A. Hoạt động cơ bản - Bài 16A: Trò chơi
Giải bài 16A: Trò chơi phần hoạt động cơ bản trang 179, 171, 172 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu
Câu 1
Quan sát những bức tranh ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi:
Lời giải chi tiết:
a) Những trò chơi trong mỗi bức tranh ảnh là:
- Tranh 1: Trò đánh đu
- Tranh 2: Trò kéo co
- Tranh 3: Trò đá cầu
- Tranh 4: Trò chơi chuyền
b) Những trò chơi đó thường diễn ra ở làng quê, những nơi diễn ra lễ hội truyền thống và trong trường học.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Kéo co
Kéo co là một trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của dân ta. Tục kéo co mỗi vùng một khác, nhưng bao giờ cũng là cuộc đấu tài, đấu sức giữa hai bên.
Kéo co phải đủ ba keo. Bên nào kéo được đối phương ngã về phía mình nhiều keo hơn là bên ấy thắng.
Hội làng Hữu Trấp thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức thi kéo co giữa nam và nữ. Có năm bên nam thắng, có năm bên nữ thắng. Nhưng dù bên nào nào thắng thì cuộc thi cũng rất là vui. Vui ở sự ganh đua, vui ở những tiếng hò reo khuyến khích của người xem hội.
Làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại có tục thi kéo co giữa trai tráng hai giáp trong làng. Số người của mỗi bên không hạn chế. Nhiều khi, có giáp thua keo đầu, tới keo thứ hai, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng. Sau cuộc thi, dân làng nổi trống mừng bên thắng. Các cô gái làng cũng không ngớt lời ngợi khen những chàng trai thắng cuộc.
Theo Toan Ánh
Câu 3
Đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
Giáp: Đơn vị dân cư dưới cấp thôn ngày xưa.
Câu 4
Cùng luyện đọc.
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Đoạn 1 cho em biết cách chơi kéo co như thế nào?
2) Dựa vào đoạn 2, hãy giới thiệu cách chơi kéo co ở làng Hữu Trấp.
3) Vì sao trò chơi kéo co bao giờ cũng vui?
4) Đoạn 3 cho em biết cách chơi kéo co ở làng Tích Sơn có gì đặc biệt?
5) Ngoài kéo co, em còn biết những trò chơi dân gian nào khác?
Lời giải chi tiết:
1) Cách chơi kéo co: đây là cuộc đấu tài, đấu sức giữa hai bên với đủ ba keo. Bên nào kéo được đối phương ngã về phía mình nhiều keo hơn là bên đó thắng.
2) Giới thiệu cách chơi kéo co ở làng Hữu Trấp: là cuộc thi giữa nam và nữ. Có năm nam thắng, có năm bên nữ thắng. Ai ai cũng vui, hò reo khuyến khích, cổ vũ cho hai bên.
3) Trò chơi kéo co bao giờ cũng vui vì: có sự ganh đua quyết liệt, mạnh mẽ, đồng thời vui ở những tiếng hò reo khuyến khích của người xem hội.
4) Kéo co ở làng Tích Sơn có điểm đặc biệt là: Kéo co diễn ra giữa trai tráng hai giáp trong làng, không hạn chế số lượng. Bên thua keo đầu, keo thứ hai bổ sung thêm người đến kéo và chuyển từ thế bại thành thắng.
5) Ngoài kéo co còn có một số trò chơi dân gian khác như đua thuyền, đấu vật, múa võ, đá gà, thổi cơm thi, đánh cờ người.....
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "A. Hoạt động cơ bản - Bài 16A: Trò chơi timdapan.com"