Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Lần 5) là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án kèm theo, giúp các bạn học sinh thử sức trước kì thi Quốc gia, kì thi đại học năm 2016. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC

Đề thi có 02 trang

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LỚP 12 - LẦN 5

NĂM HỌC 2015-2016

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

(1) Làng tôi là một làng nghèo nên chẳng nhà nào thừa đất để trồng hoa mà ngắm. Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương quen thuộc của đất quê. Đó là những mùi thơm mộc mạc, chân chất.

(2) Chiều chiều hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng ba, tháng tư hoa cúc thơm lạ lùng. Tháng tám, tháng chín, hoa ngâu cứ nồng nàn những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp. Tưởng như có thể sờ được, nắm được những làn hương ấy.

(3) Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, sân hợp tác, thơm trên các ngõ, đó là hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ, cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê, giống như hương thơm từ nồi cơm gạo mới, mẹ bắc ra và gọi cả nhà ngồi quanh mâm.

(4) Mùa xuân, ngắt một cái lá chanh, lá bưởi, một lá xương sông, một chiếc lá lốt, một nhánh hương nhu, nhánh bạc hà... hai tay mình như cũng đã biến thành lá, đượm mùi thơm mãi không thôi.

(5) Nước hoa ư? Nước hoa chỉ là một thứ hăng hắc giả tạo, làm sao bằng được mùi rơm rạ trong nắng, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa sen trong gió ...

(6) Hương làng ơi, cứ thơm mãi nhé!

(Hương làng – Băng Sơn)

Câu 1. Đoạn trích trên chủ yếu sử dụng phương thức diễn đạt nào? (0,25 điểm)

Câu 2. Nêu khái quát nội dung của các đoạn (2), (3), (4) trong văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 3. Ý nghĩa của câu "Hương làng ơi, cứ thơm mãi nhé!"? (0,25 điểm)

Câu 4. Anh chị có đồng tình với quan niệm của Băng Sơn qua câu văn sau không? Vì sao? "Nước hoa ư? Nước hoa chỉ là một thứ hăng hắc giả tạo, làm sao bằng được mùi rơm rạ trong nắng, mùi hoa bưởi trong sương, mùi hoa ngâu trong chiều, mùi hoa sen trong gió.". (0,5 điểm).

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu?
Chờ em ãn dập miếng giầu em sang
Ðôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mang manh,
Hình nhý họ biết chúng mình ... với nhau.

Ai làm cả gió đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?

(Chờ nhau, Nguyễn Bính, theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932 - 1941), NXB Vãn học, 2007)

Câu 5. Ðoạn thơ sử dụng thể thõ nào? Chỉ ra tác dụng của thể thõ với việc biểu đạt tâm trạng nhân vật trữ tình? (0,5 điểm)

Câu 6. Tìm những từ ngữ gợi không gian làng quê trong đoạn thơ? (0,25 điểm)

Câu 7. Cảm nhận câu thơ: "Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình ... với nhau?" (0,25 điểm)

Câu 8. Tác dụng và ý nghĩa của biện pháp tu từ qua câu thơ: "Ai làm cả gió đắt cau/ Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?"(0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm)

Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những "giá trị tức thời". Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những "giá trị bền vững"

(Theo nhà văn Nguyễn Khải)

Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Vẻ đẹp của nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài) qua các chi tiết "Mị chỉ bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón xuống đất. Nắm lá ngón Mị đã đi tìm hái trong rừng", "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa" "Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử."?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

  1. Đoạn trích chủ yếu sử dụng phương thức tự sự. (0,25)
  2. Nội dung chính của đoạn (2), (3), (4): Cảm nhận mùi thơm đặc trưng của làng mình lan tỏa trong không gian. (0,5)
  3. Qua câu: "Hương làng ơi, cứ thơm mãi nhé!", tác giả muốn bày tỏ: Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương; niềm khát khao gìn giữ những nét đẹp văn hóa quê hương. (0,25)
  4. Học sinh có thể trả lời "có" hoặc "không". Nhưng trả lời "có" sẽ được điểm cao hơn. Lí giải: Đó là những mùi thơm tự nhiên, dịu dàng, bền vững và thuần túy chứ không giả tạo như mùi nước hoa (0,5)
  5. Thể thơ lục bát. Tác dụng: nhịp thơ đều, gợi sự tình tứ, sâu lắng, phù hợp với không gian thôn quê. (0,5)
  6. Từ ngữ thể hiện không gian làng quê: láng giềng, đỏ đèn, miếng giầu, làng, ngõ, cau, sương muối. (0,25)
  7. Câu thơ: "Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình ... với nhau". Thể hiện sự kín đáo, tế nhị, trong sáng và thoáng chút bối rối của cô gái trong mối tình quê. (0,25)
  8. Biện pháp: câu hỏi tu từ. Tác dụng, ý nghĩa: Mượn hình ảnh thiên nhiên thể hiện hàm ý trách móc của cô gái vì chuyện tình yêu dang dở, lỡ làng. (Trách chàng trai, trách cuộc đời) (0,5)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm) Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những "giá trị tức thời". Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những "giá trị bền vững" (Theo nhà văn Nguyễn Khải)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận, quy tắc chính tả, ngữ pháp. (0,25)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, trích dẫn câu nói. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí luận và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

1. Giải thích. (0,5)

  • Giá trị tức thời: là những giá trị vật chất, tinh thần chưa trải qua sự thẩm định của thời gian và lòng người.
  • Giá trị bền vững: Chỉ những giá trị tinh thần đã qua thử thách của thời gian, cuộc đời có ý nghĩa lâu bền, trở thành nền tảng văn hóa, đạo lí của dân tộc và nhân loại như: tình yêu thương, lòng yêu nước, sự quả cảm, nghị lực sống phi thường,...

=> Hai giá trị vừa thống nhất vừa đối lập nhau. Con người cần giá trị tức thời để duy trì cuộc sống và cần giá trị bền vững để làm nên ý nghĩa đời sống.

2. Bàn luận ý kiến (0,75)

  • Để sống được hàng ngày phải nhờ vào những giá trị tức thời:
    • Con người cần sự đảm bảo cuộc sống hang ngày với những giá trị tức thời cả vật chất và tinh thần: ăn, mặc, ở, giải trí, ....
    • Giá trị tức thời ở mỗi thời đại luôn khác nhau, con người cần thường xuyên trang bị cho mình những giá trị sống tức thời (dẫn chứng)
  • Sống cho có phẩm hạnh, cốt cách phải dựa vào giá trị bền vững:
    • Cuộc sống không chỉ gắn liền với những giá trị vật chất, tinh thần tức thời. Để làm nên giá trị đời sống cần phải có nền tảng văn hóa, đạo lí bền vững của dân tộc và nhân loại. (dẫn chứng)
    • Những giá trị bền vững sẽ giúp con người có lối sống đúng đắn, lành mạnh, giúp con người đứng vững trước cám dỗ, tha hóa. Những người có nền tảng văn hóa, đạo đức vững chắc luôn khiến người đời tôn trọng. (dẫn chứng)
    • Thực tế cuộc sống có những các nhân không nhận thức đúng về các giá trị sống trên, quá đề cao vật chất, quyền lực bất chấp văn hóa, đạo lí. Đó là lối sống đáng phê phán, đào thải.

3. Bài học nhận thức và hành động. (1,25)

  • Để có cuộc sống tốt đẹp, con người phải biết cân bằng hai giá trị sống trên. Nếu chỉ có những giá trị tức thời, con người dễ dàng đánh mất mình, sống hời hợt, ... Nếu chỉ coi trọng giá trị bền vững sẽ khiến con người thiếu linh hoạt, lạc hậu,...
  • Cần phải tỉnh táo nhìn nhận những giá trị tức thời và giá trị bền vững. Có được những đánh giá đúng đắn nhất về mỗi giá trị để lựa chọn cho mình những giá trị sống đúng đắn và phù hợp nhất.
  • Những giá trị tức thời tích cực sẽ được đón nhận, lưu giữ và dần trở thành giá trị bền vững. Ngược lại, có những giá trị bền vững qua thời gian tỏ ra lỗi thời, không còn phù hợp sẽ bị đào thải.

=> Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của mỗi giá trị, góp phần hình thành kĩ năng sống tích cực, vừa bắt kịp thời đại lại vừa tôn vinh, gìn giữ những giá trị bền vững cho đời sống.

c. Sáng tạo (0,25)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) qua các chi tiết.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; cảm nhận sâu sắc; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề (0,25)

  • Tô Hoài là tác giả tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng. Sáng tác của ông kết tinh ở đề tài Tây Bắc. "Vợ chồng A Phủ " trích trong tập "Truyện Tây Bắc" điển hình cho ngòi bút nhà văn.
  • Mị là nhân vật chính của tác phẩm, nổi bật ở vẻ đẹp tâm hồn với sức sống tiềm tang, mãnh liệt. Các chi tiết sau góp phần thể hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn ấy của Mị.
  • Dẫn các chi tiết "..."

2. Giải thích các chi tiết:

  • Chi tiết 1, 2: "Mị chỉ bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng""Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa". => Lần thứ nhất Mị muốn ăn lá ngón tự tử vì không chịu nổi sự đày đọa ở nhà thống lí Pá Tra. Lần thứ hai là khi Mị trỗi dậy cảm xúc trong đêm tình mùa xuân. (0,25)
  • Chi tiết 3: Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử. => Sự đày đọa của nhà thống lí Pá Tra khiến Mị tê liệt cảm xúc đến mức không còn muốn thoát khỏi nó. (0,25)

3. Phân tích, so sánh các chi tiết góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Mị.

a. Cảm nhận các chi tiết:

  • Chi tiết Mị muốn ăn lá ngón lần thứ nhất:
    • Tái hiện (0,25)
      • Mị là cô gái đẹp người, đẹp nết nhưng sinh ra trong một gia đình có món nợ truyền kiếp, phải làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.
      • Không chịu được những đọa đày của nhà thống lí, Mị trốn về nhà, quỳ lạy bố với ý định từ biệt để tìm đến cái chết, mong muốn được giải thoát khỏi thực tại.
      • Lời nói của người bố và mong muốn được làm tròn chữ hiếu đã ngăn cản Mị trước ý định tự tử. "Mị ném nắm lá ngón xuống đất"
    • Ý nghĩa: (0,25)
      • Mị muốn ăn lá ngón tự tử cho thấy cô đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng bi đát, bế tắc. Người đọc có thể hình dung hiện thực nhà thống lí vô cùng khắc nghiệt đã chà đạp lên Mị, đẩy cô đến cùng đường, phải tìm đến cái chết.
      • Thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Mị, khao khát tự do, hạnh phúc, sẵn sàng chết để phản kháng hoàn cảnh, chống lại cha con thống lí.
      • Mị là người con có hiếu, hành động ném nắm lá ngón xuống đất cho thấy cô không đành lòng chết để bố mình phải chịu một gánh nặng nữa.

=> Càng thương xót cho Mị càng căm phẫn trước tội ác của cha con thống lí đã gây ra cho Mị và cho bao người vô tội khác.

  • Chi tiết Mị muốn ăn lá ngón lần thứ hai:
    • Tái hiện: (0,25)
      • Lần thứ hai Mị muốn ăn lá ngón là trong đêm tình mùa xuân: Mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn yêu, men rượu, ... đã khơi dậy cảm xúc trong tâm hồn Mị. Mị bâng khuâng, bổi hổi "sống về ngày trước". Mị thấy mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi, Mị chuẩn bị để đi chơi, ... Đây cũng là khi Mị nhận thức rõ ràng thực tại đau khổ. "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa"
    • Ý nghĩa: (0,25)
      • Tô đậm bi kịch đau khổ của Mị. Khắc họa hoàn cảnh éo le bủa vây cuộc đời cô. Từ đó tố cáo bộ mặt tàn bạo của bọn chúa núi Tây Bắc trước cách mạng.
      • Sức sống vẫn tiềm tàng trong tâm hồn cô, thách thức trước sự tàn bạo của bọn chúa núi, lang đạo, chỉ chờ cơ hội là trỗi dậy mãnh liệt.
  • Chi tiết Mị không còn nghĩ đến ăn lá ngón tự tử nữa.
    • Tái hiện: Sống trong sự đày đọa của nhà thống lí Pá Tra làm Mị trở nên chai lì, vô cảm. Cô như hoàn toàn phuất phục hoàn cảnh, tức là sức phản kháng đã bị làm cho tê liệt, tan biến. (0,25)
    • Ý nghĩa: Mị không còn muốn chết tức là cô đang chết về tinh thần. Ăn lá ngón chỉ là sự hủy hoại thể xác. Chi tiết cho thấy đỉnh điểm của bi kịch cuộc đời Mị những ngày làm dâu gạt nợ. Nó có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt hiện thực. (0,5)

b. So sánh các chi tiết:

  • Giống nhau: (0,5)
    • Cả ba chi tiết đều cho thấy khát vọng được sống, được hạnh phúc của Mị.
    • Chi tiết nắm lá ngón trong tác phẩm góp phần nổi bật cuộc sống khổ đau của Mị trong những ngày làm dâu gạt nợ. Nó khơi dậy ở người đọc niềm cảm thông sâu sắc với nỗi bất hạnh của nhân vật, đồng thời càng trân trọng hơn vẻ đẹp tâm hồn cô.
    • Tố cáo tội ác của bọn thống trị miền núi Tây Bắc trước cách mạng.
  • Khác nhau: (0,5)
    • Hai chi tiết Mị muốn ăn lá ngón cho thấy sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Dù có bị chà đạp, vùi dập nó cũng chỉ tạm thời bị khuất lấp chứ không mất đi và sẽ trỗi đậy khi có thể. Thực tế, đến cuối phần một của tác phẩm, Mị đã trỗi dậy sức sống tiềm tàng, giải thoát cho người cùng giai cấp và tự giải thoát cho mình khỏi nghịch cảnh.
    • Chi tiết Mị không còn muốn ăn lá ngón nữa cho thấy sự tàn phá của hoàn cảnh sống đến tâm hồn cô, khiến Mị trở nên vô cảm, chai lì, tô đậm hiện thực tủi nhục của nhân vật.
    • Hình ảnh lá ngón xuất hiện trong những hoàn cảnh khác nhau gắn với diễn biến tâm trang nhân vật Mị là một trong những sáng tạo độc đáo của Tô Hoài. Từ đó thể hiện đời sống nội tâm phong phú, sáng đẹp của Mị cũng như của những người lao động nghèo bằng cái nhìn trân trọng.

3. Kết luận: Khẳng định vai trò của chi tiết đặc sắc trong tác phẩm góp phần quan trọng trong biểu đạt nội dung, tư tưởng. Hình ảnh lá ngón góp phần thể hiện đời sống nội tâm phức tạp của Mị, từ đó tô đậm bi kịch cuộc đời cũng như vẻ đẹp tâm hồn cô gái vùng cao. (0,25)

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm