Lợi ích kỳ diệu và bất ngờ của Toán học

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 11 Tháng mười hai, 2021

Lợi ích kỳ diệu của Toán học

TimDapAnmời các bạn cùng tham khảo bài viết Lợi ích kỳ diệu và bất ngờ của Toán học.

Trong chương trình giáo dục thì 2 môn học Toán và Tiếng Việt là hai môn học có thời lượng nhiều nhất, gắn bó dài nhất với cuộc đời mỗi học sinh, đồng hành cùng tất cả các lứa học sinh xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Học Tiếng Việt để hiểu rõ hơn về ngôn ngữ mẹ đẻ vậy còn học Toán có ích gì mà các nhà giáo dục lại yêu cầu học sinh học với thời lượng nhiều như thế? Hãy cùng TimDapAnkhám phá những lợi ích kỳ diệu và bất ngờ mà Toán học mang đến cho người học trong bài viết dưới đây.

Rèn luyện bộ não

Trong cuộc sống, chúng ta có thể không trở thành một vận động viên thể thao nhưng chúng ta vẫn thường xuyên tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe. Chúng ta có thể không cần trở thành Nhà Toán học hay giáo viên dạy Toán nhưng vẫn nên học Toán để "tập thể dục" cho bộ não của mình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Toán học là môn thể thao trí tuệ".

Hằng ngày, chúng ta gặp rất nhiều tình huống trong cuộc sống, có những tình huống hoàn toàn mới đòi hỏi bộ não cần phải xử lý. Để xử lý được tình huống đòi hỏi bộ não phải "nhớ", "tìm tòi", "liên tưởng"… với những tình huống quen thuộc đã gặp. Nếu bộ não thường xuyên được rèn luyện thì "phản xạ" của bộ não sẽ nhanh hơn, kết quả đạt được tốt hơn.

Việc giải các bài Toán (tình huống giả định) chính là ta đang rèn luyện cho bộ não giải quyết tình huống. Độ phức tạp của bài toán (biện luận, chia thành nhiều trường hợp…) chính là độ phức tạp của tình huống đòi hỏi bộ não phải xử lý. Nó như là "quả tạ", "xà đơn", "vợt cầu lông", "trái bóng", "tiếng đàn", tiếng sáo"... để rèn luyện trí tuệ và cảm xúc cho học sinh.

Do đó, cái còn lại sau những năm tháng vất vả học Toán không phải chỉ là những công thức, quy tắc… mà quan trọng còn là cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, khả năng toán học hoá các tình huống của cuộc sống.

Tạo cảm xúc

Trong đời mỗi học sinh, chắc có hơn một lần "reo lên" khi tự mình giải được bài toán khó, tìm thêm được cách giải khác cho bài toán. Lúc đó, cảm xúc của chúng ta thật vui sướng và lâng lâng. Đôi khi đó còn là một kỷ niệm đẹp, một bước ngoặt trong cuộc đời.

Nhà Toán học người Pháp Siméon Denis Poisson (1781-1840) lúc nhỏ là một học sinh rất sợ Toán. Sau, vì giải được bài toán "Chia sữa", ông trở nên say mê học Toán, nghiên cứu Toán và đã trở thành một Nhà Toán học lỗi lạc.

Nhà văn Pháp Stendhal (1783-1842), tác giả của tiểu thuyết "Đỏ và đen" nổi tiếng, đã kể lại trong cuốn "Tự truyện": "Ở thầy giáo, tôi đã tìm thấy Euler và bài toán của Euler về số trứng mà bà nông dân mang ra chợ bán… Đó là một phát kiến với tôi".

Những câu chuyện, những dòng thơ trên chính là những "cảm xúc" mà Toán học mang lại, nó làm cho cuộc sống thi vị hơn, giúp chúng ta thành công hơn.

Phát triển phẩm chất, năng lực

Mỗi khi bạn đã có phương pháp học Toán tốt thì bạn sẽ không chấp nhận việc lập luận hời hợt, tư duy lôn xộn. Học Toán mang lại cho bạn những phẩm chất, năng lực:

- Suy nghĩ mạch lạc.

- Lưu ý đến từng chi tiết.

- Làm chủ những ý tưởng chính xác và phức tạp.

- Lập luận dễ hiểu những vấn đề phức tạp.

- Xây dựng những lý lẽ logic và chỉ ra những lý lẽ phi logic.

- Hệ thống một vấn đề bằng những lý lẽ chính xác, nhận dạng được những vấn đề then chốt.

- Trình bày một giải pháp rõ ràng, đưa ra những giả định rõ ràng.

- Hiểu thấu một vấn đề khó bằng cách nhìn vào những trường hợp đặc biệt hoặc những vấn đề phụ.

- Linh hoạt và tiếp cận cùng một vấn đề bằng nhiều quan điểm khác nhau.

- Đối phó với vấn đề một cách tự tin, ngay cả khi chưa có giải pháp rõ ràng.

Từ các lợi ích trên, có thể khẳng định rằng, "học Toán là không phí", thậm chí rất nhiều người còn học Toán đến hết đời với một niềm yêu thích. Trước khi qua đời, Nhà Toán học Poisson đã nói: “Nếu được sống thêm cuộc đời nữa, tôi sẽ lại làm toán!”.

11 Tháng mười hai, 2021