Cách tránh đạp nhầm chân ga khi đi xe số tự động
Cách tránh đạp nhầm chân ga khi đi xe số tự động
Lỗi đạp nhầm chân ga khi phanh không phải là hiếm gặp với lái mới, khi đang làm quen với xe hơi, đặc biệt là xe số tự động (AT). Tuy nhiên, lỗi này lại có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng nếu lưu thông trên đường. Dưới đây là một số mẹo lái xe an toàn để bạn không không nhầm chân ga chân phanh khi lái ô tô để các bạn cùng tham khảo.
8 vật dụng trên ô tô cần thiết hơn cả bình chữa cháy
Những sai lầm “cực nguy hiểm” khi lái xe số sàn
1. Nguyên nhân nhầm lẫn chân ga chân phanh khi lái ô tô
- Việc đạp nhầm chân ga thay vì phanh có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn xuất phát từ tâm lý không vững vàng của tài xế khi gặp tình huống bất ngờ cần phanh gấp. Lúc này tài xế thường bị "cà cuống" dẫn tới các phản xạ không theo ý muốn.
- Nguyên nhân thứ 2 quan trọng không kém chính là thói quen lái xe không "chuẩn" và mới sử dụng xe số tự động. Nguyên nhân này có thể là tư thế ngồi sai, lấy chân phải giữ ga, chân trái đạp phanh. Tư thế này không chỉ khiến cơ thể tài xế bị mệt mỏi, không thoải mái mà lâu dài sẽ dẫn đến những biến chứng về cơ, xương. Hơn nữa, trong tư thế này tài xế sẽ không đủ lực phanh cần thiết, thậm chí dễ bị nhầm lẫn trong những tình huống bất ngờ.
- Nguyên nhân thứ 3 xuất phát từ thói quen vẫn cài số D và giữ chân phanh khi dừng xe tạm thời. Trong thời gian dừng này, nếu tài xế xê dịch vị trí hoặc rời chân phanh sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu có tình huống bất ngờ cần xử lý đúng thời điểm này tài xế sẽ rất dễ bị động và nhầm lẫn.
2. Một số nguyên tắc khi sử dụng chân phanh
Nguyên tắc 1: Chân không rời sàn
Đối với việc khắc phục lỗi đạp nhầm chân ga thì giữ tư thế lái, đặt chân "chuẩn chỉ" là điều vô cùng cần thiết. Ngay khi vào xe, tài xế cần cân chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, dễ dàng điều khiển chân phanh, ga, thắng tay, cần số. Một tư thế ngồi thoải mái sẽ giúp đôi chân linh hoạt, không bị cứng khi xử lý các tình huống.
Tiếp theo đó, tài xế cần giữ vững nguyên tắc gót chân không rời sàn xe, chỉ sử dụng chân phải để điều khiển ga và phanh. Lúc này, gót chân để ở vị trí thẳng hàng với bàn đạp phanh và chỉ sử dụng phần ức bàn chân qua lại giữa hai chức năng này. Việc giữ vững gót bàn chân dưới sàn giúp vị trí của chân luôn đúng, tránh tình trạng đặt nhầm và đặc biệt là có thể dễ dàng điều chỉnh lực ga hay lực phanh.
Cùng với đó là tuyệt đối không được dùng chân trái thò sang bàn đạp ga, điều này nghe khôi hài nhưng thực sự tôi đã gặp nhiều chị phụ nữ xỏ nguyên cái chân trái và đạp ga lút cần.
Nguyên tắc 2: Rời chân ga - rà chân phanh
Khi đã giữ vững gót chân xuống sàn đồng nghĩa với việc tài xế đã luôn có một vị trí chuẩn để thao tác theo thói quen. Tuy nhiên, tư thế này vẫn có thể bị nhầm lẫn với lái mới dù gót chân đã để thẳng hàng với bàn đạp phanh. Để hạn chế tối đa nhầm lẫn thì một thói quen tốt là rất quan trọng.
Thói quen tốt ở đây chính là "rời chân ga - rà chân phanh". Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh, thay vì nhấn ga. Trong bất kỳ tình huống nào, thậm chí với cả xe số sàn (MT) thì hành động này đều có tác dụng, khi đã hình thành được thói quen đồng nghĩa với việc rủi ro đạp nhầm chân ga đã được giảm xuống mức thấp nhất.
Nguyên tắc 3: Dừng, đỗ đúng cách
Đối với tình huống dừng, đỗ xe thì thao tác tay lại quan trọng không kém với thao tác chân trong việc hạn chế lỗi đạp nhầm chân ga. Trong trường hợp chỉ tạm dừng xe (chờ đèn đỏ, hỏi đường) thì chuyển về N và kéo phanh tay. Việc kéo phanh tay không bao giờ thừa thãi vì nó giúp chân bạn thư giãn, chỉ cần đặt hờ lên phanh trong thời gian ngắn và đảm bảo xe không bị trôi trên địa hình dốc nhẹ. Khi dừng xe lâu, ở vị trí an toàn thì tài xế nên cài số P và kéo phanh tay. Ngoài ra, giữ thói quen vần vô lăng đánh lái vào lề đường khi đỗ xe trên những địa hình dốc cũng rất quan trọng để tránh việc xe lao ra đường hoặc trôi quá xa trong trường hợp bị tuột dốc.
Với nguyên tắc này, việc tập thành thói quen là rất quan trọng. Nó giúp tài xế an toàn hơn và tránh những va chạm đáng tiếc liên quan đến nhầm lẫn chân ga và phanh. Để đảm bảo phanh tay hoạt động bền bỉ, việc đưa cần số về nấc D và thả phanh tay cũng nên được "rèn" thành thói quen để tránh trường hợp phanh bị "mòn".
3. Các ký hiệu cần nhớ trên xe số tự động
- P: Park, số đỗ vị trí cần số khi xe đã dừng hẳn. Chỉ ở vị trí này xe mới khởi động hay rút được chìa khóa. Nếu cần số không ở vị trí này, mở cửa xe chuông sẽ cảnh báo khi bạn mở cửa.
- R: Reverse, số lùi. Số này cũng chỉ hoạt động khi xe dừng hay chạy không tải để chuẩn bị lùi xe.
- N: Neutral, số "mo". Tại vị trí này động cơ vẫn chạy không tải, nên dùng trong trường hợp kéo, đẩy xe khi bảo dưỡng. Không dùng số N khi đỗ xe và khi chuyển N sang vị trí D và ngược lại thì không cần bấm nút khóa trên cần số.
- D: Drive, số tiến, vị trí thường xuyên nhất khi vận hành xe, tùy theo tốc độ mà số tiến sẽ tự động lựa chọn số cao hay thấp sao cho phù hợp nhất.
- M: Manual (+ -) vị trí phía bên phải số D, vận hành như số thường, cho phép xe chuyển sang số 1, 2, 3, 4, thường để tạo đà tăng tốc vượt xe khác hoặc khi xuống dốc, đổ đèo.
- OD: Overdrive, số vượt tốc dùng như số D.
- L: Low, số thấp, dùng cho các trường hợp tải nặng, lên dốc, xuống dốc.
- S: Sport, số thể thao. Số này cho phép người lái chủ động chuyển số theo ý muốn và tạo cảm giác như đang lái xe số sàn.
- D1, D2, D3, D4 hoặc 1, 2: Sử dụng khi cần đi tốc độ chậm, đường khó đi hoặc tăng tốc. Tuy nhiên công dụng rất quan trọng của những số này là hỗ trợ đổ đèo an toàn.