Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn 

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận năm 2015 - 2016 có đáp án được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn sở GD&ĐT Cà Mau năm 2016 - 2017

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn phòng GD&ĐT Anh Sơn, Nghệ An năm 2015 - 2016

SỞ GD & ĐT BÌNH THUẬN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN
TRẦN HƯNG ĐẠO
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

I. Đọc – hiểu: (2,0 điểm)

Đọc kỹ đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

"Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi"

1. Lời nhận định trên là của ai? Trích trong tác phẩm nào? Tác giả? (0,75 điểm)

2. Từ nào mang yếu tố tình thái trong câu: "Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác"? (0,25 điểm)

3. Câu in nghiêng trong đoạn trích là câu đơn hay câu ghép? Chỉ ra thành phần chủ ngữ và vị ngữ trong câu ấy? (1,0 điểm)

II. Làm văn: (8,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói:"Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một hế giới kì diệu sẽ mở ra"

(Trích Cổng trường mở ra – Lý Lan, theo Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam – 2014)

Từ nội dung đoạn trích, hãy nêu ý kiến: Em cảm nhận được những gì về thế giới kì diệu đó? Từ khi mẹ buông tay và khích lệ, bản thân em đã thể hiện tính tự lập như thế nào qua những năm đi học?

(Bài làm không quá 01 trang giấy thi)

Câu 2: (5,0 điểm) Cảm nhận của em qua hai khổ thơ sau:

"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
[...]
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"

(Trích "Sang thu"- Hữu Thỉnh, theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam - 2014)

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn

I. Đọc - hiểu

1) Đây là lời nhận định của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Trích trong tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" của nhóm tác giả Ngô gia văn phái (Một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì)

2) Từ mang yếu tố tình thái trong câu: "Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác" là từ: "ắt"

3) Câu in nghiêng trong đoạn trích là câu ghép.

Cụm chủ - vị thứ nhất: "chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải"

  • Chủ ngữ: "chúng"
  • Vị ngữ: "đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải"

Cụm chủ - vị thứ hai: "người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi"

  • Chủ ngữ: "người mình"
  • Vị ngữ: "không thể chịu nổi" ("ai cũng muốn đuổi chúng đi" là phần phụ chú)

II. Làm văn: 

Câu 1: Từ nội dung đoạn trích, hãy nêu ý kiến: Em cảm nhận được những gì về thế giới kì diệu đó? Từ khi mẹ buông tay và khích lệ, bản thân em đã thể hiện tính tự lập như thế nào qua những năm đi học?

1) Cảm nhận về "thế giới kì diệu":

  • "Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra". Câu văn này đã nói lên ý nghĩa to lớn của nhà trường và việc học trong cuộc đời mỗi con người.
  • Như trong một câu chuyện cổ tích kì diệu, phía sau cánh cổng kia là cả một thế giới vô cùng hấp dẫn đối với những người ham hiểu biết, yêu lao động và yêu cuộc sống.
  • Thế giới kì diệu đó là thế giới của tri thức bao la, của tình bạn, tình thầy trò nồng ấm tha thiết, chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa tới những chân trời của ước mơ và khát vọng.
  • Đó là nơi chúng ta được trang bị những kĩ năng, những bài học làm người quý báu để vươn tới thành công.

→ Chỉ trường học mới mở ra cho chúng ta một thế giới diệu kì đến vậy!

2) Tính tự lập của bản thân:

Trong những năm đi học, em đã thể hiện tính tự lập của bản thân bằng cách:

  • Chủ động tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhà trường, từ cuộc sống; có ý thức rèn luyện những phẩm chất tốt cho bản thân.
  • Chủ đông sắp xếp thời gian học tập, vui chơi một cách hợp lí.
  • Tự lo cho bản thân những việc có thể làm được như: giặt quần áo, sắp xếp đồ dùng học tập...
  • Thời gian rảnh giúp đỡ bố mẹ làm công việc nhà: trông em, nấu cơm...

Câu 2: Cảm nhận về hai khổ thơ trích "Sang thu"- Hữu Thỉnh.

I) Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Hữu Thỉnh thuộc thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ với ngòi bút luôn hướng về đề tài chiến tranh, người lính và cuộc sống nông thôn.
  • "Sang thu" là tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh, được viết khi thiên nhiên bắt đầu sang thu và cũng là thời điểm đất nước vừa bước từ chiến tranh sang hòa bình.

II) Phân tích:

Khổ 1: Những cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời.

Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình:

  • "Hương ổi" là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùi ổi chín rộ.
  • Từ "phả": động từ có nghĩa là toả vào, trộn lẫn -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hoà vào trong gió heo may của mùa thu, lan toả khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát - hương thơm nồng nàn hấp dẫn của những vườn cây sum suê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.
  • "Sương chùng chình": những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc như một làm sương mỏng nhẹ nhàng trôi, đang "cố ý" chậm lại thong thả, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm sang thu. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.

Cảm xúc của nhà thơ:

  • Kết hợp các từ: "bỗng, hình như" thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối, hình như còn có chút gì chưa thật rõ ràng trong cảm nhận. Đó có thể là do những cảm nhận nhẹ nhàng, thoáng qua hoặc do quá đột ngột mà tác giả chưa nhận ra.
  • Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người : chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng...

Khổ cuối: Suy ngẫm mang tính triết lí về cuộc đời, con người.

Thiên nhiên sang thu được gợi ra qua hình ảnh cụ thể: nắng – mưa.

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa"

  • Nắng là hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt.
  • Mưa cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ "vơi" có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.

Hình ảnh ẩn dụ:

"Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"

  • Ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Sấm cuối mùa hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu.
  • Ý nghĩa ẩn dụ: "Sấm" là hình ảnh biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm. Qua đó, khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của con người trước những biến động của cuộc đời.

→ Ngợi ca bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của mỗi con người từng trải nói riêng và nhân dân ta nói chung trước những thách thức khó khăn, gian khổ.

III) Đánh giá:

Thông qua hai khổ thơ, nhà thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên lúc vào thu thật mới mẻ, sinh động, ấn tượng, đồng thời cũng gửi gắm tới người đọc những triết lí sâu xa mà thấm thía. Qua đây cho thấy tình yêu thiên nhiên và ngòi bút tài hoa của tác giả.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm