Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 5: Tập đọc - Một chuyên gia máy xúc

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 20 Tháng một, 2021

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng việt lớp 5 tuần 5: Tập đọc - Một chuyên gia máy xúc được biên soạn chi tiết, rõ ràng cho các thầy cô tham khảo giúp các em học sinh biết đọc diễn cảm bài văn với giọng nhẹ nhàng, đằm thắm, thể hiện được cảm xúc về tình bạn, tình hữu nghị của người kể chuyện. Đọc các lời đối thoại thể hiện đúng giọng của từng nhân vật. Mời các thầy cô cùng tham khảo chi tiết.

Tập đọc

Một chuyên gia máy xúc

I. Mục tiêu

1. Đọc thành tiếng

- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương, đọc đúng và liền mạch tên phiên âm người nước ngoài (A-lếch-xây). Đọc trôi chảy toàn bài, ngắt nghỉ hơi theo đúng các dấu câu và giữa các cụm từ.

- Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng nhẹ nhàng, đằm thắm, thể hiện được cảm xúc về tình bạn, tình hữu nghị của người kể chuyện. Đọc các lời đối thoại thể hiện đúng giọng của từng nhân vật.

2. Đọc hiểu

- Hiểu các từ ngữ trong bài, hiểu được các diễn biến của câu chuyện.

- Hiểu diễn biến của câu chuyện và ý nghĩa của bài: Tình cảm chân thành giữa một công nhân Việt Nam với một chuyên gia nước bạn, qua đó thể hiện vẻ đẹp của tình hữu nghị giữa các dân tộc.

II. Đồ dùng dạy - học

- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to).

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi hai HS đọc thuộc lòng bài thơ Bài ca về Trái đất và trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

- Nhận xét và cho điểm HS.

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV.

B. Dạy bài mới

1. Giới thiệu bài

- GV đưa ra tranh minh họa của bài tập đọc, yêu cầu HS quan sát và trả lời câu hỏi: Bức tranh vẽ cảnh gì?

- HS quan sát tranh và trả lời câu hỏi: Tranh vẽ cảnh trên một công trường một người nước ngoài đang bắt tay một chú công nhân, nét mặt rất vui vẻ hồ hởi.

- Đây là bức tranh minh họa cho bài tập đọc Một chuyên gia máy xúc. Bài tập đọc nói về phần nào tình cảm hữu nghị của một công nhân Việt Nam với một chuyên gia người nước ngoài.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- GV hướng dẫn HS chia đoạn.

- HS nhận biết bốn đoạn trong bài, mỗi lần xuống dòng là một đoạn. đoạn 4 bắt đầu từ "A-lếch-xây nhìn tôi..." đến hết.

- GV gọi bốn HS nối tiếp nhau đọc bài.

- Bốn HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn.

- GV chú ý trong quá trình HS đọc bài, GV uốn nắn, hướng dẫn cách đọc các từ ngữ khó hoặc dễ lẫn do phát âm địa phương, câu khó hoặc đoạn văn có những câu văn dài ngắn đan xen, câu có lời đối thoại giữa các nhân vật. Chẳng hạn:

ánh nắng ban mai nhạt loãng / rải trên vùng đất đỏ công trường / tạo nên một hòa sắc êm dịu.

- HS đọc lại các tiếng hoặc các câu còn đọc sai.

- GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS.

- HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp .

- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.

- Bốn HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.

- GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết.

- Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.

- HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa.

- Yêu cầu HS đọc nối tiếp bài lần 3.

- Bốn HS đọc nối tiếp bài lần 3, mỗi HS đọc một đoạn. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV đọc diễn cảm toàn bài: giọng nhẹ nhàng, chậm rãi thể hiện được cảm xúc về tình bạn, tình hữu nghị của người kể chuyện; chuyển giọng linh hoạt cho hợp với đặc điểm từng đoạn: kể, tả, đối thoại.

- HS theo dõi giọng đọc của GV.

b) Tìm hiểu bài

* Tổ chức cho HS làm việc theo nhóm

- GV chia lớp thành 4 nhóm.

- Yêu cầu các nhóm đọc thầm và thảo luận nhóm để trả lời các câu hỏi tìm hiểu nội dung của bài.

- HS nhận biết các nhóm của mình và bầu nhóm trưởng, thư kí.

- Nhóm trưởng điều khiển các bạn thực hiện theo yêu cầu của GV. Thư kí ghi lại kết quả thảo luận.

* Tổ chức trả lời câu hỏi trước lớp

- GV hướng dẫn HS xây dựng luật chơi và cách đánh giá cho điểm.

GV là trọng tài và kết luận cho điểm sau từng câu trả lời của HS.

- HS xây dựng luật chơi và thống nhất cách đánh giá cho điểm. Chẳng hạn:

+ Mỗi câu hỏi trả lời đúng cho 10 điểm.

+ Người nào trong nhóm cũng được phát biểu, trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình. Mọi người lần lượt phát biểu. Nếu bạn đó không nói được mà phải nhờ bạn khác trong nhóm nói thay thì trừ câu trả lời đi 2 điểm.

- Câu hỏi 1: Anh Thủy gặp A-lếch-xây ở đâu, vào lúc nào?

- Anh Thủy gặp A-lếch-xây trên công trường lao động. Đó là một buổi sáng đầu xuân đẹp trời, khi anh đang điều khiển máy xúc làm việc.

- Câu hỏi 2: Do đâu mà anh Thủy gặp A-lếch-xây?

- Do công việc. Anh Thủy là thợ lái máy xúc trên công trường, A-lếch-xây là một chuyên gia máy xúc. Vì công việc và tình yêu nghề nghiệp mà họ gặp gỡ nhau và tình bạn giữa họ nảy nở.

- Câu hỏi 3: Dáng vẻ của A-lếch-xây có gì đặc biệt khiến anh Thủy chú ý?

- Dáng vẻ của A-lếch-xây:

+ Vóc người cao lớn; dáng đứng sừng sững.

+ Mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng.

+ Thân hình chắc khỏe trong bộ quần áo xanh công nhân.

+ Khuôn mặt to chất phác.

+ Tất cả từ con người ấy gợi lên ngay từ phút đầu cảm giác giản dị thân mật.

- Câu hỏi 4: Cuộc gặp gỡ giữa hai bạn đồng nghiệp diễn ra như thế nào?

- Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đồng nghiệp làm nghề máy xúc diễn ra một cách giản dị, thân tình. A-lếch-xây nhìn anh Thủy bằng đôi mắt sâu và xanh, mỉm cười và hỏi rất thân tình "Đồng chí làm nghề...năm rồi?". Hai tiếng đồng chí thật ấm áp, làm cho hai người xa lạ trở nên thân quen. Rồi vị chuyên gia lái máy xúc đã đưa tay ra nắm lấy bàn tay đầy dầu mỡ của anh Thủy lắc mạnh một cử chỉ cũng hết sức thân mật, đầy tin cậy và thắm tình hữu nghị.

- Câu hỏi 6: Chi tiết nào trong bài khiến em nhớ nhất? Vì sao?

- HS phát biểu tự do, theo suy nghĩ của các em.

- GV nhận xét và đưa ra ý kiến của mình: Chi tiết cuối bài là chi tiết đáng nhớ nhất: "Thế là A-lếch-xây đưa bàn tay vừa to vừa chắc.......và nói:"Chúng mình là bạn đồng nghiệp đấy, đồng chí ạ!". Vì qua chi tiết này đã thể hiện rất rõ nhân cách của A-lếch-xây. Một chuyên gia máy xúc rất gần gũi, giản dị vừa là người thầy, người đồng chí, người bạn của anh Thủy, một công nhân Việt Nam.

- HS lắng nghe.

c) Luyện đọc diễn cảm

- Gọi bốn HS đọc nối tiếp diễn cảm từng đoạn của bài. Yêu cầu HS cả lớp theo dõi và tìm ra giọng đọc diễn cảm của bài.

- Bốn HS đọc nối tiếp diễn cảm từng đoạn của bài. Cả lớp theo dõi, nhận xét bạn đọc và tìm cách đọc (như đã hướng dẫn ở phần Luyện đọc).

- Tổ chức cho HS luyện đọc đoạn 4 của bài.

+ GV đọc mẫu: giọng kể xen với giọng tả nhẹ nhàng, chậm rãi, giàu cảm xúc. Đoạn đối thoại giữa hai người bạn đồng nghiệp lần đầu gặp gỡ, làm quen với nhau - đọc với giọng thân ái, hồ hởi.

+ HS theo dõi, lắng nghe giọng đọc của GV.

+ Yêu cầu HS luyện đọc đoạn văn theo cặp.

+ HS luyện đọc theo nhóm đôi.

+ Tổ chức cho HS thi đọc đoạn văn trước lớp.

+ Nhiều HS thi đọc trước lớp. Cả lớp theo dõi nhận xét bạn đọc.

+ GV nhận xét cho điểm từng HS.

- Yêu cầu HS đọc toàn bài.

- Một đến hai HS đọc cả bài.

3. Củng cố, dặn dò

- Yêu cầu HS tìm đại ý của bài văn Một chuyên gia máy xúc.

- HS trả lời: Bài văn ca ngợi tình cảm chân thành của một chuyên gia nước bạn với một công nhân Việt Nam, qua đó thể hiện vẻ đẹp của tình hữu nghị giữa các dân tộc.

- GV nhận xét giờ học. Dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tuần tới.

- HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

20 Tháng một, 2021

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm