Nghị luận xã hội: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

  • 1. Dàn ý: Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: ''Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào''
  • 2. Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 1
  • 3. Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 2
  • 4. Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 3
  • 5. Nghị luận cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 4

Học là quá trình cả đời phấn đấu mà bể học là vô tận nên Lênin đã nói: "Học, học nữa, học mãi". Nhưng không phải cứ muốn học thì có thể thành tài ngay được mà trước hết phải vật lộn với muôn vàn khó khăn ban đầu thì từ từ, ta mới có thể học lên cao nữa và gặt hái được nhiều thành quả hơn. Chẳng thế mà ngạn ngữ Hi Lạp đã có câu: "Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào".

1. Dàn ý: Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: ''Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào''

1. Giải thích

  • Học hành là quá trình học và thực hành để mở mang kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mỗi người.
  • Rễ đắng và quả ngọt là hình ảnh ẩn dụ chỉ công lao học hành và kết quả học tập. Câu ngạn ngữ thể hiện nhận thức sâu sắc về qui luật của học vấn và vai trò quan trọng của việc học hành đối với mỗi người.

2. Phân tích - chứng minh

a: Học hành có những chùm rễ đắng cay

  • Việc học đòi hỏi tốn thời gian, công sức, trải qua cả một quá trình.
  • Quá trình học tập có những khó khăn, vất vả, gian nan: Chiếm lĩnh tri thức, luyện tập, thực hành,...Để có thể giỏi giang, thành công đòi hỏi phải từng bước chinh phục những bậc thang học vấn.
  • Quá trình học tập có khi phải trải qua những thất bại, phải nếm vị cay đắng: Điểm kém, bị quở mắng, thi hỏng....

b: Vị ngọt của quả tri thức hái được từ việc học hành

  • Vị ngọt của kết quả học tập trước hết là người học được nâng cao hiểu biết của bản thân, giàu có hơn về tri thức và tâm hồn, tự tin hơn trong cuộc sống.
  • Thành quả học tập mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bản thân, gia đình, thầy cô giáo, nhà trường, quê hương...
  • Thành công trong học tập cũng chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng mới trên con đường lập nghiệp.
  • Phải biết chấp nhận đắng cay trong giai đoạn đầu để sau đó hưởng thành quả tốt đẹp lâu dài.
  • Dẫn chứng:
    • Ê – đi – xơn: Phải trải qua hàng nghìn thí nghiệm, phải tìm tòi không ngừng để phát minh ra bóng đền điện.
    • Măc - xim Gorki: Phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề vất vả nhưng không nguôi khát vọng học tập. Bằng con đường tự học đầy gian truân, say mê đọc sách tiếp cận ánh sáng văn minh nhân loại và trở thành nhà văn vĩ đại của nhân loại. (Bút danh: Gor - ki có nghĩa là cay đắng)
    • Mạc Đĩnh Chi: Bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách, sau đỗ trạng nguyên.

3. Đánh giá – mở rộng

  • Câu nói bao hàm một nhận thức đúng đắn, một lời khuyên tích cực: Nhận thức được quá trình chiếm lĩnh tri thức, mỗi người cần có bản lĩnh, chủ động vượt qua khó khăn để thu nhận được thành quả tốt đẹp trong học tập.
  • Trong thực tế, nhiều người lười biếng không chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, không biết biến nhựa đắng thành quả ngọt dâng cho đời; hay có những người ỷ lại người khác, không nỗ lực, dẫn đến những hành động gian lận, không trung thực trong học tập
  • Kết quả học tập nếu không từ công sức bản thân sẽ không bền, sẽ có lúc phải trả giá, sẽ trở thành kẻ kém cỏi trong cái nhìn của mọi người.

4. Bài học

  • Nhận thức: Xem câu ngạn ngữ là phương châm nhắc nhở, động viên bản thân trong quá trình học tập.
  • Hành động: Rèn ý thức vươn lên trong học tập, không đầu hàng gian nan thử thách, luôn hướng tới những ước mơ, khát vọng hái quả ngọt từ học vấn để thành công.

2. Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 1

Học là quá trình cả đời phấn đấu mà bể học là vô tận nên Lênin đã nói: "Học, học nữa, học mãi". Nhưng không phải cứ muốn học thì có thể thành tài ngay được mà trước hết phải vật lộn với muôn vàn khó khăn ban đầu thì từ từ, ta mới có thể học lên cao nữa và gặt hái được nhiều thành quả hơn. Chẳng thế mà ngạn ngữ Hi Lạp đã có câu: "Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào".

Học hành là quá trình ta tích luỹ, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của biết bao thế hệ đi trước để lại, biến nó thành của mình rồi áp dụng vào thực tiễn hoặc mở rộng, đào sâu hơn những kiến thức đó. "Cái rễ đắng cay" của học hành là những khó khăn, trở ngại mà con người ta vấp phải khi bắt đầu tiếp cận với những nguồn tri thức mới. Còn "cái quả ngọt ngào" của nó là những thành công ta gặt hái được sau một quãng đường dài cố gắng học tập. Để có thể hiểu rõ hơn câu ngạn ngữ trên, chúng ta hãy tưởng tượng cây muốn đứng vững thì rễ cây phải bám sâu từng chiếc rễ nhỏ xuống lòng đất, nhưng để có được một chiếc rễ to và chắc khoẻ như thế thì không hề đơn giản. Từ đó ta có thể hiểu được nghĩa của câu ngạn ngữ này là: Nêu chúng ta có cố gắng, có quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để học tập thì chúng ta sẽ thu được những kết quả mĩ mãn như mong đợi.

Thành quả luôn khiến người ta khao khát nhưng muốn với tới nó, ta phải trải qua rất nhiều đắng cay. Quá trình học hành cũng thế, con đường đi của học vấn không bao giờ rải hoa hồng. Bởi khi đứng trước một bể kiên thức bao la, vô tận con người ta dễ bị choáng ngộp, run sợ. Rồi khi tiếp cận với từng phần kiến thức mới mẻ hoàn toàn, con người dễ bị nản chí bởi không phải cứ học, đọc là nhớ được, áp dụng lại càng khó. Lúc này phương pháp học là một vị cứu tinh, tự thân mỗi người phải tìm cho mình một phương pháp học thích hợp với sở trường, hoàn cảnh, trí nhớ và cả khả năng tư duy của mình. Đó là một quá trình dài, mòn mỏi tìm tòi, sáng tạo, tham khảo nhiều nguồn để rút ra một phương pháp tối ưu cho mình. Có nhiều người đến đây rồi phải lạc lối nhiều lần mới tìm được đường ra. Rồi sau đó, nắm được phương pháp, ta còn cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu tìm và tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó để có được trọn vẹn kiến thức thì ta phải trải qua quá trình kiểm chứng, sàng lọc lại cái cần thiết, tổng hợp hoặc phân chia theo chuyên ngành để nắm vững kiến thức mới áp dụng được nó. Quả thật quá trình học tập, tiếp thu kiến thức là không hề dễ dàng, đã có biết bao nhiêu người nản chí mà bỏ cuộc.

Chính những lúc khó khăn, nản chí như thế, con người ta mới nghĩ đến "những thành quả ngọt ngào" để làm động lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là việc học tập, tiếp thu kiến thức là một việc khó khăn và nhàm chán, mà ngược lại việc tiếp thu kiến thức có một sức hút kì lạ, khi con người ta biết cái này, sẽ khao khát muốn biết thêm cái nữa hoặc sâu hơn nữa về vấn đề đó. Cho nên càng học, con người ta sẽ khám phá ra nhiều điều mới mẻ hơn, hấp dẫn và lôi cuốn nhiều hơn nữa, khiến lượng kiến thức thu được ngày càng lớn dần làm ta hiểu biết hơn. Đồng thời, học là quá trình tích luỹ kinh nghiệm, là sự chuẩn bị hành trang cho mỗi người bước vào đời, đối mặt với khó khăn của cuộc đời. Kiến thức và kinh nghiệm càng nhiều, con người ta sẽ càng vững tin hơn, càng đứng vững trước phong ba bão táp của cuộc đời sẽ càng thành công hơn. Kiến thức là một bể bao la rộng lớn, không bao giờ có định nghĩa "đủ" đối với việc học, chúng ta có thể học ở bất cứ người nào, bất cứ một lĩnh vực nào trong cuộc sống đầy màu sắc này. Trong xã hội, con người là nhân tố quyết định cho sư phát triển, con người càng tài hoa, đất nước càng phát triển. Nhật Bản là một ví dụ: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật là một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhân dân bị nhiều thảm họa, đất nước ngập chìm trong suy thoái nhưng đến sau năm 1952, Nhật đã vươn lên nhanh chóng thành một siêu cường kinh tế do đã chú trọng đầu tư vào giáo dục, phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định tương lai và khuyến khích cho giáo dục phát triển.

Ở Việt Nam và cũng như trên thế giới, có biết bao tấm gương học tập cần cù, đóng góp sức mình vào sự thay đổi và phát triển của nước mình và của cả nhân loại. Ở Việt Nam ta, Bác Hồ là một tấm gương sáng: Bác đã bôn ba ra nước ngoài học tập mấy mươi năm trời nhọc'nhằn mới tìm ra lối đi cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp lầm than. Rồi, Trần Đại Nghĩa cũng học tập ở nước ngoài rồi về Việt Nam, áp dụng được những điều đã học thêm với những sáng tạo mới của chính mình, đã chế tạo được đạn tầm xa, góp phần bắn rơi máy bay của giặc, làm nên một Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy năm châu. Sau nhiều năm học tập, tìm tòi và nghiên cứu Edison đã sáng tạo ra dược bóng đèn dây tóc đầu tiên trên thế giới – làm nên bước ngoặt trong lịch sử văn minh nhân loại. Rồi cả những thủ khoa đại học đến từ những miền quê nghèo khó, ăn còn không đủ no nhưng nhờ quyết tâm, ý chí nghị lực, họ đã làm nên điều kì diệu mà không hề đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Bên cạnh những tấm gương sáng ngời đó, có những người chỉ mới khó khăn bước đầu đã nản chí, buông xuôi. Hoặc có những người không chịu tìm tòi, nghiên cứu tiếp thu kiến thức mới mà chỉ "há miệng chờ sung", hoặc "học vẹt" cho nhớ để đối phó với thầy cô, để chạy theo điểm số dẫn đến con người không có kiến thức thật, không có thực học. Những người này ra đời không những không thành công mà rất dễ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Vậy nên, chúng ta phải biết tự giác học là trên hết. Đặc biệt là những người còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải ý thức được tầm quan trọng của sự tự giác trong học tập. Chúng ta càng phải biết tìm tòi nhiều nguồn kiến thức hơn để tích luỹ, tìm được một phương pháp tối ưu nhất cho riêng mình. Phải học mọi lúc, mọi nơi, không chỉ từ sách vở mà còn từ những người xung quanh ta, bởi bất cứ người nào cũng có cái hay để ta học hỏi. Có thế, vốn sống của chúng ta mới rộng, kiến thức chúng ta mới phong phú, tinh thần chúng ta mới vững vàng để thành quả chúng ta đạt được càng mãn nguyện hơn. Chính vì vậy, không bao giờ được nản chí, hãy cố gắng phấn đấu hết mình, chúng ta sẽ thấy khả năng của mình là vô hạn, không gì là không thể đạt được cả.

3. Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 2

Đối với mỗi đời người, học tập là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, kéo dài và không có điểm dừng. Con đường học tập mỗi người có thể có những hướng khác nhau, phương tiện khác nhau nhưng cả nhân loại vẫn có một điểm chung là khát vọng chỉnh phục tri thức để làm giàu cho mình và có ích cho đời. Quả thật, để thấu đạt điều đó quả thật chẳng khác gì câu ngạn ngữ Hi Lạp đã nói: "Cái rễ của học hành thì đắng cay nhưng quả của nó thì ngọt ngào".

Để có thể hiểu sâu sắc lời dạy thâm thuý của người xưa, trước hết ta phải tìm hiểu học là gì? Học hành gồm hai giai đoạn quan trọng đó là "học" bắt chước, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước. Bước thứ hai "hành" là vận dụng tri thức đã học vào thực tiễn đời sống để mang lại hiệu quả cụ thể chứng minh việc học đã thành công. Một so sánh giàu hình ảnh và thú vị về "cái rễ đắng cay": Thân cây được tốt tươi là từng khắc, từng phút cái rễ phải cắm sâu vào lòng đất tìm dinh dưỡng và toả khắp nơi trong lòng đất làm vững cho thân cây. Rễ cây làm được điều đó thật chẳng dễ chút nào. Cái "đắng cay" của rễ cây so với đó được "căn bản" – gốc rễ vững vàng của học tập là phải trải qua biết bao khó khăn cùng với những thiết tha sống đẹp, sống có ích làm động lực mới có thể thành công cho rá thành quả "ngọt ngào". Trong học tập, những thành quả đầy vinh dự là phải trải qua vô vàn những thử thách mới đạt được. Đúng vậy, có "ngậm đắng nuốt cay", có "vạn sư khởi đầu nan", thâm chí có hi sinh mất mát để nỗ lực thực hiện hoài bão mới sung sướng, tự hào cảm thấy thành quả đạt được của mình là đáng quý biết bao! Câu ngạn ngữ này cũng có thể hiểu theo câu tục ngữ của Việt Nam "Thất bại là mẹ thành công". Bởi, có trải qua và vượt lên "thất bại" của "cái rễ đắng cay" mới cảm nhận sâu sắc quả của nó ngọt ngào vì lòng ta thấy thanh thản, tự hào không hổ thẹn vì nó là thành quả từ mồ hôi công sức lao động chân chính của mình. Lời dạy từ câu ngạn ngữ như một chân lí tính chất của cuộc sống là luôn có những rào cản tất yếu dường như để thử thách con người và cũng để từ đó nhận ra chân giá trị của con người. Từ đó, ta sẽ nhận ra hướng phát triển của con người và xã hội. Học hành cũng không nằm ngoài ranh giới của quy luật bất biến đó.

Đối với học sinh, những khó khăn trong học tập có thể kể đến như tiếp thu kiến thức vừa nhiều vừa phức tạp; khó khăn trong việc vận dụng các tri thức ấy vào thực hành,... Những thử thách ấy đòi hỏi mỗi con người phải có nghị lực, ý chí và khát vọng cao đẹp để phát triển. Có ý chí, nghị lực con người mới có đủ sức mạnh để vượt qua thử thách. Có ý chí nghị lực và thiết tha cao đẹp, con người mới xa lánh được những cám dỗ tầm thường để đến với thành công. Có ý chí nghị lực, con người mới có thể đạp bằng những gian khó vững bước đi, bỏ lại những thất bại đã qua. Bằng ý chí nghị lực con người mới có thể đi trọn con đường học vấn mà mình đã chọn. Bởi lẽ "lửa thử vàng gian nan thử sức" và sau thất bại, con người phải mạnh mẽ hơn, phát triển hơn khi nhận ra điểm yếu của mình mà phấn đấu hơn. Người đi học cả đời chắc chắn ai cũng hiểu rõ điều đó. Có như vậy họ mới có động lực để chấp nhận "Cái rễ đắng cay của học hành" và chờ đợi "quả ngọt ngào" của những tháng ngày gian khó trải qua!

Thực tế cuộc sống minh chứng rõ ràng nhất cho tính đúng đắn của câu ngạn ngữ. Trong lớp học cùng vậy, bao giờ cũng luôn có sự cạnh tranh trong sáng, lành mạnh và công bằng giữa các học sinh. Đó cũng là một phần động lực không nhỏ đánh thức khả năng cầu tiến của mỗi học sinh. Cũng từ đó họ ý thức được giá trị đích thực của bản thân và xa lánh những ham muốn tầm thường,

Thế nhưng, hiện thực đời sống không phải ai cũng ý thức được điều đó. Vẫn còn đó những học sinh lêu lổng ăn chơi, thiếu ý thức được giá trị to lớn và ý nghĩa của việc học để hoàn thiện mình và phát triển xã hội. Vẫn còn đâu đấy những người dù có cố gắng nhưng chưa thật sự nỗ lực hết mình nên vần dễ dàng quỵ ngã trước những cám dỗ, trước những thói hư tật xấu, và rồi họ mất dần ý chí tự vươn lên. Cũng có một bộ phận dựa vào những thứ có sẵn từ gia đình như tiền bạc quá nhiều, nhưng bậc cha mẹ hoặc là quá ca tụng đồng tiền, hoặc là quá mải mê công việc, chủ quan không chăm sóc chu đáo đời sống tâm hồn của con cái, khiến cho nhận thức của con mình sai lệch và từng bước rơi vào hư hỏng và đương nhiên ý chí sống hầu như còn lại quá ít để đối diện với thực tiễn nhiều biến động của đời sống con người.

Tóm lại, chỉ có những ai chịu những thử thách trong học tập mới có thể thu được "quả ngọt". Mỗi người là một "con nợ" của xã hội. Sống là hoàn thiện bản thân, trả "nợ" cho gia đình và xã hội. Bởi ta lớn khôn đến hôm nay là bắt đầu từ gia đình và xã hội. Sống là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ và cố vượt qua thất bại để thành công. Người đi học chân chính luôn lấy những lời dạy chí tình, chí lí của tiền nhân để khỏi rơi vào bóng của cuộc đời.

4. Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 3

Tôi vẫn thường nghe câu mà các vị tiền bối vẫn an ủi động viên mấy đứa trẻ đang nỗ lực ôn thi vào đại học, cao đẳng để giảm áp lực cho các em rằng: Học hành không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Thế nhưng mọi người thường quên mất vế sau rằng: học hành là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Trên thực tế rằng, việc học tập nhìn có vẻ nhà hạ, đơn giản nhưng riêng bản thân tôi thấy rằng học tập là cả một quá trình lao động vất vả. Người học tựa như một người nông dân dốc sức vun trồng cho cái cây trí tuệ của mình, chăm bẵm, tưới tắm, bón phân, đợi từng ngày, từng ngày cho đến khi cây lớn để thu được những lứa quả đầu tiên ngọt ngào. Việc đạt một thành tích nào đó trong học tập, như đỗ đại học, đạt học bổng, giải thưởng,... đều là những kết quả của việc không ngừng nỗ lực trong nhiều năm học tập, không hề dễ dàng chút nào. Thế nên ngạn ngữ Hy Lạp mới có câu: "Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào".

"Học hành" là cả một quá trình lâu dài mà con người tiếp thu hoặc bổ sung những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhận thức,... thông qua thầy cô, bạn bè, xã hội, thông qua sách vở, báo chí,... bằng cách tổng hợp, tích lũy các dạng thông tin để đưa vào bộ não thành nguồn kiến thức của riêng từng cá thể. Học hành có hai kiểu một là quá trình học chủ động, con người tự giác đi tìm hiểu, học hỏi những thông tin, kiến thức mà họ cho là có lợi đối với mình, thông qua việc quan sát, lắng nghe những gì người khác truyền đạt, hoặc việc tra cứu, tìm kiếm kinh nghiệm từ các loại trải nghiệm, thực hành. Một cách học khác được coi là học bị động, tức là con người không có chủ ý cho việc tiếp thu, nhưng nó lại dần tự đi sâu vào tiềm thức như một thói quen khó bỏ, ví như việc bị ám thị về quan điểm nhân sinh của ai đó, việc ta có thể bắt chước tiếng mèo, tiếng chó dù chưa từng có ý định học nó. Có thể nói rằng học tập là một quá trình phức tạp và gián đoạn, không xảy ra một cách tuần tự mà phụ thuộc vào ý chí bộ não và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập đến việc học có chủ đích, được xây dựng thành một quá trình nghiêm túc, bài bản đó là hệ giáo dục của nhà trường. "Cái rễ của học hành thì cay đắng" là hình thức ẩn dụ khá thú vị, chúng ta vẫn luôn biết rằng phần rễ của đa số các loài cây đều là phần bị vùi dập trong đất cát, bẩn thỉu, chịu nhiều khó khăn khắc nghiệt, hơn thế nữa đa số chúng cũng chẳng có được mùi vị thơm ngon, mà chỉ toàn là cay, đắng, thế nhưng trên tất cả rễ lại là bộ phận quan trọng nhất của một cái cây, không có gốc rễ thì chẳng có loài nào tồn tại sinh trưởng một cách bình thường được. Trái lại "quả ngọt" thì lại chính là phần ngon lành, tuyệt vời nhất của cây mà ai ai cũng ưa thích bởi hình thức đẹp đẽ, mùi vị ngọt ngào, cũng là minh chứng kết quả cho bao ngày tháng vun trồng vất vả. Như vậy hình tượng cái rễ cay đắng và quả ngọt chính là ẩn dụ cho công cuộc học hành đầy vất vả, gian lao, đôi lúc phải trải qua cả vị đắng cay để tạo được một nền tảng vững chắc cho cái cây tri thức được sinh sôi, rồi kết thành những quả ngọt ấy là những thành công, những kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong quá trình phát triển bộ rễ vững chắc lắm nhọc nhằn. Câu ngạn ngữ chính là một trong những nhận thức sâu sắc về quá trình học tập, cũng như vai trò của học tập trong việc rèn luyện phát triển con người trong xã hội.

Nói rằng học hành là cái rễ cay đắng là bởi việc học hành không phải là một chuyện đơn giản mà người ngoài có thể dễ dàng nhìn nhận và đánh giá. Ai cũng nói rằng những đứa trẻ được học hành là nhàn nhã, sung sướng, nhưng tôi lại không cho là vậy, bởi học tập là một công việc lao động trí óc mà đã là công việc lao động thì dù là bất cứ việc gì cũng đều tiềm ẩn những áp lực và những nguy cơ riêng. Học tập là cả một quá trình dài đằng đẵng, ngày đêm khổ luyện để thành tài, tốn nhiều công sức và thời gian, không một ai có thể vừa học đã giỏi mà ít nhiều đều cần phải có khoảng trống để lĩnh hội kiến thức và phát triển thêm. Ví như không ai vừa sinh ra đã biết đọc biết viết, không ai vừa nhìn đã có thể giải được hàm tích phân, chứng minh được một bài hình học không gian, cũng như không ai có thể phân tích được một tác phẩm văn học nếu chưa có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng. Thêm vào đó việc học không phải là việc ta có thể tiến hành một cách gấp gáp, mà phải có tuần tự, học từ cái nhỏ rồi mới tới cái lớn, học từ dễ tới khó, học từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình ấy được tính bằng năm, bằng tháng chứ không thể viết bằng phút, bằng giây, có thể nói rằng học hành là một quá trình đòi hỏi ở con người sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng nghỉ, ứng với câu "dục tốc bất đạt". Thêm vào đó việc học cũng có những vất vả, gian nan riêng mà không phải ai cũng vượt qua được, ta có thể mất cả hàng giờ cho một bài toán khó, mất cả một ngày cho việc chứng minh một định lý, thậm chí là mất cả hàng tháng, hàng năm cho một công trình nghiên cứu khoa học,... Học tập đôi lúc đem đến cho con người ta áp lực vô cùng lớn, ấy là sự kỳ vọng vào điểm số, kết quả thi cử, ánh mắt của người thân, bạn bè, gánh nặng kinh tế, thời gian,... và những lúc khiến ta gần như gục ngã khi bị điểm kém, công trình nghiên cứu thất bại, thi rớt Đại Học,... Tất cả những điều đó chính là vị đắng cay của cái rễ học hành mà không phải ai cũng thấu hiểu, có chăng chỉ mình bản thân người học biết mình đã đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu công sức, đã từng thức trắng bao đêm ôn luyện, đã từng bao nhiêu làn òa khóc trước đống sách vở khó nhằn mà thôi.

Thế nhưng sau khi trải qua tất cả những cay đắng của việc học hành rèn luyện, thì cái mà con người ta nhận được lại là những "quả ngọt" xứng đáng và tuyệt vời nhất thế gian. Vị ngọt đầu tiên mà chúng ta thường hay bỏ qua, bởi nó không nổi bật ấy là sự nâng cao hiểu biết của bản thân, cùng với bề dày tri thức đáng tự hào, đi kèm với những hiểu biết sâu rộng về các kiến thức văn hóa - kinh tế - xã hội, và sự giàu đẹp, phong phú của một tâm hồn có học vấn. Tất cả những điều ấy khiến chúng ta trở nên tự tin hơn trong cuộc sống, trở thành nền tảng cho quá trình tiến thân, trong công cuộc giao tiếp, học hỏi , mở rộng các mối quan hệ xã hội, khẳng định được vị trí của bản thân trong xã hội bởi nguồn tri thức tuyệt vời mà ta có được. Bên cạnh đó sự xuất sắc, thành quả tốt đẹp trong học tập còn trở thành niềm vui, niềm tự hào cho chính bản thân chúng ta và cho cả gia đình và nhà trường những con người dành rất nhiều tình yêu thương và kỳ vọng cho chúng ta. Cuối cùng những thanh công bước đầu trong quá trình học tập còn khiến con người ta có thêm động lực để phấn đấu, cố gắng hơn nữa trong quá trình chinh phục ước mơ, lý tưởng của sống, có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp với những thành công lớn. Như vậy những chùm rễ đắng ban đầu chẳng là gì so với những quả ngọt mà chúng ta sẽ đạt được trong tương lai, là một con người có suy nghĩ và nghị lực lớn chúng ta phải biết vượt qua những thách thức ban đầu, những điều kiện khắc nghiệt của quá trình phát triển tri thức thì mới mong có được những thành quả tốt đẹp. Hãy nhìn cái cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập để thấy bản thân chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa. Từ một cậu thanh niên tròn 20 tuổi, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với tư cách là phụ bếp trên một chuyến tàu biển, Người đã vượt đại dương, buôn ba suốt 30 năm trời ở hải ngoại, Người vừa lao động mưu sinh, vừa làm cách mạng, vừa học tập không ngừng nghỉ. Người đã học cách làm cách mạng của các nước tiến bộ trên thế giới, học cả tiếng của họ để tiện bề hoạt động với những điều kiện vô cùng khó khăn, Bác đã biết đến tận 29 thứ ngôn ngữ khác nhau, nói thành thạo được cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc,... Rồi quay về giải phóng đất nước khỏi xiềng xích của đế quốc. Nếu ai có hỏi thành quả học tập và lao động suốt đời của Bác thì có lẽ chỉ cần tóm gọn trong mấy chữ "nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam" mà thôi. Một tấm gương khác ấy là Gregor Mendel, người đã đặt nền móng cho di truyền học hiện đại, vì nhà nghèo ông không có điều kiện theo học đại học, thế nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu và học tập trong một tu viện với những cây đậu Hà Lan. Thành quả đó là ông đã phát hiện ra quy luật di truyền, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành di truyền học hiện đại, cũng như đại nền móng cho việc nghiên cứu hệ gen người ngày nay. Hay như Henry Ford cha đẻ của những chiếc xe hơi hiện đại ngày nay, và chính ông cũng tự thành lập cho mình một công ty xe hơi với những mẫu xe chất lượng, với nguồn lợi nhuận khổng lồ. Tất cả những thành quả ấy đều bắt nguồn từ việc tìm tòi và học hỏi không ngừng nghỉ của Henry từ khi còn thơ bé, niềm đam mê bất tận với cơ khí đã khiến Henry thành công khi tạo ra mẫu xe hơi mang tên chính mình, và trở thành người tiên phong trong lĩnh vực xe hơi của thế giới.

Như vậy có thể thấy rằng, câu ngạn ngữ chính là lời khuyên, lời dạy vô cùng sâu sắc, đánh giá một cách tích cực về quá trình học tập của con người, mà mỗi chúng ta cần phải có ý thức tự giác bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường lĩnh hội kiến thức. Luôn mang theo tâm niệm "Học, học nữa, học mãi", học không chỉ là một quá trình dài lâu mà học còn là một công việc diễn ra suốt cuộc đời. Bởi kiến thức là vô tận, mà cuộc đời của mỗi chúng ta chỉ vỏn vẹn trăm năm. Chỉ khi chúng ta không ngừng nỗ lực, kiên trì theo đuổi học vấn mà không quản ngại khó khăn thì những thành quả mà chúng ta thu nhận được mới thực sự quý giá và khiến chúng ta tự hào. Tôi thấy rất đáng buồn, khi ngày nay nhiều thế hệ trẻ không còn xem trọng việc học, không tiếp nối được truyền thống hiếu học của cha ông. Mới chỉ gặp một chút khó khăn, một con điểm kém, một bài toán khó, một bài văn dài đã vội than trời trách đất, cho rằng học cũng chẳng thể áp dụng được vào cuộc sống, chương trình khô khan, chán nản,... Đó là những suy nghĩ vô cùng tiêu cực và bị động, bởi việc học là phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu thì mới thấy nó thú vị, chứ chỉ ngồi lì một chỗ ghi chép cho dày vở mà không chịu động não thì cũng chẳng thánh thần nào khiến các em học tập tốt được. Không chỉ vậy một số em học sinh vì sợ vị đắng của chùm rễ học hành mà chuyển sang việc gian lận, ỷ lại vào người khác để được nếm quả ngọt mà không để mình phải đổ một chút mồ hôi công sức nào. Nhưng hỡi ôi, các em đâu biết rằng, không nếm cái đắng cay, thì làm sao thấu hiểu được sự quý giá của vị ngọt thành công, rồi cái thứ phù phiếm viển vông mà các em có được từ việc không trung thực sẽ chính là cái hố chôn vùi cuộc đời của chính mình. Chẳng ai tôn trọng, yêu thương một người lười biếng, ích kỷ, thiếu nghị lực trong cuộc đời, bởi vì họ không xứng đáng có được nó.

Chính vì vậy thông qua câu ngạn ngữ với hình ảnh chùm rễ đắng và cái quả ngọt ngào, mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về quá trình học tập. "Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó là con đường ngắn nhất", đồng thời tôi nghĩ rằng đó cũng là con đường sáng nhất. Mỗi chúng ta đều phải cố gắng, rèn luyện cho mình tính tích cực, tự giác trong học tập, không ngại khó ngại khổ, phải biết kiên trì nỗ lực một lòng hướng tới lý tưởng cuộc sống, những ước mơ và khát vọng đẹp đẽ trong tương lai.

5. Nghị luận cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào mẫu 4

Học tập là quá trình học tập, tiếp thu lâu dài để làm giàu thêm sự phong phú của những hiểu biết. Kiến thức như đại dương mênh mông mà dù có dành cả cuộc đời để học hỏi con người cũng không thể khám phá được hết. Việc học tập cũng không thể thành tài trong ngày một ngày hai, để đạt được thành quả, trái ngọt cuối cùng, con người trước hết sẽ phải trải qua vô vàn những khó khăn, thử thách. Chẳng thế mà ngạn ngữ Hi Lạp có câu “ Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”.

Câu ngạn ngữ “ Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào” là lời nhận định về quá trình học tập gian khổ nhưng thành tưu đạt được qua những gian khổ đó lại vô cùng xứng đáng, ý nghĩa với những công sức mà họ đã bỏ ra.

“Học hành” là quá trình học tập, rèn luyện để tích lũy kiến thức, mở mang hiểu biết của mỗi người. “Rễ đắng” là hình ảnh ẩn dụ của những khó khăn, vất vả trong quá trình học tập. “Quả” được nhắc đến ở đây chính là thành quả, kết quả cuối cùng mà quá trình học tập mang lại, quả ngọt là phần thưởng tất yếu, xứng đáng với những công sức mà người học đã bỏ ra. Câu ngạn ngữ của Hi Lạp đã thể hiện nhận thức sâu sắc về quy luật của việc học cũng như ý nghĩa của việc học đối với mỗi người.

“Học hành có những chùm rễ đắng cay” từ hình ảnh ẩn dụ “chùm rễ đắng cay” gợi cho ta liên tưởng về quá trình học tập nhiều vất vả, thử thách. Để học tập, lĩnh hội những tri thức mới, con người sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và cả một quá trình học tập lâu dài. Trong quá trình học tập, gây dựng nền móng (chùm rễ) tri thức ấy, con người tất yếu phải trải qua những vất vả, gian nan, đó không chỉ là quá trình học tập đơn thuần mà còn là sự vận dụng, thực hành vào trong thực tiễn. Để đạt được mục đích cuối cùng của việc học đòi hỏi phải từng bước chinh phục những khó khăn, chinh phục những bậc thang của học vấn.

Trong thực tiễn của việc học, chúng ta đã trải qua vô vàn những khó khăn, đó là sự chán nản, bất lực khi không thể lĩnh hội một đơn vị kiến thức khó, đó là khi ta trải qua cảm giác thất bại, nếm vị cay đắng: bị điểm kém, bị quở trách, thi hỏng…Tuy nhiên, qua những thất bại nếu chúng ta biết nhìn nhận những hạn chế, tiếp tục cố gắng không ngừng thì chúng ta sẽ chiếm lĩnh được những tri thức, đạt điểm cao trong các bài thi…

Nhà khoa học vĩ đại Ê-đi-xơn cũng đã từng trải qua hàng nghìn thí nghiệm thất bại mới có thể phát minh ra chiếc bóng đèn. Nếu ông từ bỏ, nản lòng qua những thất bại thì chúng ta sẽ không có nhà khoa học vĩ đại bậc nhất thế giới như ngày nay.

Tuy nhiên, trải qua quá trình học tập nhiều gian khổ thành quả của việc học sẽ là những trái ngọt, là phần thưởng xứng đáng cho mọi cố gắng. Vị ngọt ở đây trước hết là việc nâng cao hiểu biết, sự am hiểu của bản thân về những tri thức mới mẻ, nâng cao tự tin của con người trong cuộc sống xã hội. Những kết quả của việc học còn mang đến niềm vui, sự tự hào cho bản thân người học, cho gia đình, thầy cô, nhà trường, quê hương. Thành công từ việc học cũng chính là đôi cánh cho những ước mơ, khát vọng lập nghiệp, kiến thiết đất nước của mỗi cá nhân.

Trong quá trình học tập, để tiến bộ và phát triển bản thân, người học không chỉ cần cố gắng học hỏi không ngừng mà còn phải biết cách chấp nhận những đắng cay, thất bại giai đoạn đầu để được hưởng những thành quả tốt đẹp lâu dài “ Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào”.

Trên đây Tìm Đáp Án vừa giới thiệu tới các bạn Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm