Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập đọc - Lòng dân

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 20 Tháng một, 2021

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập đọc - Lòng dân giúp các học sinh có thể biết đọc ngắt giọng, đủ để phân biệt tên nhân vật với lời nói của nhân vật; đọc đúng ngữ điệu các câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm trong bài. Mời các thầy cô tham khảo, tải về giảng dạy.

Tập đọc

Lòng dân

I. Mục tiêu

1. Biết đọc đúng một văn bản kịch. Cụ thể:

- Biết đọc ngắt giọng, đủ để phân biệt tên nhân vật với lời nói của nhân vật; đọc đúng ngữ điệu các câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm trong bài.

- Giọng đọc thay đổi linh hoạt, hợp với tính cách từng nhân vật, hợp với tình huống căng thẳng, đầy kịch tính của vở kịch. Biết đọc diễn cảm đoạn kịch theo cách phân vai.

2. Đọc hiểu

- Hiểu các từ ngữ trong bài.

- Hiểu được nội dung, ý nghĩa phần một của vở kịch: Ca ngợi dì Năm dũng cảm, thông minh, mưu trí trong cuộc đấu trí để lừa giặc, cứu cán bộ cách mạng.

II. Đồ dùng dạy - học

- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to).

- Bảng phụ viết sẵn đoạn kịch cần luyện đọc diễn cảm cho HS.

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi hai HS đọc thuộc lòng bài Sắc màu em yêu và trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

- Nhận xét và cho điểm từng HS.

- HS thực hiện yêu cầu của GV.

B. Dạy bài mới

1. Giới thiệu bài

- GV đưa tranh minh họa bài tập đọc (phóng to) cho HS quan sát và hỏi: Đây là bức tranh minh họa cho đoạn trích vở kịch Lòng dân, các em hãy quan sát và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

- HS quan sát tranh và trả lời: Bức tranh vẽ cảnh một gia đình đang ăn cơm, có hai tên lính xông vào nhà, một tên chĩa súng vào người đàn ông. Một tên đang sừng sộ chỉ vào người phụ nữ, em nhỏ đang ôm chặt lấy mẹ.

- Để hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra trong bữa cơm gia đình nhà dì Năm và tấm lòng của người dân Nam Bộ đối với cách mạng như thế nào, chúng ta cùng đọc và tìm hiểu bài tập đọc này.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV đọc diễn cảm màn kịch: giọng đọc rõ ràng, rành mạch (đủ phân biệt các nhân vật, tên nhân vật với lời nói của nhân vật ấy). Đổi giọng, hạ giọng khi đọc những chú thích trong ngoặc đơn nói về thái độ, hành động của nhân vật. Đọc phân biệt lời nói của từng nhân vật:

+ Giọng cai và lính: hống hách, xấc xược.

+ Giọng dì Năm và cán bộ ở đoạn đầu: tự nhiên. Đoạn sau: giọng khéo léo giả đò than vãn khi bị trói, nghẹn ngào nói lời trối trăng với con khi bị dọa bắn chết.

+ Giọng An: giọng một đứa trẻ đang khóc giả vờ lừa bọn giặc và vừa lo cho má.

- GV hướng dẫn HS nhận biết các đoạn để luyện đọc.

- HS nhận biết các đoạn để luyện đọc.

* Đoạn 1: Từ đầu đến lời dì Năm (Chồng tui. Thằng này là con.)

* Đoạn 2: Từ lời cai (Chồng chị à) đến lời lính (Ngồi xuống!...Rục rịch tao bắn nát đầu).

* Đoạn 3: Còn lại.

- GV gọi HS tiếp nối nhau đọc bài.

- Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.

- GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). GV có thể ghi bảng những những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện đọc cho HS.

- HS phát âm lại các tiếng còn đọc sai hoặc luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp (nếu có).

- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.

- Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.

- Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.

- Yêu cầu HS đọc nối tiếp bài lần 3.

- HS đọc nối tiếp bài lần 3, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

b) Tìm hiểu bài

- Yêu cầu HS đọc lướt toàn bộ vở kịch và trả lời câu hỏi: Trong vở kịch này có mấy nhân vật? Là những nhân vật nào? Những nhân vật nào đại diện cho lực lượng cách mạng? Những nhân vật nào đại diện cho bọn địch?

- Trong vở kịch có năm nhân vật đó là: dì Năm, chú cán bộ, cậu bé An, tên cai và tên lính. Dì Năm, chú cán bộ, cậu bé An đại diện cho phe cách mạng. Tên cai và tên lính đại diện cho bọn địch.

- GV yêu cầu HS đọc thầm lời mở đầu giới thiệu nhân vật, cảnh trí, thời gian của vở kịch và trả lời câu hỏi: Chú cán bộ gặp nguy hiểm như thế nào?

- Chú cán bộ bị giặc rượt đuổi bắt, hết đường, chú phải chạy vào nhà dì Năm khi hai mẹ con dì đang ăn cơm.

- Dì Năm đã nghĩ ra cách gì để cứu chú cán bộ?

- Để cứu chú cán bộ, Dì Năm kịp đưa chú một chiếc áo để thay, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm làm như chú là người nhà đang ăn cơm cùng vợ con.

- Tình huống nào trong đoạn kịch làm em thích thú nhất? Vì sao?

- HS phát biểu tự do các em có thể thích những chi tiết khác nhau và lí giải được vì sao em thích.

- GV công nhận ý kiến của các em và đưa ra ý kiến của mình đó là: Tình huống dì Năm bị trói, thằng An khóc, tên lính đòi bắn nát đầu chú cán bộ, thằng Cai dỗ và dọa dì Năm, dì Năm nghẹn ngào nói... là đoạn kịch thích thú nhất. Vì xung đột kịch dữ dội, căng thẳng, vì tính cách của dì Năm thể hiện rõ; bình tĩnh, dũng cảm, vừa đánh lừa địch, vừa sẵn sàng chấp nhận hành động dã man của tên cai: " An… Mầy qua bà Mười...dắt con heo về..., đội luôn năm giạ lúa...Rồi ...cha con ráng đùm bọc lấy nhau".

- HS lắng nghe.

- Tại sao dì Năm lại bảo vệ chú cán bộ che mắt bọn địch. Làm như thế dì có thể gặp phải những nguy hiểm gì?

- Dì làm vậy bởi vì căm thù bọn địch hung ác và tin yêu cách mạng, bảo vệ cách mạng. Nếu biết được dì che dấu cách mạng bọn giặc sẽ đánh đập dã man, bắt dì đi tù hoặc bắn giết vì tội che dấu cán bộ.

- Qua vở kịch ta thấy dì Năm là người như thế nào?

- Dì Năm mưu trí, dũng cảm bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng dù có phải hi sinh tính mạng.

c) Luyện đọc diễn cảm

- GV yêu cầu ba HS đọc nối tiếp diễn cảm từng đoạn của bài. HS cả lớp theo dõi và tìm cách đọc diễn cảm của bài.

- Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi, nhận xét bạn đọc và tìm cách đọc (như đã hướng dẫn ở phần luyện đọc).

- GV lớp thành các nhóm sáu, yêu cầu các em phân vai để luyện đọc trong nhóm như sau:

Người dẫn chuyện, dì Năm, An, chú cán bộ, cai, lính. Chú ý: Vai người dẫn chuyện phải đọc lời mở đầu giới thiệu nhân vật, cảnh trí, thời gian, tình huống diễn ra vở kịch; những chữ trong ngoặc đơn giới thiệu thái độ, của chỉ, hành động... của nhân vật. Đọc tên nhân vật..

- HS nhận biết nhóm của mình, luyện đọc trong nhóm theo hướng dẫn của GV.

- Thi đọc phân vai trước lớp.

- Ba nhóm thi đọc bài theo cách phân vai. Cả lớp theo dõi bạn đọc.

- GV và HS nhận xét, tuyên dương nhóm đọc hay nhất.

- HS nhận xét giọng đọc từng nhóm, từng bạn, bình ra nhóm và bạn đọc hay nhất.

3. Củng cố, dặn dò

- Đoạn kịch trên nói lên điều gì?

- Ca ngợi dì Năm dũng cảm, mưu trí đánh lừa giặc, cứu cán bộ bảo vệ cách mạng.

- GV nhận xét giờ học. Dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc đoạn kịch và đọc trước bài tập đọc tuần tới.

- HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

20 Tháng một, 2021

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm