng Lộc, Ba Giang – Đồng Lộc.
Cột biểu tượng được khởi công xây dựng vào tháng 12/1991 và khánh thành vào ngày 26/3/1992. Trải qua 26 năm, công trình đã bị xuống cấp. Nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, công trình được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn xã hội hóa.
4. Đài tưởng niệm các liệt sỹ của Ngành Giao thông vận tải
Đài tưởng niệm các liệt sỹ ngành Giao thông vận tải được xây dựng trên khu vực nhà bia cũ, cạnh chân núi Trọ Voi, mở rộng quy mô lên 2.960 m2. Công trình gồm: Đài biểu tượng cao 9,68m, có diện tích bề mặt 256 m2; 14 bia ghi danh có kích thước cao 2,5 m, rộng 1,5 m; 01 bia dẫn tích cao 2,5 m, rộng 2,2 m; 01 lư hương cao 0,62 m, rộng 0,94 m và trụ biểu tượng cao 2,5 m bằng chất liệu đá hoa cương; khuôn viên sân vườn tổng thể. Kinh phí xây dựng Đài tưởng niệm được trích từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ thuộc dự án Cải tạo nâng cấp QL15A đoạn nối QL1A (TP Hà Tĩnh) – đường Hồ Chí Minh (Phúc Đồng), tỉnh Hà Tĩnh.
5. Khu mộ 10 Nữ anh hùng liệt sỹ TNXP hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc
Cách nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc chừng 30m, cùng nằm ở dãy đồi Trọ Voi cao vút thông xanh là khu mộ của 10 cô gái TNXP tuổi từ 17 – 24 thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 – Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Cả 10 cô gái cùng hy sinh vào lúc 16 giờ ngày 24/7/1968 (Tức ngày 26-6 Mậu Thân). Thi hài của 10 cô trước đây được mai táng tại đồi Bãi Dịa cách núi Trọ Voi 1 km, năm 1976 phần mộ các chị được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc, năm 1990 chuyển về khuôn viên Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2000, khu mộ được tôn tạo, mở rộng diện tích, trang nghiêm, thoáng đãng. Hố bom nơi 10 cô hy sinh vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ.
6. Nhà truyền thống TNXP toàn quốc và Sa bàn điện tử
Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc là nơi lưu giữ, tái hiện lịch sử TNXP tráng liệt, rõ nét. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, cố Tổng Bí thư Trần Phú và cụm tượng bộ đội, TNXP; 226 hiện vật gồm: Đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của các lực lượng như: xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi,…; 345 ảnh tư liệu ảnh chụp trong giờ chiến đấu, sinh hoạt đời thường, cảnh ca hát của TNXP,… và những câu khẩu hiệu biểu hiện lý tưởng cháy bỏng của thế hệ thanh niên trong kháng chiến được trưng bày trong cả 3 gian phòng lớn thể hiện cuộc sống lao động, chiến đấu của các lực lượng và TNXP trên mọi ngả đường với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”; đồng thời phản ánh cuộc sống sôi động, đầy chất thép nhưng cũng rất lãng mạn của các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc khốc liệt và các chiến trường khác trên cả nước.
Đặc biệt, phòng trưng bày có những hiện vật quý như: Bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ; lọn tóc thề của chị Võ Thị Tần gửi tặng người yêu Nguyễn Đức Hồng; áo của chị Võ Thị Hợi, chị Nguyễn Thị Xuân; dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh hùng Vương Đình Nhỏ; bát ăn của các cô, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Trần Thị Hường; chiếc mũ cối của chiến sỹ Trần Văn Ca trung đoàn 210 bị thương nặng vẫn ngồi trên mâm pháo… và cuốn nhật ký của chị Nguyễn Thị Hường; ảnh 10 cô chụp từ máy bay cảnh tượng Đồng Lộc, mảnh bom từ trường… Ngoài ra còn những hiện vật ngoài trời như Pháo 57mm, pháo 37mm, máy ủi, ô tô Gát 63, Gát 57, Máy bay AD6….
Sa bàn điện tử tái hiện lại chiến trường khốc liệt Đồng Lộc 50 năm trước cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “Toạ độ chết” Đồng Lộc. Hiện nay, sa bàn được nâng cấp để phục vụ du khách nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
7. Đồi La Thị Tám
Từ đỉnh núi Mòi, nằm ở phía trái của Ngã ba Đồng Lộc, giữa trọng điểm đánh phá của địch, với chiếc ống nhòm nhỏ, sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt theo dõi quả nào phát nổ, quả nào chưa nổ để chạy xuống ngã ba Đồng Lộc cắm cờ tiêu báo cho công binh xử lý. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bàn chân bỏng rát và in thành vệt mòn qua những bãi bom nổ chậm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả. Giờ đây quả đồi đó được đặt tên Đồi La Thị Tám – Nơi ghi dấu hành động anh hùng của “Người con gái Sông La”. Ngày 22/12/1969, nữ TNXP La Thị Tám được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực vũ trang Nhân dân khi mới 20 tuổi. Hiện nay, nữ anh hùng La Thị Tám đang sinh sống tại thành phố Hà Tĩnh.
8. Tháp chuông Đồng Lộc
Tháp chuông được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2009 và khánh thành vào ngày 02/1/2011, nhân dịp chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Tháp chuông do Trường đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế. Tháp cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát giác đều, kết hợp, khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp. Tầng trên cùng của tháp treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,7m, đường kính 1,95m, đúc bằng đồng nguyên khối. Hệ thống đèn chiếu sáng gồm 356 bộ đèn được lắp đặt bao phủ cả trong tháp và ngoài tháp từ tầng 1 đến tầng 7, với ánh sáng lung linh huyền ảo, có tầm xa nhiều km.
Công trình với 100% kinh phí là đóng góp công đức của các tổ chức doanh nghiệp và Nhân dân. Công trình thể hiện lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
9. Cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã Ba Đồng Lộc
Công trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hà Tĩnh khởi công xây dựng vào tháng 8/2008, là biểu tượng cho các lực lượng chiến đấu và hy sinh tại Đồng Lộc cũng như các anh hùng liệt sĩ trong cả nước, là tượng đài của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Công trình do Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Mỹ thuật Việt Nam thiết kế, các chuyên gia đầu ngành Mỹ thuật và Điêu khắc do Bộ VHTT giới thiệu, Doanh nghiệp tư nhân Hoàn Hảo thi công. Nghệ nhân tạc tượng Ninh Bình thực hiện trên chất liệu đá Thanh Hoá. Công trình do cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường Đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo trong toàn quốc và các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đóng góp để hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
10. Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc
Thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân Hà Tĩnh và đồng bào cả nước; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao động, Báo Đầu tư, Quỹ Tấm Lòng Vàng – Báo Lao động đã phối hợp tổ chức quyên góp công đức để xây dựng Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Công trình lịch sử – văn hóa có ý nghĩa to lớn giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình là hạng mục quan trọng trong quy hoạch tổng thể Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khởi công xây dựng năm 2016 và hoàn thành trong tháng 4/2018. Công trình gồm các hạng mục: đền chính, nhà hậu, nghi môn, bậc cấp đường lên đền, bình phong, am hóa vàng, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, cảnh quan tổng thể sân vườn.
Công trình Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp công đức, những tấm lòng vàng của các doanh nhân, doanh nghiệp, cán bộ, Nhân dân trong nước và một số doanh nhân, đồng bào người Việt ở nước ngoài.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách thập phương, nhất là trong hành trình du lịch tâm linh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Bình quân mỗi năm Khu di tích Nga ba Đồng Lộc đón từ 250 đến 300 ngàn lượt du khách về tham quan, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.
Mảnh đất Đồng Lộc huyền thoại giờ đã lành vết thương, hồi sinh thay da đổi thịt trong diện mạo mới. Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Lộc đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng xã Đồng Lộc trở thành Thị trấn đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến Thắng Đồng Lộc.
11. Vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc
Công trình Vườn hoa và Đài Tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc được khởi công vào ngày 11/8/2013. Công trình có diện tích 3.000m2. Nguồn kinh phí xây dựng công trình do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 phát tâm công đức.
Tại chiến trường Đồng Lộc, từ năm 1964-1972, đã có 1.226 người dân Can Lộc bị bom đạn kẻ thù sát hại, anh dũng hy sinh góp phần làm nên chiến thắng Đồng Lộc.
Sau hơn 4 tháng thi công, ngày 21/12/2013, công trình được khánh thành và trở thành một địa chỉ nhằm tưởng niệm, tri ân sự hy sinh cao cả của Nhân dân đã ngã xuống tại chiến trường Đồng Lộc. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
PHẦN III. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC VÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA QUÊ HƯƠNG, ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TỈNH NHÀ
NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH
1. Những đổi thay trên quê hương Hà Tĩnh
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, đất nước; với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hơn 25 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh (9/1991), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách, chủ động đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế – xã hội của Tỉnh phát triển, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên những kết quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các kết quả đạt được trong những năm vừa qua đã và đang tạo đà vững chắc cho bước phát triển mới của tỉnh trong những năm tiếp theo. Những kết quả nổi bật đó là:
Kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hút đầu tư đạt kết quả cao; văn hóa – xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng – an ninh được giữ vững, chính trị ổn định; quan hệ đối ngoại mở rộng; công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường… Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2005 – 2010, Hà Tĩnh thực sự chuyển mình, mục tiêu “Xây dựng Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp – dịch vụ phát triển” đã từng bước được thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhất là trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thu hút 745 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 676 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 100.148 tỷ đồng và 69 dự án FDI với số vốn trên 11,631 tỷ USD. Hà Tĩnh là địa phương đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, Khu Kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực như: Luyện thép, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển thúc đẩy quá trình hội nhập của tỉnh, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Nhờ thu hút đầu tư đột phá trong lĩnh vực công nghiệp đã tạo cú hích” đưa kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, riêng giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thu ngân sách đạt kết quả cao, năm 2015 đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với đầu nhiệm kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Cùng với phát triển công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được quan tâm về cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng nông – lâm – thủy sản bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 5,46% gấp gần hai lần bình quân chung cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân; huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia; thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế. Nông thôn Hà Tĩnh đã thay đổi căn bản, khởi sắc với diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Đến nay hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; có trên 13.000 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, trong đó nhiều mô hình cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm; có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều xã đang hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đức Thọ và Nghi Xuân đang tích cực phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Hà Tĩnh là một trong 13 tỉnh trong cả nước vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2015.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Các giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục phát huy, nhất là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều chỉ tiêu về giáo dục – đào tạo thuộc tốp đầu cả nước. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, giai đoạn 2011 – 2015, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 32.000 lượt người lao động. Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dịch vụ y tế và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ, bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công; giảm nhanh tỷ lệ hộ; an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.
Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; đặc biệt đã tập trung cắt giảm thủ tục thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết hồ sơ, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả rõ nét. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) « Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay » và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hóa » trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác tổ chức cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường; công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đã phát huy tốt vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên giám sát, phản biện xã hội; dân chủ cơ sở tiếp tục được mở rộng, phát huy. Hoạt động của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân và của hệ thống chính trị là cơ sở, nền tảng để Hà Tĩnh bứt phá vươn lên phát triển nhanh và toàn diện.
Trong xu thế phát triển của toàn tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân huyện Can Lộc; Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Lộc (Can Lộc) đã lập được nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh. Thu ngân sách của xã Đồng Lộc năm 2017 đạt trên 19 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo đạt kết quả khá toàn diện ở tất cả các cấp học; y tế tiếp tục được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết, thực hiên tốt công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đến nay, toàn xã có 122 hộ nghèo, chiếm 8,2%, hộ cận nghèo 101 hộ, chiếm 6,79% theo điều tra đa chiều. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,7%, xóm văn hóa đạt 78%. Thực hiện tốt công tác quân sự, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Với những kết quả đó, ngày 02/10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2832/QĐ-UBND công nhận Đồng Lộc đạt đô thị loại V.
Từ mãnh đất ‘‘chảo lửa, túi bom’’ năm xưa, Đồng Lộc hôm nay đã và Đang hồi sinh, phát triển từng ngày, góp phần vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng.
2. Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tinh thần Chiến thắng Đồng Lộc, ra sức thi đua hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Trong những năm tới, tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng Đồng Lộc và truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ; gắn với nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa – xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp, hiện đại. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:
– Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng chính quyền các cấp năng động, liêm chính. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đảm bảo năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, để từ đó đưa ra những giải pháp xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ Nhân dân.
– Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05–CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, hành động tự giác trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị theo Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 52/2017-QĐ/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy định 31 của UNND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy định số 625-QĐ/TU, ngày 02/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, ‘‘tự diễn biến’’, ‘‘tự chuyển hóa’’ trong nội bộ.
– Xác định công tác cải cách hành chính là khâu đột phá, trọng tâm nhằm thực hiện cắt giảm thủ tục, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đạo đức công vụ. Tập trung rà soát, đảm bảo khách quan, đúng thực trạng hoạt động của các cơ quan, đơn vị; khắc phục những yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bộ máy các cơ quan, đơn vị, những biểu hiện tắc trách, nhũng nhiễu, phiền hà trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, hoạt động của bộ máy chính quyền, các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm chi phí hành chính, góp phần tăng chi đầu tư phát triển; nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan trong bộ máy công quyền.
– Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực, trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ hiện đại của khu vực và cả nước; hoàn chỉnh đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng hạ tầng đồng bộ trục phát triển ven biển gắn với đó là tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy hoạch, chính sách đã ban hành để xem xét điều chỉnh, bổ sung và xem xét lập mới một số quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững cho Hà Tĩnh gắn với phát triển liên vùng các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
– Tập trung cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư và loại hình đầu tư để phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Chỉ đạo quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới, kết nối đô thị. Khuyến khích thành lập mới, đồng thời tạo điều kiện, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi doanh nghiệp tư nhân là động lực trọng yếu cho phát triển kinh tế.
– Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa – xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Nâng cao chất lượng chiều sâu lĩnh vực giáo dục – đào tạo và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển. Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác đối ngoại. Đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nâng cao tinh thần cảnh giác cho Nhân dân trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.
– Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tập hợp đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đoàn kết và tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
PHẦN IV: MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM
KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC
– Phát động phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớ Nhân dân chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
– Trùng tu, tôn tạo, xây dựng các hạng mục, công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
– Tổ chức Hội thảo Khoa học về Chiến thắng Đồng Lộc (Dự kiến tổ chức trước ngày 20/7/2018).
– Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc trong học sinh, sinh viên toàn tỉnh.
– Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, thân nhân 10 Nữ Liệt sỹ Thanh niến xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
– Tổ chức gặp mặt Cựu TNXP tiêu biểu và thân nhân 10 Nữ Liệt sỹ TNXP.
– Tổ chức Lễ giỗ lần thứ 50 của 10 Nữ liệt sỹ TNXP và Lễ cầu siêu cho các liệt sỹ TNXP toàn quốc, các liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (Dự kiến tổ chức ngày 24/7/2018).
– Tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc (Dự kiến ngày 15/7/2018)
– Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Kỷ niệm.
– Triển khai xây dựng các công trình nhà tình nghĩa tại xã Đồng Lộc và các địa phương khác của huyện Can Lộc bằng nguồn vốn xã hội hóa.
– Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 Nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
– Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc…
Phát huy tinh thần 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng cùng Nhân dân cả nước xây dựng một nước Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.