Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 3, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017 có đáp án đi kèm. Đây là tài liệu tham khảo hay dành cho các em học sinh, giúp các em củng cố lại kiến thức, ôn thi học kì I lớp 11 hiệu quả, nhằm đạt kết quả tốt trong năm học.

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành số 3, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai năm học 2016 - 2017

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 3
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi gồm có 01 trang)
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ I
NĂM HỌC: 2016- 2017
Môn: Ngữ văn - Lớp: 11
(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Hai câu "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta" liên kết với nhau bằng phép liên kết nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Đoạn văn đề cập đến nội dung gì? (1.0 điểm)

Câu 4. Chỉ ra 02 biện pháp tu từ được sử dụng và nêu hiệu quả của nó trong câu văn: "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước." (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước".

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng bà Tú trong bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Trần Tế Xương.

Đáp án đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2. Phép liên kết: Phép thế (Đó là)

3. Nội dung đoạn văn:

  • Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
  • Chính tinh thần yêu nước đã giúp nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù.

Học sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục.

  • Điểm 1,0: Trả lời đúng, đầy đủ nội dung trên, hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lý.
  • Điểm 0,5: Trả lời được ½ nội dung trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời chung chung chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

4. Học sinh trả lời được 2 trong các biện pháp tu từ sau:

  • Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ; Điệp từ; Liệt kê; Lặp cấu trúc; Nhân hóa. (Trả lời được 01 biện pháp tu từ cho 0.25 điểm; Không trả lời hoặc trả lời sai thì không cho điểm)
  • Tác dụng:
    • Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.
    • Tạo nhịp điệu sôi nổi, mạnh mẽ cho câu văn.
    • Thể hiện niềm tự hào của Hồ Chí Minh về truyền thống quý báu của dân tộc ta.

(Trả lời được cả 3 tác dụng nêu trên cho 0.5 điểm. Trả lời được 1 hoặc 2 trong 3 tác dụng nêu trên cho 0.25 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước".

Yêu cầu về hình thức:

  • Đảm bảo viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ
  • Đoạn văn có đầy đủ: câu mở đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn.
  • Trình bày rõ ràng mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

Yêu cầu về nội dung: Có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đảm bào các ý cơ bản sau:

1. Giải thích:

Lòng nồng nàn yêu nước: Là tình yêu sâu đậm đối với quê hương, đất nước; nỗ lực cố gắng không ngừng để dựng xây và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

=> Khẳng định: Lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng cao cả của mỗi người dân Việt Nam

2. Bàn luận:

  • Biểu hiện lòng yêu nước nồng nàn của dân ta:
    • Khi có giặc ngoại xâm: Căm thù giặc sâu sắc; ý chí quyết tâm đánh đuổi kẻ thù; sẵn sàng hi sinh bảo vệ đất nước ... (Lấy một số dẫn chứng những tấm gương yêu nước: Thời xưa: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo... Thời Pháp + Mỹ xâm lược: Phan Bội Châu, chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng La Văn Cầu... )
    • Thời bình: Tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp của non sông đất nước; ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh...
  • Phê phán những biểu hiện không thể hiện lòng yêu nước: Các thế lực, tổ chức người Việt Nam trong và ngoài nước ra sức chống phá nhà nước. Các cá nhân không có ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh..

3. Bài học nhận thức và hành động

  • Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc, là thước đo về nhân cách trong con người Việt Nam
  • Yêu nước nhưng không cố chấp, bảo thủ (ta về ta tắm ao ta...). Yêu nước không đồng nghĩa với những hành động bài ngoại, cố thủ với những thói quen, tập tục cần thay đổi.
  • Có lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc nhưng không bằng lòng với những gì đang có.
  • Mỗi người cần ý thức luôn luôn duy trì và phát triển đất nước, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh...
  • Yêu nước nhưng không che giấu, chấp nhận những thói hư tật xấu của người Việt Nam, phải đấu tranh, phê phán các hành động không thể hiện lòng yêu nước, làm xấu hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, để đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng bà Tú trong bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Trần Tế Xương

1. Về kỹ năng:

  • Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương, học sinh biết phát hiện và phân tích những đặc sắc nghệ thuật để làm nổi bật chân dung bà Tú.
  • Bài viết hoàn chỉnh (MB-TB-KB); diễn đạt rõ ràng, lập luận chặt chẽ kết hợp với phân tích dẫn chứng; chữ viết sạch đẹp, không mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

2. Về kiến thức:

* Lưu ý: Bài làm có thể triển khai theo các cách khác nhau song cơ bản phải làm sáng tỏ những nội dung sau:

a. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
  • Khái quát hình tượng bà Tú

b. Thân bài:

Bà Tú hiện lên qua nỗi lòng thương vợ của ông Tú (Nhà thơ Trần Tế Xương) với nhiều phẩm chất đẹp:

* Bà Tú là một phụ nữ tần tảo, vất vả, đảm đang, hết lòng vì chồng con (4 câu thơ đầu)

  • 2 câu thơ đầu

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.

    • "quanh năm" -> thời gian làm việc không ngơi nghỉ
    • "mom sông" -> địa thế bấp bênh, đầy bất trắc.
    • "năm con với một chồng" -> bà là người phải một mình lo toan cho cả gia đình - câu thơ còn ẩn chứa tâm sự chua xót của ông Tú khi đặt 5 con đối xứng với 1 chồng, dường như Tú Xương đang tự trách mình đã trở thành gánh nặng cho người vợ, làm bà thêm vất vả.
  • 2 câu thơ tiếp

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông,

    • "lặn lội thân cò" - cách nói nhấn mạnh vào sự vất vả, âm thầm hi sinh của bà Tú.
    • "khi quãng vắng", "buổi đò đông'' -> những không gian, thời gian ẩn chứa nhiều nguy hiểm (ca dao: Con ơi nhớ lấy câu này/Sông sâu chớ lội đò đầy chớ sang)

* Bà Tú là một phụ nữ vị tha, giàu đức hi sinh: 2 câu tiếp

Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công

  • "một duyên hai nợ âu đành phận" -> Duyên và nợ là hai khái niệm đối lập nhau. Theo cách hiểu dân gian, duyên là điều tốt đẹp, là sự hòa hợp tự nhiên, còn nợ là gánh nặng, là trách nhiệm mà con người ta bị vướng mắc phải. Duyên là sự may mắn, còn nợ là sự rủi ro. Ở đây, khi lấy ông Tú, may mắn bà Tú chỉ hưởng có một mà rủi ro lại gấp đôi, tức là sung sướng thì ít ỏi mà khổ cực thì lại nhiều. Dù vậy, bà coi đó là cái phận, cái định mệnh mà ông trời đã áp đặt sẵn cho mình. Vì thế, bà cam chịu, chấp nhận, không kêu ca mà âm thầm chịu đựng.
  • "năm nắng..." -> Bà Tú sẵn sàng vượt qua "năm nắng mười mưa" – những nỗi khó khăn tăng cấp chồng chất, bà dám "quản công", tự nguyện gánh vác trách nhiệm chăm lo gia đình.

* Thái độ tình cảm của ông Tú: Thấu hiểu, yêu thương, trân trọng, ngợi ca, biết ơn đối với bà Tú. (6 câu đầu bộc lộ gián tiếp
qua công việc vất vả của bà Tú, 2 câu cuối bộc lộ trực tiếp qua tiếng chửi "thói đời", chửi chính mình)

=> Cả bài thơ nổi bật lên hình tượng phụ nữ chịu thương chịu khó, vất vả ngày đêm hết lòng chăm lo cho cuộc sống gia đình đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông, biết ơn của người chồng đối với sự hi sinh lặng thầm của vợ. Có thể nói, ở bà Tú đã hội tụ đầy đủ những đức tính quý báu nhất của người phụ nữ Việt Nam.

* Nghệ thuật xây dựng hình tượng bà Tú:

Từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm, vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian (hình ảnh thân cò lặn lội, sử dụng nhiều thành ngữ), ngôn ngữ đời sống (cách nói khẩu ngữ, sử dụng tiếng chửi).

c. Kết bài:

  • Đánh giá tổng quát hình tượng bà Tú của trong bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Trần Tế Xương
  • So sánh liên hệ thực tế về người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Lưu ý:

  • Giám khảo căn cứ vào tình hình cụ thể bài làm để cho điểm sát với trình độ học sinh.
  • Cần khuyến khích những bài viết có sự sáng tạo
  • Điểm toàn bài lấy lẻ đến 0.5 điểm
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm