A. Hoạt động cơ bản - Bài 12B: Khổ luyện thành tài
Giải bài 12B: Khổ luyện thành tài phần hoạt động cơ bản trang 128, 129, 130 sách VNEN tiếng việt 4 với lời giải dễ hiểu
Câu 1
Kể về một bức tranh mà em đã vẽ
a) Bức tranh đó được vẽ khi em mấy tuổi?
b) Bức tranh đó em vẽ gì? Vẽ tặng ai?
c) Em có thích bức tranh đó không? Vì sao?
Lời giải chi tiết:
Gợi ý: Em lựa chọn một bức tranh mình đã vẽ để trả lời câu hỏi.
a) Bức tranh được vẽ khi em 8 tuổi.
b) Em vẽ lại cảnh em và anh hai đi thả diều trong dịp nghỉ hè về thăm quê nội.
c) Em rất thích bức tranh đó bởi nó đã giúp em lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và bình yên của tuổi thơ. Qua đó, em càng thấy yêu quê hương của mình hơn.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Vẽ trứng
1. Ngay từ nhỏ, cậu bé Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi đã rất thích vẽ. Cha cậu đưa cậu đến nhờ nhà danh họa Vê-rô-ki-ô dạy dỗ.
Suốt mười mấy ngày đầu, thầy Vê-rô-ki-ô chỉ cho Lê-ô-nác-đô vẽ trứng. Cậu bé vẽ hết quả này đến quả khác và đã bắt đầu tỏ vẻ chán ngán.
2. Thầy Vê-rô-ki-ô bèn bảo:
- Con đừng tưởng vẽ trứng là dễ! Trong một nghìn quả trứng xưa nay không có lấy hai quả hoàn toàn giống nhau đâu. Muốn thể hiện thật đúng hình dáng của từng quả trứng, người họa sĩ phải rất khổ công mới được.
3. Thầy lại nói:
- Tập vẽ đi vẽ lại quả trứng thật nhiều lần, con sẽ biết quan sát sự vật một cách tỉ mỉ và miêu tả nó trên giấy vẽ một cách chính xác. Đến lúc ấy, con muốn vẽ bất cứ cái gì cũng đều có thể vẽ được như ý.
Lê-ô-nác-đô hiểu ra và miệt mài tập vẽ.
4. Sau nhiều năm khổ luyện, Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi đã trở thành nhà danh họa kiệt xuất. Các tác phẩm của ông được trân trọng trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, là niềm tự hào của toàn nhân loại. Không những thế, Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi còn là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kĩ sư và là nhà bác học lớn của thời đại Phục hưng.
(Theo Xuân Yến)
Câu 3
Đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
- Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi: danh hoạ người I-ta-li-a.
- Khổ luyện: dày công luyện tập, không nề hà vất vả.
- Kiệt xuất: có tài năng, giá trị nổi bật.
- Thời đại Phục hưng: thời kì có những tiến bộ vượt bậc về văn hoá, khoa học, kinh tế và xã hội ở châu Âu, từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI.
Câu 4
Cùng luyện đọc.
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Vì sao trong những ngày đầu học vẽ, cậu bé Lê-ô-nác-đô cảm thấy chán ngán ?
2) Thầy Vê-rô-ki-ô nói gì khi thấy Lê-ô-nác-đô tỏ vẻ chán ngán?
3) Thầy Vê-rô-ki-ô cho học trò vẽ trứng để làm gì ?
Lời giải chi tiết:
1) Trong những ngày đầu học vẽ, cậu bé Lê-ô-nác-đô cảm thấy chán ngán vì vào lớp suốt mười mấy ngày liền cậu phải vẽ rất nhiều trứng.
2) Khi thấy Lê-ô-nác-đô tỏ vẻ chán ngán, thầy Vê-rô-ki-ô đã nói với cậu bé rằng: Con đừng tưởng vẽ trứng là dễ. Trong một nghìn quả trứng xưa nay không có lấy hai quả hoàn toàn giống nhau đâu. Muốn thể hiện thật đúng hình dáng của từng quả trứng, người họa sĩ phải rất khổ công mới được.
3) Thầy Vê-rô-ki-ô cho học trò vẽ trứng để biết cách quan sát sự vật một cách tỉ mỉ và thể hiện chúng trên giấy vẽ thật chính xác.
Câu 6
Hỏi - đáp:
Hỏi: - Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi thành đạt như thế nào?
Đáp: - ...
Hỏi: - Theo bạn, nguyên nhân nào khiến Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi trở thành họa sĩ nổi tiếng?
Đáp: - ...
Hỏi: - Trong các nguyên nhân đó, nguyên nhân nào là quan trọng nhất?
Đáp: - ...
Lời giải chi tiết:
Hỏi: - Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi thành đạt như thế nào?
Đáp: - Lê-ô-nác-đô đa.Vin-xi đã trở thành nhà danh họa kiệt xuất. Các tác phẩm của ông được trân trọng trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, là niềm tự hào cùa toàn nhân loại. Đồng thời, ông còn là nhà điêu khắc, kiên trúc sư, kĩ sư và là nhà bác học lớn của thời đại Phục hưng.
Hỏi: - Theo bạn, nguyên nhân nào khiến Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi trở thành họa sĩ nổi tiếng?
Đáp: - Nguyên nhân khiến Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi trở thành họa sĩ nổi tiếng chính là do ông có tài bẩm sinh, được đào tạo bởi một danh họa và miệt mài khổ luyện trong nhiều năm.
Hỏi: - Trong các nguyên nhân đó, nguyên nhân nào là quan trọng nhất?
Đáp: - Trong các nguyên nhân đó, sự khổ công luyện tập của ông là quan trọng nhất.
Câu 7
Tìm hiểu kết bài trong bài văn kể chuyện:
a) Đọc lại truyện Ông Trạng thả diều và tìm đoạn kết bài của truyện?
b) Thêm vào cuối truyện một lời đánh giá, nhận xét làm đoạn kết bài?
c) So sánh cách kết bài của truyện Ông Trạng thả diều và cách kết bài em viết.
Lời giải chi tiết:
a) Đoạn kết của truyện Ông trạng thả diều là:
Thế rồi vua mở khoa thi. Chú bé thả diều đỗ Trạng nguyên. Ông Trạng khi ấy mới có mười ba tuổi. Đó là Trạng nguyên trẻ nhất của nước Nam ta.
b) Thêm vào cuối truyện một lời đánh giá, nhận xét làm đoạn kết bài:
Qua câu chuyện Ông trạng thả diều em học tập được một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, nhẫn nại và giàu nghị lực trên đường học vấn.
c) Cách kết bài của truyện Ông Trạng thả diều và cách kết bài em viết là hai cách hoàn toàn khác nhau:
- Cách kết bài của truyện chỉ dừng lại ở kết quả của câu chuyện.
- Cách kết bài của em thêm bổ sung thêm lời bình luận, suy nghĩ, bài học kinh nghiệm mà bản thân em đã đúc rút được sau khi đọc câu chuyện này.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "A. Hoạt động cơ bản - Bài 12B: Khổ luyện thành tài timdapan.com"