Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Trại Cau, Thái Nguyên năm học 2016 - 2017 là đề kiểm tra định kì cuối học kì 1 bao gồm cả đáp án kèm theo giúp các em học sinh ôn tập, nắm chắc các dạng bài tập chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 1 đạt kết quả cao. Sau đây mời các em cùng tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2016 - 2017

Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG THPT TRẠI CAU

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016-2017

Môn: Ngữ văn 11 - Cơ bản

(Thời gian làm bài 90 phút)

Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm ...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ than
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi sớm sớm chiều chiều
Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con ...

(Trích "Bầm ơi", Tố Hữu)

Câu 1: Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2: Nêu tác dụng của thể thơ đối với việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình? (0,5điểm)

Câu 3: Chỉ ra thành phần gọi – đáp trong đoạn thơ trên? (0,5 điểm)

Câu 4: Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 5: Từ cảm nhận về đoạn thơ, anh chị hãy nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử (trình bày trong khoảng 5-7 dòng) (1,0 điểm)

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Anh/ chị hãy phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quan coi ngục trong tác phẩm "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân)

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)

1. Đoạn thơ được viết theo thể lục bát (6/8) (0,5)

2. Tác dụng: Thể lục bát mang âm hưởng nhẹ nhàng, thiết tha, đằm thắm góp phân thể hiện tâm trạng yêu thương, nhớ mong của người chiến sĩ ngoài mặt trận dành cho người mẹ già ở quê hương. (0,5)

3. Thành phần gọi – đáp: "Bầm ơi" (0,5)

4. Nội dung chính: Đoạn trích thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết của người chiến sĩ dành cho người mẹ vất vả, lam lũ nơi quê nhà. Trong đoạn thơ, hình ảnh người mẹ trung du hiện lên thật bình dị với yêu thương sâu nặng dành cho những đứa con đang ngày đêm cầm súng canh giữ sự bình yên của Tổ quốc. (0.5)

5. Học sinh có nhiều cách trình bày, tuy nhiên có thể theo định hướng sau:

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng cao quý mà mỗi người chúng ta đều phải trân trọng. Đó là tình cảm tốt đẹp nhất mà ta được hưởng trên cõi đời này, tình cảm đó sẽ bồi đắp tâm hồn ta, nâng niu tâm hồn ta, trở thành điểm tựa cho ta trên mỗi bước đường đời ... (1,0)

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

1. Mở bài: (1,0)

Nguyễn Tuân được đánh giá là một trong những cây bút tài hoa nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân, các nhân vật thường được miêu tả, nhìn nhận như một nghệ sĩ. Và tác phẩm "Chữ người tử tù" cũng được xây dựng bằng cách nhìn nhận như vậy. Bên cạnh đó, nhà văn đã khéo léo sáng tạo lên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là cảnh cho chữ trong nhà giam - là phần đặc sắc nhất của thiên truyện này "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có".

2. Thân bài

  • Giới thiệu tóm tắt về nhân vật Huấn Cao (0,5)
    • Huấn Cao vốn là kẻ đại nghịch dám khởi nghĩa chống lại triều đình đương thời. Khởi nghĩa thất bại, ông bị coi là giặc bị bắt giam và xử án tử hình.
    • Những ngày đầu trong nhà lao, Huấn Cao tỏ ra lãnh đạm, coi thường viên quan coi ngục, nhưng sau khi biết sở thích cao quý của nguc quan, ông đã đồng ý cho chữ.
  • Phân tích cảnh cho chữ
    • Cảnh cho chữ: "Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có"
      • Hoàn cảnh và địa điểm cho chữ: thường được diễn ra ở những nơi thư phòng, còn ở đây lại diễn ra giữa nhà tù – nơi ngự trị của bóng tối, cái ác -> những thứ thù địch với cái đẹp. (1,0)
      • Tư thế của những người cho chữ và nhận chữ cũng "xưa nay chưa từng có": kẻ có quyền hành thì không có "quyền uy". "Uy quyền" thuộc về Huấn Cao - kẻ bị tước đi mọi thứ quyền. Người nắm quyền sinh, quyền sát thì "khúm núm", "run run", trong khi kẻ tử tù thì ung dung, đường bệ. Kẻ có chức năng giáo dục tội phạm thì đang được tội phạm "giáo dục". (1,0)
    • Cho lời khuyên: (1,0)
      • Nội dung lời khuyên: Huấn Cao khuyên viên quản ngục từ bỏ chốn ngục tù nhơ bẩn, tìm về chốn thanh tao để tiếp tục sở nguyện cao quý và giữ thiên lương cho lành vững.
      • Ý nghĩa. của lời khuyên: Là lới di huấn của Huấn Cao (cũng là của nhà văn) nhắn tới quản ngục và tất cả mọi người: Muốn chơi chữ phải giữ lấy thiên lương; trong môi trường của cái ác, cái đẹp khó tồn tại vững bền; Chữ nghĩa, thiên lương không thể sống chung với tội ác và nơi ngục tù đen tối.
      • Tác dụng của lới khuyên: Hành động bái lĩnh của ngục quan... và sức mạnh cảm hóa con người. Bằng con đường của trái tim, sức mạnh ấy càng được nhân lên gấp bội. (0,5)
  • Đặc sắc về nghệ thuật của đọan văn: (1,0)
    • Thủ pháp tương phản: đối lập giữa ánh sáng và bóng tối; giữa cái hỗn độn xô bồ của nhà giam với cái thanh khiết, cao cả của nền lụa trắng, nét chữ đẹp và thoi mực thơm; giữa kẻ tử tù đang ban phát cái đẹp, cái thiện với viên quan coi ngục "khúm núm", "lĩnh hội" → làm nổi bật tư thế của Huấn Cao với sự vươn lên, thắng thế của ánh sáng với bóng tối, cái đẹp với cái xấu xa nhơ bẩn; cái thiện với cái ác....
    • Nhịp điệu chậm rãi, câu văn giàu hình ảnh, sử dụng nhiều từ Hán Việt ...→ gợi lên không khí thiêng liêng, trang trọng của cảnh cho chữ

3. Kết bài:

Tóm lại, qua đọan văn, Nguyễn Tuân thể hiện niềm tin vững chắc vào con người. Nhà văn khẳng định: Thiên lương là bản tính tự nhiên của con người. Dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn luôn khao khát hướng tới CHÂN - THIỆN - MỸ → Đây chính là chiều sâu giá trị nhân văn của tác phẩm. (1,0)

Lưu ý:

  • Điểm trừ tối đa đối với bài viết không đảm bảo bố cục bài văn nghị luận là 2.0 điểm.
  • Điểm trừ tối đa với bài làm mắc nhiều lỗi lập luận là 1.0 điểm.
  • Điểm trừ tối đa đối với bài viết có nhiều lỗi diễn đạt, chính tả là 0.5 điểm.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm