Bí quyết thành công của các doanh nhân thành đạt

Tải Bí quyết thành công của các doanh nhân thành đạt
3467 lượt xem
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hà
Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Mua sách để ủng hộ tác giả

Cuốn sách "Bí quyết thành công của các doanh nhân thành đạt" của tác giả Nguyễn Thị Hồng Hà là những kinh nghiệm sương máu chúng ta cần phải biết để hướng tới thành công. Hãy đọc qua các đoạn trích để thấy được chân lý của nó.


Trích dẫn:

1. MATSUSHITA

Matsushita là một trong những công ty công nghệ thông tin nổi tiếng ở Nhật Bản với những thành công chắc chắn cùng nhiều phát kiến mới mẻ. Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, cùng với một số công ty hàng đầu khác, Matsushita đang dẫn đầu trong cuộc nghiên cứu máy tính cỡ lớn. Năm 1964, công ty đột nhiên tuyên bố ngừng sản xuất máy tính cỡ lớn. Tin tức này đã làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên và khó hiểu. Bởi vì Matsushita đã bỏ ra 5 năm để nghiên cứu và đây đã là giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm, tiêu tốn khá nhiều tiền của và việc kinh doanh của công ty vốn đang rất thuận lợi.


Đương nhiên, để đưa ra quyết định này, Matsushita phải dựa trên những nghiên cứu, tính toán hết sức kỹ càng. Thị trường Nhật Bản không lớn nhưng có tới 7 công ty trong nước như Sanyo, Hitachi, Sony… cùng cạnh tranh bán mặt hàng này. Thị trường thế giới hiện đang bị hãng IBM độc chiếm, ngay cả các công ty nổi tiếng như Siemens, RCA… cũng phải rút khỏi lĩnh vực sản xuất máy tính cỡ lớn. Nếu quyết định theo cuộc đua đến cùng thì công ty sẽ phải tiếp tục dốc vốn đầu tư vào đây mà chưa biết sẽ chiếm được ngôi vị nào. Trong khi đó, còn rất nhiều phát minh khác không nổi danh bằng máy tính, nhưng rất hữu dụng và không đòi hỏi quá nhiều chi phí và công sức. Vì vậy, dù đã bỏ ra nhiều công sức và chi phí, Matsushita vẫn dũng cảm rời bỏ cuộc chơi này. Ngày nay, trong nhiều lĩnh vực, từ điện gia dụng đến điện công nghiệp, Matsushita vẫn là một trong những tên tuổi hàng đầu. Ngày nay không mấy ai quên được bài học từ cuộc rút lui đầy tính truyền kỳ của Matsushita thuở trước.


* Cách thức áp dụng kế sách

Cho dù đã đổ nhiều tiền của và công sức để đưa ra sản phẩm mới nhưng khi phân tích lâu dài thấy tình thế bất lợi cho mình, công ty Matsushita đã không tiếc công sức bỏ ra, hay sợ đối thủ chê cười, nhanh chóng rút khỏi cuộc cạnh tranh và lập tức chuyển hướng kinh doanh. Như vậy, trong tình huống này, sự quyết định rút lui của Matsushita không phải là hèn kém mà rất dũng cảm và đáng khâm phục


2. SONY

Nói đến máy camera, người ta không thể không nhắc tới nhãn hiệu Sony. Năm 1975, việc cho ra đời hệ thống Betamax đã giúp Sony trong nhiều năm liên tiếp chiếm lĩnh thị trường veo.


Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Sony là JVC. Để phản công, chỉ một vài năm sau đó, hãng JVC đã đầu tư nghiên cứu và cho ra đời hệ thống VHS. Xét về mặt chất lượng và kỹ thuật sản xuất thì hệ thống Betamax vượt trội hơn hệ thống VHS.


Nhược điểm duy nhất mà Sony mắc phải là quá tham lam, muốn lũng đoạn thị trường nên không chịu chia sẻ công nghệ với các công ty điện tử. Hãng JVC đã dùng phương thức công khai kỹ thuật để hợp tác với các công ty điện tử khác, do đó nhiều nơi trên thế giới đã chấp nhận sử dụng hệ thống VHS.


Các đối thủ dùng hệ thống VHS liên kết với nhau bao vây thị trường khiến cho Sony trở nên đơn độc, hệ thống Betamax vì thế mà mất dần khách hàng.


Lâm vào tình thế bất lợi nhưng vì muốn giữ thể diện nên Sony nhất định không chịu cắt giảm hoặc ngừng sản xuất hệ thống Betamax.


Trái lại, họ vẫn tiếp tục đầu tư lớn vào cải tạo kỹ thuật và tăng cường quảng cáo. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng đã không còn ưa chuộng hệ thống Betamax do tính giao diện quá hẹp của nó nên mọi sự nỗ lực của Sony đều trở nên vô ích. Vào mùa xuân năm 1988, cuối cùng Sony đã phải công nhận sự thất bại của mình và chuyển sang sản xuất hệ thống VHS. Với quyết định chậm trễ này, Sony đã tốn không biết bao nhiêu nguồn lực, tiền của cũng như đã để chậm lại nhiều kế hoạch cạnh tranh.


Có thể đó cũng là một tiền đề cho sự nhường vị trí số một cho Samsung của Sony hôm nay mặc dù khi Sony bắt đầu phát minh ra Betamax thì Samsung còn đang là một chú bé chập chững.


* Cách thức áp dụng kế sách


Sony đã cùng lúc mắc phải ba sai lầm:


– Thứ nhất là sợ bị đối thủ JVC coi thường, chê cười mà trì hoãn công bố thua cuộc.


– Thứ hai là tiếc công sức bỏ ra mà “cố đấm ăn xôi”, vẫn tiếp tục sản xuất hệ thống Betamax suốt 10 năm sau đó dù biết rõ sản phẩm không còn phù hợp với nhu cầu thị trường.


– Thứ ba là đã nuôi hy vọng không thực rằng sẽ cứu vãn được tình thế.


Do vậy mà họ đã phí phạm biết bao nhiêu nhân lực và tiền của để tiến hành cuộc cạnh tranh vô vọng, hao tổn sinh lực vô ích. Biết thua thiệt mà không từ bỏ là cách làm trái với nguyên tắc kinh doanh, khác nào tự mình tiêu diệt mình, chẳng hề oan ức.


3. NHỎ ĐỂ LỚN

Ở Trung Quốc có một công ty chuyên sản xuất máy kéo làm ăn khá phát đạt. Sản phẩm chủ lực của họ là loại máy kéo lớn 50 mã lực chuyên cung cấp cho thị trường nông thôn.


Do sự biến động của tình hình kinh tế nông nghiệp Trung Quốc, loại máy kéo lớn không thể tiêu thụ được. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của công ty suốt hai năm liền do dự không dám hạ quyết tâm cắt bỏ sản phẩm này vì cho rằng đó là sản phẩm chủ lực nên phải theo đến cùng, khiến cho công ty lâm vào cảnh lao đao, thậm chí không có tiền để trả lương cho công nhân. Không thể đảm đương nổi trọng trách, ông giám đốc đương nhiệm đã xin từ chức.


Ông giám đốc mới lên nhậm chức là người quyết đoán, để xoay chuyển cục diện nguy ngập của công ty, ông đã mạnh dạn cắt giảm 85% sản lượng máy kéo cỡ lớn và chuyển trọng điểm sang sản xuất máy kéo loại 15 mã lực. Ngay lập tức, khách hàng tới tấp đặt mua loại sản phẩm mới này, đồng thời sản phẩm cũ loại 50 mã lực vẫn đáp ứng được mức nhu cầu vừa phải của thị trường nông thôn. Nhờ vậy mức lương của công nhân được tăng thêm 70%.

Dù biết sản phẩm chủ lực của mình không còn thích hợp với thị trường nhưng do không đủ dũng khí và can đảm để cắt bỏ mà công ty máy kéo đã tự đẩy mình vào tình thế khó khăn.


May thay, muộn còn hơn không, ông giám đốc mới, với tầm nhìn xa trông rộng, tỉnh táo nhận ra mục đích chính, lợi ích thực của công ty là phải đổi mới sản phẩm theo đúng nhu cầu của thị trường thì mới có thể tồn tại và phát triển.


Quả nhiên, việc chuyển hướng sang sản xuất máy kéo cỡ nhỏ đã đem lại sự hồi sinh thần kỳ cho công ty.


4. BIẾT DỪNG ĐÚNG LÚC

Hãng hàng không Ryanair của Ireland ra đời năm 1986 khi đã có rất nhiều hãng hàng không khác trên thế giới làm ăn phát đạt và chiếm ưu thế. Để xâm nhập thị trường, Ryanair đã sử dụng chiến lược hạ giá thấp hơn các đối thủ để thu hút khách hàng.


Cách làm này lập tức phát huy tác dụng nhưng chỉ chiếm được ưu thế trong thời gian đầu. Sau đó các đối thủ mạnh là British Airways và Aer Lingus đã phát động một cuộc chiến về giá đồng loạt giảm giá 20%. Do vậy, đến năm 1991, Ryanair thua lỗ nặng và có nguy cơ phá sản.


Biết rằng chính mình là người khiêu chiến trước nhưng qua phân tích Ryanair thấy cần phải chủ động từ bỏ chiến lược cạnh tranh về giá, nếu không sẽ chỉ có mình chịu thiệt mà thôi. Nhận thức rõ điều này, Ryanair quyết định chủ động ngừng cuộc chiến giảm giá, đồng thời công ty quyết định cứu vãn tình thế bằng cách chuyển sang chiến lược giảm chi phí. Quả nhiên hiệu quả hiện rõ, sang năm 1992, công ty lại có lãi và duy trì được lợi thế này trong suốt thập kỉ 90.


* Cách thức áp dụng kế sách


Tự mình khiêu chiến trước và bị đối thủ dùng chính vũ khí ấy đánh lại, Ryanair đã bị giáng một đòn chí tử. Tuy nhiên, biết bỏ qua sự sĩ diện, cố chấp, Ryanair chủ động rút khỏi trận chiến vì nhận thấy có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn đang chờ mình nếu ngoan cố tiếp tục cuộc đua. Chính nhờ sự tỉnh táo, biết dừng đúng lúc mà Ryanair tiết kiệm được thời gian, sức lực, trí tuệ, tìm ra chiến lược mới khả thi hơn, thoát khỏi tình thế khó khăn.


Có thể thấy rằng trong kinh doanh, người làm ăn khôn ngoan là người biết chọn đúng điểm dừng cho mình. Cần phải biết rút lui trên mặt trận bị thua và mở một mặt trận khác để thu được hiệu ích lớn hơn.


5. GIÁ MÀ BIẾT DỪNG ĐÚNG LÚC

Có một công ty quảng cáo ở Hà Nội, tuy quy mô của công ty không lớn nhưng do làm ăn rất có uy tín nên vào năm 2001, họ đã nhận được đơn hàng làm Bộ 6 quyển Catalogue, giới thiệu sản phẩm cho một công ty chuyên sản xuất đồ nội thất có tiếng tăm của nước ta.


Đối với một công ty quảng cáo có quy mô khá ở nước ta khi đó, nhận được hợp đồng chụp ảnh, thiết kế và in 6 loại Catalogue với số lượng 10.000 quyển mỗi loại là một hợp đồng không thể bỏ qua. Công ty trên đã quyết tâm tập trung nỗ lực để hoàn thành với 2 mục tiêu: Lợi nhuận và uy tín bởi đối tác là doanh nghiệp có tiếng tăm.


Vậy nhưng sau nhiều tháng ròng rã, công việc vẫn giậm chân ở công đoạn chụp ảnh sản phẩm và thiết kế sơ bộ. Bởi cứ vừa chụp xong ảnh (mỗi lần chụp hàng trăm bức ảnh, kéo dài hàng tuần) khách hàng lại đưa ra lời chê bai, đòi chụp lại. Nhiều tháng sau công ty quảng cáo mới biết được lý do là công ty nội thất chưa định hình xong nhóm sản phẩm chủ yếu, nên mỗi lần định đưa ra dòng sản phẩm chủ yếu họ lại đòi chụp lại sản phẩm. Lúc này đã 6 tháng trôi qua, quân tướng đã nản lắm rồi. Khách hàng thỉnh thoảng lại đưa ra yêu cầu, đòi hỏi. Tiền cọc đã nhận, lại tiếc công sức bỏ ra, đồng thời cũng trông mong khoản lãi để bù chi phí, nên anh em lại bảo nhau cố làm cho xong.


Tám tháng sau, do nhu cầu dự hội chợ, công ty nội thất cuối cùng cũng duyệt maquette để in 2 cuốn catalogue đầu tiên. Sau khi nhận xong, dù chất lượng sản phẩm tốt tới mức tốt nhất có thể, nhưng công ty kia vẫn tiếp tục đưa ra đòi hỏi làm thêm 2 bộ tờ gấp mà không đả động đến 4 cuốn catalogue còn lại. Công ty quảng cáo phải cắn răng làm.


Chỉ đến khi giao xong 2 tờ rơi, công ty nội thất kia lại dùng ngay tiền đặt cọc trước đó để gạt ngang sang 2 tờ gấp và yêu cầu chụp ảnh làm tiếp thì gây sự bất bình trong tập thể cán bộ nhân viên, công ty quảng cáo mới quyết định chấm dứt hợp đồng tưởng chừng như hấp dẫn kia.


Ngày nay, với rất nhiều nỗ lực, công ty quảng cáo nọ đã trở thành một tên tuổi lớn ở Việt Nam, nhưng người giám đốc công ty vẫn không bao giờ quên bài học thuở nào. Nếu biết dừng sớm hơn, không bỏ phí 8 tháng vô ích, ngày nay công ty anh đã có thể đi xa hơn, anh đã không mất đi những cán bộ phải bỏ việc vì quá chán nản.


* Cách thức áp dụng kế sách


Người giám đốc công ty quảng cáo trên quyết định rút lui quả là muộn màng. Vì dù khách hàng vô cùng tiếng tăm nhưng khi nhận thấy họ có biểu hiện không đứng đắn thì phải biết dừng lại đúng lúc, bởi càng theo đuổi sẽ chỉ làm tổn hại mình mà thôi. Nếu dừng hợp đồng sớm hơn thì công ty có thể có được một hợp đồng khác tốt hơn thế nhiều.


Trong kinh doanh, khi nhìn thấy quan hệ hợp đồng bất bình đẳng hoặc không có lợi cho ta thì dù hợp đồng ấy có béo bở nhất, khách hàng có tên tuổi nhất thì cũng nên tỉnh táo từ bỏ nó, chuyển sang việc khác, đừng cố “tham bát bỏ mâm” mà chịu thiệt hại nặng nề.


CLICK LINK DOWNLOAD SÁCH TẠI ĐÂY.

Gợi ý cho bạn