Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ tổng hợp những bài văn mẫu lớp 11 hay, giúp các bạn học sinh có nhiều ý tưởng khi viết văn, tránh lạc đề. Hi vọng bài nghị luận về trách nhiệm của con cái trong gia đình này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các bạn học tốt môn Văn, ôn thi THPT Quốc gia môn Văn hiệu quả.

Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

  • 1. Dàn ý nghị luận trách nhiệm của con cái với cha mẹ
  • 2. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ
  • 3. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 2
  • 4. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 3
  • 5. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 4
  • 6. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 5
  • 7. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 6
  • 8. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 7
  • 9. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 8
  • 10. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 9
  • 11. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 10

Tìm Đáp Án xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu ôn tập môn Ngữ văn nhé. Bài viết tổng hợp 10 mẫu bài nghị luận nêu rõ được trách nhiệm của những người con đối với cha mẹ mình. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết tại đây.

1. Dàn ý nghị luận trách nhiệm của con cái với cha mẹ

1. Mở bài

- Dẫn ra một vài câu ca dao tục ngữ rồi đi vào vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài

a. Định nghĩa:

- Đó là ý thức của con người về những việc, những hành động mình cần phải làm và được người khác kỳ vọng, mà trong bài viết này chính là trách nhiệm với cha mẹ, bao gồm sự yêu thương, chăm sóc và lòng biết ơn.

b. Vì sao ta phải có trách nhiệm đối với cha mẹ?

- Cha mẹ là người đã sinh ra ta, cho ta sinh mạng, mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, nhan sắc, chịu bao cực khổ để nuôi nấng ta thành người. Cha đã hy sinh cả cuộc đời, làm lụng vất vả để cho ta một cuộc sống đầy đủ vật chất. Tuy chịu nhiều vất vả nhưng cha mẹ chưa bao giờ ca thán lấy nửa lời.

- Không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta hết lần này đến lần khác. Cho dù cả thế giới có bỏ rơi bạn nhưng cha mẹ thì không bao giờ.

- Cha mẹ là người duy nhất hy sinh tất cả vì chúng ta, ước muốn duy nhất của họ là cho chúng ta một cuộc đời tốt đẹp (lấy ví dụ nhân vật Lão Hạc).

- Cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục chúng ta thành người, cho chúng ý thức về thế giới, nâng bước ta vào đời.

c. Trách nhiệm của con cái:

- Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để khiến cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng.

- Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa.

- Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc.

- Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ.

d. Phê phán một số những bất cập trong xã hội hiện tại.

- Nhẫn tâm bỏ rơi cha mẹ, không thăm hỏi chăm sóc, đối xử lạnh lùng với cha mẹ.

- Có kẻ còn ác tâm hành hạ, đánh đập cha mẹ già.

- Mải miết lao theo những cuộc vui của bản thân mà không để tâm đến cha mẹ già mong ngóng từng ngày.

=> Khi cha mẹ đã mất đi rồi thì có hối hận cũng đã muộn màng.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ cá nhân.

2. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Câu thơ vang lên như xoáy mạnh vào tim tôi. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng thứ tình cảm nào là cao cả và thiêng liêng nhất? Đó chính là tình cảm gia đình, một thứ tình cảm mà bấy lâu nay đã bảo bọc, nuôi dưỡng tâm hồn ta. Nó khiến tôi suy nghĩ đến trách nhiệm của một người con đối với gia đình thân yêu của mình. Vậy trách nhiệm đó là gì?

Trách nhiệm có nghĩa là mỗi người cần phải ý thức tự giác làm những gì mình được giao và những gì người khác muốn mình làm, cụ thể ở đây chính là cha mẹ. Đó là bổn phận mà con cái phải hoàn thành, đây cũng chính là đạo làm con từ xưa đến nay.

Mỗi con người cần phải xác định rõ và thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Bởi trên thế gian này, không có tình thương yêu nào sánh bằng tình thương yêu của cha mẹ dành cho con. Nó to lớn như núi cao biển rộng và đã được thể hiện rất nhiều trong thơ ca. Vì thế, mỗi người con đều phải có trách nhiệm làm tròn chữ hiếu để không phụ lòng cha mẹ.

Vậy chúng ta phải làm gì để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình? Bổn phận lớn nhất của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, nghe theo những lời hay lẽ phải của cha mẹ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải học tập thật tốt để có thể xây dựng một tương lai tươi đẹp cho bản thân, không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải biết tránh xa những thói hư tật xấu của xã hội và rèn luyện những đức tính tốt đẹp cho bản thân như cư xử đúng mực với những người xung quanh mình nhất là người lớn, yêu thương và tôn trọng mọi người, không xa hoa đua đòi với bạn bè…Và quan trọng hơn hết, chúng ta phải biết quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ từ những việc nhỏ nhất. Đó là tất cả những gì mà một người con phải có trách nhiệm thực hiện để làm tròn chữ hiếu của mình.

Chữ hiếu là nền tảng của đạo lý và luân thường của con người, vì thế ai mà không đối xử tốt với cha mẹ là người thân của mình thì xã hội cũng không còn tử tế với họ nữa. Hiếu với cha mẹ không những chỉ cốt giữ được lòng kính mến là đủ mà còn làm cho cha mẹ vui lòng. Cha mẹ là người sinh ra con cái, và có một kỳ vọng lớn lao vào con cái, con cái hạnh phúc, cha mẹ hạnh phúc. Vì vậy hiếu thảo với cha mẹ là một nền tảng của tình yêu thương trong xã hội con người chúng ta. Con cái dù có thành công hay thất bại, gia đình vẫn là mái ấm duy nhất luôn cùng con trên bước đường đời.

Bên cạnh đó, trong thực tế có rất nhiều đứa con không có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, vui chơi quên ngày tháng mà không hề nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm lao động, đổ mồ hôi nước mắt để cho con một cuộc sống ấm êm, sung sướng. Tôi tự hỏi rằng tại sao trên cõi đời này lại còn tồn tại những đứa con bất hiếu như thế? Nỡ nào quên đi những tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý. Có phút giây bất chợt nào đó, những người con chợt nghĩ ra rằng mình vẫn còn một người mẹ, một người cha sống trên cõi đời này không? Nếu sau này cha mẹ mất đi mà có hối tiếc thì cũng đã muộn mất rồi.

Tóm lại, mọi người con đều phải sống có trách nhiệm với gia đình của mình, nhất là khi còn có cha mẹ để yêu thương, để làm chỗ dựa cho mình trong những lúc vấp ngã trong cuộc sống. Tình cảm gia đình là một dòng suối ấm áp, hiền hòa nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta có thể đứng vững trên đường đời đầy chông gai. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta hãy sống thật có trách nhiệm với cha mẹ, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng để không phải hối hận khi họ đã ra đi mãi mãi…

3. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 2

“Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”

Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.

Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.

Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Chắc các bạn đã từng đọc hay được nghe câu thơ:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”

Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.

“Công cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”

Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.

4. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 3

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Mỗi khi đọc từng câu từng chứ trong bài ca dao này thì ta lại thấy được công lao của cha mẹ thật to lớn không gì có thể so sánh được. Người đã sinh ra ta, nuôi ta nên người mà không ngại vất vả khó nhọc. Chính công lao đó khiến cho người con không thể nào quên được, sẽ luôn ghi nhớ suốt cả cuộc đời này, đồng thời chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ. Đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi người con nên làm đối với người có công nuôi dưỡng và sinh thành ra mình.

Từ khi nằm trong bụng mẹ chưa được sinh ra thì mỗi người con đã nhận được sự chăm sóc của người cha và tình yêu thương trông chờ của người mẹ và khi được sinh ra thì mẹ nuôi ta lớn bằng dòng sữa ngọt ngào rồi trông chờ cả những bước đi đầu tiên của con, tập cho con đi, tập cho con nói, hạnh phúc nhất là được nghe con mình kêu được hai tiếng cha mẹ đầu tiên.

Thời gian trôi đi rất nhanh, mới đó thôi nhưng ngoảnh lại con đã khôn lớn thì cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ lại vất vả hơn khi nuôi chúng ta đi học. Cho dù có khó khăn vất vả tới đâu hay phải làm lụng suốt ngày thì cha mẹ cũng yêu thương chăm lo cho con cái hết mực. Không có cha mẹ nào không yêu thương con mình. Chính vì thế công lao của cha mẹ như trời biển cho nên con cái cần phải có trách nhiệm đối với cha mẹ.

Khi còn nhỏ chúng ta chưa đủ sức để kiếm tiền, chưa đủ trưởng thành để làm những công việc nặng nhọc. Công việc của chúng ta lúc này là học nhưng học phải chăm ngoan, nghe lời thầy cô giáo, nghe lời bố mẹ để đạt được điểm cao trong học tập. Có như vậy thì cha me mới yên lòng, mới vui vẻ hạnh phúc được.

Khi con cái đã đủ chín chắn và trưởng thành thì cha mẹ cũng đã già yếu đi rất nhiều, và đây chính là thời gian chúng ta nên làm để báo hiếu cho cha mẹ. Báo đáp ở đây không phải là kiếm ra thật nhiều tiền rồi đưa cho cha mẹ là hết nghĩa vụ và trách nhiệm mà còn làm chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ mình khi đã về già. Bởi khi già đi cha mẹ chúng ta thường rất cô đơn vì con cái thường bận rộn từ công việc này đến công việc khác, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Chính vì thế cho nên để trở thành chỗ dựa tốt cho cha mẹ, bên cạnh chăm lo đầy đủ cuộc sống vật chất thì còn phải chăm lo đầy đủ về cuộc sống tinh thần cho cha mẹ. Hãy thu xếp thời gian để cùng ở bên cha mẹ, tâm sự và trò chuyện cùng cha mẹ nhiều hơn.

Những việc người con nên làm cùng khi cha mẹ về già đó chính là ăn một bữa cơm ngon cùng bố mẹ, cùng kể những câu chuyện thơ bé, ôn lại những kỉ niệm của gia đình hay là vào những ngày lễ của cha mẹ, dịp nào đó thì nên tổ chức đông đủ tất cả anh em để sum vầy, để cho bố mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Cuộc sống không phải người con nào cũng làm được như vậy, có người thì nghĩ chỉ cần đưa thật nhiều tiền cho cha mẹ là được rồi lại lao vào công việc và những cuộc vui cùng bạn bè dẫu họ biết rằng cha mẹ đang ở nhà ngóng trông con mình.

Ở đời ai cũng có bạn bè cũng có quan hệ xã hội nhưng mà đừng quá sa vào những đam mê quá mà bỏ quên người đã sinh thành ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta nên người

Nhiều người còn cho rằng cha mẹ là gánh nặng của họ mà không hề ngần ngại khi đưa họ vào viện dưỡng lão, nơi mà đáng lẽ ra ở đó chỉ có những người neo đơn được ở. Đúng như người xưa đã nói:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.

Vậy đấy, công lao cha mẹ rất lớn lao và cho dù đi hết cả cuộc đời này thì người con vẫn không thể báo đáp được công lao to lớn ấy. Vì vậy, khi còn có thể thì chúng ta hãy đền đáp công ơn đó từ những việc làm đơn giản nhất, hãy là chỗ dựa vững chắc nhất cho cha mẹ khi về già. Đây chính là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ mình.

5. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 4

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

(Ca dao)

Từng chữ, từng từ trong mỗi câu thơ cho ta thấy công ơn lớn lao của cha mẹ, người đã sinh ra ta, không quản ngại khó khăn vất vả nuôi ta khôn lớn. Công lao bằng trời bằng bể này của cha mẹ, những người con không bao giờ được quên mà phải ghi nhớ suốt đời, đồng thời phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Đây chính là trách nhiệm mà mỗi người con đều phải ghi nhớ.

“Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng”, đúng như lời bài hát, từ khi còn nằm trong bụng mẹ mình, mỗi người con đã nhận được sự chăm sóc của cha và tình yêu thương của mẹ, và rồi khi sinh ra, những người con lớn lên bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào, đi vào giấc ngủ say nồng bằng những lời ru êm ái của mẹ. Cha mẹ trông mong con mình từng ngày để đến “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò”; rồi đến “chín tháng lò dò biết đi”, những bước đi đầu đời còn chập chững, con ngã con khóc, cha mẹ lại dỗ dành vỗ về con. Rồi đến lúc con bập bẹ tập nói cả nhà cũng như đang tập nói theo con. Thời gian trôi nhanh lắm, những người con cứ dần dần lớn lên rồi đi học đồng nghĩa với việc cha mẹ lại vất vả hơn, chăm lo cho con từ việc ăn mặc đến học hành. Dù lúc nào đi nữa cha mẹ cũng yêu thương, chăm lo con cái hết mực. Không có cha mẹ nào là không yêu thương con mình cả.

Công lao của cha mẹ có thể sánh được với trời và biển, như thiên nhiên bao la rộng lớn. Chính vì vậy con cái cần có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cha mẹ của mình.

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta

Nên người con phải xót xa

Đền đáp nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”

(Ca dao)

Khi còn nhỏ, ta chưa đủ sức để giúp đỡ bố mẹ làm việc nhưng phải chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, cố gắng siêng năng đạt thành tích cao trong học tập, như vậy dù chưa làm được việc gì giúp cho cha mẹ đỡ vất vả, nhọc nhằn nhưng như cũng đủ làm cho cha mẹ vui lòng. Không có đứa trẻ nào là không ham chơi, bỏ quên lời dặn của cha mẹ nhưng khi phạm lỗi rồi hãy biết nhận lỗi và sửa sai. Đây chính là lời xin lỗi gửi đến cha mẹ mình. Con cái ngày càng lớn lên, trưởng thành bao nhiêu thì cha mẹ ngày càng già yếu bấy nhiêu. Đây mới chính là thời gian mà mỗi người cha người mẹ cần đến sự báo đáp của con cái nhất. Sự báo đáp ở đây không phải là người con chỉ cần kiếm ra thật nhiều tiền để cho cha mẹ mình sống một cuộc sống sung sướng.

Mà mỗi người con cần là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ mình khi về nhà. Ông cha ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy. Cha mẹ chúng ta khi về già thường cảm thấy rất cô đơn vì con cái đều bận rộn với công việc riêng của mình, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Nên để trở thành một chỗ dựa tốt cho cha mẹ mình, thì bên cạnh việc chăm lo đầy đủ về vật chất để cha mẹ không phải sống một cuộc sống cực khổ, những người con cần dành thời gian “chăm sóc” cuộc sống tinh thần cho cha mẹ mình hơn, từ việc thu xếp thời gian để tâm sự, trò chuyện hay đơn giản như từ chối một cuộc hẹn với bạn bè để về ăn bữa cơm gia đình cùng cha mẹ, như vậy cũng làm cho cha mẹ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Hay những việc làm có ý nghĩa như vào những ngày lễ của cha của mẹ hoặc một dịp nào đó có ý nghĩa đặc biệt với gia đình thì bạn hãy mua một món quà dành tặng cho cha mẹ mình dù không phải là món quà có giá trị cao về vật chất mà chỉ đơn giản là một bó hoa thôi nhưng cũng có ý nghĩa về tinh thần rất lớn.

Tuy nhiên không phải người con nào cũng làm được như vậy, có những người họ chỉ nghĩ báo đáp công ơn của cha mẹ bằng cách đưa cho cha mẹ thật nhiều tiền, rồi lao vào công việc, vào những cuộc chơi với bạn bè nhưng họ đâu biết rằng điều những người cha người mẹ mong muốn ở con mình không phải như vậy. Dẫu biết rằng, sống ở đời ai cũng phải có sự nghiệp và bạn bè nhưng cũng đừng đam mê quá mà bỏ quên người đã mang ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta khôn lớn, những người mà trong cuộc đời ta chỉ có một mà thôi. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhiều người con cho rằng cha mẹ già là gánh nặng của họ mà không ngần ngại cho đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão – nơi mà đáng lẽ ra chỉ có những người neo đơn, không nơi nương tựa mới phải ở, vậy mà những người cha, người mẹ có gia đình đấy, có con cái đấy mà vẫn phải vào đây, tuy cuộc sống có ăn, mặc đầy đủ nhưng thiếu thốn về đời sống tinh thần. Và còn rất nhiều những trường hợp ngược đãi cha mẹ khác chỉ về vấn đề tài sản hay những giá trị vật chất tầm thường khác. Đúng như người xưa đã nói:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.

Công ơn của cha mẹ là rất lớn lao mà cho dù có đi hết cả cuộc đời, những người con vẫn không báo đáp nổi. Vì vậy, khi còn có thể hãy đền đáp ơn nghĩa này cho cha mẹ mình từ những việc đơn giản nhất, hãy là chỗ dựa vững chắc nhất cho cha mẹ chúng ta khi về già. Đây chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người con đối với cha mẹ mình.

6. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 5

"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha", "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Đây đều là những câu ca dao, tục ngữ mà ông cha ta bao đời nay vẫn luôn căn dặn, nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ. Tôi vẫn nhớ có ai đó đã từng nói rằng: "Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng cả. Khi bạn cảm thấy nó dễ dàng, nhất định là đang có người thay bạn gánh vác cái phần không dễ dàng ấy". Và đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, đang còn vô âu vô lo như chúng ta, dĩ nhiên rằng cuộc sống của chúng ta thật tươi đẹp, có đôi lúc chúng ta khao khát trở thành người lớn biết bao. Thế nhưng chúng ta chẳng thể mường tượng được rằng những người lớn như bố mẹ đang phải gánh trên vai biết bao nhiêu gánh nặng, biết bao nhiêu nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, bao gồm cả tương lai của con cái nào là học đại học nào, rồi thì cả chuyện kết hôn, thậm chí kiêm luôn cả phần chăm cháu. Có lẽ kể từ khi làm cha mẹ họ chưa từng có ngày nào được thoải mái sống chỉ sống cho bản thân mình. Cha mẹ đã hy sinh nhiều như thế, tôi bỗng nghĩ đến một vấn đề rất đáng quan tâm đó là: "Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ".

Chưa làm cha, làm mẹ thì chưa thấm hết những nỗi vất vả mà cha mẹ ta đã gánh vác trong suốt nhiều năm trời, thế nên thông qua bài viết này tôi muốn giúp các bạn phần nào hiểu rõ được những gì mà các bậc cha mẹ đã hy sinh cho con cái của mình, từ đó mọi người có thể biết mình nên đối xử và có trách nhiệm gì với cha mẹ hôm nay và mai sau. Vậy trách nhiệm là gì? Đó là ý thức của con người về những việc, những hành động mình cần phải làm và được người khác kỳ vọng, mà trong bài viết này chính là trách nhiệm với cha mẹ, bao gồm sự yêu thương, chăm sóc và lòng biết ơn. Vậy vì sao chúng ta phải có trách nhiệm với cha mẹ, tôi xin được nêu ra những lý do sau đây.

Cha mẹ là người có công sinh thành nên chúng ta, mẹ đã thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày rồi lại chịu biết bao nhiêu khổ cực để đưa chúng ta đến với thế giới. Phải nói rằng đối với riêng bản thân tôi, người vĩ đại nhất trên thế giới này chính là những người mẹ, để sinh một đứa con họ đã phải chịu biết bao khổ sở, những cơn ốm nghén hành hạ, những lần đứa con bé bỏng quẫy đạp trong bụng, những lần chân bị chuột rút đau không nói nên lời. Mang thai là mẹ phải chấp nhận từ bỏ tuổi xuân, từ bỏ đi cái nhan sắc với thân hình mảnh dẻ đã từng một thời được biết bao người mến mộ trong đó có cả bố. Mẹ chấp nhận từ một người phụ nữ dịu dàng, ngăn nắp, lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ để biến thành một bà mẹ bỉm sữa, đầu bù tóc rối, hai mắt thâm quầng, mất ngủ liên tục vì trông cho con được giấc ngủ tròn vành. Không chỉ thế, khoảnh khắc vượt cạn của người phụ nữ là đáng nhớ và mỗi một đứa con đều phải biết thật rõ mẹ nó đã đau đớn đến độ nào. Nếu mẹ sinh thường thì cũng quằn quại, hét đến khản cổ cả ngày trời, nếu mẹ sinh mổ thì ôi chao cũng chẳng bớt đi bao nhiêu đau đớn, mũi thuốc tê chích vào tủy sống khiến mẹ ứa nước mắt, vết mổ khiến mẹ đến thở thôi cũng là một vấn đề, rồi bao nhiêu năm tháng sau này mỗi khi trái gió trở trời lưng mẹ lại đau. Thế nhưng các bạn thấy đấy, chẳng bao giờ mẹ than vãn rằng ngày đó mẹ đã đau đớn như thế nào, mà chỉ nghe mẹ kể về niềm hạnh phúc khi được bế con trên tay. Còn bố, biết bao đêm ròng bố đã cùng mẹ chăm con, ai bảo rằng cha không hy sinh nhiều bằng mẹ, nếu mẹ ngày ngày chăm bẵm con khôn lớn, thì bố lại phải bước ra ngoài kia để gánh lấy gió bão cuộc đời, đem về cho con một cuộc sống tốt đẹp, có thêm con bố phải lao động vất vả hơn, cật lực hơn không chỉ vì con của hôm nay mà còn vì con của 20 năm sau nữa, khi con lớn khôn, khi con lập gia đình, cha đã nghĩ ra biết bao thứ phải lo lắng. Thế đấy, có đi hết cuộc đời ta cũng chẳng bao giờ đi hết lời ru của mẹ, chẳng đếm hết được nỗi vất vả của cha là vậy.

Cha mẹ không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta hết lần này đến lần khác. Cho dù cả thế giới có bỏ rơi bạn nhưng cha mẹ thì không bao giờ, như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con". Đối với người làm cha mẹ dù con có 80 tuổi đầu thì trong mắt họ đứa con này vẫn là một đứa trẻ, một đứa trẻ cần họ chở che, chăm sóc.

Trong cuộc đời này chẳng có ai hy sinh cho chúng ta, yêu thương chúng ta nhiều hơn cha mẹ cả, họ luôn muốn dành cho chúng ta sự đãi ngộ và điều kiện sống tốt nhất. Tôi đã từng đọc nhiều bài báo nói về những người cha, người mẹ nhịn ăn nhịn mặc, chắt bóp từng đồng từng hào để tiết kiệm gửi tiền lên cho con ăn học, với mong muốn con thành tài đỗ đạt. Cái lúc ấy họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện là sau này con khôn lớn sẽ báo đáp mình như thế nào, mà đơn giản là tình yêu thương vô bờ bến của bậc làm phụ mẫu khiến họ chấp nhận hy sinh hết tất cả vì con. Điều ấy thể hiện rất rõ trong một tác phẩm văn học mà nếu như ai yêu văn học Việt Nam đều có thể nhận ra, ấy là nhân vật Lão Hạc, một phận đời khốn khổ, điển hình cho tầng lớp nông dân trước cách mạng. Vì thương con, nên cố làm lụng để tiết kiệm tiền cho con, rồi chẳng may đổ bệnh, tiền bạc đội nón ra đi gần hết, cuối cùng ông lão gửi lại tiền cho bạn nhờ chuyển cho con trai, còn bản thân mình thì tự tử chết, bởi sợ sẽ ăn phạm vào tiền của con. Thế mới thấy tấm lòng của cha mẹ, đến mạng sống họ cũng vì con mà hy sinh.

Cha mẹ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng, hy sinh cho chúng ta mà còn có công lớn nhất trong việc giáo dục chúng ta thành người. Từ một đứa trẻ còn bế trên tay, qua đôi bàn tay dìu dắt của cha mẹ, 10 tháng ta đã chập chững những bước đi đầu đời, qua những lời ngọt ngào âu yếm, hơn một năm ta đã biết bập bẹ cất lên tiếng "cha", tiếng "mẹ" đầu tiên. Cứ như thế, cha dạy ta tập đọc, mẹ dạy ta tập viết, cả cha và mẹ dạy ta những quy tắc ứng xử, những điều căn bản như câu chào, lời thưa, dạy ta cả cách ăn uống, cách làm việc nhà, dạy ta từ cách cầm cái thìa, cái đũa cho đến dạy ta tư cách làm người, cách đối nhân xử thế,... Có thể nói rằng gia đình chính là môi trường giáo dục căn bản và quan trọng nhất giúp định hình tính cách và phẩm chất của một con người, mà cha và mẹ là những người thầy, người cô tuyệt vời nhất, tận tụy và tâm huyết nhất trên đời.

Như vậy với bấy nhiêu lý do thôi cũng đủ để chúng ta hiểu rằng bản thân phải có trách nhiệm vô cùng to lớn đối với cha mẹ, để báo đáp công ơn, sự hy sinh cao cả mà cha mẹ đã dành cho chúng ta cả nửa đời người. Mỗi chúng ta đều phải lấy chữ "Hiếu" làm đầu, coi nó là kim chỉ nam cho cuộc sống, bởi nếu đối xử với cha mẹ còn chưa nên thì đừng bao giờ nghĩ đến việc có thể thành công ngoài xã hội. Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng vì những chuyện nhỏ nhặt của bản thân. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để khiến cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa. Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc. Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ. Trách nhiệm của người làm con không chỉ dừng lại ở khi cha mẹ còn tại thế, mà còn kéo dài mãi về sau này khi cha mẹ đã không còn nữa, thể hiện lòng hiếu đạo và sự biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Nói tóm lại cha mẹ đối với con cái như thế nào, thì phận làm con lại càng phải ý thức sâu sắc và có trách nhiệm đền đáp công ơn ấy một cách ân cần và tử tế.

Trách nhiệm của con cái tuy vậy nhưng cũng chẳng bao giờ sánh được bằng công ơn của cha mẹ, thế mà vẫn có một số con người vô ơn, vô trách nhiệm với chính cha mẹ của mình. Được cha mẹ hết lòng nuôi lớn thế rồi như một con chim đã đủ lông đủ cánh cứ thế lao đi trong nỗi buồn bã của cha mẹ, họ quên đi sự hy sinh của cha mẹ, không buồn hỏi han, chăm sóc, mặc kệ cha mẹ già sống trong cô đơn buồn tủi. Thậm chí có những con người nhẫn tâm bỏ đói, đánh đập cả cha mẹ, thậm chí là ra tay sát hại, thứ con như thế đâu còn là con người nữa. Chỉ khổ cho kiếp làm cha mẹ, cả đời hy sinh vất vả thế nhưng đứa con mà họ nuôi nấng lại trở thành những kẻ vô ơn, bất hiếu. Rồi cũng có những đứa con có lẽ khi còn trẻ họ chẳng nhận ra rằng cha mẹ đã gánh thay họ biết bao khó khăn, họ cứ lao vào những cuộc vui, theo đuổi những những lý tưởng cao xa. Họ cứ mải miết chạy giữa cuộc đời mà không hề nhận ra rằng cha mẹ đuổi theo họ ngần ấy năm cũng đã đến lúc đôi chân run rẩy, đôi mắt mờ dần rồi để khuất mất bóng đứa con của mình. Chỉ đến khi cha mẹ họ mất đi, những con người ấy mới giật mình, mới hoảng hốt nhận ra bản thân giờ đã thực sự trở thành kẻ mồ côi, lúc này đây họ mới thấy đau đớn, thấy hối tiếc vì chưa chăm sóc được cho cha mẹ ngày nào thì cũng đã vĩnh viễn là muộn rồi.

Nói tóm lại, bản thân mỗi chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với các đấng sinh thành, biết yêu thương, trân trọng và gắn bó gia đình. Bởi đó là nơi duy nhất luôn chào đón ta lúc ta mệt mỏi hay gục ngã, cũng là nơi duy nhất có những con người vĩ đại đã cho ta cả cuộc đời, luôn chờ đón ta trở về trong vòng tay yêu thương. Hãy sống là người có trách nhiệm khi còn có thể, bởi mỗi con người chỉ có một lần sống, đừng khiến bản thân phải hối hận và cha mẹ phải đau lòng nhé các bạn.

7. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 6

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Câu ca dao từ ngàn xưa của người dân Việt Nam đến hôm nay vẫn thiết tha nhắc mãi nghĩa tình này:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kinh cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu ca dao gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ về công ơn của mẹ cha, về làm con. Người dân xưa đã gửi gắm lòng biết ơn mẹ cha và lời nhắc nhở người làm con vào bài ca dao với những hình ảnh so sánh thấm thía. Núi Thái Sơn cao lớn vời vợi và nước trong nguồn chảy ra là dòng nước tinh khiết trong lành nhất không bao giờ vơi cạn. So sánh hai hình ảnh ấy với công cha, nghĩa mẹ, tác giả dân gian muốn nói tới thái độ tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với công ơn trời biển của cha mẹ và muốn khuyên mỗi người con phải luôn "thờ mẹ kính cha” phải có thái độ, cách ứng xử tôn kính, quý trọng đấng sinh thành của mình. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cợ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Để có được con mẹ vượt cạn một mình, bất chấp hiểm nguy của tính mạng. Khi sinh ra hài nhi đỏ hỏn, mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Mẹ thức trắng đêm để chăm cho con, "chỗ ráo nhường con, chỗ ướt mẹ nằm". Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, con đau của con, thao thức lo toan. Mẹ và cha hân hoan khi thấy con chập chững những bước đi đầu tiên nghẹn ngào khi con bập bẹ tiếng mẹ tiếng cha.

Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì.

Công sinh thành đã lớn, công dưỡng dục càng lớn hơn. Khi con trưởng thành dần lên, cha uốn nắn con từ lời ăn tiếng nói, từ cách đối nhân xử thế sửa con từ dáng đứng điệu cười. Con là hạnh phúc, là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Nhìn con khôn lớn, mọi cực khổ nhọc nhằn của cha mẹ vơi đi. Con khỏe, ngoan, học giỏi, cha mẹ vui sướng, hạnh phúc. Con ốm đau mẹ nước mắt lưng tròng. Con hư, con phạm lỗi, cha mẹ đau buồn, âu lo.

Cha mẹ không quản vất vả chỉ mong mai sau con thành người có ích cho đời, cho xã hội. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con bước vào đời, là cây cao bóng cả che mát đời con. Trong vòng tay cha mẹ, con lớn lên, trưởng thành. Hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người, là nền tảng của đạo đức.

Phải có hiếu với cha mẹ: phải chân thành biết ơn và tôn kính mẹ cha. Quan hệ giữa cha mẹ, con cái trong gia đình tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng, bảo vệ kỉ cương, đạo lý xã hội. Có hiếu với cha mẹ qua thái độ, lời nói và việc làm cụ thể. Từ lời nói lễ phép đúng mực, từ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình từ những việc nhỏ giúp cha mẹ trong gia đình, từ sự bảo ban gương mẫu với các em nhỏ.

Người con có hiếu phải phấn đấu trở thành niềm tự hào, nguồn động viên bố mẹ; phấn đấu học tập tốt nhất, rèn luyện đạo đức tốt nhất, xác định đường đi tốt để có một sự nghiệp, để trở thành người có ích cho xã hội. Người con có hiếu phải có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già sức yếu. Thờ mẹ kính cha là trách nhiệm, là đạo lý thiêng liêng mà mỗi chúng ta phải gìn giữ, noi theo. Vì đây còn là vấn đề nhân cách, là cái gốc của nhiều tình cảm. Con người không kính yêu cha mẹ thì sẽ không có tình người, không thể là người có phẩm chất, biết sống đẹp, thủy chung với bạn bè, xã hội, nhân dân được.

Thời đại hiện nay vẫn còn một thực tại đau lòng: vẫn còn nhiều người xem nhẹ chữ hiếu, muốn sống tách khỏi gia đình, mẹ cha, đó là nhận thức lệch lạc, sai lầm. Vẫn còn những người con vô ơn, bất hiếu, ngược đãi mẹ cha. Không nghe cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, gây đau lòng, bất hạnh cho cha mẹ. Những người con đó, dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, đều đáng để xã hội lên án, phẫn nộ. Đó là những biểu hiện cùa người vô đạo đức, vô ơn, bạc nghĩa, không có lương tâm. Những biểu hiện đó gây ảnh hưởng, làm băng hoại đạo lý cổ truyền của dân tộc ta và đáng phải lên án.

Cuộc sống dù phát triển thì chữ hiếu vẫn là cơ bản xây đắp những mối quan hệ khác giữa người với người trong xã hội. Người hiếu thảo với cha mẹ thường là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, quan hệ gia đình thuận hòa, góp phần làm kỷ cương của xã hội phát triển. Lòng biết ơn cha mẹ là cội nguồn của lòng biết ơn nhân dân, Tổ quổc.

Chữ hiếu ngày nay phải được hiểu rộng hơn: hiếu với cha mẹ nhưng phải là người công dân tốt vẫn "trung với nước, hiếu với dân". Đạo lý ấy là sức mạnh của nhân dân ta chiến thắng kẻ thù, dựng xây đất nưóc. Lòng yêu nước, yêu nhân dân bắt nguồn từ những tình cảm giản dị bình thường. Có hiếu có tình cha mẹ thì mới có hiếu với đất nước.

Bài ca dao nhắc nhở thấm thía về bài học đạo lý sâu sắc. Bài ca dao sẽ còn mãi với thời gian, nuôi dưỡng tình cảm gia đình, lòng yêu kính mẹ cha bao thế hệ.

8. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 7

"Công lao của cha mẹ to lớn như biển cả và nó rất quan trọng đối với chúng ta". Một công đôi việc mà cha mẹ đã hy sinh cho chúng ta. Họ là người đã chăm sóc và dạy dỗ chúng ta nên người. không có người trồng cây, không có quả. Không có người sinh thành thì không có bản thân mỗi chúng ta. Công đức sinh thành của cha mẹ không gì sánh bằng: cha thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả lo cho con có cơm ăn áo mặc, việc học hành. Dòng sữa ngọt ngào, lời ru của mẹ, người con nào có thể quên. Lúc con ốm đau, bệnh tật, cha mẹ lo lắng thuốc thang. Lòng thành kính của chúng ta tới cha mẹ được biểu hiện trong thực tế đời sống như phải biết kính trọng biết ơn cha mẹ, phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau bệnh tật, khi về già phải biết chia sẻ gánh nặng cuộc sống với cha mẹ. Người con có hiếu là người con luôn biết yêu thương và kính trọng cha mẹ, phải làm cho cha mẹ vui lòng và tự hào về những cử chỉ hành động của chúng ta!

9. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 8

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Mỗi chúng ta phải biết sống hiếu thảo và biết ơn mẹ cha của mình. "Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác" - Marcus Tullius Cicero. Ý câu nói này chính là mọi đức tính tốt đẹp cơ bản nhất của con người đều được gợi từ lòng biết ơn, làm người không có lòng biết ơn thì nhất định không thể nảy nở đức tính tốt. Vậy lòng biết ơn là điều gì mà lại có một sự ảnh hưởng to lớn như vậy đối với đạo đức của con người? Đó là sự hiểu biết và ghi nhớ công ơn của người đã từng giúp đỡ ta. Lòng biết ơn có thể được biểu hiện đơn giản nhất đó là những lời “cảm ơn” của người được nhận ơn với người đã giúp đỡ, đó phải là một lời cảm ơn chân thành từ tận đáy lòng khi người được nhận ơn cảm thấy biết ơn sâu sắc về những điều mà người khác đã cho mình. Cao hơn một lời cảm ơn là tinh thần sẵn sàng trả ơn cho người đã giúp đỡ mình bằng hành động hoặc là giá trị thiết thực bằng tất cả tấm lòng chân thành không tính toán. Nhưng dù là bằng cách nào, con người ta vẫn phải luôn ghi nhớ công ơn của người đã tạo dựng cho mình những điều tốt đẹp. Vậy tại sao chúng ta càng biết ơn mẹ cha của mình? Trước hết, cha mẹ là những người sinh thành ra ta, cho ta sự sống, để ta được có mặt trên cuộc đời này. Pau-tốp-xki đã từng nói “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi chăng nữa thì cuộc sống cũng là một điều kì diệu”. Được có mặt trên đời này đã là một hạnh phúc, là một điều kì diệu và mẹ cha chính là người đã ban cho ta phép màu kì diệu ấy. Sau nữa, cha mẹ là những người thân thiết nhất, gần gũi nhất với mỗi con người, nếu không biết ơn mẹ cha mình thì con người sẽ chẳng bao giờ biết ơn được những người khác, hoặc nếu có thì đó cũng chỉ là những thói đời giả dối, kệch cỡm,… Lòng biết ơn cha mẹ là một trong những đức tính bản năng và vốn có ở mỗi người. Chúng ta cần biết học cách để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với mẹ cha. Chỉ một câu nói cảm ơn khi nhận được một món quà từ cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày như giúp mẹ nấu cơm, cùng cha cắt tỉa cây cảnh,… đã khiến cho đấng sinh thành hạnh phúc biết nhường nào, Khi con cái thể hiện lòng biết ơn, cha mẹ sẽ biết rằng con cái của họ là những đứa trẻ tốt, họ sẽ cảm nhận rằng họ cũng được yêu thương chứ không phải chỉ là người trao đi yêu thương.

Hãy thể hiện lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ. Hãy bắt đầu bằng việc nói cảm ơn mỗi khi cha mẹ làm điều gì đó cho mình. Nếu bạn có thể làm điều đó đối với những người khác thì tại sao lại không thể làm thế với cha mẹ của mình? Hãy giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, học tập chăm chỉ để trở thành người có ích cho xã hội, báo đền công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Bên cạnh đó, xã hội cần thức tỉnh và giác ngộ những đứa con ngỗ ngược, không biết ơn cha mẹ,… Hãy trở thành một đứa con hiếu thảo với mẹ cha.

10. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 9

Công ơn của cha mẹ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn. Họ là người sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn. Công ơn ấy dày như mây trời, cao như đỉnh núi, ào ạt như nước suối đầu nguồn. Dẫu có biết bao nhiêu sự đền trả thì cũng là chưa đủ so với những hi sinh, những chở che mà cha mẹ dành cho mỗi đứa con của mình.

Cha mẹ luôn là người hậu thuẫn dõi theo từng bước đi của con. Khi chúng ta chỉ còn là những đứa bé bắt đầu tập đi cha mẹ chính là người nâng bước, dìu dắt ta trong từng bước chập chững ấy. Không những thế mỗi lần ta vấp ngã cha mẹ lại nâng ta dạy ôm vào ta vào lòng vỗ về an ủi.

Không những thế trách nhiệm của cha mẹ còn là giáo dục cho con cái mình. Những người con lớn lên đến tuổi đi học, ngoài những kiến thức nhà trường dạy dỗ cha mẹ giống như một người thầy giáo cũng giống như một người bạn, chia sẻ cùng con mình những thắc mắc trong cuộc sống. Phần lớn chúng ta học được nhiều đạo lí là ở gia đình chứ không phải nhà trường. Con cái có ngoan ngoãn, có trở thành người có ích hay không, cha mẹ chính là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển ấy.

Không chỉ nuôi dưỡng chúng ta, cho chúng ta ăn, chúng ta mặc, cha mẹ còn dạy dỗ chúng ta cách làm người, cách đối nhân xử thế, cách biết tự lập. Cha mẹ dạy chúng ta bằng những kinh nghiệm, những hiểu biết về đời sống, về đạo làm người của chính bản thân. Sau này, dù chúng ta lớn lên, đi học có thầy cô dạy dỗ, nhưng cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên, người thầy gần gũi nhất của chúng ta.

Từ xưa đến nay, quy luật của tự nhiên cũng như quy luật của sự sống đã không hề thay đổi. Đạo làm con thì cần phải báo hiếu, đền đáp công ơn dành cho cha mẹ. Khi còn nhỏ thì cha mẹ dành tất cả những tình yêu của mình để dành cho con, nuôi con trưởng thành. Đến khi trưởng thành chúng ta phải đền đáp lại công ơn đó, tuy không được nhiều như những gì cha mẹ dành cho ta,nhưng đến khi cha mẹ về già ta đã trưởng thành thì cần phải chăm sóc và yêu thương cha mẹ nhiều hơn nữa. Gia đình là nơi luôn sẵn sàng đón ta trở về dù đi bất cứ nơi đâu thì gia đình vẫn luôn chào đón ta. Gia đình nơi chứa đựng những tình cảm mà chẳng nơi nào tìm được. Rồi sau này khi trưởng thành,khi ta đã khôn lớn quay trở về bên gia đình nhìn cha mẹ ta sẽ có cảm giác hụt hẫng vô cùng khi nhìn thấy những nếp nhăn đã hiện trên khóe mắt, tóc mẹ cha đã điểm trắng… lúc đấy nghĩ sao thời gian trôi nhanh quá muốn lấy lại thanh xuân mà chẳng thể được:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo”

Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn và xúc tích, tác giả đã khái quát một cách rõ nét về cả công ơn của cha mẹ và nhắc nhở chúng ta với những bậc sinh thành của mình. Dù đi đâu đi chăng nữa thì chúng ta không thể quên công ơn đấy, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành thì tình yêu và công ơn dưỡng dục với cha mẹ càng không thể thay đổi

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem so sánh với công cha, nghĩa mẹ. So sánh công ơn của cha đối với mỗi chúng ta dường như còn lớn hơn cả núi Thái Sơn, núi Thái Sơn to lớn bao nhiêu thì công cha cũng lớn bấy nhiêu. Còn Nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn chả ra, nước chảy từ nguồn nhưng liệu ai biết được nguồn nước lớn bao nhiêu, dồi dào bao nhiêu? Cũng như liệu ai biết được tình mẹ, nghĩa mẹ vĩ đại, dạt dào bao nhiêu? Lời răn dạy ấy đúc kết từ bao đời nay và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đạo hiếu làm con đối với cha mẹ là một đạo lý đúng đắn muôn đời. Chín tháng cưu mang mẹ nhiều gian khổ, rồi mang nặng đẻ đau, chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Ngày qua ngày cha phải làm lụng vất vả để cung cấp cho ta đầy đủ vật chất.

Trong xã hội xưa có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo: chuyện về một người con đã lấy thịt mình làm thuốc cho mẹ, chuyện về Lão Lai Tử người nước Sở lúc bảy mươi tuổi còn mặc áo ngũ sắc nhảy múa để mua vui cho cha mẹ. Chữ hiếu được thể hiện ngay trong hành động, ngay trong tình cảm mà chúng ta dành cho cha mẹ. Bổn phận của người làm con trước hết là tu dưỡng học hành, đỗ đạt thành tài để làm cha mẹ vui lòng. Sau đó tận tình chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, lúc tuổi già. Đạo làm con không phải một sớm một chiều mà phải làm trọn vẹn chữ hiếu, dành trọn cả tấm lòng để đền đáp công lao sinh thành của cha mẹ.

Tình cảm cha mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng biết bao. Công cha, nghĩa mẹ vô bờ bến, suốt đời con không thể trả hết. Chúng ta luôn phải nhớ lời của cha ông: thờ mẹ kính cha phải giữ tròn phận sự của kẻ làm con, phải làm tròn với chữ hiếu của bản thân mình. Hiếu là hiếu thuận, hiếu nghĩa, là cư xử làm sao cho kính trọng, yêu thương. Đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà đó cũng là cách sống, đạo đức con người. Chúng ta phải luôn tự nhắc nhở bản thân, phải tuân theo những cách thức ứng xử hợp đạo lý và làm tròn đạo hiếu với cha mẹ.

11. Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ mẫu 10

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

“Công sinh thành không bằng công dưỡng dục” cha mẹ sinh con ra đều mong muốn con được sống ấm no, hạnh phúc, họ đã giành hết thời gian và niềm vui cá nhân của mình để lo cho con cái, nếu chưa làm cha mẹ, chúng ta vẫn chưa hiểu được nuôi dạy được đứa con nên người không phải là điều dễ dàng và cũng chưa bao giờ mong con cái đền đáp bố mẹ, nhưng đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta.

Cha mẹ tần tảo, hy sinh cho con cái mọi thứ, đặc biệt là mẹ của chúng ta, từ khi biết mình có bầu, bố mẹ đều hạnh phúc và sung sướng khi mình được lên chức, niềm vui tăng lên gấp bội thì cũng là lúc những nỗi lo và khó khăn cũng tăng lên, trong đầu luôn quẩn quanh rất nhiều câu hỏi: con mình có phát triển tốt không? Nên ăn gì cho con thông minh đây? Ăn cái này có sao không? Uống sữa này có tốt không? Khi con chào đời, bố mẹ vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ bến, thế là bố mẹ lớn thật rồi, mẹ hy sinh vẻ đẹp của người con gái mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn nên người, chăm lo cho con được bằng bạn bằng bè. Vì vậy những người làm như chúng ta cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm lo và yêu thương bố mẹ, vì chúng ta mà họ đã đánh đổi mọi người: tuổi trẻ, sắc đẹp, sở thích, niềm vui cá nhân,…

Bố mẹ cũng chả cần gì cao sang hay phú quý, chúng ta muốn đền đáp công lao của bố mẹ cũng chẳng phải là cái gì đó lớn lao cả. Lúc bé chỉ cần ta chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà, cha mẹ, có những lúc bố mẹ có thể quát mắng và nặng lời với chúng ta nhưng họ làm như thế cũng chỉ vì họ yêu chúng ta quá mà thôi, bố mẹ chưa bao giờ dạy chúng ta làm những điều xấu xa, sai trái mà họ luôn cố gắng hướng con mình phát triển sao cho tốt nhất, dành cho con những gì đẹp nhất mà thôi, dù họ đã từng lầm lỡ nhưng chưa bao giờ họ mong con mình giống như bản thân mình hết. Ví dụ như: bố mẹ từng là những kẻ tù tội vì tội trộm cắp, hay nghiện hút ma túy, chơi bời quá đà dẫn tới kết cục không ai muốn, chính vì thế mà khi con cái họ lớn lên, họ lại càng khắt khe với con mình, luôn quan tâm nhiều hơn những bố mẹ khác, bởi bố mẹ sợ con lại đi vào vết xe đổ của bố mẹ, hoặc cũng có thể bố mẹ đang là trùm ma túy, trộm cắp chuyên nghiệp nhưng lúc nào cũng bắt con cái phải học hành và ngoan ngoãn, vì họ hiểu rằng, con đường đó không hề đơn giản chút nào.

Bố mẹ chưa bao giờ nghĩ nuôi dạy con cái lớn khôn để sau này chúng phục vụ hay phụng dưỡng mình, nhưng đã là phận con cái chúng ta phải làm tròn bổn phận của người con, đặt chữ hiếu lên trên hết, bởi vì lo cho chúng ta họ đã hy sinh quá nhiều rồi.

Trong thời đại ngày nay, con cái bất hiếu diễn ra ngày càng phổ biến và có nguy cơ tăng lên về số lượng, ví dụ như trường hợp người cha già bị chính con dâu và con trai hùa vao để đánh đạp người cha già yếu vì không tự chăm sóc lấy bản thân mình được, họ xem bố mẹ là gánh nặng, là vật cản trở, phá hoại sự tự do và hạnh phúc của mình.

Có những biện pháp và cách làm khác nhau mà con cái đối xử với bố mẹ khi về già, họ không muốn chăm sóc người cha, người mẹ sinh ra và nuôi lớn mình nên người, họ gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão mà họ nghĩ vào đó bố ẹm của mình sẽ tốt hơn nhưng chúng at đã hoàn toàn sai lầm, về già bố mẹ rất sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, vì vậy khi mà bố mẹ được vào đó họ sẽ cảm thấy mình là thứ bỏ đi, khiến họ buồn bã, chán nản.

“Con không cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”

Lúc bố mẹ khó khăn, vất vả thì liệu chúng ta có biết không? Là phận con cái, nuôi dưỡng và chăm sóc bố mẹ lúc về già chính là trách nhiệm và nghĩa vụ, đừng vì bất kể lý do gì mà để họ cô đơn và buồn tủi, khi về già, “ gần đường, xa trơi” là thời gian mà họ cần con cái ở bên, dù con cái nghèo đói, ăn cơm với rau, dưa cà, họ cũng không bao giờ trách móc mình hết.

Dẫu b iết về già cha mẹ sẽ khó tính hơn, lắm bệnh nhiều tật nhưng không vì thể mà hắt hủi và bỏ mặc ch mẹ mình được, càng như thế chúng ta lại phải càng yêu thương và trân trọng cha mẹ mình hơn. Bố mẹ đã nhọc nhằn, chăm lo cho ta tiếng miếng cơm manh áo, lúc ốm đau bệnh tật chỉ có bố mẹ ở bên chứ chẳng có ai vào để chăm sóc ta hết.

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta

Nên người con phải xót xa

Đền đáp nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”

(Ca dao)

Cha mẹ lúc tuổi già chỉ cần được ở bên con cái, sum họp, nhìn con cái thành đạt và hạnh phúc là được rồi, còn con cái thì đâu có hiểu đâu, họ nghĩ rằng, bố mẹ đã vất vả quá nhiều rồi, bây giờ mình phải kiếm thật nhiều tiền cho cha mẹ hưởng, chỉ có như thế bố mẹ mới sung sướng được, chính vì thế họ suốt ngày lao vòa kiếm tiền, kiếm quên ăn quên ngủ, nhưng cha mẹ đâu cần những thứ đó, đó không phải là báo hiếu mà là tự xa rời cha mẹ mình đi mà thôi.

“Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông”

Cha mẹ đã vất vả cả cuộc đời, vì vậy con cái hãy cố gắng nhắc nhở nhau để báo đáp công lao sinh thành và dưỡng dục. Hãy quan tâm và chăm sóc cha mẹ mình từ những điều đơn giản, bình dị nhất, như thế bố mẹ cũng cảm thấy ấm lòng. Chăm sóc cha mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái.

Trên đây Tìm Đáp Án vừa giới thiệu tới bạn đọc Nghị luận Trách nhiệm của con cái với cha mẹ. Mong rằng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 11, Tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm